Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 17)
Kính chào quý thính giả,
chúng tôi thật vui cảm tạ Chúa vì “Câu Chuyện Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Trong những tuần qua chúng tôi chia xẻ đề tài “Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu,” và một trong những tiêu chuẩn đó là giữ cho đường dây đối thoại giữa vợ chồng được ngọt ngào tốt đẹp. Lời Chúa trong Kinh Thánh dạy rất nhiều về cách sử dụng lời nói, nói thế nào để đem lại xây dựng và yêu thương cho người nghe, vì vậy chúng ta sẽ nhìn vào những nguyên tắc Kinh Thánh dạy, cũng như những phương cách “Đối Thoại trong Hôn Nhân,” để học hỏi, áp dụng, với ước mong sẽ giúp chúng ta cách trò chuyện với người phối ngẫu để vợ chồng hiểu nhau, thông cảm và yêu thương gắn bó với nhau suốt đời.
Trong đời sống mỗi ngày chúng ta luôn phải dùng lời nói để trò chuyện, trao đổi với người chung quanh để hiểu nhau và có mối tương quan tốt đẹp với nhau. Trong hôn nhân cũng vậy, vợ chồng trò chuyện với nhau là điều quan trọng và cần thiết. Có người đã so sánh đối thoại giữa vợ chồng với giòng máu trong cơ thể và nói: “Đối Thoại trong hôn nhân cũng quan trọng như giòng máu trong cơ thể, khi giòng máu thông thương tốt đẹp thì cơ thể sẽ khoẻ mạnh. Tương tự như vậy, khi đối thoại giữa vợ chồng được thông suốt, tốt đẹp, tình cảm vợ chồng sẽ vững mạnh và bền lâu.” Như vậy, chúng ta có thể nói, khi vợ chồng không trò chuyện, thiếu đối thoại thì hôn nhân sẽ khó tránh khỏi nan đề. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi nói về những mức độ đối thoại thường có giữa người với người, cũng là mức đối thoại thường có giữa vợ chồng, chúng tôi đã trình bày ba mức độ đối thoại đầu tiên, đó là: (1) Đối thoại xã giao: vợ chồng trao đổi với nhau những lời lịch sự nhưng khuôn sáo, qua loa chiếu lệ, không thật sự chia xẻ điều mình suy nghĩ hay lo lắng trong lòng. (2) Đối thoại sơ giao: đây là khi chúng ta nói cho vợ hay chồng biết về những chuyện xảy ra trong ngày hay trong gia đình nhưng không nói lên ý kiến, cảm nghĩ hay cảm xúc buồn vui, lo lắng của mình. (3) Đối thoại thông giao: Khi trò chuyện với nhau ở mức độ này, vợ chồng nói cho nhau biết những điều xảy ra trong đời sống và cũng cho biết mình nghĩ gì, lo lắng hay quan tâm đến những sự việc đó như thế nào. Tuy nhiên đây cũng chỉ là trao đổi hay chia xẻ những điều xảy ra chung quanh, và vài suy nghĩ trong trí chứ chưa thật sự đụng đến tấm lòng hay trái tim. Hôm nay chúng tôi xin nói về mức độ đối thoại thứ 4 và thứ 5, là mức đối thoại cao hơn, sâu đậm hơn.
Mức Độ Đối Thoại Thứ IV: Đối Thoại Tâm Giao
Khi trò chuyện với nhau ở mức độ này, chúng ta không chỉ nói lên sự việc xảy ra hay những diễn biến trong đời sống nhưng cũng chia xẻ cảm xúc hay tình cảm của mình về những điều đó. Để vợ chồng thật sự hiểu nhau, thông cảm nhau, khi trò chuyện chúng ta cần thành thật nói lên cảm nghĩ, thành thật bày tỏ cảm xúc để người bạn đời biết và thông cảm. Dù mỗi ngày vợ chồng gặp nhau, thăm hỏi nhau, chúng ta không nên hỏi qua loa chiếu lệ nhưng với lòng thành thật quan tâm. Ví dụ sau một ngày dài mỗi người đi một nơi, lo một công việc khác nhau, cuối ngày vợ hỏi chồng: “Hôm nay ở sở có việc gì mà thấy anh có vẻ mệt mỏi suy tư, nói cho em biết được không?” Hoặc sau mấy ngày vợ đi về thăm bố mẹ, khi vợ trở về chồng muốn biết tin tức nên hỏi: “Em về thăm ba mẹ có vui không? Ba mẹ khoẻ hay có bị đau ốm gì? Có cần mình giúp gì không?” Khi thăm hỏi chi tiết như vậy, chúng ta tạo cơ hội cho vợ/chồng mình thành thật chia xẻ những cảm xúc buồn vui hay lo lắng ưu tư. Nếu người vợ đang lo cho sức khoẻ của cha mẹ, sẽ có cơ hội nói lên điều mình lo lắng để chồng hiểu và thông cảm, hoặc nếu có tin vui từ cha mẹ cũng sẽ muốn chia xẻ để chồng cùng vui với mình. Những chia xẻ thành thật và sâu đậm như thế sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau, thông cảm nhau, nhờ đó tình cảm giữa hai người sẽ đậm đà hơn. Mức độ đối thoại này gọi là Đối Thoại Tâm giao, đây là khi chúng ta thành thật nói ra những cảm xúc buồn vui hay lo lắng trong lòng. Khi có cơ hội trò chuyện với nhau, quý vị có dám thành thật chia xẻ những buồn vui hay tổn thương trong lòng với vợ hay chồng mình không? Hay chúng ta chỉ nói những chuyện vu vơ, không quan trọng, còn những buồn vui hay tổn thương trong lòng thì không bao giờ dám nói ra?
Thường thường quý bà quý cô dễ chia xẻ cảm xúc và tình cảm trong lòng bằng lời nói. Quý ông thì ngược lại, đa số thích nói chuyện công việc hay bàn chuyện thiên hạ chứ không muốn đả động đến nan đề hay cảm xúc, ngoại trừ cảm xúc phiền giận thì nhiều người bày tỏ dễ dàng và nhanh chóng. Một số quý ông cũng hay che giấu hoặc đè nén cảm xúc hay tình cảm của mình. Nhiều người khi có chuyện vui buồn hay lo lắng thường không nói ra, ngay cả cảm xúc thương yêu cũng ngại bày tỏ với vợ con. Có lẽ vì khi còn nhỏ được cha mẹ dạy à con trai không được buồn khóc hay nhiều tình cảm như con gái. Không biểu lộ tình cảm hay cảm xúc là điều quý ông cần thay đổi hay vượt qua để vợ con cảm thấy gần với quý ông hơn. Trong lời dạy về hôn nhân, sứ đồ Phao-lô viết:
Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế đã yêu Hội Thánh, xả thân vì Hội Thánh (Thư Ê-phê-sô 5:25)
Vì yêu chúng ta, Chúa đã hy sinh mạng sống của Ngài để chúng ta được tha thứ tội và được trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Theo Lời Chúa dạy, quý ông chồng/ ông cha cũng cần bày tỏ tình thương yêu đối với vợ con cách rõ ràng cụ thể như Chúa đối với chúng ta vậy. Tuy nhiên, khi vợ chồng thành thật chia xẻ tình cảm và cảm xúc, chúng ta dễ đụng đến chỗ nhạy cảm trong lòng mỗi người. Nếu chúng ta nói lên chuyện vui thì không sao, nhưng nếu chia xẻ điều ta buồn lo hay thành thật nói lên điều ta bị tổn thương vì lời nói hay việc làm của người phối ngẫu, có thể đưa đến phiền giận nhau. Dù vậy, nếu thật lòng yêu nhau và muốn vợ chồng thật sự hiệp một, chúng ta cần đối thoại với nhau ở mức độ tâm giao này, đó là chúng ta nói thật với nhau và nói với tình yêu thương. Kinh Thánh dạy:
Chúa muốn chúng ta không như trẻ con nữa… nhưng muốn chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương (Thư Ê-phê-sô 4:15)
Mức độ Đối Thoại thứ V: Đối Thoại Thâm Giao
Trong mức độ đối thoại thứ V này vợ chồng sẽ không ngại chia xẻ điều mình cần hay mơ ước để được người phối ngẫu quan tâm, thông cảm và đáp ứng. Đây là mức độ đối thoại cao nhất, sâu đậm nhất giữa người với người, vợ chồng cần đối thoại với nhau ở mức độ này hơn là với bất cứ ai khác. Chúng ta thấy các em bé khi cần bú sữa hay muốn được bồng bế thì dùng tiếng khóc để cho mẹ hay người ở n gần biết các em cần được chăm sóc đặc biệt. Rồi khi lớn hơn, đã biết nói, các em cũng thành thật thẳng thắn nói lên điều các em muốn hay cần. Khi một người đã lớn, đã trưởng thành, nhu cầu cũng lớn theo và phức tạp hơn, vì thế thường ngại nói lên điều mình cần. Tuy nhiên, trong hôn nhân chúng ta cần thành thật nói cho người bạn đời biết chúng ta cần gì, trông mong gì nơi người phối ngẫu, là những điều người đó có thể đáp ứng để mạng lại niềm vui và hạnh phúc cho hôn nhân.
Các nhà khải đạo hôn nhân khi tư vấn cho các đôi vợ chồng thường khuyến khích hai người phải thành thật nói cho nhau biết mình cần gì hay trông mong điều gì nơi người bạn đời. Nhiều người sống với vợ/chồng đã lâu mà không dám nói lên điều mình suy nghĩ hay mong ước nhưng chỉ suy nghĩ và mong ước thầm rằng người bạn đời sẽ tự nhiên biết. Có người trách vợ: “Mình sống với nhau đã gần hai mươi năm, em phải biết ý của anh chứ anh đâu cần phải nói!” Hoặc vợ nói với chồng: “Em không dám nói lên điều em mong ước, nếu anh thật thương em thì anh đã biết!”
Chúng ta không thể không nói ra điều mình cần hay trông mong nhưng lại mong người bạn đời phải cố gắng để biết chúng ta cần gì hay trông mong gì nơi người đó, làm như thế chúng ta sẽ thất vọng và có thể khiến người kia buồn. Chúng ta cần tập đối thoại với nhau ở mức độ thứ V này, không còn là đối thoại xã giao, sơ giao, thông giao hay tâm giao nhưng là đối thoại thâm giao, nghĩa là chúng ta thành thật chia xẻ với nhau mọi điều để giữa vợ chồng không có điều gì ngăn cách nhưng hai tâm hồn, hai cuộc đời kết hợp làm một trong mọi điều, mọi mặt và trọn cả cuộc đời (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành