Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 14)
Thưa quý thính giả,
Cảm ơn quý vị đã dành thì giờ theo dõi loạt bài Đối Thoại Trong Hôn Nhân của chúng tôi trong hơn ba tháng qua. Câu Chuyện Gia Đình hôm nay là bài cuối cùng trong loạt bài nầy. Loạt bài Đối Thoại Trong Hôn Nhân nầy đã được in thành sách với cùng một tựa đề. Muốn nhận được sách Đối Thoại Trong Hôn Nhân, xin quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ sẽ được loan ở cuối chương trình.
Nguyên tắc chính về đối thoại mà Thánh Kinh dạy chúng ta là: “Người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận.” Qua những bài chia sẻ trong các tuần gần đây, chúng tôi đã trình bày ý nghĩa của chữ mau nghe. Hôm nay chúng tôi sẽ nói về hai chữ “chậm nói” và “chậm giận.”
Chữ “chậm nói” trong câu Kinh Thánh trên có nghĩa là từ từ hẵng nói, nghe đến nơi đến chốn rồi hãy nói, không vội vàng khi sử dụng lời nói. Trong đối thoại giữa vợ chồng cũng như giữa bất cứ người nào, nếu chúng ta không mau nghe là đã đưa đến nhiều tai hại, nhưng nếu chúng ta không chậm nói còn đưa đến nhiều tai hại hơn nữa. Cách ngôn tây phương cũng có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói,” hàm ý chúng ta nên suy nghĩ thật kỹ, thật cẩn thận rồi hãy nói.
Nguyên tắc “chậm nói” trong Thánh Kinh nhắc rằng khi người khác nói, chúng ta không nên trả lời vội, cũng đừng bày tỏ phản ứng ngay. Trái lại, chúng ta cần chăm chú nghe cho đến khi người nói đã nói hết, và chúng ta đã nghe đầy đủ, lúc đó chúng ta hãy trả lời. Không những thế, chữ “chậm nói” còn hàm ý rằng chúng ta cũng phải cẩn thận trong cách nói. Cách nói có khi quan trọng hơn câu nói nên chúng ta cần nói cách hiền hòa, từ tốn; nói rõ ràng, đầy đủ để người nghe không bực bội, phiền giận, cũng không phải đoán hay suy nghĩ nhiều mới hiểu được ý chúng ta. Người chậm nói thường ít bị lầm lỗi trong cách giao tiếp với người chung quanh. Có lẽ quý vị cũng như chúng tôi, đã từng có những lúc phải ân hận vì lỡ nói những lời thiếu suy nghĩ nên bị hỏng chuyện hoặc mang họa vào thân.
Vốn tính ích kỷ và nhiều tự ái, mau nghe chậm nói không phải là bản tính tự nhiên của con người. Vì thế muốn phát huy hai đặc tính này, chúng ta phải cố gắng luyện tập và phải nhờ sức và ơn của Chúa mới có thể đạt được.
Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh dạy
Kẻ canh giữ miệng mình giữ được mạng sống mình, nhưng kẻ nào hở môi quá bèn bị bại hoại (Châm Ngôn 13:3)
Khi chúng ta kềm chế được miệng lưỡi, không dùng lời nói cách vội vàng, cẩu thả, sẽ tránh cho chính mình những điều không hay và giúp cho mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh được tốt đẹp. Lời Chúa cũng cho biết: “Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình, giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn” (Châm Ngôn 21:23).
Người mau nghe, chậm nói thường được người chung quanh tin cậy và muốn đến gần trò chuyện, chia xẻ tâm tình. Ngược lại, ít ai dám chia xẻ tâm sự với những người chậm nghe mau nói, cũng ít ai tin những gì người đó nói. Trong đời sống hằng ngày, người có tính mau nghe chậm nói là người giữ được hòa khí trong gia đình. Nếu cả vợ lẫn chồng đều chậm nghe nhưng mau nói thì trong gia đình rất dễ có chuyện xào xáo với nhau.
Thường thường, đối với bạn bè, vì lịch sự, chúng ta dễ kềm giữ miệng lưỡi nên có thể thực hành Lời Kinh Thánh dạy. Riêng đối với người thân trong gia đình, đây là điều khó làm, nhất là giữa vợ chồng. Nếu vợ chồng chúng ta đã có nan đề hay có thành kiến với nhau, khi trò chuyện, chúng ta thường có khuynh hướng thủ thế, che giấu. Lúc nào cũng muốn biện bạch, thanh minh, bào chữa cho mình nên rất khó áp dụng nguyên tắc mau nghe, chậm nói.
Có ông chồng kia khoe với vợ: “Sáng nay chú Tư gọi điện thoại cho anh, chú nói cái hồ gần chỗ nhà chú có nhiều cá lắm.” Vì biết chồng mê câu cá, nên vừa nghe đến đó bà vợ trợn mắt hỏi: Bộ anh định đi câu cá thứ bảy này đó hả? Không được, bữa đó là sinh nhật của con, anh phải ở nhà làm cái gì cho con chớ. Năm nào anh cũng quên sinh nhật của nó.” Ông chồng giận vì phản ứng của vợ nên nói to: “Anh có định đi câu cá gì đâu, chú Tư nói ổng đi câu với bạn ổng, nếu được cá ổng sẽ đem cho mình. Chưa nghe tới nơi tới chốn mà đã làm dữ rồi!”
Một trường hợp khác. Có bà vợ kia nói với chồng: “Anh biết không, sáng nay ở phòng mạch bác sĩ ra còn sớm em ghé lại cái mall gần đó, thấy họ bán sale quần áo quá chừng.” Ông chồng nghe đến đó trừng mắt: “Em mua quần áo nữa hả? Tủ đầy quần áo mà đi đâu thấy cũng mua, rồi em ráng mà trả nợ đó.” Bà vợ bị chồng la oan, đang vui bỗng sầm mặt xuống, nói nhỏ: “Em có mua gì đâu, em định khoe với anh là dù nhiều đồ đẹp, giá rẻ mà bữa nay em giỏi vì em không mua gì hết.”
Thánh Kinh không những khuyên chúng ta phải chậm nói nhưng còn bảo chúng ta phải nói những lời ân hậu. Sứ đồ Phao-lô khuyên:
Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành, giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (Ê-phê-sô 4:29)
Ông cũng khuyên:
Lời nói anh em phải luôn luôn ân hậu, mặn mà, để anh em đối xử xứng hợp với mọi người (Thư Cô-lô-se 4:6)
Những lời nói ân hậu là lời nói mang lại an ủi hoặc khích lệ tinh thần người nghe. Người ta nói rằng trong mỗi con người chúng ta có một sức mạnh vô hình, ngăn cản chúng ta mở miệng khen hoặc nói lời khích lệ người khác, dù chính chúng ta rất mong được nghe những lời đó. Có thể đó là lý do tại sao chúng ta dễ nói lời chê trách hay chỉ trích mà thấy khó nói lời khen. Cũng ít có ai nhìn thấy ưu điểm của người khác và sẵn sàng nói lên lời khen tặng người đó, ngoại trừ trong đám tang, là lúc mọi người hầu như phải nói lên lời khen để tỏ lòng thương tiếc người đã khuất.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta cần sử dụng lời nói để truyền đạt tư tưởng, bày tỏ cảm xúc, để ta và người chung quanh có thể hiểu nhau và cảm thông nhau. Tuy nhiên, lời nói cũng là con dao hai lưỡi, có thể mang lại lợi ích nhưng cũng có thể gây tai hại trong mối quan hệ giữa ta với người khác. Vì thế chúng ta cần cầu xin Chúa giúp chúng ta quản trị miệng lưỡi và làm chủ lời nói của mình. Thánh Gia-cơ cho biết:
“Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (Gia-cơ 3:2).
Theo tiêu chuẩn của Thánh Kinh, người không vấp váp trong lời nói là người hoàn toàn.
Bây giờ chúng tôi xin nói về nguyên tắc “chậm giận”. Chậm giận có nghĩa là đừng nổi giận cách quá nhanh chóng và quá dễ dàng. Người chậm giận là người không hay giận và không nhạy giận. Các ông cũng như các bà, có những người rất dễ giận mà lại giận lâu, ai nói gì cũng giận, ai làm gì cũng giận. Nói chung, các ông thường hay nóng tính và dễ nổi giận hơn các bà. Có người hầu như rất hãnh diện về cái tính hay nóng giận của mình. Những người này thường nói: “Tính tôi nóng lắm, ai mà đụng tới tôi, làm cho tôi giận lên là ráng chịu đó!”
Chúng ta đều biết câu: “No mất ngon, giận mất khôn.” Thật đúng như thế, khi giận chúng ta thường có những hành động thiếu khôn ngoan, vì thế rất dễ gây điều tai hại cho người chung quanh và cho chính mình. Nếu theo dõi tin tức địa phương hằng ngày, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Qua bản tin, chúng ta thấy biết bao nhiêu người vì giận mà giết vợ, đánh chết con và gây ra biết bao nhiêu nỗi đau đớn cho những người liên hệ.
Muốn đời sống gia đình được êm ấm, trên thuận dưới hòa, chúng ta người nào cũng phải thực hành Lời Chúa dạy: Mau nghe mà chậm nói, chậm giận. Thánh Kinh cho biết: “Vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời.” Câu này có hai ý nghĩa. (1) Khi giận dữ, chúng ta dễ có những hành động lố bịch, hung hãn vì thế không thể cư xử cách công chính theo tiêu chuẩn của Chúa. Do đó không làm cho đức công bình của Chúa được bày tỏ. (2) Khi giận dữ, chúng ta thường muốn tự ý đối phó với hoàn cảnh, muốn giải quyết vấn đề theo ý mình và muốn trả thù người làm tổn thương mình cho hả giận, vì thế cũng không để cho đức công bình của Chúa được bày tỏ.
Biết bao nhiêu gia đình luôn luôn xào xáo, căng thẳng vì tính hay nóng giận của người vợ hay người chồng. Những người có tính mau giận và hay giận ai nói gì cũng giận, ai làm điều gì trái ý một chút là cũng có thể nổi giận được. Không những thế, khi giận còn nói những lời thô tục, có những hành động lố bịch, hung tợn làm tổn thương thể xác hay danh dự của người thân trong gia đình.
Nếu chúng ta nổi giận vì người khác không làm đúng ý mình hoặc không phục vụ mình đúng mức, đó là cái giận ích kỷ, không chính đáng. Có nhiều ông chồng, khi vợ con làm điều gì không đúng ý thì nổi giận la lối om sòm, không cần biết vì sao vợ hay con đã không làm như điều mình muốn. Có người khi giận thì đập phá đồ đạc, đánh đập vợ con, không còn biết hành động hay lời nói của mình tai hại như thế nào. Cũng có người khi hết giận, ăn năn, hối hận, xin lỗi vợ, chồng, con cái nhưng lời xin lỗi đó không có giá trị bao nhiêu, vì khi gặp chuyện không vừa ý lại cũng nổi giận nữa. Cũng có người không bao giờ ân hận về những tai hại, đổ vỡ và những tổn thương mà mình đã gây ra cho người khác. Những người đó nghĩ rằng mình có quyền giận và khi giận mình có quyền làm hay nói bất cứ điều gì cho hả cơn giận. Đó là những người không biết nghĩ đến danh dự và phúc lợi của người khác.
Chữ “chậm giận” trong Thánh Kinh cũng có nghĩa là chúng ta phải xét xem điều chúng ta giận đó có đúng và có đáng giận không. Giận là một cảm xúc tự nhiên của con người. Chúa không cấm chúng ta giận nhưng Ngài bảo chúng ta phải chậm giận, tức là phải nghĩ xem tại sao mình nổi giận, vì quyền lợi của mình hay vì phúc lợi của người khác. Chẳng hạn như khi vợ, chồng hay con cái vì vụng về, lầm lỡ mà làm hỏng chương trình hay làm mất thì giờ của chúng ta mà chúng ta nổi giận, đó là cái giận không chính đáng. Khi người thân rủi ro bị tai nạn, làm hư xe, đánh mất giấy tờ, tiền bạc hoặc khi có người vì vô tình, vô ý lỡ gây một thiệt hại nào đó cho chúng ta, chúng ta không nên nổi giận. Những người hay giận thường rất cô đơn vì bị vợ, chồng, con cái, bạn bè tránh xa. Người đó có thể được mọi điều như mình muốn, được người khác phục vụ nhưng không nhận được tình thương của người chung quanh. Một người chủ gia đình hay nổi giận là người cai quản gia đình với bàn tay sắt chứ không phải với tình thương và lòng hy sinh như lời Chúa dạy.
Chúa biết cơn giận của con người là điều nguy hiểm vì thế trong Kinh Thánh có nhiều lời khuyên về tính nóng giận. Để kết thúc câu chuyện gia đình hôm nay, chúng tôi xin trích đọc Lời Chúa dạy mỗi chúng ta như sau:
Lúc nóng giận, đừng để cơn giận đưa anh em đến chỗ phạm tội. Đừng giận cho đến chiều tối. Đừng tạo cơ hội cho ác quỷ tấn công… Phải loại bỏ khỏi đời sống anh em những điều cay đắng, oán hờn, giận dữ, cãi cọ, phỉ báng và mọi điều xấu xa khác. Phải có lòng nhân từ, yêu mến nhau, phải tha thứ nhau như Thiên Chúa đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế (Thư Ê-phê-sô 4:26, 27, 31-32)
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành