Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 12)
Có hai vợ chồng kia sống với nhau đã hơn 30 năm, có ba người con đã lớn. Điều lạ nơi đôi vợ chồng này là suốt mấy năm nay họ không trò chuyện với nhau. Ngày xưa, hai người gặp nhau ở đại học. Sau đó họ yêu nhau và lấy nhau. Hôn nhân của hai người bắt nguồn từ tình yêu chứ không phải do cha mẹ gán ép. Tình yêu của họ là tình yêu trong khung trời đại học, đẹp như những bài hát, bài thơ mà chúng ta vẫn thường nghe. Nhưng tiếc thay, tình yêu đó bây giờ đã chết.
Sau một thời gian sống bên nhau, vì công việc, vì bận lo cho con cái, hai vợ chồng không có thì giờ trò chuyện với nhau. Sau đó hoàn cảnh sống thay đổi, tính tình mỗi người thay đổi, hai vợ chồng không còn chia xẻ với nhau những chuyện vui buồn, tâm tình hay ước mơ. Không những thế, những chuyện phiền giận nhỏ nhặt giữa hai người ngày càng thêm nhiều. Và vì không được giải quyết, những buồn phiền đó cứ ghi mãi trong lòng và chồng chất lại, mỗi ngày một ít. Đã vậy, họ không xin lỗi nhau mà cũng không tha thứ cho nhau. Kết quả là giữa hai vợ chồng có một bức tường, tuy vô hình nhưng rất dày rất cao, khiến sự ngăn cách giữa hai người ngày càng lớn.
Là vợ chồng, sống chung dưới một mái nhà, ăn chung bàn, ngủ chung giường nhưng đối thoại giữa hai người đã hoàn toàn chết. Mỗi ngày họ chỉ trao đổi với nhau những câu nói cần thiết. Họ chỉ hỏi và trả lời nhau những điều liên quan đến công việc hay sinh hoạt của gia đình, những chuyện liên quan đến tiền bạc và con cái. Ngoài ra, hai vợ chồng không chia xẻ với nhau điều gì khác. Họ không dám đụng đến những suy nghĩ, ưu tư, cảm xúc, lo lắng hay tình cảm của nhau. Chúng ta hãy thử tưởng tượng sống trong khung cảnh như thế, không khí gia đình tẻ nhạt, lạnh lùng và căng thẳng đến chừng nào.
Điều đáng buồn là không phải chỉ một vài gia đình đang lâm vào chỗ đối thoại bế tắc như thế nhưng rất nhiều đôi vợ chồng đang sống bên nhau trong tình trạng đó. Những khi đi với nhau đến chỗ đông người, như đi dự đám cưới, đám tang, đi nhà thờ, đi thăm cha mẹ, bà con, các đôi vợ chồng này trông cũng vui vẻ, bình thường như những đôi vợ chồng khác. Nhưng khi họ trở về chiếc xe của mình hay bước vào nhà là chiến tranh lạnh tiếp tục trở lại. Họ không muốn nói gì với nhau mà cũng không có gì để nói với nhau.
Nếu gia đình chúng ta đang sống trong tình trạng đó, chúng ta cần thành thật nhìn nhận nan đề của mình và tìm cách giải quyết. Để vợ chồng có thể tìm lại được tình yêu ban đầu, hầu có thể hòa hợp và gắn bó với nhau trọn những năm tháng còn lại của cuộc đời. Chúng ta cần giải hòa với nhau ngay, vì có thể ngày mai người bạn đời của chúng ta không còn nữa, hoặc một trong hai người sẽ không còn có thể nói hay nghe được nữa.
Có một nguyên tắc Chúa dạy mà chúng tôi đã có lần chia sẻ với quý vị là: “Chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26). Lời dạy này thật đơn giản nhưng cũng thật thâm thúy và thực tế. Khi vợ chồng, cha mẹ con cái hay bất cứ người nào có chuyện phiền giận nhau, chúng ta nên nói ra và giải hòa với nhau trước khi đêm xuống, trước khi một ngày chấm dứt. Nguyên tắc của Thánh Kinh là sự phiền giận xảy ra ngày nào chúng ta nên giải quyết trong ngày đó, đừng để đến ngày hôm sau. Nếu giữ những phiền giận đó qua đêm, chúng ta sẽ bị mất ngủ. Và nếu để đến ngày hôm sau có thể sẽ quá trễ, chúng ta không còn cơ hội làm hòa với nhau nữa. Hơn nữa, nếu không nói ra và tha thứ cho nhau ngay, những phiền giận đó sẽ chồng chất lại, ăn sâu vào lòng, trở thành cay đắng và càng khó giải quyết hơn.
Thưa quý vị, như chúng ta đã biết, trong đối thoại giữa vợ chồng cũng như giữa bất cứ người nào, nghe cũng quan trọng hơn nói. Sở dĩ đối thoại bị bế tắc là vì chúng ta có nhiều khuyết điểm trong khi nghe. Tâm lý chung là khi ta có điều cần nói mà đối tượng không muốn nghe hoặc không chịu nghe, ta sẽ không muốn nói nữa.
Có nhiều lý do khiến chúng ta không thể chú ý lắng nghe hoặc không muốn nghe. Chẳng hạn vì ta có tính hay ngắt lời người đang nói, hoặc vì khi người khác nói, chúng ta lo suy nghĩ tìm câu trả lời. Cũng có khi chỉ vì tự ái, người kia nói gì chúng ta cũng nghĩ là người đó ám chỉ mình, chê trách hoặc đổ lỗi cho mình. Có người thì hay có tính võ đoán, mỗi khi người phối ngẫu sắp nói điều gì cũng nghĩ là mình đã biết rồi và không muốn nghe nữa. Một lý do khác khiến chúng ta không thể chú ý nghe là vì trong lòng chúng ta đang có điều buồn phiền hay lo lắng nào đó. Khi trong lòng đang tràn đầy cảm xúc, quá vui hay quá buồn, chúng ta cũng không thể chú ý lắng nghe người khác nói.
Có khi vợ nói chồng không muốn nghe hoặc chồng nói vợ không chú ý nghe vì cho rằng điều người đó nói không có gì quan trọng hoặc không đáng cho mình nghe. Có bà vợ kia có tính hay than. Lúc nào bà cũng than đau chỗ này nhức chỗ kia. Không than nhức đầu thì bà than mất ngủ hay đau lưng. Ông chồng của bà nghe mãi những lời than đó nên đâm ra dửng dưng, ông không còn thấy tội nghiệp khi vợ than đau và dần dần ông cũng không tin lời than của bà nữa. Cuối cùng, ông chồng này cho rằng lời than của vợ không có gì quan trọng, bệnh của bà không có gì đáng lo ngại, nên mỗi lần bà nói, ông không nghe nhưng cứ tiếp tục đọc báo, xem ti-vi hoặc chỉ ừ hử cho qua chuyện. Một đêm kia, giữa khuya bà vợ gọi chồng và than là bị khó thở. Ông chồng đang ngủ ngon bị đánh thức nên bực bội nói thầm trong lòng: Bà này không ngủ được rồi kiếm chuyện để người khác cũng đừng ngủ luôn hay sao đây. Sau đó ông định ngủ tiếp nhưng thấy vợ yên lặng quá, ông ngồi dậy mở đèn xem thử, mới biết là bà vợ bị lên cơn đau tim, phải đưa vào nhà thương cứu cấp.
Thành kiến
Một lý do khác nữa có thể khiến chúng ta không thể mau nghe, chậm nói như Lời Chúa dạy đó là thành kiến hay định kiến của chúng ta về người đang nói. Nếu chúng ta có cảm tình với người đó hay biết người đó không nói điều gì làm tổn thương ta, chúng ta sẽ muốn nghe và chú ý nghe. Trái lại nếu chúng ta không thích người đó hoặc in trí rằng những gì người đó nói không có tính cách xây dựng, chúng ta sẽ không muốn nghe.
Có hai vợ chồng kia cứ đến cuối tháng, khi bàn tính chuyện tiền bạc là cãi nhau. Một lần nọ cũng vào khoảng cuối tháng, ông chồng nói với vợ: “Tối nay em có rảnh không, anh có chuyện này muốn bàn với em?” Bà vợ nghe vậy nói: “Thôi, em không có muốn nói chuyện tiền bạc với anh đâu, nhức đầu lắm, tối nay lỡ hứa qua thăm chị Tư rồi!” Tội nghiệp ông chồng, ông không định nói chuyện tiền bạc nhưng muốn bàn với vợ về chuyện hãng muốn thuyên chuyển ông đến một tiểu bang khác làm việc. Bà vợ ông vì định kiến, không muốn nghe và không sẵn sàng nghe nên ông không chia xẻ được ưu tư của mình.
Có ông chồng kia rất nóng tính và khi nổi nóng lên thì chê trách vợ nặng lời. Ông ghét cái tính nóng nảy của mình nên cố gắng sửa đổi. Một ngày kia, ông lại nổi giận với vợ và lại nói những lời không đẹp. Bà vợ buồn quá, vào phòng đóng cửa lại và khóc. Ông chồng ân hận khi thấy mình vẫn chưa bỏ được tính nóng giận. Suy nghĩ một lát, ông quyết định đến xin lỗi vợ. Khi ông vừa mở cửa phòng, bà vợ nói: Anh vô đây làm gì nữa, anh mắng tôi chừng đó chưa đủ sao? Bà vợ đinh ninh là chồng muốn trách mắng mình thêm nên đẩy chồng ra khỏi phòng và khóa cửa lại.
Có khi chúng ta có thành kiến với người bắc, người trung, người nam, v.v… Những thành kiến này rất khó sửa đổi. Khi những người đó nói chúng ta vì định kiến, khó có thể lắng nghe một cách khách quan và vô tư. Khi chúng ta có suy nghĩ quá cao hay quá thấp về người phối ngẫu, hoặc chúng ta in trí vì một kinh nghiệm nào đó trong quá khứ cũng rất khó cho ta chú ý lắng nghe khi người đó nói.
Bận rộn, không có thì giờ
Một trong những lý do thông thường nhất khiến người trong gia đình ít khi chia xẻ tâm tình với nhau là đời sống ở đây quá bận rộn, không ai có thì giờ để yên lặng lắng nghe người khác nói. Nhiều khi chúng ta có chuyện cần nói với vợ hay chồng nhưng sáng dậy phải vội vàng lo ăn uống, chuẩn bị quần áo, sách vở, thức ăn cho chồng cho con, tiễn chồng ra cửa, đưa con đến trường, đưa vợ ra xe đi làm… nên không nói được với nhau lời nào. Trưa thì ít khi nào gặp nhau. Tối về sau khi lo cơm tối lại phải giúp con học hành hoặc phải đi lo công việc, có khi bạn đến nhà hoặc có người gọi điện thoại nói chuyện quá lâu, v.v… nên vợ chồng lại không có dịp nói chuyện với nhau. Đó là chưa kể trường hợp những người làm hai ba job hoặc vợ chồng đi làm giờ giấc khác nhau.
Trong đời sống quá bận rộn ở đây, để giữ cho sự cảm thông giữa vợ chồng được tốt đẹp, lắm khi chúng ta phải làm như lấy hẹn bác sĩ, mỗi tuần hoặc hai tuần một lần, nhất quyết dành thì giờ cho nhau, không để công việc gì hay người nào xen vào. Nếu không, chúng ta sẽ cứ bị cuốn hút vào nhịp sống bận rộn và không còn thì giờ để nói, để nghe và để hiểu nhau nữa.
Mệt mỏi
Song song với sự bận rộn là sự mệt mỏi, về tinh thần cũng như thể xác. Có khi vợ chồng có thì giờ trò chuyện với nhau nhưng vì quá mệt mỏi, chúng ta cũng không thể lắng nghe tâm tình của nhau được. Khi một người quá mệt mỏi mà người kia muốn nói, người nghe sẽ chỉ nghe cách chiếu lệ, qua loa, chứ không thể chú ý lắng nghe để hiểu, thông cảm và an ủi hay giúp đỡ điều gì. Nếu là người tế nhị, chúng ta sẽ không trút gánh nặng lên vợ hay chồng khi người đó quá mệt, nhưng sẽ tìm một lúc khác thuận tiện hơn. Tương tự như thế, khi vợ hay chồng có điều muốn nói mà ta đã quá mệt, chúng ta nên thành thật với nhau và hẹn một giờ khác hay một ngày khác thuận tiện hơn và nhớ giữ lời hứa để không làm người thân của chúng ta thất vọng.
Thưa quý vị, chúng tôi vừa chia xẻ với quý vị những lý do khiến vợ chồng không thể chú ý lắng nghe khi người kia có điều muốn nói. Hầu hết những lý do đó, nếu quyết tâm, chúng ta có thể sửa đổi hay loại trừ được, để sự đối thoại giữa vợ chồng được tốt đẹp.
Một trong những điều đầu tiên chúng ta có thể làm là bằng lòng với những gì mình có. Bằng lòng với người vợ người chồng Chúa đã đặt để bên cạnh mình. Thỏa lòng với gia đình, với hoàn cảnh sống và nhất là bằng lòng với những vật chất, tiện nghi Chúa đã ban. Theo lời Thánh Kinh dạy, bí quyết để có một đời sống thoải mái là: “Niềm tin kính và lòng mãn nguyện là lợi ích lớn. Vì con người ra đời tay trắng, khi qua đời cũng chẳng đem gì theo được; nên đủ ăn đủ mặc là thỏa lòng rồi.”
Một khi bằng lòng với hoàn cảnh và sống với tinh thần biết ơn Chúa, chúng ta sẽ loại bỏ được tính than van, loại bỏ thành kiến và cũng không quá bận rộn vì phải bon chen trong cuộc sống. Lúc đó chúng ta sẽ sống vượt lên trên guồng máy cuốn hút của xã hội và sẽ được thư duỗi, thoải mái, không nóng nảy, không thiếu kiên nhẫn, không dễ bực dọc gắt gỏng với nhau. Trái lại sẽ sống trong vui vẻ, biết ơn Chúa, quý chuộng nhau. Chúng ta sẽ có thì giờ cho nhau và với nhau. Lúc đó không những sự đối thoại của chúng ta được tốt đẹp nhưng tình cảm chúng ta dành cho người thân và người chung quanh cũng sẽ đậm đà và bền lâu (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Cám ơn đã giúp tôi hiểu ra, hi vọng tôi sẽ có cơ hội sửa sai