Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 4)
Một bà vợ kia nói về chồng bà như sau: Ðối với người ngoài gia đình, chồng tôi là một người hiền hòa, dễ dãi và vui tính. Ai cũng nói tôi có phước, có ông chồng hiền lành. Nhưng thực tế không phải như vậy. Không ai nghe nơi chồng tôi những điều tôi nghe, không ai biết những điều tôi biết, vì thế ai cũng nghĩ là ông hiền và dễ thương. Tôi chia xẻ những điều này vì tôi khổ quá mà không biết làm sao. Có thể nói, trong suốt mười lăm năm chung sống, tôi bị chồng hành hạ bằng lời nói thường xuyên. Mỗi khi vợ chồng có điều bất đồng ý kiến là chồng tôi cằn nhằn suốt mấy tiếng đồng hồ liên tiếp, có khi suốt cả đêm, rồi đến sáng ông đổ lỗi cho tôi, nói là vì tôi mà ông mất ngủ. Thường thường những chuyện bất đồng ý kiến lúc đầu rất nhỏ, không đáng gì cả nhưng chồng tôi cứ nổi giận lên nên thành lớn chuyện. Lúc nào ông cũng nói là tại tôi mà vợ chồng cãi nhau. Nếu tôi lên cố gắng giải thích thì ông nạt, bảo tôi không được nói mà phải yên lặng nghe ông nói. Và rồi ông nói khoảng từ 20 phút đến 2 tiếng đồng hồ, còn tôi phải yên lặng nghe, dù là đang ban đêm hay ban ngày. Ông nhắc đi nhắc lại những chuyện ông đã nói nhiều lần và luôn luôn nói là ông phải còn tôi quấy. Tôi không muốn ly dị chồng nhưng nếu tiếp tục sống bên người chồng như thế này không sớm thì muộn, tôi cũng sẽ bị bệnh tâm thần.
Chúng tôi biết trong số quý vị nghe chương trình Tin Lành hôm nay cũng có nhiều người đang bị người phối ngẫu hành hạ bằng lời nói và ước mong chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề và không dùng lời nói để làm khổ nhau nữa.
Sách Châm Ngôn trong Thánh Kinh Cựu Ước dạy rất nhiều về ảnh hưởng của lời nói và cách sử dụng lời nói. Lời Chúa cho chúng ta ít nhất mười nguyên tắc sau đây:
- Lời nói có sức mạnh rất lớn vì thế chúng ta phải cẩn thận khi sử dụng lời nói
2. Chúng ta cần giữ tâm trí trong sạch vì là nơi phát xuất tư tưởng và lời nói
3. Trong tiến trình đối thoại, nghe quan trọng hơn nói
4. Lời nói thiếu suy nghĩ gây nhiều tai hại
5. Lời nói trong lúc nóng giận rất nguy hiểm
6. Lời nói đúng lúc, đúng chỗ có giá trị lớn
7. Lời nói nhân từ có tác dụng tốt
8. Nói nhiều sẽ vấp váp và lầm lỗi nhiều
9. Nói thật nhưng nói với lòng yêu thương
10. Hãy tránh tính hay cằn nhằn và tranh cãi
Trong Câu Chuyện Gia Ðình kỳ trước, chúng tôi có nói về nguyên tắc thứ ba, đó là: Trong tiến trình đối thoại, nghe quan trọng hơn nói. Theo lời Chúa dạy, người nghe nhiều chứ không nói nhiều là người khôn ngoan. Chúng ta không chỉ nghe lời khen, lời khích lệ nhưng cũng cần nghe lời quở trách và lời khuyên dạy.
Trong tiến trình đối thoại, chúng ta cần nghe đầy đủ rồi hẵng nói. Ðây là điều rất đơn giản nhưng thường chúng ta không để ý và không áp dụng nên đối thoại giữa chúng ta với người chung quanh, nhất là với người phối ngẫu thường hay có nan đề. Biết bao nhiêu lần vợ chồng giận nhau hay phiền nhau chỉ vì nghe chưa rõ hoặc nghe chưa xong mà đã phản ứng hay đã trả lời.
Châm Ngôn 18:13 dạy:
Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên dại cho ai làm vậy.
Câu này cho thấy, khi một người nghe chưa rõ, nghe chưa đầy đủ mà đã trả lời hay bày tỏ phản ứng là người thiếu khôn ngoan. Ðây là điều xảy ra hằng ngày trong gia đình cũng như giữa bạn bè với nhau. Khi trò chuyện, chúng ta thường không kiên nhẫn lắng nghe nhưng muốn nói lên ý của mình, vì thế chúng ta vấp phải lỗi trả lời trước khi nghe, chính vì thế mà sinh ra hiểu lầm và thiếu thông cảm. Có nhiều người, khi vợ hay chồng bắt đầu nói điều gì thì ngắt ngang và nói: Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! Những người nói như thế thường chẳng biết gì về người đối thoại với mình, vì chưa nghe đến nơi đến chốn làm sao biết được. Là con người hữu hạn, chúng ta không thể đọc tư tưởng trong tâm trí người khác, vì thế, dù chúng ta biết một người đã lâu hoặc biết khá nhiều về một người nào, chúng ta vẫn cần nghe những gì người đó chia xẻ, bằng lời nói và cử chỉ, để thật sự hiểu người đó. Trả lời trước khi nghe là điều nguy hiểm, nó không giúp ta hiểu nhau và thông cảm nhau hơn nhưng có thể gây ra hiểu lầm, phiền giận và đào sâu hố chia rẽ giữa hai người.
Nếu trong gia đình cả vợ và chồng đều chú ý lắng nghe khi người kia có điều muốn nói, không những chú ý nghe nhưng còn cố gắng để hiểu tâm tình và cảm xúc của nhau, giữa vợ chồng sẽ có sự thông cảm; nhờ đó tình cảm vợ chồng sẽ đậm đà, sự hiệp một, gắn bó sẽ gia tăng. Ngược lại, nếu vợ chồng không kiên nhẫn lắng nghe để biết ý nhau và thông cảm với nhau, vợ chồng sẽ dễ có những điều hiểu lầm, buồn phiền. Nếu chúng ta xem việc vợ chồng không trò chuyện, tâm tình với nhau là điều không quan trọng và không sửa đổi nhưng cứ để mặc như thế, giữa vợ chồng sẽ có sự ngăn cách, tẻ nhạt, không ai trò chuyện với ai mà cũng không ai hiểu ai nữa. Vợ chồng vẫn sống bên nhau, vẫn sinh hoạt bình thường nhưng bên trong hai người là hai tâm hồn cô đơn. Theo bản tính Chúa ban, các bà các cô thích nói nhiều hơn các ông. Cũng có những phụ nữ ít nói nhưng đa số các bà thường muốn bày tỏ tư tưởng và cảm xúc bằng lời nói. Các bà cần nói và cần có người lắng nghe. Lời Chúa dạy chúng ta phải nghĩ đến phúc lợi của người khác chứ không chỉ nghĩ đến phúc lợi của riêng mình. Sứ đồ Phao-lô viết:
Mỗi một người trong anh chị em chớ tìm lợi riêng cho mình, những hãy chú trọng đến lợi ích của người khác nữa (Phi-líp 2:4, Bản Dịch Mới)
Thực hành lời Kinh Thánh dạy, nếu các ông thật sự thương vợ hãy dành thì giờ lắng nghe vợ nói để hiểu và thông cảm với vợ. Các bà cũng cần quan tâm lắng nghe chồng nói để có thể hiểu chồng và thông cảm với chồng. Khi giữa vợ chồng có sự thông cảm, hôn nhân sẽ hạnh phúc, bền lâu.
- Lời nói thiếu suy nghĩ gây nhiều tai hại
Kinh Thánh dạy rằng những lời nói thiếu suy nghĩ, thiếu thận trọng thường đem lại nhiều tai hại.
Châm Ngôn 12:18 dạy:
Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm, nhưng lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay.
Những người bạ đâu nói đó hoặc thấy gì hay nghĩ gì thì nói ra ngay, thường gây tai hại hơn là xây dựng khi đối thoại với người chung quanh. Có người biết lời nói của mình gây tổn thương cho người nghe nhưng không sửa đổi mà còn hãnh diện về tính xấu đó. Có lẽ quý vị đã từng nghe những người nói: Tính tôi là vậy đó, nghĩ gì là nói liền; tôi nói thẳng, nói thật, ai đụng chạm thì ráng chịu. Theo Lời Chúa dạy, người không cẩn thận trong lời nói là thiếu khôn ngoan, vì lời nói cũng giống như lưỡi gươm, có thể đâm vào lòng, gây đau đớn cho người nghe và khiến cho mối quan hệ với người chung quanh không tốt đẹp. Chúng ta hãy tưởng tượng, trong gia đình nếu vợ chồng lúc nào cũng nói những lời đay nghiến, chua cay, đâm vào lòng nhau thì đời sống hai vợ chồng đó đau khổ biết bao. Có nhiều người chỉ vì những lời nói độc hại, tàn ác của người khác mà buồn khổ, sinh bệnh mà chết.
Nói cách vội vàng, hấp tấp cũng là dại. Châm Ngôn 29:20 dạy:
Con có thấy một người ăn nói hấp tấp không? Kẻ ngu dại còn có hy vọng hơn người đó (Bản Dịch Mới)
Bản Kinh Thánh Diễn Ý thì nói:
Người ngu đần còn khá hơn người vội nói!
Có lẽ chúng ta nghĩ sao Kinh Thánh dùng từ quá nặng như thế để chỉ những người nói năng hấp tấp, thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên, nếu nghĩ lại hậu quả của những lời nói đó, chúng ta thấy lời Chúa nói mạnh như thế là đúng, để cảnh cáo chúng ta phải cẩn thận khi sử dụng lời nói.
Cách ngôn Tây phương có câu: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói,” hàm ý là chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận trước khi nói. Chúng ta phải cẩn thận mỗi khi nói vì một lời đã nói ra không thể nào lấy lại, như bát nước đã đổ xuống đất không thể nào hốt lên được. Nhiều khi vì một lời nói thiếu suy nghĩ mà chúng ta gây tai hại cho chính mình, khiến người chung quanh mất đi lòng kính trọng hoặc lòng tin cậy chúng ta. Có những nhà lãnh đạo chính trị hay lãnh đạo tôn giáo, chỉ vì một lời nói thiếu suy nghĩ mà phải mất chức, phải xin lỗi công chúng và câu nói tai hại đó theo đuổi người đó suốt cả cuộc đời. Chúa biết rõ ảnh hưởng tai hại của những lời nói thiếu suy nghĩ nên lời Chúa dạy:
Ai giữ lấy miệng và lưỡi mình, giữ linh hồn mình khỏi hoạn nạn (Châm Ngôn 21:23)
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành