Hòa Bình & Bách Hại
Trong lời dạy kế tiếp về hạnh phúc, Chúa Cứu Thế Giê-xu phán:
Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:9)
Bạn và tôi sống trên trần gian nầy, mỗi chúng ta đều phải là những tác nhân hòa bình giúp cho đời nầy bớt đi đau khổ. Làm thế nào để trở thành một tác nhân hòa bình? Trước hết ta phải biết rằng “hòa bình thật là hòa bình nội tâm, nghĩa là chính ta phải có hòa bình thì ta mới có thể đem hòa bình đến cho người khác được và hòa bình nội tâm chính là mối tương giao tốt đẹp giữa chúng ta với Thiên Chúa.” Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta và chúng ta là con của Ngài. Nhưng giữa chúng ta với Chúa đã có một bức tường ngăn cách, bức tường đó là tội lỗi. Tội lỗi là sống theo ý riêng, là không để ý đến sự hiện diện của Chúa trong đời sống. Làm người, sâu kín trong đáy lòng, chúng ta biết có một Đấng Toàn Năng ngự trị trên tất cả, và bổn phận của chúng ta là phải tôn thờ Ngài. Chúng ta được Thiên Chúa sinh thành, chúng ta là con của Chúa, nhưng nếu chúng ta sống theo ý riêng, không tôn thờ Ngài thì trước mặt Chúa chúng ta bị kể như chết. Chết nghĩa là thiếu tương giao với sự sống. Chỉ khi nào chúng ta quay trở lại với Chúa thì chúng ta mới có sự sống thật tức là được tương giao với Ngài. Thiên Chúa lúc nào cũng hiện hữu và ở bên cạnh chúng ta, nhưng nếu chúng ta không tìm đến với Ngài với lòng tin chân thành, chúng ta sẽ không bao giờ gặp Ngài và như vậy là thiếu tương giao với Chúa. Thiếu tương giao với Thiên Chúa là nguyên nhân của mọi khắc khoải trong đời sống. Sống bất an như vậy thì ta không thể là tác nhân hòa bình được, lo cho chính mình không xong thì lo được cho ai?
Một bài hát trong Mùa Giáng Sinh có lời như sau:
Cầu sao cho có hòa bình trên trần gian nầy và xin hòa bình ấy bắt đầu từ chính tôi!
Muốn làm tác nhân hòa bình trước hết ta phải được an bình với Thiên Chúa, ta phải trở lại với Chúa là Cha của chúng ta. Có hòa bình nội tâm thì ta mới có thể đem hòa bình của Ngài cho người khác. Làm cho người hòa thuận hay giải hòa, chính là sứ mạng của chúng ta trên trần gian nay. Thánh Phan-xi-cô đã cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…
Đây cũng phải là tâm niệm hằng ngày của chúng ta. Chúng ta hãy tự hỏi: “Sống mỗi ngày trong gia đình, đối với người chung quanh, tôi có làm cho đời sống bớt căng thẳng và thêm an vui không? Hãy chỉ thêm phiền muộn và khổ đau cho người khác?” Hãy nhớ lời của Chúa dạy: “Phước cho kẻ làm cho người hòa thuận vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.” Chúa là Đấng hòa bình, là con của Ngài nên chúng ta cũng phải đem hòa bình cho nhân thế bằng những hành động cụ thể mỗi ngày.
Chúa Giê-xu nói đến tám trường hợp đáng cho là hạnh phúc và trường hợp cuối cùng Chúa phán:
Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:10)
Đây là một trong những lời dạy rất khó hiểu của Chúa. Xưa nay các lãnh tụ, nhất là các lãnh tụ tôn giáo thường hứa hẹn những điều tốt đẹp cho những người theo mình. Nào là hạnh phúc ấm no, nào là sung sướng, thoải mái. Không ai hứa hẹn đau khổ bao giờ! Nhưng Chúa Giê-xu đã nói với những người theo Ngài: “Khi nào vì cớ Ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi thì các ngươi sẽ được phước!” Chúa Giê-xu nói trước cho những người theo Ngài biết rằng, theo Chúa họ sẽ bị mắng nhiếc, bắt bớ, vu oan, nhưng hãy coi đó là hạnh phúc! Theo Chúa bị mắng nhiếc, bắt bớ, vậy thì theo Chúa làm gì ? Mà tại sao những khổ đau đó lại là hạnh phúc được?
Chúa Giê-xu tuyên bố câu này để cho thấy rằng theo Chúa là một vấn đề nghiêm trọng không phải chuyện đùa! Theo Chúa ta phải trả một giá rất đắt. Các giáo chủ khác hứa ban cho con người điều nầy điều nọ, còn Chúa Giê-xu cho biết, hiểm nguy gian khổ bao giờ cũng chờ đợi những người theo Ngài. Thánh Kinh khẳng định rằng “người nào muốn sống đạo đức đều sẽ bị bức hại! Đúng như vậy, giữa một xã hội đầy tội ác, những người “đục” sẽ ghét những người “trong,” những người làm điều tội lỗi, gian ác sẽ không ưa những người lương thiện. Ở những nước nạn tham nhũng lộng hành, người ta nói: “Tôi không tham nhũng không được, vì người ta sẽ ghét tôi và tôi còn có thể bị hại nữa, nếu tôi không lam xấu giống như người khác!”
Người theo Chúa là người đi theo một tiêu chuẩn mới, người chung quanh sẽ thấy tiêu chuẩn nầy khác với tiêu chuẩn của họ và sự khác nhau đó sẽ sinh ra thù nghịch. Thù nghịch không phải vì ganh ghét, nhưng thù nghịch vì khác biệt. Chúa Giê-xu phán: “Nếu người đời ghét các ngươi hãy thì biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi, nếu các ngươi thuộc về thế gian thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình. Nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta lựa chọn các ngươi giữa thế gian. Chính vì vậy người đời ghét các ngươi” (Phúc Âm Giăng 15:18-19).
Trước khi quyết định theo Chúa, chúng ta phải biết rằng có một giá chúng ta phải trả. Tin Chúa chúng ta được tha tội, được một đời sống an bình, được bảo đảm cho đời sau, nhưng cùng với những ân phúc đó chúng ta cũng phải đối diện với một thế giới đầy hận thù. Trong thế giới đó chúng ta là những con cá lội ngược dòng, không sống giống như người đời được. Chúng ta không lập dị nhưng vì chúng ta đeo đuổi những giá trị khác người đời, nên tự nhiên người đời ghét chúng ta và chúng ta bị bức hại. Đó là giá chúng ta phải trả. Thánh Kinh dạy:
“Thiên Chúa ban ơn cho anh em, không những tin Chúa Cứu Thế mà thôi, nhưng lại phải chịu khổ vì Ngài nữa là phải chịu một cuộc chiến tranh…” (Thư Phi-líp 3:29-39).
Theo Chúa là tham dự vào một cuộc chiến. Ma quỷ và tội ác sẽ không bao giờ buông tha người theo Chúa. Và chúng ta phải sẵn sàng đối diện với những bức hại trên trần gian. Chúa Giê-xu hứa ban hạnh phúc cho những người theo Ngài nhưng cùng với hạnh phúc là khó khăn, bách hại. Thật ra khó khăn bách hại chứng tỏ chúng ta là con thật của Chúa, nếu sống theo đời để tránh khỏi những khó khăn bách hại thì rất có thể là chúng ta đang ở cùng một phía với đời chưa hết lòng theo Chúa!
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành