Mục Đích Hôn Nhân (Bài 11)
Kính chào quý thính giả, thế giới chúng ta đang sống tràn đầy khó khăn về mọi mặt: thiên tai, dịch lệ, chiến tranh, và bạo động xảy ra khắp nơi. Dù vậy, chúng tôi mong rằng quý vị và gia đình vẫn được bình an trong sự che chở, bảo vệ của Chúa. Và cảm tạ Chúa, Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành vẫn được đến với quý vị. Hôm nay chúng ta lại cùng nhìn vào những nguyên tắc Chúa dạy trong Kinh Thánh về cách cư xử với người chung quanh, đặc biệt là với người vợ/người chồng mà Chúa đã ban cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta đều biết, hôn nhân là kết hợp suốt cả cuộc đời. Chúa Giê-xu dạy:
Vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã phối hợp (Phúc Âm Ma-thi-ơ 19:6)
Sứ đồ Phao-lô cũng khuyên:
Chồng còn sống bao lâu thì vợ phải buộc chặt với chồng bấy lâu (Thư I Cô-rinh-tô 7:39a)
Để vợ chồng có thể gắn bó với nhau suốt cả cuộc đời trong hạnh phúc bình an, chúng ta cần sống với nhau bằng tình yêu của Chúa, là tình yêu vị tha, vô điều kiện, không phai tàn, để đem lại phúc lợi cho người mình yêu. Chúng ta đã biết đặc điểm của người có tình yêu thật mà Kinh Thánh mô tả. Khi vợ chồng thật lòng yêu nhau, sẽ cư xử với nhau cách nhẫn nhục, nhân từ, không ganh tị, không kiêu ngạo, không làm điều trái phép, không tìm lợi riêng… Tuy nhiên, để người bạn đời cảm nhận được tình yêu đó, chúng ta phải tỏ bày qua lời nói và việc làm cụ thể. Một trong những lý do khiến vợ chồng có sự ngăn cách, hiểu lầm hoặc không thông cảm là vì đôi bên thiếu trao đổi, thiếu trò chuyện với nhau, nói theo từ chuyên môn trong tâm vấn hôn nhân là, vợ chồng thiếu đối thoại, và chính vì thế đưa đến chỗ không hiểu nhau và không thông cảm.
Đối thoại trong hôn nhân là điều rất quan trọng nhưng nhiều vợ chồng không biết hoặc không quan tâm. Một nhà giáo dục chuyên về tâm vấn hôn nhân nói:
Nếu tôi được phép nhắn nhủ đôi bạn trẻ sắp bước vào hôn nhân chỉ một lời khuyên mà thôi thì lời khuyên đó là: đối thoại giữa vợ chồng rất quan trọng cho nên bằng mọi giá, vợ chồng phải giữ cho đường dây đối thoại được luôn luôn tốt đẹp.
Vì việc trao đổi tâm tình giữa vợ chồng quan trọng nên cũng có người đã nói:
Giòng máu luân lưu trong thân thể cần thiết và quan trọng đối với sự sống như thế nào thì đường dây đối thoại giữa vợ chồng cũng cần thiết và quan trọng như vậy. Nếu dòng máu trong cơ thể bị nghẹt ngòi chúng ta sẽ chết, tương tự như vậy, nếu đường dây đối thoại giữa vợ chồng không tốt đẹp nhưng bế tắc, hôn nhân đó sẽ khó có thể tồn tại.
Chúng ta cần trao đổi, trò chuyện với người thân trong gia đình, nhất là với người bạn đời, để hiểu nhau, thông cảm nhau và gắn bó làm một với nhau, nhưng đời sống quá bận rộn, với bao nhiêu việc phải làm, phải lo, nhiều khi không có đủ thì giờ để làm hết những việc cần làm mỗi ngày, làm sao có thì giờ trò chuyện với nhau? Không những thế, thời đại chúng ta đang sống hiện nay, trong thế kỷ 21 này, được gọi là thời đại tin học, the age of information. Chung quanh chúng ta lúc nào cũng tràn ngập tiếng ồn ào: từ ti-vi, radio, từ cái cell phone của người chung quanh và của chính chúng ta. Ngoài ra, những emails, Facebook messengers gởi tới trên máy điện toán khiến tâm trí chúng ta bận rộn với bao nhiêu tin tức, lời nhắn, lời kêu gọi từ mọi phía. Người trong thế kỷ 21 này muốn đối thoại với mọi người, trao đổi tin tức với mọi người mình quen biết nên đời sống trở nên bận rộn tất bật với những thông tin từ khắp nơi đổ về đến nỗi chúng ta khó có thể tìm được một nơi yên tịnh để tâm hồn thật sự được lắng dịu nghỉ ngơi. Những bận rộn trong trách nhiệm với gia đình cũng khiến vợ chồng không còn thì giờ yên tịnh để chia sẻ tâm tình hay trò chuyện với nhau như những ngày chưa cưới.
Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời tuyên bố:
Bởi vậy, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai trở nên một thịt (Sáng thế ký 2:24, Bản Hiệu Đính)
Chúa Giê-xu cũng nhắc lại lời tuyên bố này. Chúa phán:
Từ hồi ban đầu Đấng Tạo Hóa đã tạo nên người nam và người nữ, và phán: Vì lý do đó, người nam sẽ lìa cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và hai người sẽ trở nên một thịt (Phúc Âm Ma-thi-ơ 19:4-5)
Lời tuyên bố này cho thấy vợ chồng phải gắn bó làm một: một đơn vị, một đời sống. Để thật sự kết hợp làm một trong mọi phương diện, vợ chồng cần giữ cho đường dây đối thoại được thông thương, phải dành thì giờ trò chuyện, trao đổi tâm tình thường xuyên, vì nếu không, chúng ta không thể biết được ý tưởng trong lòng nhau và vì thế khó hiệp một với nhau. Nếu vợ chồng không nói ra, không chia xẻ với nhau những điều suy nghĩ trong trí, trong lòng thì người này sẽ không thể biết người kia nghĩ gì, lo lắng gì hay mong ước điều gì.
Có người tuyên bố: “Tôi quá biết chồng tôi/vợ tôi, nhiều chuyện chưa nói ra tôi đã biết rồi!” Thưa quý vị, có thể sau 40 năm hay 50 năm chung sống, một số vợ chồng có thể biết ý nhau nhưng với những vợ chồng trẻ hơn, mới sống với nhau năm, mười năm, hai mươi năm không thể biết người phối ngẫu suy nghĩ gì hay mong ước điều gì. Vì các ông không thể biết vợ mình suy nghĩ gì, mong ước điều gì nên nếu muốn chồng thông cảm với những cảm xúc buồn vui trong lòng mình, người vợ phải nói ra, phải chia xẻ. Tương tự như vậy, nếu các ông muốn vợ hiểu và thông cảm với những gánh nặng mình phải đối diện trong công việc hằng ngày thì phải chia xẻ, phải nói cho vợ biết.
Đối thoại là quyết định của ý chí, chúng ta phải muốn nói, phải quyết định chia xẻ với nhau những suy nghĩ trong lòng thì đường dây đối thoại giữa vợ chồng mới được mở ra cách tốt đẹp. Chúng ta muốn đối thoại với vợ/chồng hay không muốn, đó là quyết định của chúng ta, nhưng chúng ta không thể nói: “Tính tôi là như vậy, tôi không giỏi nói, không có tài ăn nói nên tôi không muốn nói chuyện với ai hết.” Trong thực tế những người sống về nội tâm, có nhiều điều suy nghĩ trong lòng nhưng không muốn nói hay chia xẻ với ai, ngay cả với người phối ngẫu. Những người này rất ít nói, không có nhu cầu nói. Ngược lại cũng có những người nói nhiều, nghĩ điều gì hay có ý tưởng nào trong trí là phải nói ra ngay. Nan đề của người có tính ít nói là không thể nói hay không muốn nói ra những gì mình suy nghĩ, còn nan đề của người hay nói hoặc nói nhiều là không biết lắng nghe, không kiên nhẫn lắng nghe. Nếu muốn hôn nhân hạnh phúc, đối thoại giữa vợ chồng được tốt đẹp, chúng ta phải tập nói ra những điều suy nghĩ trong lòng và cũng tập chú ý lắng nghe. Nói một cách khác, chúng ta không thể đổ lỗi cho tính ít nói hay tính nói nhiều của mình nhưng phải khắc phục bản tính tự nhiên đó và quyết định chia xẻ trao đổi với người bạn đời.
Về cách đối thoại giữa người này với người kia, sứ đồ Gia-cơ biết chúng ta hay đổ lỗi cho bản tính của mình nên ông khuyên:
Thưa anh em yêu dấu của tôi, anh em phải biết điều này: Mọi người đều phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận (Thư Gia-cơ 1:19, Bản Hiệu Đính)
Dù bản tính của chúng ta là nói nhiều hay ít nói, nếu thật sự yêu vợ/yêu chồng mình chúng ta phải tập mau nghe, chậm nói và chậm giận, tức là phải sẵn sàng lắng nghe, nghe đầy đủ rồi mới nói và không dễ giận. Làm sao có thể thực hành lời Chúa dạy? Khi chúng ta đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, hết lòng nhờ Chúa để sống theo lời Chúa dạy, Ngài sẽ giúp sức cho chúng ta. Nhất là, nếu chúng ta muốn thực hành Lời Chúa dạy để vợ chồng kết hợp làm một và gắn bó với nhau suốt đời, chắc chắn Chúa sẽ hướng dẫn và giúp sức để chúng ta có thể áp dụng Lời Chúa dạy vào đời sống (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Rất hay và rất ý nghĩa giúp mọi người tìm ra được ý nghĩa đích thực của đời sống đời thường và đời sống Tâm Linh!Da ta!