Khiêm Nhu
Chúng ta đang cùng nhau nói về đề tài hạnh phúc thật và hai hoàn cảnh được mô tả là hạnh phúc là hạnh phúc cho những người có tâm linh khó nghèo và hạnh phúc của những người than khóc. Người có tâm linh khó nghèo là người ý thức tình trạng băng hoại tâm linh của chính mình. Người than khóc là người bày tỏ lòng ăn năn thống hối. Và bước thứ ba hay hoàn cảnh thứ ba chúng ta cùng nhau thảo luận hôm nay là bước Chúa Giê-xu gọi là bước khiêm nhu. Chúa Giê-xu phán, “Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất.”
Người nhu mì là người như thế nào? Nhu mì mang ý nghĩa nhân từ, hiền hòa, khiêm nhường, lịch sự. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của chữ “nhu mì” trong tiến trình hạnh phúc thật Chúa Giê-xu trình bày. Người nhu mì nằm giữa người than khóc và người khát khao công chính. Than khóc là ý thức về tội lỗi của mình và ăn năn, nhưng đó là đối với Chúa, còn đối với người thì sao? Con người chúng ta dễ dàng nhận tội với Chúa, nhưng kể mình là người tội lỗi, xấu xa so với người khác không phải là điều dễ làm nếu không nói là chúng ta không muốn làm. Người nhu mì vì vậy là người sau khi ý thức mình là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, biết xử sự với người chung quanh với cái nhìn đúng về chính mình.
Chính chúng ta không có gì đáng cho mình khoe khoang. Hãnh diện hay hợm mình cả. Một người ý thức tình trạng tội lỗi của mình sẽ tự nhiên cư xử đúng với người chung quanh. Còn kiêu ngạo là vì chúng ta chưa thấy rõ con người thật của mình. Một khi đã thấy rõ, chúng ta sẽ sống với lòng khiêm nhu, không đòi hỏi nơi người khác. Điều này thể hiện rõ ràng trong trường hợp những người cùng sống trong một cảnh ngộ: những người cùng ngồi tù, cùng bị áp bức thấy thương nhau hơn và đối xử với nhau tử tế hơn. Chúng ta là những người cùng chung số phận trước mặt Đức Chúa Trời nên không thể hợm mình, coi người khác không ra gì. Trái lại, chúng ta sẽ có lòng khiêm nhu hay nhu mì.
Người xưa nói rằng, “Nhu thắng cương, nhược thắng cường,” mềm là hơn cứng, yếu là hơn mạnh. Một số người có thể không đồng ý với triết lý nầy vì cho rằng mềm mỏng là dấu hiệu của hèn yếu, ủy mị. Chúng ta cho rằng sống thì phải cứng rắn, không thể nhu nhược. Nhưng chúng ta để ý thấy rằng Chúa Giê-xu không phán, “Phước cho người nhu nhược.” Chúa phán, “Phước cho người nhu mì” Nhu mì không phải là nhu nhược. Nhu mì là có cái nhìn đúng về chính mình trước mặt Thiên Chúa và loài người. Có cái nhìn đúng về chính mình, chúng ta sẽ không hợm hĩnh, kiêu căng vì trước mặt Thiên Chúa, chúng ta chỉ là những tội nhân đáng chết. Chúng ta được sống là nhờ ơn thương xót của Thiên Chúa. Ý thức như vậy, chúng ta sẽ xử sự đúng với người chung quanh.
Hạnh phúc của những người nhu mì theo lời dạy của Chúa Giê xu là sẽ hưởng được đất. “Hưởng” nói đến việc thừa hưởng, như một người thừa hưởng gia tài, đất ruộng của cha mẹ để lại. Người sống với thái độ khiêm nhu sẽ hưởng những gì Chúa hứa. Xưa nay, để chiếm được đất đai, người ta phải hung hăng, lấn lướt. Nhưng hung hăng như vậy lắm khi chẳng được gì. Chúng ta đều biết câu chuyện gió và mặt trời thách thức với nhau xem thử ai có thể lột chiếc áo choàng dày khỏi người bộ hành. Gió ra sức thổi mạnh, nhưng càng thổi, người kia càng giữ chặt lấy áo. Còn mặt trời chỉ nhẹ nhàng chiếu ánh nắng xuống là đủ làm cho người khách tự động bỏ chiếc áo dày cộm khỏi người. Nước thât mềm nhưng không giươm dao nào có thể chặt được nước. Sắt thật cứng, ta đập không gãy được nhưng lửa làm cho sắt mềm dễ dàng. Người khiêm nhu là người mềm, mềm mại trước mặt Thiên Chúa, mềm mỏng với người chung quanh và đó là người hạnh phúc. Đối với Chúa, người hung hăng lấn lướt không phải là người chiếm được đất đai nhưng là người có lòng khiêm nhu. Chúa phán. “Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất.”
Trước mặt Thiên Chúa và trước mặt mọi người, Bạn là người khiêm nhường hay kiêu ngạo? Chúng ta kiêu ngạo khi nghĩ rằng mình có gì hơn người khác. Nhưng chúng ta khiêm nhường khi biết rõ con người thật của mình. Con người chúng ta trước mặt Thiên Chúa chẳng có gì đáng hãnh diện cả vì chúng ta chỉ là những tội nhân đáng chết. Trước mặt loài người, có lẽ chúng ta hãnh diện phần nào vì cho rằng mình cũng còn khá hơn người khác. Nhưng khá hơn trong tiêu chuẩn nào? Trong tiêu chuẩn riêng của chúng ta, có lẽ chúng ta khá hơn thật, nhưng còn tiêu chuẩn của Thiên Chúa thì sao?
Người đời chủ trương chinh phục, chiếm đoạt, thu nhập cho nhiều và dư thừa. Thành công theo đời là chinh phục và sở hữu, nhưng Chúa Giê-xu dạy, “Phước cho những kẻ nhu mì vì sẽ hưởng được đất.” Người nhu mì thấy như bị thiệt thòi, vì không giành giựt, không chiếm đoạt nhưng đó là người hưởng được đất, người kinh nghiệm gia sản thiên thượng, sống một đời sống phong phú và phước hạnh.
Sống khiêm nhu là sống theo gương Chúa Giê-xu. Chúa phán:
Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường nên hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các con sẽ được an nghỉ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:29).
Chúng ta chưa được an nghỉ vì vẫn còn cố gắng tranh đấu, giành giựt, chiếm đoạt. Chỉ khi nào chúng ta khiêm nhu, yên lặng, học theo gương của Chúa, chúng ta mới kinh nghiệm an nghỉ và hạnh phúc thật sự.
Chúng ta cần nhìn lại đời sống của mình. Chúng ta sống như thế nào trong mối quan hệ với người chung quanh? Chúng ta là những con người tự phụ, tự kiêu hay là những con người khiêm nhu, mềm mỏng? Đây không nói đến bản tính tự nhiên của chúng ta nhưng nói đến một tiêu chuẩn mới. Tiêu chuẩn của những người muốn hưởng hạnh phúc đích thực trong vương quốc của Thiên Chúa. Ước gì Bạn cũng có được kinh nghiệm của những người khiêm nhu trong Nước Trời.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành