Cha & Con Trai (Bài 4)
- Cho con vật chất, tiền bạc thay vì cho con thì giờ
- Dồn tất cả nhiệt thành và sức lực vào công việc, cuối ngày trở về không còn gì cho gia đình
- Dùng lời nói quá nhiều, như ra lệnh, đòi hỏi, la mắng chứ ít khi nào yên lặng lắng nghe
- Đòi hỏi con cái phải toàn hảo, không chấp nhận những yếu đuối lầm lỡ của con
Nhìn vào người cha trong gia đình mình hay những gia đình chung quanh, có lẽ chúng ta đều đồng ý rằng có nhiều ông cha vấp phải bốn lỗi lầm trên. Bây giờ chúng tôi xin đi vào chi tiết những điều này.
1. Cho con vật chất thay vì thì giờ
Ưu tư hàng đầu của các ông cha là đi làm để nuôi gia đình. Đây là điều tốt, vì là trách nhiệm chính yếu của người chủ gia đình. Tuy nhiên, con cái không chỉ cần cha cung ứng nhu cầu cơm áo mà cũng cần tình thương của cha. Các ông không biết rằng con cái mong ước được ở gần cha và muốn cha trò chuyện, chơi đùa với mình. Nhiều ông thường nghĩ rằng mình đi làm đem tiền về nuôi gia đình là xong trách nhiệm. Nhiều người thích lấy tiền thì mua sắm cho con cái này cái kia chứ không muốn tham dự vào những sinh hoạt của con, cũng không quan tâm đến nhu cầu tình cảm của con.
Thưa quý vị, con em chúng ta cần cơm ăn áo mặc nhưng cũng cần được cha quan tâm, trò chuyện. Không món quà nào có ý nghĩa đối với con cái cho bằng được cha dành thì giờ chăm sóc, trò chuyện, chơi đùa. Chẳng hạn như đưa con đi công viên, đi chơi banh, tập cho con đi xe đạp, giúp con làm homework hay ngồi lại trò chuyện với con. Nhiều người nghĩ rằng nếu mình chịu khó đi làm nhiều hơn, đem tiền về nhiều hơn là gia đình sẽ vui vẻ, hạnh phúc. Có những ông cha không ngại tốn tiền khi mua cho con những đồ chơi mới nhất, máy móc tân tiến nhất, những quần áo đắt tiền nhất, nhưng dành thì giờ cho con thì lại cảm thấy như phí phạm, vô ích. Sống ở xứ tư bản giàu có này, chúng ta rất dễ chạy theo những món hàng mới người ta quảng cáo, nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để cung cấp cho gia đình, nhất là cho con cái. Điều này thấy như đúng mà không đúng, vì tiền của, vật chất không bảo đảm một đời sống vui vẻ, hạnh phúc. Chúa Giê-xu dạy:
Sự sống của người ta không phải cốt tại của cải mình dư dật đâu( (Phúc Âm Lu-ca 12:15b)
Trái lại, niềm vui và hạnh phúc là thỏa lòng với những điều mình có và vui hưởng tình thương của người thân trong gia đình.
Trong đám tang của người cha trong một gia đình nọ, khi người con trưởng nam nói lên cảm nghĩ của mình đối với cha, anh không nhắc những sung sướng về vật chất mà cha đã cung ứng cho gia đình nhưng anh nhắc lại những chăm sóc nhỏ nhặt cha dành cho anh. Người con nói: “Tôi không bao giờ quên, năm đó tôi khoảng 9 tuổi. Khi cha tôi đi công tác xa thì tôi bị đau. Nghe tin tôi bệnh, cha tôi đã bỏ công việc, trở về thăm tôi và đem cho tôi một món quà!” Điều cha làm không những nói lên tình thương ông dành cho tôi nhưng còn cho thấy, đối với ông, con cái quan trọng hơn công danh sự nghiệp.
2. Dồn hết nhiệt thành và sức lực vào công việc nên không còn gì cho gia đình
Mỗi ngày chúng ta đều có một số năng lực giới hạn. Các ông cũng như các bà. Và các ông cha thường dành hết hăng hái, nhiệt thành và sức lực cho công việc và cho bạn bè. Mỗi buổi sáng đi làm, các ông có đầy sinh lực, và tại chỗ làm, các ông làm hết lòng, hết sức; cố gắng vui vẻ với mọi người, làm việc hăng hái nhiệt tình để làm vừa lòng chủ. Đến cuối ngày, về đến nhà, người cha thường không còn sức lực nào để quan tâm đến vợ con. Thật ra, khi về đến nhà các ông thường mệt mỏi, tinh thần căng thẳng nên dễ bực bội, cau có với vợ con.
Nhiều ông yêu công việc, sẵn sàng quên ăn quên ngủ để làm cho xong việc. Và vì quá yêu công việc, những ông cha đó không nghĩ gì đến gia đình. Những người làm như thế quên rằng công ăn việc làm chỉ là phương tiện để sinh sống, còn hạnh phúc gia đình, niềm vui của vợ con mới là cứu cánh của cuộc đời. Khi cha không còn nữa, con cái sẽ không nhớ cái chức vị hay danh hiệu mà cha mình đã nắm giữ hay số tiền cha kiếm được hằng tháng, nhưng sẽ ghi nhớ những nụ cười, những lời yêu thương khích lệ cha dành cho mình. Khi đi làm, các ông cần để dành sức lực, sự vui vẻ, nhiệt thành cho vợ con, đừng phung phí tất cả để rồi khi về đến nhà chỉ còn như cái xác không hồn, là người chồng, người cha lúc nào cũng cau có, khó chịu, sẵn sàng nổi giận với vợ con .
3. Nói quá nhiều, ít khi nào yên lặng lắng nghe
Lỗi lầm thứ ba mà nhiều ông cha thường vấp phải là sử dụng lời nói quá nhiều. Ngoại trừ những ông cha không nói chuyện với vợ con, những ông cha khác thường to tiếng ra lệnh, sai bảo vợ con làm điều này điều kia hoặc giận dữ la mắng con cái chứ ít khi nào nói năng ôn tồn hoặc yên lặng chú ý nghe con nói. Nguyên tắc Thánh Kinh dạy về cách sử dụng lời nói là: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Lời Chúa dạy, người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận; tức là nguyên tắc này áp dụng cho tất cả mọi người. Không phải người cha làm chủ gia đình là có quyền nói nhiều, nói to, không cần phải nghe ai cả và có quyền nổi giận bất cứ lúc nào.
Văn hóa Á đông của chúng ta nhiều khi cho người đàn ông quá nhiều quyền hạn. Các ông hầu như có quyền làm tổn thương vợ con bằng hành động và lời nói, còn vợ con là người dưới quyền phải chấp nhận. Đây là điều chúng ta cần loại bỏ khỏi gia đình của mình, vì nó đi ngược với lời Chúa dạy. Dù ở sở làm hay trong quân đội, các ông có quyền nạt nộ, ra lệnh nhưng về nhà không thể áp dụng điều đó, trong gia đình mọi người đều phải mau nghe, chậm nói, chậm giận, và ông cha là người phải làm gương trước nhất. Thật ra, khi các ông nổi giận, la lối to tiếng, mọi người yên lặng, sợ hãi nhưng chưa hẳn đã vâng lời. Trái lại khi cha nói ít, nói nhẹ nhàng và chú tâm lắng nghe, con cái sẽ kính trọng và sẵn sàng vâng lời. Kinh Thánh dạy: “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa là sự sửa phạt đầy nhân từ, yêu thương.
4. Không chấp nhận những vụng về lầm lỗi của con
Là cha, các ông cần thúc đẩy, nhắc nhở để con cái siêng năng học hành và làm việc hầu nên người trưởng thành. Tuy nhiên, chúng ta không nên đòi hỏi con quá đáng, hoặc buộc con phải toàn hảo về mọi mặt. Chẳng hạn như học thì phải được điểm A, phải đứng đầu lớp, làm gì cũng phải tốt, không sai hỏng chút nào. Con em chúng ta đang trong tuổi học hỏi để trưởng thành nên không thể tránh được vấp váp, lỗi lầm. Chúng ta cần thông cảm chấp nhận những vấp váp đó và kiên nhẫn hướng dẫn con từng bước. Nếu đòi hỏi con toàn hảo, chúng ta có thể đẩy con đến chỗ gian dối hay giả dối để che đậy khuyết điểm của mình. Mục tiêu của cha mẹ là tạo nên những con người ngay thẳng, chân thật chớ không phải những con người lúc nào cũng ganh đua, làm mọi cách để hơn người khác.
Các vị lãnh đạo tinh thần cho biết, sự khuyên dạy hướng dẫn của người cha có ảnh hưởng nhiều đến đức tin của con cái đối với Đức Chúa Trời, Người Cha thiên thượng. Khi các con còn nhỏ, chúng ta dạy rằng Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta vì Ngài tạo dựng nên chúng ta. Các em không nhìn thấy Chúa nhưng chỉ thấy người cha trong gia đình.
Khi nghe nói Chúa là Cha, các em hình dung Chúa như người cha của mình. Nếu cha nhân từ, yêu thương, các em sẽ nghĩ Chúa cũng là Đấng nhân từ, yêu thương, và sẽ dễ cảm nhận tình thương của Chúa. Nếu cha kiên nhẫn với các em, các em tin là Chúa cũng kiên nhẫn đối với mình. Nếu các em có người cha sẵn sàng ban cho, sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của con, các em sẽ không sợ khi đến với Chúa, vì tin rằng Chúa cũng sẽ ban cho các em điều các em cầu xin và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của các em. Nếu cha yêu thương chấp nhận những yếu đuối bất toàn của con cái, con cái dễ dàng tin rằng Chúa sẽ chấp nhận mình, dù mình tội lỗi, xấu xa. Nếu được cha bảo bọc, che chở, con em chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được sự bảo hộ gìn giữ của Chúa trên đời sống mình.
Ngược lại, nếu một người con có kinh nghiệm không đẹp với cha, khi được dạy về Đức Chúa Trời, người đó sẽ khó tiếp nhận, khó cảm nhận được tình thương của Chúa và thấy xa cách với Ngài. Thi Thiên thứ 103 mô tả Thiên Chúa, Người Cha Thiên Thượng của chúng ta như sau:
Ngài có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy sự nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời!
Cầu xin Chúa giúp chúng ta trong vai trò làm cha mẹ, đặc biệt là các ông trong vai trò làm cha, noi theo mẫu mực của Chúa, dành thì giờ cho con, yêu thương con và bày tỏ tình thương đó cách cụ thể, để con cái có mối quan hệ gần gũi thân thương với cha. Từ đó mối quan hệ của các em với người chung quanh sẽ được quân bình và đức tin của các em nơi Thiên Chúa được bền chặt, tốt đẹp.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Last Thursday, Thank http://www.tinlanh.org for your every Thursday on Radio 1480 Am, and Sat , 7am, We have learned a lot from your practical guideline. God bless. Thank you. Perfect, Useful, and Costly? for you? http://www.tinlanh.org? Wish you can go on, many help you to have fund. Thank you.