Dạy Con (Bài 14)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho chúng tôi được trở lại với quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước chúng tôi có chia xẻ với quý vị những lời Kinh Thánh nhắc nhở các bậc cha mẹ, rằng:
Những người làm cha, đừng làm cho con cái mình buồn giận; nhưng hãy dùng sự khuyên bảo, sửa phạt của Chúa mà nuôi nấng chúng (Ê-phê-sô 6:4)
Và:
Những người làm cha, đừng làm cho con buồn giận, e chúng nản lòng chăng (Thư Cô-lô-se 3:21)
Khi nghe lời nhắc nhở này có người không đồng ý, thầm nghĩ: Cha mẹ lúc nào cũng yêu thương con, chăm sóc dạy dỗ cho con nên người chứ ai muốn làm cho con buồn giận, nản lòng bao giờ. Thưa, đúng như vậy, là cha mẹ, chúng ta thương con nhưng vì muốn con cái nên người nên phải áp dụng kỷ luật để uốn nắn hướng dẫn con. Tuy nhiên cũng có những lúc chúng ta vô tình hay vô ý làm cho con buồn giận, nản lòng. Tuy Kinh Thánh chỉ nhắc nhở quý ông cha nhưng có lẽ quý vị cũng đồng ý rằng có những bà mẹ cũng làm những điều khiến con buồn và nản lòng, muốn bỏ cuộc.
Những trường hợp đó rất nhiều, đến nỗi một chuyên gia đã nghiên cứu và nêu ra tới 25 điều các bậc phụ huynh vì vô tình hay cố ý làm, khiến con cái buồn giận, nản lòng. Trong Câu Chuyện Gia Đình tuần trước chúng tôi đã nêu lên 5 điều đầu tiên, đó là:
- Cha mẹ không thương nhau và không hiệp nhất trong hôn nhân.
- Cha mẹ không làm chủ gia đình nhưng để con cái quá tự do, hầu như làm chủ gia đình.
- Cha mẹ hay nổi giận với con, giận quá đáng và giận những chuyện không chính đáng.
- Khi con lầm lỗi, cha mẹ kỷ luật con cách giận dữ, bực bội
- Khi con vấp váp, sai hỏng, cha mẹ la mắng con nặng lời
Sau đây chúng tôi xin chia xẻ tiếp những điều khác cha mẹ vô tình làm khiến con cái buồn và nản lòng:
- Không nhất quán trong phương cách kỷ luật con
Nhiều phụ huynh không đặt ra luật lệ rõ ràng trong việc dạy con nhưng kỷ luật con tùy hứng, tùy vào cảm xúc của mình lúc đó. Chẳng hạn như khi vui thì dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của con nhưng nếu đang bực bội phiền giận ai thì dù con phạm lỗi nhỏ cũng xem là chuyện quan trọng và sửa phạt con nặng nề. Có lẽ chúng ta cũng đã thấy hay đã kinh nghiệm: lúc cha mẹ đang có chuyện căng thẳng với nhau, đang giận nhau, mà con lầm lỗi thường bị sửa phạt nặng hơn là khi cha mẹ đang vui vẻ, hòa thuận với nhau. Có người thì con phạm cùng một lỗi như nhau nhưng sửa phạt con theo những kỷ luật khác nhau. Chẳng hạn như các em quên làm bài, quên học bài, hay đi chơi với bạn về trễ, có khi cha mẹ không nói gì, mà lúc khác thì bị la mắng hay bị đòn. Cách sửa phạt không nhất quán như vậy sẽ khiến con bất mãn và mất lòng tin nơi cha mẹ, vì không biết khi nào mình sẽ bị kỷ luật, khi nào không.
- Đặt luật lệ cho con mà cha mẹ thì không tuân giữ
Câu mà một số cha mẹ thường nói với con là: “Cái đó Ba má làm được, con còn nhỏ không được làm.” Chẳng hạn như: ba thức khuya coi ti-vi, đi chơi với bạn bè suốt đêm nhưng các con thì không được. Ba lớn rồi uống bia uống rượu không sao, mấy đứa còn nhỏ không được uống. Khi chúng ta áp dụng những luật lệ khác nhau như thế, các con bất mãn không muốn vâng lời, và nguy hiểm hơn nữa, các em mong mau lớn, ra khỏi gia đình để được làm những điều cha mẹ cấm đoán. Trường hợp khác cha mẹ đặt luật lệ cho con mà chính mình không tuân giữ là khi chúng ta bảo các con phải nhường nhịn nhau, không được tranh giành hay cãi nhau nhưng cha mẹ thì cứ giận nhau, cãi nhau hoài. Đó là những lúc cha mẹ không thực hành những gì mình dạy con, không làm gương cho con nên sẽ khiến con buồn giận nản lòng.
- Áp dụng luật lệ với con quá khe khắt và cứng nhắc
Có những cha mẹ vì đeo đuổi công danh sự nghiệp, ham mê làm giàu nên quá bận rộn trong công việc làm hằng ngày, có người thì vì đam mê trong những thú vui của đời nên không quan tâm đến con cái, không đặt kỷ luật cho con. Ngược lại cũng có người vì sợ con hư hỏng nên nắm giữ con quá chặt chẽ. Những cha mẹ này đặt ra nhiều luật lệ tỉ mỉ khe khắt, bắt con phải tuân theo. Ví dụ như, có những phụ huynh muốn con làm việc gì cũng phải hoàn hảo, đúng giờ giấc như cha mẹ muốn: buổi tối phải học bài làm bài xong mới được đi ngủ, mệt mà chưa xong cũng không được đi ngủ. Về ăn uống, mẹ nấu gì cũng phải ăn, không được chọn lựa, nếu chê không ăn thì bị la mắng. Khi cha mẹ mua sắm quần áo cho thì màu gì kiểu gì cũng phải mặc, không được chê hay chọn thứ khác. Thậm chí có những cha mẹ bắt con phải giống mình trong mọi sự: trong cách ăn uống, nói năng, sở thích, v.v… con cái không được làm khác những gì cha mẹ dạy bảo. Khi nuôi dạy con, nhất là những đứa con trong tuổi thiếu niên, là tuổi bắt đầu biết suy nghĩ và muốn tự lập, chúng ta cần bén nhạy trước sở thích và khả năng của con, để không ép con làm mọi việc theo ý cha mẹ. Chúng ta cần đặt kỷ luật để giúp con cái đi trong đường ngay lẽ phải, tránh đời sống tội lỗi luông tuồng nhưng chúng ta cũng cần uyển chuyển áp dụng luật lệ tùy theo nhu cầu, sở thích, nhất là tùy theo bản tính Chúa ban cho mỗi đứa con của chúng ta, nếu không chúng ta sẽ làm cho con buồn giận và ngã lòng.
- Cha mẹ có lỗi mà không nhận lỗi
Dù là cha mẹ, chúng ta khôn ngoan, hiểu biết và nhiều kinh nghiệm hơn con cái nhưng vì là con người bất toàn, chúng ta không thể nào tránh được những lúc vấp váp, lầm lỗi. Khi biết mình sai sót hoặc có lỗi với con, chúng ta cần nhận lỗi và xin lỗi. Đây là điều rất khó đối với chúng ta là người Á đông. Những lầm lỗi mà cha mẹ vấp phải là: ví dụ như có những việc cần làm trong nhà nhưng chúng ta quên dặn bảo nên con không làm, hoặc vì chúng ta không chỉ dạy rõ ràng nên con làm sai, hỏng việc; hoặc khi đó là lỗi của đứa con này mà chúng ta la mắng lầm đứa khác, v.v…những lúc đó cha mẹ cần nhận lỗi và thành thật xin lỗi con chứ không nên lấy quyền làm cha mẹ áp đảo con. Khi cha mẹ nhận lỗi và xin lỗi, các em sẽ không xem thường cha mẹ nhưng càng tôn trọng và yêu kính cha mẹ hơn, vì thấy cha mẹ mình khiêm nhường, đối xử công bằng chứ không lấy quyền cha mẹ để áp đảo con cái. Nếu cha mẹ có lỗi, và vì lỗi của cha mẹ mà con bị tổn thương hay thiệt hại về mặt nào đó mà chúng ta làm ngơ, lấy quyền làm cha mẹ để con phải chấp nhận hoặc nói cha mẹ không bao giờ sai, đó là chúng ta làm con buồn giận và mất đi lòng tin cậy và kính yêu cha mẹ.
- Lúc nào cũng tìm lỗi của con để la mắng, sửa dạy
Có những ông cha bà mẹ lúc nào cũng thấy lầm lỗi sai sót của con để la mắng và chê trách. Con của chúng ta, vì thiếu kinh nghiệm, thiếu khôn ngoan nên làm nhiều điều không giỏi, không tốt hoặc làm không đúng theo ý của cha mẹ. Trong trường hợp đó chúng ta cần thông cảm với con và kiên nhẫn chỉ dạy con cặn kẽ hơn. Ví dụ chúng ta nhờ con quét nhà, rửa chén hay sắp xếp quần áo vào tủ. Nếu con vâng lời làm đầy đủ những việc đó nhưng còn thiếu sót hay không được như ý chúng ta muốn, chúng ta không nên chú ý vào những sai sót để la mắng nhưng nên nhìn vào cố gắng của con và khen, như thế con sẽ vui vì thấy cố gắng của mình được cha mẹ nhìn thấy và lần sau các em sẽ cố gắng cẩn thận hơn để làm tốt hơn. Khi con cái có lỗi hay gây tổn hại mà chúng ta tha thứ hay sửa dạy nhẹ nhàng, các em sẽ cảm nhận được tình thương của cha mẹ. Kinh Thánh dạy chúng ta “phải dùng sự sửa dạy khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng con cái” tức là cha mẹ phải noi gương Chúa trong việc dạy bảo con. Đối với chúng ta Chúa là người Cha yêu thương nhân từ,
“Ngài có lòng thương xót, hay làm ơn, chậm nóng giận và đầy nhân từ. Ngài không bắt tội luôn luôn, cũng chẳng giữ lòng giận đến đời đời” (Thi Thiên 103:8-9).
Dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa là đối xử khoan nhân với con cái như Chúa đối xử với chúng ta: yêu thương, nhân từ, chậm nóng giận, không bắt tội luôn luôn. Đây cũng là phương cách hiệu quả nhất để giúp con nhìn biết Chúa là Đấng yêu thương nhân từ, vì thế các em muốn đặt lòng tin nơi Ngài (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành