Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 14)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi xin hoan nghênh quý vị đón nghe “Câu Chuyện Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong thời gian qua, dựa vào Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh chúng tôi trình bày chủ đề: “Tiêu Chuẩn cho Một Hôn Nhân Bền Lâu.” Ba tiêu chuẩn chúng tôi đã chia xẻ là:
(1) Vợ chồng yêu nhau bằng tình yêu chân thật, không ích kỷ nhưng luôn quan tâm đến phúc lợi của nhau. (2) Dứt khoát với những ràng buộc và thói quen của đời sống độc thân để vợ chồng thật sự hiệp làm một. (3) Cẩn thận tránh xa cám dỗ tình dục, dưới mọi hình thức và trong mọi hoàn cảnh.
Hôm nay chúng tôi xin trình bày nguyên tắc thứ tư giúp chúng ta có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, đó là, (4) Vợ chồng cần dành thì giờ trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau thường xuyên để hiểu nhau và thông cảm nhau, nhất là khi phải đối diện với những nan đề trong đời sống.
Khi một đôi bạn trẻ mới quen và mới bước vào tình yêu, lúc nào cũng nghĩ đến nhau, muốn gặp nhau để trò chuyện, để chia xẻ tâm tình; dù nhiều khi không có chuyện gì cần nói các bạn cũng muốn gặp nhau thường xuyên và có nhiều thì giờ ở bên nhau. Khi đã nên vợ chồng, chúng ta cũng cần tiếp tục trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau thường xuyên như vậy. Có người nói rằng, để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu, vợ chồng phải có nhiều điều tương xứng hay tương đồng. Ví dụ như: cùng lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế giống nhau, tuổi tác không quá cách biệt và cùng có mức độ hoc vấn như nhau, v.v… đây là điều tốt cho hôn nhân. Tuy nhiên, có một điều khác cũng rất quan trọng, sẽ giúp vợ chồng gần nhau, hiểu nhau, hôn nhân được vững mạnh; trái lại nếu thiếu điều này sẽ khiến tình cảm vợ chồng giảm dần đi và hôn nhân có thể đi đến gãy đổ. Ðiều quan trọng đó gọi là: “Đối thoại trong hôn nhân” là thì giờ hay cách vợ chồng trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau. Vợ chồng nào dành thì giờ trò chuyện, chia xẻ tâm tình với nhau thường xuyên, hôn nhân của hai người sẽ vững mạnh. Nếu để ý những đôi vợ chồng vui vẻ, hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy những vợ chồng này không có nan đề trong đối thoại, họ nói chuyện với nhau thường xuyên, dễ dàng và cởi mở, vui vẻ. Trái lại, những vợ chồng có nhiều căng thẳng trong đời sống, nan đề của họ hầu hết đều bắt nguồn từ chỗ vợ chồng không trò chuyện, thiếu trao đổi, không ai muốn lắng nghe, vì thế vợ chồng không hiểu nhau, không thông cảm và dần dần đi đến chỗ phiền giận, ngăn cách, hiểu lầm nhau và cuối cùng, đưa đến những nan đề to lớn hơn.
Các đôi bạn trẻ lúc mới yêu thường dành nhiều thì giờ trò chuyện, lắng nghe, chia xẻ buồn vui cũng như nói lên những điều suy nghĩ trong lòng vì thế dễ gần nhau, hiểu nhau và thông cảm nhau. Nhưng sau khi nên vợ chồng một thời gian, nhiều người không trò chuyện, không còn chia xẻ tâm tình với nhau nữa. Vì sao vậy? Có lẽ vì nghĩ rằng, mình đã long trọng trao đổi với nhau lời hứa nguyện trong lễ cưới, đã sống chung dưới một mái nhà, ở gần bên nhau mỗi ngày thì sẽ tự nhiên, tự động ngày càng khắng khít, càng yêu thương gắn bó nhau hơn. Nhưng thực tế không phải như vậy. Dù vợ chồng sống gần bên nhau, cùng chia xẻ với nhau nhiều điều nhưng nếu không trò chuyện, không có cơ hội nói lên những gì mình suy nghĩ hay mơ ước thì sẽ không hiểu nhau, và vì thế sẽ ngày càng ngăn cách về mặt tinh thần cũng như tình cảm. Có những vợ chồng vì bận rộn với việc làm, với con cái, không còn thì giờ trò chuyện, chia xẻ với nhau điều mình suy nghĩ nên dù sống chung dưới một mái nhà, gặp nhau mỗi ngày nhưng hai người như hai hoang đảo xa lạ. Có những người sống bên vợ/chồng đã bao nhiêu năm tháng mà lúc nào cũng cảm thấy cô đơn, vì không nói chuyện, không chia xẻ nên không hiểu nhau và kết quả là không thông cảm nhau. Cũng có những vợ chồng, dù còn trẻ nhưng khi có thì giờ gần bên nhau không biết nói gì hay chia xẻ điều gì với nhau vì không quen nói. Ðể vợ chồng dễ dàng trò chuyện cách thân thiết, hầu hiểu nhau, thông cảm với nhau và thật sự hiệp một, chúng ta cần có đối thoại. Và để có đối thoại chúng ta phải quyết tâm dành thì giờ cho nhau. Vợ chồng quyết tâm dành thì giờ trò chuyện thấy như là điều dễ nhưng thật ra không dễ. Có nhiều lý do khiến vợ chồng bận rộn, không có thì giờ với nhau, vì thế không trò chuyện hay chia xẻ tâm tình với nhau thường xuyên, rồi đến khi lớn tưổi, con cái ra riêng, lúc đó có thì giờ hơn nhưng lại không quen nói chuyện với nhau, không biết chia xẻ điều gì hay nói gì với nhau.
Những điều cản trở đối thoại giữa vợ chồng
Nếu vợ chồng quý vị đang có nan đề như: không hiểu nhau hay không thông cảm, chúng ta cần thành thật nhìn lại xem lý do nào hay điều gì đã khiến đường dây đối thoại giữa vợ chồng bị tắc nghẽn.
Có nhiều điều, nhiều lý do khiến vợ chồng không trò chuyện với nhau dần dần không hiểu nhau.
(1) Ðời sống quá bận rộn. Trong xã hội kinh tế mở rộng như tại đây, đời sống vật chất đầy đủ thoải mái nhưng mọi người cũng rất là bận rộn. Trong hầu hết các gia đình cả hai vợ chồng đều đi làm, những ngày không đi làm thì cũng có nhiều việc phải lo, phải giải quyết. Có những gia đình từ sáng sớm cho đến chiều tối vợ chồng không gặp nhau, suốt cả tuần không ăn chung với nhau được một bữa. Rồi cuối tuần cũng vậy, có bao nhiêu trách nhiệm khác phải chu toàn, có khi đó là trách nhiệm với cha mẹ, với bạn bè hay bà con. Quá bận rộn là điều thường thấy trong đời sống những vợ chồng ở tuổi trung niên, tráng niên, là tuổi còn khỏe mạnh và còn làm việc ngoài xã hội. Nếu điều này mô tả đúng đời sống gia đình quý vị, chúng ta cần dừng lại, kiểm điểm xem đã bao lâu rồi vợ chồng mình không có thì giờ tâm tình với nhau, rồi cùng giúp nhau xét xem mình nên loại bỏ bớt điều gì hay công việc nào, để vợ chồng có thì giờ với nhau nhiều hơn. Một nhà tâm vấn hôn nhân nọ đã nói: “Đối thoại trong hôn nhân cũng quan trọng như giòng máu trong cơ thể, nếu vợ chồng thiếu đối thoại, hôn nhân đó sẽ thiếu giòng máu lưu thông, vì vậy sẽ yếu dần và sẽ chết.” Nếu chúng ta không dành thì giờ xây dựng sự gần gũi cảm thông về mặt tinh thần và tình cảm giữa vợ chồng, hôn nhân của chúng ta sẽ khó vững mạnh bền lâu.
(2) Phải lo cho con cái. Lý do thứ hai khiến vợ chồng không có thì giờ trò chuyện với nhau là vì quá bận rộn với con cái. Theo Kinh Thánh dạy, con cái là niềm vui, là ơn phước Chúa ban cho người có gia đình, nhưng con cái cũng thêm cho chúng ta nhiều trách nhiệm. Thật ra, làm cha mẹ và nuôi dạy con nên người là trách nhiệm quan trọng nhất của con người trong đời tạm này. Cha mẹ là người chính yếu nuôi con dạy con, ít nhất là trong 18 năm đầu, tức là từ khi con chào đời cho đến khi trưởng thành, có người còn phải lo cho con lâu hơn nữa. Nhìn chung, con cái là yếu tố lớn khiến vợ chồng không còn thì giờ chăm sóc nhau, đặc biệt là khi các con còn nhỏ. Những vợ chồng trẻ mới có con đều kinh nghiệm điều này. Không gì khiến vợ chồng bận rộn hơn là chăm sóc những đứa con hai, ba tuổi hay bốn, năm tuổi. Con càng nhỏ cha mẹ càng bận rộn nhiều. Rồi khi con bắt đầu lớn, trách nhiệm của cha mẹ cũng lớn theo. Khi con còn bé, chúng ta phải chăm sóc ngày đêm, về mọi mặt. Khi con ba bốn tuổi, cha mẹ phải dạy con học ăn học nói, học cư xử với người chung quanh. Rồi khi con đến tuổi đi học, cha mẹ phải hướng dẫn để con là người học trò ngoan, lo học hành, biết cách cư xử với bạn. Con đến tuổi thiếu niên, cha mẹ phải dạy con về mặt đạo đức, về niềm tin, giúp con tránh những cám dỗ trong đời sống, tránh bạn bè xấu. Khi con lớn hơn nữa, trách nhiệm của cha mẹ lại gia tăng; nhu cầu khi con cái đã lớn không đơn giản, không dễ đáp ứng như khi còn nhỏ mà trái lại, khiến cha mẹ càng mất nhiều thì giờ hơn, lo lắng hơn. Nhất là với con trong tuổi thiếu niên, khi các em có điều cần giúp, cha mẹ thường phải bỏ hết mọi việc để giúp con, sẵn sàng quên mình hay bỏ qua thì giờ cho nhau để lo cho con trước. Chính vì vậy mà những vợ chồng có con nhỏ hoặc trong tuổi thiếu niên thường không còn thì giờ cho nhau. Chúng tôi chia xẻ điều này để chúng ta thấy vấn đề và cẩn thận thế nào để vợ chồng vẫn có thì giờ cho nhau. Vì nếu lúc các con còn nhỏ vì lo cho con, vợ chồng không dành thì giờ xây dựng cho tình yêu vợ chồng được thắm thiết; khi con từ giã cha mẹ để tự lập, chúng ta sẽ thấy buồn vì hụt hẫng, trống vắng; không những thế, vợ chồng khó cảm thấy gần gũi, vì không quen chia sẻ tâm tình, trò chuyện với nhau. Lúc đó tình cảm vợ chồng sẽ phai nhạt, thấy như không cần đến nhau nữa và hôn nhân sẽ trở thành nhàm chán, dễ dàng đi đến đổ vỡ. Vì vậy, khi con còn nhỏ, dù phải lo cho con nhiều, chúng ta cần sắp xếp thế nào để vợ chồng có thì giờ cho nhau, trò chuyện với nhau thường xuyên, nhờ đó sẽ giữ cho tình cảm vợ chồng luôn được đậm đà, thắm thiết (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành