Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 2)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa, Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Trong tuần qua, chúng tôi bắt đầu một đề tài cho Năm Mới, với tựa đề: Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu. Hôm nay chúng tôi xin tiếp tục trình bày trong đề tài đó.
Khi từ giã đời sống độc thân để lập gia đình ai cũng mong có một hôn nhân hạnh phúc lâu bền: mong vợ chồng sẽ sống với nhau trong tình yêu chân thật cho đến cuối cuộc đời. Điều đáng tiếc là ngày nay, trong thế kỷ 21 này, chúng ta nghe và chứng kiến nhiều hôn nhân kết thúc trong ly dị. Nhiều đến nỗi chúng ta không còn ngạc nhiên hay sốc khi nghe đến hai chữ ly dị, nhiều vợ chồng cũng xem ly dị như là một giải pháp bình thường, không có gì phải che giấu hay ngại ngùng khi nói đến. Tuy nhiên đó là suy nghĩ của con người trong xã hội ngày nay. Đối với Thiên Chúa, chương trình và ý định của Ngài từ buổi ban đầu vẫn không thay đổi, đó là khi thiết lập hôn nhân cho hai người đầu tiên trên địa cầu, Chúa phán:
“Người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt.”
Vợ chồng không là hai nữa nhưng là một: một đơn vị, một đời sống. Chúa Giê-xu cũng phán:
“Hễ người nào không vì lý do gian dâm mà ly dị vợ và đi cưới người khác thì phạm tội ngoại tình… Loài người không nên phân rẽ những người mà Đức Chúa Trời đã phối hợp” (Phúc Âm Ma-thi-ơ 19: 6 &9).
Chúa không chỉ dạy rằng hôn nhân là sự kết hợp trọn đời, vợ chồng phải yêu thương chung thủy với nhau cho đến cuối cuộc đời, nhưng Ngài cũng để lại cho chúng ta những nguyên tắc sống trong hôn nhân, để vợ chồng nào vâng theo, áp dụng Lời Chúa dạy vào hôn nhân, vợ chồng sẽ được hạnh phúc. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ trước, chúng tôi có trình bày Mười Lý Do hay Mười Lỗi Lầm vợ chồng thường vấp phải khiến hôn nhân không hạnh phúc nhưng còn có thể đi đến gãy đổ. Hôm nay chúng tôi xin trình bày lý do thứ nhất hay lỗi lầm thứ nhất.
Lý Do/Lỗi Lầm #1: Vợ chồng sống với nhau với lòng ích kỷ
Một tác giả nọ nói: “Lòng ích kỷ là con vi khuẩn nguy hiểm và tai hại nhất cho hôn nhân, vì nó âm thầm đục khoét hết ngày này sang ngày khác, và dần dần cướp đi niềm vui và hạnh phúc của vợ chồng cho đến khi hôn nhân của hai người sụp đổ. Suy nghĩ lại chúng ta thấy lời nói này rất đúng. Khi sống với lòng ích kỷ, chúng ta chỉ nghĩ đến mình: nghĩ đến niềm vui, ước muốn và hạnh phúc của riêng mình, vì thế không nhìn thấy, cũng không quan tâm đến nhu cầu hay mong ước của người bạn đời. Khi vợ chồng không trưởng thành, không yêu nhau như Lời Chúa dạy, chúng ta sẽ ích kỷ, chỉ nghĩ đến nhu cầu, ước muốn của mình và mong người kia làm theo những gì mình mong muốn. Một hôn nhân như thế không phải là tổ ấm nhưng chỉ là ngục tù.
Chúng ta đều biết đặc điểm của trẻ con là ích kỷ. Các em nhỏ chỉ biết có mình, lúc nào các em cũng nghĩ cho mình, đòi hỏi điều này điều kia cho mình. Khi thích một điều gì là các em đòi cho bằng được và muốn có ngay lập tức. Không những thế, các em cũng không muốn chia xẻ điều mình có với người khác. Khi trong tay các em có nhiều đồ chơi hay nhiều bánh kẹo, những em khác thèm muốn mà không có, các em cũng chỉ ôm giữ cho mình chứ không muốn chia xẻ. Trẻ con xử sự như vậy vì các em còn ấu trĩ, chưa trưởng thành. Tuy nhiên, có những người đã lớn, tuổi cũng đã cao nhưng cũng sống và cư xử như trẻ con vậy. Khi những người không trưởng thành như thế bước bào hôn nhân, sẽ trở thành người vợ hay người chồng ấu trĩ, chỉ nghĩ đến phúc lợi riêng, chỉ quan tâm đến những gì mình cần hay mong ước. Đây là một trong những lý do khiến hôn nhân không hạnh phúc. Khi một đôi bạn trẻ bắt đầu yêu nhau, tình yêu ban đầu đó tiếng Anh gọi là “puppy love”, nghe rất là dễ thương, là tình yêu non dại, tình yêu ngây thơ. Với tình yêu này chúng ta muốn người yêu làm điều này điều kia để chiều ý mình. Nếu người yêu không chiều, không làm điều mình mong muốn, chúng ta sẽ hờn dỗi, buồn giận. Đó là lý do chúng ta thấy những đôi bạn trẻ mới yêu nhau thường hay hờn dỗi, buồn giận hay làm nũng để người kia phải chiều. Sống trong tình yêu không trưởng thành chúng ta dễ thiếu kiên nhẫn, dễ phiền giận nhau. Và khi có điều gì không vừa ý, chúng ta sẽ bực bội, phản ứng không đẹp như to tiếng với nhau và nghĩ đến chuyện chia tay nhau. Đây thường là tình yêu của những người trẻ, mới bước vào tình yêu. Tuy nhiên, khi bước vào hôn nhân, khi đã quyết định đi chung đường đời với nhau, vợ chồng phải sống với nhau bằng tình yêu trưởng thành, hy sinh, tình yêu vị tha thì mới đem lại hạnh phúc cho nhau.
Tình yêu trưởng thành khác với tình yêu ấu trĩ. Khi sống với nhau bằng tình yêu trưởng thành chúng ta sẽ ban cho thay vì đòi hỏi, trông mong; sẽ kiên nhẫn chấp nhận nhau, sẵn sàng tha thứ khi người kia lầm lỗi; khi gặp chuyện bất ưng, không vui, vẫn nói năng với nhau cách nhẹ nhàng, yêu thương. Tình yêu trưởng thành không giả dối, không che giấu hay đóng kịch nhưng thành thật với nhau trong mọi việc, mọi vấn đề của đời sống. Tình yêu trưởng thành chính là tình yêu được Kinh Thánh mô tả. Sứ đồ Phao-lô dạy rằng tình yêu thật hay tình yêu trưởng thành là tình yêu có những đặc tính như sau:
Tình yêu thương thật sẽ nhịn nhục, hay nhân từ, không ganh tị, không khoe mình, không lên mình kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ, không vui về điều bất công, nhưng vui trong sự thật. Tình yêu thật sẽ dung thứ mọi sự, tin mọi sự, hy vọng mọi sự, chịu đựng mọi sự. Tình yêu thật không bao giờ suy tàn (Thư I Cô-rinh-tô 13:4-8a)
Đây là định nghĩa của tình yêu thật: tình yêu của Chúa và do chính Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta hãy tưởng tượng nếu vợ chồng lúc nào cũng sống với nhau bằng tình yêu thật, tình yêu trưởng thành như lời Kinh Thánh mô tả thì đời sống hạnh phúc biết bao nhiêu. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có tình yêu này khi chúng ta đặt đức tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, mời Ngài làm Chủ cuộc đời và làm Chủ con người chúng ta, lúc đó chúng ta sẽ có tình yêu của Chúa và sẽ có thể sống, cư xử với nhau bằng tình yêu của Ngài, và lúc đó chúng ta mới thật sự yêu và đem lại hạnh phúc cho người mình yêu. Lý do là vì, theo Lời Kinh Thánh dạy, khi mời Chúa bước vào làm Chủ tấm lòng và cuộc đời mình, chúng ta sẽ trở nên một con người mới, sống, cư xử trong yêu thương như Chúa đối với chúng ta. Sứ đồ Phao-lô dạy:
Vậy nếu ai ở trong Chúa Cứu Thế, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới (Thư II Cô-rinh-tô 5:17).
Vị mục sư, tác giả quyển “Mười Giới Răn Cho Hôn Nhân” nêu lên một vài phương diện trong hôn nhân mà chúng ta cần để ý quan tâm hầu không ích kỷ, chỉ nghĩ đến lợi ích cho mình mà thôi. Trước hết là về cách sử dụng thì giờ. Khi còn độc thân chúng ta sử dụng thì giờ như thế nào cũng được, miễn là không phí phạm và không gây tổn hại cho sức khỏe. Người chưa có gia đình, sống một mình nên có thể đi sớm về trễ, muốn đi đâu lúc nào cũng được, dành bao nhiêu thì giờ cho một sở thích hay để đeo đuổi một mục tiêu nào đó cũng được. Nhưng khi đã bước vào hôn nhân, chúng ta phải nghĩ đến người bạn đời, nhất là khi người đó không có những sở thích hay mục tiêu giống như chúng ta. Có những ông chồng thích vào mạng tìm đọc điều này, xem điều kia, đi làm về là ngồi hàng giờ trước computer; cũng có người mê thể thao, khi đến mùa của những trận tranh tài thể thao mà họ thích thì kể như không còn thì giờ nào cho vợ con. Ngược lại, cũng có những người vợ thích nói chuyện điện thoại với bạn, thích đi mua sắm với bạn nên bất cứ lúc nào có thì giờ rảnh là nghĩ đến bạn và đi với bạn nên không còn thì giờ với chồng con. Nếu vợ chồng chúng ta trưởng thành và thật sự yêu thương nhau, chúng ta sẽ nghĩ đến nhau và khôn ngoan tế nhị, để có thì giờ cho nhau. Chúng ta sẽ đặt kỷ luật cho chính mình, giảm bớt những thì giờ đi với bạn bè, hoặc làm những gì mình ưa thích để vợ chồng có thì giờ với nhau và cho nhau. Trong đời sống chúng ta luôn luôn có nhiều việc phải làm nhưng điều quan trọng là chúng ta cần biết việc gì quan trọng hơn, cần thiết hơn và dành thì giờ cho người thân yêu, để cùng nhau xây dựng một gia đình êm ấm hạnh phúc (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành