Dạy Con (Bài 2)
Một em bé trai nọ khoảng 4 tuổi, một ngày kia đến khoe với cha: “Ba ơi, con biết chữ A chữ B rồi!” Ông cha nói: “Tưởng gì chớ mới biết mấy chữ cái mà cũng khoe, bữa nay con phải biết đọc rồi mới là giỏi!” Khi được tám tuổi, một hôm em đem bài làm ở trường cho cha xem và nói: “Ba ơi, bữa nay con làm toán được mười điểm!” Ông cha nói: “Có một bài mười điểm thôi sao? Bài nào cũng phải được mười điểm mới đáng là con của ba!” Khi lên mười sáu tuổi, một ngày nọ đứa con về nói với cha: “Ba ơi, tháng này con được đứng nhất lớp!” Ông cha nói: “Như vậy mới xứng đáng là con trai của ba, mà phải cố gắng giữ hạng nhất luôn như vậy nhen!” Khi đứa con hai mươi hai tuổi, về khoe với cha: “Ba ơi, con học xong rồi, tháng sau con ra trường; con sẽ đi tìm việc làm để giúp gia đình.” Ông bố nói: “Cũng đến lúc phải biết tự lo tự lập rồi, chẳng lẽ để bố mẹ nuôi hoài sao!” Khi đứa con đã hơn bốn mươi tuổi, một ngày kia anh nói với cha: “Ba ơi, con mới được sở cho làm phó giám đốc, ba có mừng cho con không?” Ông bố quay đi nơi khác và nói: “Chừng nào anh làm chủ hãng riêng của anh thì mới đáng mừng!”
Lúc đó người con trai chạy đến trước mặt cha, nước mắt lưng tròng, anh nói: “Thưa ba, con sống đã gần nửa cuộc đời, con học hành đàng hoàng chứ không lêu lổng chơi bời. Con cũng biết tự lo tự lập chứ không làm gánh nặng cho cha mẹ. Con có vợ con và biết chăm lo cho gia đình, con cũng trọn bổn phận với cha mẹ và anh chị em trong gia đình. Suốt cuộc đời và trong mọi việc lúc nào con cũng cố gắng hết sức mình, chỉ để mong được ba chấp nhận và được nghe lời khen của ba mà con không bao giờ nghe được lời khen đó. Con mong được nghe ba nói: ‘Con của ba giỏi lắm, ba rất vui và hãnh diện về con.’ Ba hãy nhìn con đi, tuy con lớn rồi, già rồi, nhưng con vẫn là một đứa bé cần tình thương của cha, mong được cha yêu thương, vỗ về và nói những lời khích lệ. Ba để con chờ đợi trông mong điều đó suốt đời sao? Ba không thể nói với con những lời thương yêu khích lệ sao?” Nghe con nói, ông cha chợt nhận ra thiếu sót của mình, ông nói nhỏ: “Ba xin lỗi.” Thì ra vì muốn con cố gắng hơn để thăng tiến trong mọi mặt, ông đã không bao giờ khen con. Ông không ngờ con trông mong và khao khát lời khen của ông nhiều như thế.
Trong bài kỳ trước chúng tôi có nói rằng lắm khi cha mẹ yêu thương con không đồng đều và thương con bằng tình thương có điều kiện, nghĩa là đứa con nào làm cho cha mẹ vui lòng hay làm điều cha mẹ mong muốn thì cha mẹ mới thương. Tình thương có điều kiện đó sẽ để lại ảnh hưởng tai hại trong đời sống con em chúng ta. Các em cảm biết rằng mình phải cố gắng làm điều này điều kia cho cha mẹ vui lòng thì mới mong được cha mẹ thương, và cũng có những em biết rằng mình sẽ không bao giờ và không thể nào làm gì cho cha mẹ thỏa nguyện hoàn toàn. Những đứa con lớn lên trong tình thương có điều kiện như thế sẽ luôn luôn mang mặc cảm, nghĩ rằng mình là người thất bại, không bao giờ có thể làm cho người khác vừa lòng, không bao giờ được yêu thương và chấp nhận.
Kỳ trước chúng tôi có nêu một ví dụ trong Kinh Thánh về trường hợp cha mẹ thương con không đồng đều. Ðó là gia đình ông Y-sác. Ông bà Y-sác có hai đứa con trai sinh đôi nhưng mỗi người thương một đứa: chồng thương đứa lớn, vợ thương đứa nhỏ. Khi cha mẹ yêu thương con không đồng đều, con cái dễ trở thành ganh tị với nhau vì đứa nào cũng muốn cha mẹ thương mình hơn. Lắm khi con cái đi đến chỗ làm hại nhau để được cha mẹ yêu thương, hoặc chính cha mẹ giúp con làm hại nhau để đứa con cưng của mình đạt được điều mình mong muốn. Ðây là điều đã xảy ra trong gia đình ông Y-sác. Vì thương đứa con lớn, khi biết mình không còn sống bao lâu nữa, ông chồng dự định ban phước lành cho đứa con lớn. Bà vợ thì muốn ông ban phước cho đứa nhỏ. Sáng thế ký chương 27 ghi như sau: “Bởi Y-sác đã già, mắt làng, chẳng thấy được nữa, bèn gọi Ê-sau, con trưởng nam, mà rằng: Hỡi con, cha đã già rồi, chẳng biết ngày nào phải chết; vậy bây giờ cha xin con hãy lấy khí giới, ống tên và cung con, ra đồng săn thịt rừng cho cha, dọn một món ngon tùy theo cha sở thích; rồi dâng lên cho cha ăn, đặng linh hồn cha chúc phước cho con trước khi chết” (c.1-4). Tội nghiệp Ê-sau, suốt đời lúc nào cũng phải cố gắng làm điều này điều kia để được cha yêu thương và chấp nhận, nên bây giờ nghe cha dặn bảo như vậy, anh vui vẻ lên đường ngay.
Khi Y-sác dặn đứa con trai lớn những điều đó thì bà vợ ông nghe được, và bà liền lập mưu để chồng chúc phước cho đứa nhỏ, là đứa con cưng của bà. Trong khi Ê-sau đi vào rừng săn bắn vất vả thì bà mẹ bắt hai con dê nuôi trong nhà làm thịt và nấu món đặc biệt mà chồng thích. Rồi bà bảo đứa con nhỏ mặc áo của anh, xưng tên anh, đem thức ăn vào cho cha để cha ban phước cho. Ðây là một việc làm gian dối đáng trách, do lòng ích kỷ và thiên vị thúc đẩy. Vì muốn đứa con cưng của mình được chồng chúc phước nên bà mẹ này đã nhẫn tâm lừa gạt người chồng mù lòa sắp chết. Ông Y-sác không biết mình bị lừa nên đã chúc phước cho đứa con nhỏ. Ðiều này khiến sự chia rẽ giữa hai anh em càng sâu đậm và trầm trọng hơn, và cuối cùng khiến gia đình ly tán, mỗi người đi một nơi. Ðứa con lớn giận vì em cướp phước lành nên tìm cách giết em. Ðứa con nhỏ vì sợ anh trả thù nên nghe lời mẹ chạy đi một nơi xa để trốn. Kết quả là hai vợ chồng ông Y-sác sống trong đau buồn và chết trong cô đơn. Tình thương không công bằng và tình thương có điều kiện của cha mẹ đã khiến hai anh em sinh đôi thay vì yêu thương, nâng đỡ nhau trở thành kẻ thù của nhau. Suốt cuộc đời hai anh em sống trong xung đột và căng thẳng, chỉ vì tình thương sai lầm của cha mẹ.
Như vậy, chúng ta cần làm gì để không gây những đau thương tương tự cho con cái chúng ta? Có người nói, “Tôi đâu có thương con không đồng đều, tôi cũng không thương con bằng tình thương có điều kiện. Vì tính của mỗi đứa con khác nhau, tôi thấy gần với đứa này hơn, khó nói chuyện với đứa kia hơn mà thôi.” Thành thật mà nói, nhiều bậc cha mẹ vướng vào lỗi lầm thương con không đồng đều hoặc thương con với tình thương có điều kiện mà không biết. Vì vậy, điều chúng ta cần làm trước nhất là công nhận mình có sai sót và vấp váp. Nếu thành thật kiểm điểm lại, chúng ta sẽ thấy mình thương con trai hơn con gái, thương con út hơn con lớn, thương đứa con giống mình hoặc chiều theo ý mình hơn đứa không giống hoặc bướng bỉnh, cứng đầu, v.v… Có người thì thương đứa con lanh lợi, giỏi giang hơn vì con khiến mình hãnh diện với người chung quanh hoặc đem lại điều mình mong ước. Có người thì thương đứa con yếu đuối, hiền lành hơn vì đứa con đó gần với cha mẹ và tùy thuộc vào cha mẹ nhiều hơn. Dù vì lý do nào, như thế là chúng ta thương con không đồng đều và thương con bằng tình thương có điều kiện. Chúng ta không những cần nhìn thấy điều đó nhưng cũng sẵn sàng sửa đổi. Nếu con cái đãø hiểu biết, chúng ta thành thật nói cho con biết lỗi lầm và thiếu sót của mình. Ðây là điều rất khó đối với các bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên, nếu chúng ta khiêm nhường hạ mình, Chúa sẽ nâng chúng ta lên. Con cái sẽ nhìn thấy tình thương và lòng thành thật của cha mẹ, sẽ kính trọng cha mẹ hơn. Nếu con còn nhỏ, chúng ta chỉ cần yên lặng sửa đổi cách chúng ta đối xử với con. Chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ như cách chăm sóc, nói năng với con, lúc nào cũng bình đẳng và công bình. Sau đó chúng ta sửa đổi trong những việc lớn hơn, như trong những chương trình hay sự hướng dẫn của chúng ta đối với con. Ðiều quan trọng hơn hết là chúng ta cần nói lời khen thưởng và khích lệ con cái thường xuyên, để các em nhìn thấy giá trị của mình và thêm tự tin ở chính mình.
Cách đây khá lâu, sau giờ phát thanh Tin Lành, một thiếu niên mười tám tuổi gọi điện thoại vào nói rằng em không hiểu tại sao, dù em cố gắng lo học hành, ngoan ngoãn, vâng lời mẹ, chăm sóc mẹ trong mọi việc nhưng mẹ em vẫn không thương em. Khi em tặng quà sinh nhật cho mẹ, bà nói đừng mua quà cho bà vì bà không cần cái gì hết. Khi em muốn đưa mẹ đi chơi nơi này nơi kia bà nói đi làm gì cho tốn tiền, vô ích. Tội nghiệp người con trai này khao khát tình thương của mẹ và cố gắng làm tất cả những gì mình có thể làm để cho mẹ vui, để được mẹ chấp nhận, nhưng những cố gắng của em chỉ hoài công vô ích, vì mẹ vẫn không thương.
Những thói quen hay truyền thống từ đời này qua đời kia là điều rất khó sửa đổi. Yêu thương con không đồng đều và thương con với điều kiện cũng là điều khó sửa đổi. Vì thế, để bỏ đi những thói quen hay truyền thống sai lầm, và để có thể thực hành lời Chúa dạy, chúng ta cần nương nhờ vào sức của Chúa, nghĩ đến tình yêu vô điều kiện mà Chúa dành cho chúng ta và quyết tâm áp dụng nguyên tắc của Kinh Thánh trong việc nuôi dạy con. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hỡi kẻ làm cha, chớ hề chọc giận con cái mình, e chúng nó ngã lòng chăng” (Cô-lô-se 3:21) và “Hỡi các bậc làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt, khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4). Khi cha mẹ yêu thương con đồng đều, yêu thương con vô điều kiện, chúng ta sẽ không làm cho con bất bình, buồn giận, nhưng giúp các em cảm nhận được tình thương của cha mẹ và nhìn thấy giá trị của chính mình. Từ đó chúng ta có thể sửa dạy, khuyên bảo con trong đường lối của Chúa và sự sửa dạy khuyên bảo của chúng ta sẽ mang lại kết quả tốt đẹp (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành