Dạy Con (Bài 1)
Có một thiếu phụ kia làm việc trong thư viện. Mỗi ngày thường có các phụ huynh đưa con vào thư viện để đọc sách, tham dự những chương trình đặc biệt do thư viện tổ chức hoặc để tìm sách mượn về nhà cho con đọc. Thiếu phụ này nhìn thấy những điều xảy ra giữa cha mẹ mà con cái và bà rất quan ngại. Bà nói rằng bà thấy nhiều em không vâng lời cha mẹ mà những cha mẹ đó không áp dụng một kỷ luật nào đối với con. Chẳng hạn như khi cha mẹ bảo phải im lặng thì các em cứ nói chuyện, bảo đừng chạy, các em cứ tiếp tục chạy và cười giỡn ồn ào. Ðiều mà nhân viên thư viện này thấy nhiều nhất là các cha mẹ thường dọa không cho con điều này điều kia nếu con không vâng lời nhưng cuối cùng, hầu như không người nào làm đúng như điều mình đã nói. Chẳng hạn một bà mẹ nói: Con mà không vâng lời là mẹ không có mượn video về đâu. Trong suốt thời gian ở trong thư viện, đứa con không vâng lời mẹ một điều gì cả, bà mẹ cứ phải trừng mắt, nghiêm mặt để ngăn điều này cản điều kia, nhưng khi hai mẹ con ra về, đứa bé vẫn được mượn cuộn video đem về. Thỉnh thoảng có những em làm ồn quá nhiều, nhân viên thư viện xin cha mẹ đưa các em đó ra ngoài thì cha mẹ tỏ vẻ khó chịu hoặc nổi giận. Tình trạng cha mẹ không áp dụng kỷ luật với con hầu như ngày càng nhiều và đây là điều thật nghiêm trọng.
Trong Câu Chuyện Gia Ðình hôm nay, chúng tôi xin nói về vấn đề nuôi dạy con cái. Ngày nay, hầu hết các gia đình chúng ta không có đông con như gia đình trong những thế hệ trước. Tuy nhiên, dù có ít con, nuôi dạy con cái cũng là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng. Quý vị đã lập gia đình và được Chúa ban cho hai, ba đứa con. Quý vị sung sướng khi nhìn thấy con khỏe mạnh và khôn lớn; nhưng cùng với niềm vui đó chúng ta cũng cảm thấy một trách nhiệm đè nặng trên vai, trách nhiệm nuôi dạy con cho nên người đạo đức, hữu dụng, nhất là trong một xã hội đầy dẫy tội lỗi và cám dỗ như xã hội chúng ta đang sống.
Có một điều chúng ta cần nhớ trong trách nhiệm nuôi dạy con, đó là dù tiêu chuẩn đạo đức trong xã hội như thế nào, cha mẹ vẫn là người có ảnh hưởng trên con cái nhiều nhất, cha mẹ vẫn có thể hướng dẫn con trở nên người tốt, với điều kiện là chúng ta dành thì giờ ở gần bên con, dạy dỗ, hướng dẫn con trong đường ngay lẽ phải và theo những tiêu chuẩn Chúa dạy trong Kinh Thánh. Ðây là điều mang lại cho chúng ta hy vọng và khích lệ. Nguyên tắc quan trọng trong việc nuôi dạy con mà chúng ta cần áp dụng trước hết là phải quân bình giữa tình thương và kỷ luật. Chúng ta cần bày tỏ cho con thấy tình thương chúng ta dành cho con nhưng cũng phải áp dụng kỷ luật để con tôn trọng thẩm quyền của cha mẹ và vâng theo lời cha mẹ dạy bảo. Ðây là điều nghe có vẻ đơn giản nhưng không đơn giản khi áp dụng vào thực tế. Ngày trước cha mẹ dùng kỷ luật quá nhiều và hầu như không bao giờ biểu lộ tình thương đối với con. Ngày nay thì ngược lại, chúng ta yêu thương, ôm ấp con quá nhiều và hầu như không dám hay không muốn áp dụng kỷ luật với con. Ðiều gì làm một cách thái quá, thiếu quân bình cũng đem lại tai hại. Trong việc nuôi dạy con cũng vậy, nếu chúng ta giữ được quân bình giữa tình thương và kỷ luật chúng ta sẽ có thể đào tạo nên những đứa con trưởng thành và đạo đức.
Tình Thương Ðối Với Con Cái
Trước hết chúng tôi xin nói về vấn đề tình thương cha mẹ dành cho con. Ðể giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ thân thương gần gũi, cha mẹ cần thương con và biểu lộ tình thương đó cách cụ thể. Con em chúng ta, dù trong tuổi nào, cũng cần tình thương của cha mẹ. Sau nhiều nghiên cứu và thí nghiệm, người ta thấy rằng những đứa bé sống thiếu tình thương sẽ không phát triển bình thường về mặt thể xác, tình cảm cũng như về tinh thần. Có lẽ quý vị nghĩ: con cần tình thương của cha mẹ, điều đó dễ quá, vì cha mẹ nào mà không thương con, những đứa con mình mang nặng đẻ đau, ôm ấp nuôi nấng từ khi còn trong trứng nước mà không thương sao được? Dĩ nhiên là cha mẹ nào cũng thương con, đó là tình cảm tự nhiên mà Ðức Chúa Trời đã đặt để trong lòng người, cũng như trong những loài vật khác. Nhưng chúng ta thương con như thế nào, thương với tình thương gì, là điều rất quan trọng. Nếu con em chúng ta sống trong sự thiếu thốn thiếu tình thương yêu của cha mẹ hoặc được cha mẹ thương yêu không đúng, các em sẽ có những kỷ niệm không đẹp hay những ảnh hưởng tai hại trong cuộc đời sau này. Chúng ta có thể thương con bằng những tình thương đem lại thiệt hại cho con mà chúng ta không ngờ. Chẳng hạn như thương con bằng tình thương ích kỷ, bằng tình thương có điều kiện, tình thương không công bằng, hoặc thương con với tình thương âm thầm, che giấu, thương mà không bao giờ bày tỏ ra. Tất cả những tình thương đó đều có thể để lại những ảnh hưởng không tốt trên đời sống con.
Kinh Thánh ghi lại cho chúng ta nhiều trường hợp cha mẹ yêu thương con không đúng cách và đã để lại những ảnh hưởng tai hại trong đời sống con. Một ví dụ điển hình là trường hợp của gia đình ông Y-sác và bà Rê-bê-ca. Ông bà Y-sác thương con nhưng thương không đồng đều. Hai vợ chồng chỉ có hai đứa con trai, lại là hai đứa sinh đôi thế mà mỗi người thương một đứa. Người cha thương đứa lớn còn bà mẹ thương đứa nhỏ.Không những thương con không đồng đều, ông bà còn thương con với tình thương có điều kiện. Kinh Thánh cho biết, đứa con lớn là thợ săn giỏi nên được cha yêu vì ông thích ăn thịt rừng. Còn bà mẹ thương đứa con nhỏ vì đứa đó hiền lành, thường ở nhà, quanh quẩn bên mẹ chứ không có tính phiêu lưu như người anh. Người cha thương đứa con lớn vì đứa con lớn cung cấp cho ông điều ông thích. Có lẽ người cha cũng thương đứa lớn hơn vì đứa đó mạnh mẽ, tự lập, hoặc vì giống tính cha, thích sống ngoài trời, thích phiêu lưu đây đó. Cha con có cùng sở thích nên có thể nói chuyện với nhau và vì thế gần nhau. Ðứa con nhỏ thì ngược lại, yếu đuối, hiền lành và nhút nhát nên không thích đi ra ngoài phiêu lưu, săn bắn mà chỉ quanh quẩn trong nhà với mẹ, giúp mẹ làm việc nhà. Vì ở gần mẹ, giúp mẹ nên mẹ thương, đó là điều tự nhiên.
Một vị mục sư nọ nói rằng, có thể vì thấy chồng quan tâm và yêu thương đứa con lớn một cách rõ ràng, không che giấu nên bà vợ thương đứa con nhỏ để bù đắp lại cho con. Cũng có thể vì thấy đứa con lớn mạnh mẽ, có thể tự chống chọi với đời còn đứa nhỏ rụt rè yếu đuối, ra đời dễ bị thiệt thòi nên bà mẹ gần gũi hơn và bảo bọc con nhiều hơn. Nhưng dù ví lý do gì đi nữa, tình thương ông bà Y-sác dành cho con là tình thương thiên vị và có điều kiện. Ông bà không yêu thương các con đồng đều và yêu thương con vì con làm điều mình ưa thích hay làm cho mình vui lòng.
Các con của chúng ta, dù do cùng một cha mẹ sinh ra, không bao giờ giống nhau hoàn toàn. Dù chỉ có hai đứa hoặc có ba bốn đứa con, mỗi đứa luôn luôn có một tính khác nhau. Vì tính tình, khả năng, sở thích của mỗi đứa con khác nhau, cha mẹ dễ đi đến chỗ thích đứa này hơn đứa kia hoặc gần gũi, yêu thương đứa này hơn đứa nọ. Ðây là điều tự nhiên nhưng là điều không tốt vì thế chúng ta cần quan tâm, sửa đổi để không để lại ảnh hưởng không tốt trong đời sống con. Khi thương con với tình thương có điều kiện là chúng ta dạy con rằng con phải ra công, cố gắng, phải làm điều gì đó mới chinh phục được tình cảm của cha mẹ và mới được cha mẹ yêu thương. Ðiều tội nghiệp cho những đứa con sống trong tình thương có điều kiện là các em không cảm thấy mình được cha mẹ chấp nhận và không thấy có gì bảo đảm trong tình thương của cha mẹ. Các em biết là khi nào các em không làm được điều mà cha mẹ trông mong hay ưa thích thì cha mẹ cũng sẽ không thương các em nữa. Những đứa con sống trong tình thương có điều kiện thường phải luôn luôn cố gắng làm điều này điều kia để tiếp tục được cha mẹ yêu thương và chấp nhận. Khi ra đời, các em cũng sống với tinh thần đó, tức là lúc nào cũng phải cố gắng làm vừa lòng mọi người; có khi cố gắng quá sức mình, để được người chung quanh chấp nhận.
Thương con không đồng đều còn đưa đến một nan đề khác là khiến con cái ganh tị với nhau. Ðể tránh tinh thần ganh tị và chia rẽ giữa con cái vì không được cha mẹ yêu thương đồng đều, là cha mẹ, chúng ta cần thương yêu các con trong gia đình bằng nhau và như nhau. Cách áp dụng kỷ luật có thể khác nhau vì các em có những tính tình khác nhau, nhưng chúng ta cần yêu thương tất cả các con bằng nhau và quan tâm đến từng đứa con như nhau. Thứ hai, để tránh tạo trong con cái lòng lo lắng vì sợ mất tình thương của cha mẹ và lúc nào cũng phải hết sức cố gắng làm mọi điều để chinh phục tình yêu của cha mẹ, chúng ta cần yêu thương con với tình yêu vô điều kiện. Nghĩa là dù con có thế nào cha mẹ cũng vẫn thương. Những câu mà chúng ta cần tránh nói với con là: “Con vâng lời thì ba má mới thương” hoặc: “Nếu con làm như vậy ba má không thương nữa đâu.” Chúng ta thương vì con là con của chúng ta chứ không vì một lý do hay điều kiện nào khác. Lời Chúa dạy chúng ta hãy yêu như Chúa đã yêu chúng ta. Chúa đã yêu chúng ta với tình yêu vô điều kiện, Ngài yêu khi chúng ta còn là người tội lỗi, không xứng đáng. Chúng ta cũng hãy yêu người khác với tình yêu vô điều kiện, nhất là những yêu đứa con nhỏ bé, yếu đuối, sống trong sự bảo bọc của chúng ta. Lời Chúa cũng dạy: “Cha mẹ đừng chọc giận con cái khiến chúng nản lòng.” Khi chúng ta yêu con không đồng đều, yêu với tình yêu có điều kiện là chúng ta làm cho con cái buồn giận và nản lòng (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành