Mẹ Quên Con ?
Chúa Nhật thứ nhì của tháng Năm hàng năm là ngày Lễ Mẹ, ngày mà người Hoa Kỳ dành riêng ra hằng năm để con cái và những người trong gia đình có dịp bày tỏ lòng quý trọng và biết ơn với những bậc hiền mẫu. Đây là một truyền thống hay đẹp, tuy nhiên, cũng giống như bao nhiêu truyền thống đẹp khác, ngày Lễ Mẹ cũng dễ trở thành nạn nhân của thông lệ và thương mại, làm cho người ta ít nghĩ đến ý nghĩa mà chỉ còn là một dịp tốt để bán hoa, bán thức ăn, bán nữ trang, quần áo.
Dĩ nhiên những điều trên cần có để bày tỏ lòng biết ơn cách cụ thể với người vợ, người mẹ trong gia đình, nhưng nếu chúng ta chỉ có những điều đó mà thiếu đi lòng cảm nhận chân thành thì chúng ta đã thiếu sót rất nhiều. Ngày Lễ Mẹ vì vậy phải quay quanh ba vấn đề quan trọng sau đây:
Trước hết là lòng cảm nhận và biết ơn chân thành. Nói về bày tỏ lòng cảm nhận và biết ơn chân thành đối với những bà mẹ Việt Nam, có lẽ không ai có thể nói hay hơn nhà thơ Hồ Dzếnh trong mấy câu thơ quen thuộc: “Cô gái Việt Nam ơi! Nếu chữ hy sinh có ở đời, tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực cho lòng cô gái Việt Nam tươi.” Hy sinh, khổ cực và những hy sinh khổ cực đó quý giá vô vàn. Đây là điều mà mỗi người chồng, mỗi người con lúc nào cũng phải biết và cảm nhận. Có người đã nói ví von: “Thiên Chúa không thể ở mọi nơi cùng một lúc nên Ngài đã tạo dựng người mẹ.” Dĩ nhiên Thiên Chúa có mặt mọi nơi mọi lúc nhưng câu nói trên cho thấy hình ảnh của người mẹ hiền cũng chính là hình ảnh yêu thương, chăm sóc của Thiên Chúa đối với chúng ta là tạo vật của Ngài. Chính Ngài đã dùng bàn tay của những người mẹ hiền để chăm sóc chúng ta. Đây cũng chính là mục đích của Thiên Chúa khi tạo dựng người đàn bà. Sau khi tạo dựng muôn vật mọi loài, Chúa phán mọi việc Ngài làm đều tốt lành chỉ riêng có một điều không tốt đó là việc người đàn ông sống một mình. Chúa phán: “Người đàn ông ở một mình thì không tốt.” Do đó Thiên Chúa đã tạo dựng người đàn bà để trở thành người an ủi, giúp đỡ người đàn ông trên đường đời.
Các ông thường được gọi là phái mạnh và các bà thường được gọi là phái yếu. Về phương diện thể xác nói chung, các bà là phái yếu thật nhưng chính nhờ cái yếu đuối, mềm mại đó đã giúp cho đời sống gia đình êm ả, dễ chịu. Ngày Lễ Mẹ là ngày cho những người đàn ông trong gia đình được nhắc nhở về giá trị của vợ, của mẹ mình. Chính nhờ bàn tay ân cần, đảm đang, dịu hiền của người đàn bà mà gia đình được đầm ấm, vui vẻ và hạnh phúc. Đây cũng là điều nhắc nhở các bà về vai trò rất quan trọng của mình trong gia đình. Thiên chức làm vợ, làm mẹ giờ đây lắm khi thường bị lãng quên nhường chỗ cho công danh, sự nghiệp, tiền tài, vật chất. Các bà sống trong xã hội nầy có nhiều dịp để tiến thân, để làm ra tiền, để chen chân trong xã hội như các ông. Tuy nhiên các bà cũng nên nhớ rằng vai trò chính yếu của người đàn bà vẫn là trong mái ấm gia đình.
Nói như vậy không có nghĩa là các bà không đi làm hay không chen chân ngoài xã hội, không phải như vậy. Các bà vẫn có những chỗ đứng rất quan trọng trong xã hội với những khả năng và sức chịu đựng mà phái nam không có. Tuy nhiên, đó là chỉ là thứ yếu, vai trò chính yếu của người đàn bà vẫn là trong gia đình. Đây là điều rất dễ bị hiểu làm. Hiểu lầm thứ nhất là cho rằng việc nhà hay vai trò trong gia đình là không quan trọng là hèn kém hơn việc ở ngoài. Đây là sai lầm lớn nhất về vai trò của người vợ người mẹ trong gia đình. Dù xã hội thay đổi, dù cách sống thay đổi, Thiên Chúa đã tạo dựng người đàn bà với những khả năng, những đức tính để chu toàn vai trò làm vợ làm mẹ của mình và đó là một thiên chức, một điều rất cao quý và đẹp đẽ. Nếu cho rằng quanh quẩn ở nhà lo cơm nước, nuôi con, chăm sóc chồng con là điều thấp hèn thì Thiên Chúa đã không ban cho người phụ nữ những khả năng và đức tính đặc biệt đó.
Những tệ trạng lớn trong xã hội ngày nay có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân chính là vì vai trò của người đàn bà đã bị đặt sai chỗ, lẽ ra phải tập trung ở nhà, các bà đã đi ra ngoài quá nhiều. Nói như vậy không có nghĩa là các bà chỉ biết quanh quẩn ở nhà nhưng chỉ có nghĩa là thiên chức hay nhiệm vụ chính của các bà là đem hạnh phúc lại cho chồng con bằng cách xây dựng một mái ấm gia đình.
Nói đến đây không thể nào không nói đến vấn đề giá trị, đó là chúng ta phải định nghĩa thế nào là một mái ấm gia đình. Tôi trình bày một hình ảnh tương phản để quý vị thấy rõ hơn. Có người cho rằng mái ấm gia đình là một căn nhà thật lớn, thật đẹp và rồi cả vợ lẫn chồng đều cặm cụi suốt ngày suốt tuần đi làm để đủ tiền trả nợ. Đi làm đầu tắt mặt tối cho nên mỗi ngày họ chỉ có vài tiếng đồng hồ để ngủ dưới mái ấm đó, con cái họ phải gởi ở một nơi khác từ sáng sớm đến tối. Cuối tuần, nếu không bận chợ búa, giặt giũ thì đi làm thêm, hoặc phải giữ cái nhà cái vườn cho sạch so với hàng xóm. Cuối cùng họ trở thành nô lệ cho điều mà họ gọi là mái ấm gia đình. Hình ảnh nấy có lẽ là hơi quá đáng một tí nhưng cũng là sự thật đối với nhiều gia đình để cho chúng ta thấy thế nào là giá trị thật ở đời.
Nếu chúng ta cho rằng giá trị ở đời là ở nơi đồng tiền, nơi chiếc xe chúng ta đi, căn nhà chúng ta sống thì dĩ nhiên chúng ta sẽ đeo đuổi những giá trị đó. Ngược lại, nếu chúng ta biết rằng giá trị ở đời là tình người, là thì giờ với gia đình, là kỷ niệm đẹp với người thân yêu, là dạy dỗ con nên người thì chúng ta sẽ đầu tư vào những điều nầy. Có một điều quan trọng mà dù cho Bạn không đồng ý với tôi đi nữa Bạn cũng sẽ phải đồng ý, đó là thời gian đi rất nhanh Bạn ạ, mới ngày nào mà gần 40 mươi năm qua, con chúng ta đã lớn, người chúng ta đã già, và Bạn nhìn lại xem, điều gì còn lại trên đời nầy? Nó không phải là căn nhà chúng ta ở hay chiếc xe chúng ta đi nữa nhưng là gia đình ta có hạnh phúc không? Con cái chúng ta ở đâu? Quan hệ vợ chồng của chúng ta như thế nào?
Nhân ngày Lễ Mẹ, chúng ta vừa cùng nhau điểm qua ba vấn đề quan trọng đó là:
- Những người đàn ông, những người chồng, người con phải biết cảm nhận sự hy sinh và những khó nhọc của vợ, của mẹ mình và báy tổ điều đó trong những thái độ và hành động cụ thể. Tặng quà trong Ngày Lễ Mẹ chỉ là một điều rất nhỏ. Thái độ cư xử trong đời sống hằng ngày, yêu thương, giúp đỡ và nâng đỡ, đó mới thật là những món quà mà các bà thính nhận nhất.
- Đừng bao giờ coi thường vai trò cao quý của người đàn bà trong gia đình. Chăm sóc, nuôi dưỡng chồng con không phải là chuyện nhỏ và chuyện dễ. Đây là điều các ông ghi nhận để quý vợ mình hơn, con cái biết ơn mẹ mình hơn. Và đây là điều các bà ghi nhận để chẳng những được an ủi, khích lệ nhưng cũng hãnh diện về vai trò của mình. Và chẳng những hãnh diện về vai trò của mình, các bà cũng sẽ ý thức về thiên chức cao đẹp đó để chu toàn vì biết rằng xã hội nầy sẽ dễ dàng tan rã nếu thiếu các bà biết giữ chặt giềng mối gia đình.
- Điểm thứ ba có quan hệ mật thiết với những gì vừa nói, đó là nếu chúng ta không biết xác nhận vấn đề giá trị, nghĩa là không biết đâu là giá trị thật để đeo đuổi thì dù cho biết vai trò của mình chúng ta cũng sẽ không sống đúng theo vai trò đó mà chạy theo những giá trị chóng tàn phai ở đời.
Trên hết, ta phải biết điều nầy, dù người ta ca tụng tình mẹ và những hy sinh cao cả của người mẹ, tình thương và hy sinh đó không thể nào so sánh được với tình yêu cao cả đời đời Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chính Thiên Chúa đã dùng hình ảnh của người mẹ để so sánh tình yêu của Ngài dành cho chúng ta như sau. Chúa phán:
“Mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương đối với con dạ nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi!”
Người mẹ không khi nào quên con mình được, nhưng dù cho mẹ có quên con đi nữa thì Chúa phán, Ngài chẳng bao giờ quên chúng ta.
Trong ngày ghi nhớ công ơn của những bậc hiền mẫu, chúng ta cũng đừng quên ghi ơn Thiên Chúa là Đấng sinh thành chúng ta, là Đấng đã ban cho chúng ta những bà mẹ hiền và những người bạm chung bước với chúng ta trên đường đời. Hãy nhớ ơn Chúa bằng cách đặt lòng tin trọn vẹn nơi Chúa, chẳng những ghi nhớ ơn sinh thành nhưng cũng ghi nhớ ơn cứu chuộc, ơn Ngài ban cho chúng ta khi chịu chết chuộc tội cho chúng ta. Chỉ trong hồng ân đó ta mới có thể biết ơn người khác, sống đúng với vai trò của mình và biết đeo đuổi những giá trị trường tồn vĩnh cửu ở đời.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành