Sông Danube
Thưa quý thính giả,
Hai nước sau cùng tôi đến trong Tháng Sáu vừa qua là Áo và Hung-gia-lợi. Điểm chung của hai nước nầy là sông Danube. Sông Danube chảy qua cả hai thủ đô Vienne và Budapest. Danube là con sông dài thứ hai của Châu Âu, chảy qua chín nước. Cảnh trí hai bờ sông thật đẹp, được nhiều người biết đến qua bản nhạc Dòng Sông Xanh.
Tôi được đi thuyền trên dòng sông nầy ban đêm, tại Budapest, thật là một hình ảnh không thể quên. Chúng ta để ý thấy rằng hầu như mỗi một thành phố nổi tiếng trên thế giới đều đi chung với một dòng sông. Paris có sông Seine, Luân-đôn có sông Thames, Saigon có sông Đồng Nai, Hà Nội với sông Hồng. Vườn Ê-đen trong Kinh Thánh được mô tả là nơi có bốn con sông, với sông Tigres và sông Ơ-phơ-rát vẫn còn đến ngày nay.
Sách Khải Huyền mô tả về quang cảnh thiên đàng như sau:
Khi ấy thiên sứ chỉ cho tôi thấy sông nước sự sống, trong như pha lê, ra từ ngai Đức Chúa Trời và ngai Chiên Con, chảy qua giữa đường phố của thành. Hai bên bờ sông có cây sự sống ra quả mười hai mùa, mỗi tháng ra quả một lần; và lá cây dùng để chữa lành cho các dân (Khải Huyền 22:1-2)
Dòng sông ở thiên đàng được gọi là “Sông Nước Sự Sống” nghĩa là dòng sông đem lại sự sống. Thật ra, dòng sông nào cũng đem lại sự sống. Sự sống cho loài vật dưới nước cũng như cho con người nhờ vào dòng sông để mà sống. Nhưng dòng sông ở thiên đàng nói lên sự sống thật, sự sống vĩnh cửu. Chúa Giê-xu phán:
Người nào tin Ta thì những dòng sông sự sống sẽ tuôn tràn từ lòng mình, đúng như Kinh Thánh đã nói (Phúc Âm Giăng 7:38)
Trước đó, Chúa phán:
Nếu người nào khát, hãy đến với Ta mà uống (Phúc Âm Giăng 7:37)
“Nếu người nào khát, hãy đến với Ta mà uống, người nào tin Ta thì những dòng sông sự sống sẽ tuôn tràn từ lòng mình.” Đó cũng là lời Chúa Giê-xu phán với chúng ta hôm nay. Khát nước hay khao khát nói đến nhu cầu của tâm hồn. Sâu kín trong tâm hồn, mỗi chúng ta đều có một khao khát. Mỗi người chúng ta đều có một khoảng trống trong tâm hồn mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể lấp đầy. Pascal, trong tác phẩm Pensées tức là “Suy Tư” nói như thế nầy:
Nỗi khao khát của con người giống như một vực sâu vô hạn cho nên chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng vô hạn mới có thể lấp đầy!
Thánh Augustine thì nói:
Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa nên linh hồn chúng con sẽ không bao giờ an nghỉ cho đến khi chúng con an nghỉ nơi Chúa!
Với tất cả những lời dạy và kinh nghiệm trên, quý vị có đang đi tìm một lời giải đáp cho nhu cầu của tâm hồn mình không?
Tôi được đọc lời chứng của một học giả Việt Nam là ông Trần Thuyên, sống tại Pháp. Ông viết về kinh nghiệm gặp Chúa của ông như sau. Ông viết:
Gia đình tôi thật ra không thực hành một tôn giáo nào. Cha tôi theo Nho Giáo, nhưng có khuynh hướng tự do. Mẹ tôi theo Phật Giáo như trăm nghìn đồng bào khác, thỉnh thoảng đi chùa chiền lễ bái ngày rằm và mùng một, và ăn chay. Riêng tôi, tôi chống mọi thứ tôn giáo. Đối với tôi, tôn giáo chỉ là mê tín dị đoan, dành riêng cho hạng đàn bà quê mùa, mù chữ, dốt nát.
Đến bậc trung học, tôi được cha mẹ gởi vào một trường tư thục Công Giáo La-mã ở Huế, không phải vì có lòng mộ đạo, nhưng chỉ vì chúng tôi không tìm được trường nào khác ở vùng ấy. Ngoài những môn học thường lệ, học sinh còn phải học giáo lý cương yếu và đọc kinh trước mỗi giờ học.
Như tất cả các học sinh trong trường, tôi quì gối đọc kinh, hoặc giả bộ đọc, cố ra vẻ trang nghiêm sùng kính nhiệt thành. Nhưng trong thâm tâm tôi ghét mọi điều ấy. Như tôi đã nói, trên nguyên tắc, tôi chống mọi thứ tôn giáo. Nhưng tôi ghét Công Giáo hoặc Cơ-đốc Giáo nhất, lúc bấy giờ tôi lầm tưởng hai danh từ này đồng nghĩa.
Là một người yêu nước nhiệt cuồng, nên khi các bạn học mãi vui chơi ngoài phố, tôi say sưa đọc lén đủ thứ tác phẩm cách mạng. Dạo ấy các nhóm cách mạng bí mật mọc lên như nấm, nhằm mục đích đánh đuổi thực dân Pháp và giành lại quyền độc lập cho xứ sở.
Đối với tôi Cơ-đốc Giáo hoàn toàn do thực dân Pháp phát minh, cốt ru ngủ dân ta hầu dễ bề bóc lột và thống trị nước ta mãi mãi. Các nhà truyền giáo chỉ là đội quân tiên phong đi mê hoặc dân chúng và dọn đường cho đạo quân xâm lăng.
Từ tận đáy lòng, tôi hoàn toàn đồng ý với Karl Marx rằng: “Tôn giáo là thuốc phiện của dân chúng.” Vì thế, khi ra khỏi trường trung học ấy, tôi càng chống nghịch Cơ-đốc Giáo hơn trước.
Sau cuộc Thế Chiến Thứ Hai, tôi qua Âu Châu. Cuối năm 1954, tôi lâm bệnh, phải nằm điều trị tại một bệnh viện ở Haute-Savoie (Pháp). Suốt hai năm nằm trong bệnh viện tĩnh mịch, tôi có đủ thì giờ nghĩ ngợi, suy tư. Tôi mơ hồ nhận thấy rằng mang bệnh tật giữa lúc bước vào chỗ rẽ quan trọng trên đường sự nghiệp thật là một thứ hình phạt do một Đấng Cao Cả đã bất mãn với tôi, với nếp sống vô tư và tội lỗi của tôi. Phải chăng đây chính là triệu chứng báo hiệu một hiểm họa chết mất đang chờ đợi tôi nếu tôi cứ tiếp tục sống theo nếp sống cũ?
Từng loạt những câu hỏi cổ điển mà con người tự hỏi từ thuở khai thiên lập địa bắt đầu giày vò tâm trí tôi: “Ta từ đâu đến? Ta làm chi ở đời này? Rồi ta sẽ đi đâu?” Đang khi chưa tìm được lời giải đáp, thì cuộc đời của tôi chỉ là một câu đố và tôi thôi không thể nào yên tâm được. Vốn có óc hoài nghi, tôi thích đặt câu hỏi về mọi sự và nghi ngờ mọi sự, vì tôi cho rằng hoài nghi là một dấu hiệu tri thức hơn người.
Được hấp thụ học vấn Âu Tây, được tiếp xúc với nền văn hóa của Pháp, với óc trào lộng của Voltaire, với óc hoài nghi của Descartes, với luận điệu “Que sais-je?” của Montaigne, tôi không dễ gì giải quyết những vấn đề thắc mắc ấy. Lo lắng băn khoăn chỉ là bản tính của con người, vì con người vốn hay suy tưởng.
Trong không gian và thời gian, con người bị vũ trụ bao la chế ngự và đè bẹp. Tuy nhiên, con người vẫn nuôi cao vọng thấu triệt vũ trụ. Khoa học đã thỏa mãn phần nào cao vọng ấy. Khoa học đã giúp con người nhận thấy rằng vũ trụ có trật tự, thống nhất và dường như đang hướng về những mục tiêu nào đó. Nhưng làm sao giải nghĩa những sự kiện ấy nếu không nhìn nhận có Đấng Tạo Hóa?
Thưa quý thính giả, tôi vừa đọc phần mở đầu của lời chứng của ông Trần Thuyên, một học giả Việt Nam tại Pháp. Câu cuối cùng trong phần nầy, ông nói:
Khoa học đã giúp con người nhận thấy rằng vũ trụ có trật tự, thống nhất và dường như đang hướng về những mục tiêu nào đó. Nhưng làm sao giải nghĩa những sự kiện ấy nếu không nhìn nhận có Đấng Tạo Hóa?
Đây cũng là câu hỏi dành cho mỗi chúng ta. Ước mong quý vị tìm đến với Chúa Giê-xu để tìm được lời giải đáp cho mình.
Quý vị có thể liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sau:
Phát Thanh Tin Lành
2275 W Lincoln Ave
Anaheim CA 9801
(714) 533-2278
Nhấn Vào Liên Lạc
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành