Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 5)
Trong ngày Valentines vừa qua, chúng tôi phải chào vĩnh biệt một chị em rất yêu quý trong Đại Gia Đình của Chúa. Bà là vợ của một Mục sư. Ông bà Mục sư được Chúa ban cho một hôn nhân bền vững suốt hơn 56 năm. Được sống trong một hôn nhân hạnh phúc hơn nửa thế kỷ là một ơn phước đặc biệt và hiếm có. Nhưng, với những vợ chồng yêu thương nhau, dù được sống với nhau bao nhiêu năm vẫn thấy hôn nhân của mình quá ngắn, và khi một người ra đi, người ở lại phải đối diện với nỗi buồn đau thật to lớn và sâu đậm, không thể mô tả được. Hôn nhân của quý vị đã được bao nhiêu năm tháng? Quý vị có đang vui hưởng hôn nhân mình có và mong muốn được thêm nhiều năm tháng bên nhau hay quý vị đang mong được thoát ra khỏi hôn nhân đó?
Trong định chế hôn nhân mà Đức Chúa Trời thiết lập cho con người không có chữ “ly dị.” Chúa phán: “Chồng còn sống bao lâu thì vợ phải buộc chặt với chồng bấy lâu” (Thư I Cô-rinh-tô 7:31). Chúa Giê-xu cũng dạy: “Loài người không nên phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã kết hợp” (Ma-thi-ơ 19:6). Khi thiết lập hôn nhân, Đức Chúa Trời muốn vợ chồng sống bên cạnh nhau, đi chung đường đời với nhau suốt cả cuộc đời. Và để giúp con người có một hôn nhân hạnh phúc suốt đời, Chúa ban cho chúng ta những nguyên tắc trong Kinh Thánh, mà nếu áp dụng, chúng ta sẽ thật sự kinh nghiệm hạnh phúc trong hôn nhân. Những nguyên tắc Kinh Thánh dạy mà chúng ta cần áp dụng trong xã hội văn minh máy móc ngày nay gồm những điều sau: (1) Không ích kỷ, chỉ nghĩ đến phúc lợi riêng. (2) Dứt khoát với những thói quen, những ràng buộc của đời sống độc thân. (3) Vợ chồng trò chuyện với nhau thường xuyên. (4) Cư xử khôn ngoan để những khác biệt và bất đồng ý kiến sẽ củng cố tình yêu vợ chồng. (5) Cẩn thận về tài chánh để không bị nợ nần. (6) Giúp nhau tránh cám dỗ tình dục. (7) Sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của nhau. (8) Chăm sóc cho tình yêu luôn được tươi mới. (9) Khi gặp khó khăn không bỏ cuộc. (10) Quyết tâm xây dựng hôn nhân bền vững cho đến cuối cuộc đời.
Điều đầu tiên chúng ta cần tránh trong hôn nhân là ích kỷ, chỉ nghĩ đến nhu cầu và phúc lợi của riêng mình. Cô dâu chú rể nào cũng bước vào hôn nhân với nhiều điều trông mong ở nhau. Những trông mong này thường giữ trong tâm trí chứ ít khi bày tỏ ra, ít vợ chồng nào nói lên điều mình trông mong ở nhau. Một mục sư nọ nói rằng, mỗi khi làm đám cưới cho đôi tân hôn, ông luôn nhìn thấy trong ánh mắt cô dâu chú rể những điều hai người trông mong ở nhau. Khi nhìn nhau với ánh mắt vui tươi sáng ngời trong ngày cưới, cô dâu chú rể hầu như nói rằng: “tôi đã tìm được người đem lại hạnh phúc cho đời tôi,” Hoặc nói: “Đây là người sẽ đáp ứng mọi nhu cầu cho tôi.” Dĩ nhiên khi bước vào hôn nhân ai cũng có những mơ ước tốt đẹp. Đây là điều tốt, cần có, nhưng chúng ta phải nói cho nhau biết điều mình mong ước trong đời sống chung. Chúng ta thường nhìn vào hôn nhân của cha mẹ, của những vợ chồng chung quanh mình hay những người chúng ta thấy trên ti-vi, trong tiểu thuyết, và nghĩ rằng hôn nhân của mình phải giống như những vợ chồng đó. Nếu chúng ta dựa vào những gia đình đó để biết mình nên trông mong hay mơ ước điều gì cho hôn nhân của chính mình, chúng ta sẽ thất vọng hoặc có thể thất bại nữa.
Nếu trong thời gian qua chúng ta đã vấp váp, đã lỡ ích kỷ trong cách cư xử với người phối ngẫu, khiến tình yêu vợ chồng phai nhạt hay hầu như tình yêu đã chết, chúng ta cần làm gì để cải thiện hay phục hồi hôn nhân của mình? Để vợ chồng không ích kỷ nữa nhưng quan tâm đến niềm vui và phúc lợi của nhau, chúng ta cần suy nghĩ đến một từ rất quan trọng trong mối quan hệ với người phối ngẫu, từ đó là “tình yêu.” Dù ngày nay nhiều người đã làm lệch lạc ý nghĩa đích thực của hai chữ tình yêu và lợi dụng tình yêu để làm những điều tội lỗi, chúng ta vẫn cần sống với nhau bằng tình yêu, tình yêu như Kinh Thánh dạy. Vợ chồng phải có tình yêu mới gắn bó với nhau suốt đời và mới đem lại hạnh phúc cho nhau. Có những vợ chồng sống với nhau năm, mười năm hay hai mươi năm bỗng nhiên thấy mình không còn cảm xúc gì đối với nhau, không còn rung động cũng không còn yêu nhau như lúc ban đầu. Điều này sở dĩ xảy ra là vì vợ chồng không chăm sóc, không nuôi dưỡng cho tình yêu luôn được nồng thắm. Có những vợ chồng sau một thời gian chung sống chỉ còn nghĩa vợ chồng chứ tình yêu hầu như đã chết. Đây là điều thật đáng buồn. Chúa dạy chúng ta phải yêu nhau như Chúa đã yêu. Tình yêu của Chúa là tình yêu không thay đổi, không điều kiện và không phai tàn. Kinh Thánh mô tả tình yêu của Chúa Cứu Thế như sau: “Ngài đã yêu người thuộc về mình trong thế gian thì cứ yêu cho đến cuối cùng” (Giăng 13:2b). Ngoài tình yêu lãng mạn giữa vợ chồng, chúng ta cần yêu nhau bằng tình yêu của Chúa, là tình yêu vị tha, hy sinh và không phai tàn, không thay đổi. Sứ đồ Phao-lô dạy rằng tình yêu thật chẳng hề hư mất bao giờ, nghĩa là không bao giờ phai nhạt, không bao giờ chấm dứt.
Các nhà khải đạo hôn nhân cho biết, câu mà các đôi vợ chồng được tâm vấn thường hỏi là: “Chúng tôi phải làm gì để tìm lại tình yêu của buổi ban đầu?” Thật ra, giữ cho tình cảm vợ chồng được đậm đà thắm thiết như lúc mới yêu nhau không phải là dễ, những bận rộn của công việc, với con cái, với những trách nhiệm khác trong đời sống dễ dàng cướp đi tình cảm vợ chồng dành cho nhau. Không những thế, những đụng chạm, buồn phiền giữa vợ chồng cũng khiến cho tình yêu bị tổn thương, sứt mẻ và dần dần phai nhạt. Khi tình yêu đã phai nhạt hay đã chết, chúng ta vẫn có thể khơi lại tình yêu đó, nếu cả hai quyết tâm giúp nhau, vợ chồng vẫn có thể giúp cho tình yêu ban đầu được sống lại. Ba điều chúng ta cần làm để tình cảm vợ chồng không phai nhạt là: (1) Quan tâm đến tình cảm vợ chồng, (2) Làm chủ lý trí, không sống theo cảm xúc, (3) Nhất quyết đi trọn con đường hôn nhân mình đã bước vào.
- Quan tâm đến tình cảm vợ chồng
Là người có gia đình, chúng ta cần đặt tình cảm vợ chồng vào ưu tiên hàng đầu trong đời sống: Chúng ta dành thì giờ cho nhau, chăm sóc nhau. Chồng yêu thương chiều chuộng vợ, vợ tôn trọng, tôn kính chồng. Vợ xem chồng là người mình trân quý nhất trong đời và chồng cũng trân quý vợ hơn bạn bè, con cái, công việc.
- Làm chủ lý trí, không sống theo cảm xúc
Nói như thế có nghĩa là, dù không còn cảm thấy yêu hay không còn rung động như ngày mới yêu, mới cưới, chúng ta không tập trung vào cảm xúc đó nhưng tập trung vào ý chí, tức là quyết tâm làm điều mình cần làm và phải làm trong bổn phận người vợ, người chồng, vì biết điều đó sẽ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người phối ngẫu, sẽ làm tươi mới tình cảm vợ chồng. Lời Chúa có những mạng lệnh bảo chúng ta làm những điều lý trí biết là cần phải làm chứ không dựa vào cảm xúc. Chẳng hạn Chúa bảo chúng ta hãy yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho người bách hại mình. Đây là điều phải làm chủ lý trí chúng ta mới thực hành được. Tương tự như vậy, Chúa muốn các ông yêu người vợ khó yêu, khó chiều, và Chúa cũng muốn các bà vâng phục người chồng nghiêm khắc, khó tính.
- Quyết tâm đi trọn con đường mình đã bước vào
Chúng ta đã chọn bước vào hôn nhân với người mình yêu, hãy tiếp tục hành trình đó cho đến cuối cùng. Khi cả hai vợ chồng quyết tâm giữ vẹn lời hứa nguyện đã trao đổi trước mặt Chúa, Ngài sẽ ban phước và sẽ giúp chúng ta có đủ ơn sức, có lòng kiên trì để làm trọn lời hứa nguyện. Khi chúng ta quyết tâm vâng lời Chúa, thực hành đúng Lời Chúa dạy, dù hoàn cảnh khó hay nhiều thách thức đến đâu, Ngài sẽ đưa chúng ta đến bến bờ hạnh phúc bình an mà chúng ta không ngờ.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Cảm ơn trang mạng tin lành đã mang nhiều điều tốt lành đến cho người đọc, nhất là đem cho những con cái của Chúa được cảm thấy sự hy vọng và niềm tin vững vàng ngày càng muốn kết nối tưong giao với Ngài hơn qua lời giảng dạy trong mạng lưới này. Cầu xin Chúa là Đấng toàn năng sử dụng mỗi đời sống của chúng ta theo ý của Ngài Amen.