Dạy Con (Bài 34)
Đạo của Chúa là đạo yêu thương, đặt căn bản trên tình yêu thương. Câu chính yếu trong cả Kinh Thánh là Phúc Âm Giăng 3:16:
Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
Câu Kinh Thánh này nói lên tình yêu lớn lao Đức Chúa Trời dành cho con người tội lỗi. Vì yêu chúng ta và muốn cứu chúng ta ra khỏi tội, Đức Chúa Trời đã ban Người Con yêu dấu của Ngài xuống trần gian để chết thay cho chúng ta. Và vì yêu thương con người, Chúa Giê-xu đã bằng lòng từ bỏ thiên đàng vinh hiển, xuống trần làm người, và cuối cùng, cũng vì tình yêu, Chúa chấp nhận cái chết đau đớn tủi nhục trên thập giá để làm nhịp cầu đưa chúng ta đến với Đức Chúa Trời, nhờ đó ai tin nhận Chúa Giê-xu sẽ được làm con của Đức Chúa Trời. Có người đã nói: “Vì tình yêu Chúa Giê-xu đã bỏ vinh hiển thiên đàng xuống trần làm người để con người được biết Đức Chúa Trời, cũng vì tình yêu Ngài đã chịu đóng đinh trên thập tự giá, chịu đau đớn cho đến hơi thở cuối cùng thay vì xin thiên sứ đến cứu Ngài xuống khỏi cây thập tự. Vì tình yêu, Chúa Giê-xu đã chấp nhận tất cả để chúng ta được nối lại tình cha con với Đức Chúa Cha. Chúa yêu chúng ta dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài. Kinh Thánh dạy:
“Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).
Đức Chúa Trời yêu chúng ta dù chúng ta không biết Ngài và không yêu Ngài.
Về việc dạy con, có người khuyên các cha mẹ trẻ: “Thương con đừng cho con biết, biết cha mẹ thương các em sẽ không ngoan ngoãn nhưng vòi vĩnh điều này điều kia.” Hoặc khuyên rằng “Cha mẹ phải nghiêm con mới sợ mà vâng lời, nếu ôm ấp, bày tỏ tình thương, con sẽ khinh lờn, không tôn kính cha mẹ.” Đây là phương cách dạy con không phù hợp với Lời Chúa. Kinh Thánh dạy chúng ta phải yêu như Chúa đã yêu: nghĩa là yêu người không đáng yêu và bày tỏ tình yêu qua hành động cụ thể. Kinh Thánh dạy:
Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian đặng chúng ta nhờ Con được sống. Nầy tình yêu thương ở tại đây: Ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã yêu chúng ta và sai Con Ngài làm của lễ chuộc tội chúng ta (Thư I Giăng 4:9-10)
Là cha mẹ, chúng ta cần yêu thương con vô điều kiện, dù con không ngoan ngoãn, không vâng lời, chúng ta vẫn yêu thương và vẫn bày tỏ tình thương cách rõ ràng cho con biết.
Có bao giờ quý vị ôm con vào lòng và nói: Ba (hay Má) thương con nhiều lắm không? Lời nói và cử chỉ yêu thương của cha mẹ sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các em, nhờ đó khi chúng ta dạy con rằng Chúa yêu thương các em, các em sẽ hiểu ngay vì đã kinh nghiệm tình thương của cha mẹ. Về tình thương yêu trong gia đình, một tác giả nọ viết như sau: “Gia đình là nơi Đức Chúa Trời chọn để con người nhận tình thương và kinh nghiệm tình thương.” Gia đình là nơi đầu tiên con em chúng ta học biết về tình yêu thương, nhận tình thương cũng như chia xẻ tình thương cho người khác. Gia đình cũng là nơi Chúa chọn để rèn luyện con người về cách sống yêu thương, cha mẹ là người Chúa chọn để truyền đạt cho con cái tình thương yêu cao cả, vô bờ bến mà Ngài dành cho con chúng ta. Cha mẹ cũng là người Chúa chọn trước mọi người khác để dạy dỗ, rèn luyện con cái biết yêu thương. Đức Chúa Trời muốn có mối quan hệ thân thương với chúng ta nên Ngài đã đến với chúng ta trước. Sứ đồ Giăng viết:
Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước” (Thư I Giăng 4:19)
Chúa cũng muốn mọi người trong Gia Đình Ngài, tức là người tin Chúa, sống với nhau trong tình yêu thương. Ngày xưa, khi một thầy dạy luật đến hỏi Chúa Giê-xu:
Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết? Chúa Giê-xu đáp: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình (Phúc Âm Ma-thi-ơ 22:36-39)
Theo lời Chúa Giê-xu dạy, hai điều răn quan trọng chúng ta phải tuân giữ là: (1) Hết lòng kính yêu Đức Chúa Trời. Và (2) Yêu người lân cận như mình. Ai là người lân cận với chúng ta hơn hết? Người lân cận với chúng ta hơn hết, người mà chúng ta phải yêu thương như chính mình không ai khác hơn là người vợ/người chồng và các con của chúng ta. Nếu chúng ta không có mối quan hệ thân thương đậm đà với vợ con hay chồng con là chúng ta đã thiếu mất đời sống có ý nghĩa mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Khi Chúa ban cho chúng ta một đứa con là chúng ta nhận lãnh trách nhiệm yêu thương đứa con đó theo mẫu mực của Chúa, để con chúng ta lớn lên hiểu được tình yêu của Chúa và có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Đây là trách nhiệm lớn lao chúng ta không thể hoàn thành bởi sức mình nhưng cần nhờ vào sức Chúa và qua đời sống yêu thương như Lời Chúa dạy.
Đạo của Chúa là đạo yêu thương và phân đoạn Kinh Thánh mô tả đầy đủ nhất về đặc điểm của tình yêu thương là Thư I Cô-rinh-tô chương 13. Sứ đồ Phao-lô viết:
Dù tôi nói được các thứ tiếng loài người và thiên sứ, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chỉ như cồng chiêng kêu lên hay là chập chõa vang tiếng. Dù tôi được ơn nói tiên tri và biết hết các sự mầu nhiệm cùng mọi tri thức; dù tôi có tất cả đức tin đến nỗi dời núi được nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì. Dù tôi phân phát cả gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, nhưng không có tình yêu thương thì điều đó chẳng ích gì cho tôi. Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ, tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Tình yêu thương không bao giờ suy tàn (Thư I Cô-rinh-tô 13:1-8, Bản Hiệu Đính)
Là cha mẹ, trước hết chúng ta cần có tình yêu thương đối với con, không phải tình yêu ích kỷ nhưng là tình yêu hy sinh. Với tình yêu đó, chúng ta sẽ kiên nhẫn khi dạy dỗ hướng dẫn con, sẽ nhịn nhục, nhân từ khi con lầm lỗi. Không những thế, khi con đến tuổi thiếu niên, là tuổi phản loạn, cố tình không vâng lời hay cố tình làm cho cha mẹ lo buồn, chúng ta sẽ tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả, sẽ vẫn hy vọng những điều tốt đẹp nơi con. Nhưng quý hơn hết, dù con cái thế nào, làm chúng ta buồn lo đến đâu, tình thương chúng ta dành cho con không bao giờ thay đổi, chúng ta sẽ không đuổi con ra khỏi nhà hay từ bỏ con vì tình thương chúng ta dành cho con không bao giờ suy tàn.
Sau đây là những nguyên tắc chúng ta cần áp dụng để bày tỏ tình thương đối với con:
- Yêu thương con bằng tình yêu vô điều kiện, và thường xuyên nhắc cho con biết.
- Khi con đau ốm, thất bại trong việc học hành, chúng ta thông cảm và an ủi con.
- Mỗi ngày nhắc nhở, giúp con phát huy tư cách để con nên người trưởng thành.
- Áp dụng kỷ luật khi con cố tình cãi lời cha mẹ hay cố tình làm những điều cha mẹ ngăn cấm.
- Khi con bị bạn chê cười, từ bỏ hay rủ làm điều sai quấy, chỉ giải thích khuyên dạy nhẹ nhàng.
- Dạy con tiêu chuẩn đạo đức về cách sống, cách cư xử của người trưởng thành.
- Hướng dẫn dạy dỗ để con có đức tin thật nơi Chúa và tăng trưởng về mặt tâm linh.
- Kiên nhẫn trả lời những thắc mắc của con về Chúa, về đức tin và về đời sống hằng ngày.
Tình thương mà thiếu kỷ luật con sẽ hư hỏng, kỷ luật mà thiếu yêu thương con sẽ phản loạn, vì vậy chúng ta cần hướng dẫn, dạy dỗ con với tình yêu thương thật, là tình thương vô điều kiện và không bao giờ thay đổi.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành