Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 2)
Hôm nay chúng tôi xin trình bày về những giới răn hay nguyên tắc cần áp dụng để xây dựng một hôn nhân hạnh phúc bền lâu trong thế kỷ 21.Quý vị lập gia đình đã được bao lâu? 5 năm, 10 năm hay 20, 30 năm? Hôn nhân của quý vị có hạnh phúc không? Nếu phải lượng giá hôn nhân của mình trên đồ biểu từ 1 đến 10, nghĩa là nếu hôn nhân không vui, không hạnh phúc thì cho 1, 2 điểm, nếu hôn nhân vui vẻ, hạnh phúc thì cho 9, 10 điểm. Nếu thành thật với chính mình, hôn nhân của quý vị được bao nhiêu điểm và nằm ở đâu trên đồ biểu đó?
Hôn nhân và gia đình không phải là sáng kiến của con người nhưng là định chế tốt đẹp Đấng Tạo Hóa thiết lập từ lúc sáng tạo trời đất, để ban phước cho đời sống con người. Sách Sáng thế ký trong Kinh Thánh Cựu Ước, ghi lời Chúa phán:
“Loài người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó” (Sáng thế ký 2:18)
Chính Đấng Tạo Hóa tuyên bố rằng “con người sống một mình là điều không tốt” và Chúa ban cho con người điều tốt hơn, đó là cho con người có một người giúp đỡ, một bạn đồng hành, giống như mình. Đó là người bạn đường, ở bên cạnh, đi chung đường đời, để chúng ta không cô đơn nhưng có bạn đồng hành, để cùng hưởng ơn phước của Chúa. Chúng ta gọi đó là người bạn đời, vì người đó không những đi chung đường đời nhưng gắn bó với ta suốt đời. Dù ngày nay những người vô thần, chống Chúa, muốn hạ thấp giá trị của hôn nhân, loại bỏ hôn nhân, phá đổ nền tảng hôn nhân hoặc định nghĩa lại hôn nhân. Dù những người đó làm gì đi nữa, chúng ta biết rõ rằng, hôn nhân không hình thành do sáng kiến của con người nhưng là định chế tốt đẹp Đức Chúa Trời thiết lập từ buổi ban đầu, lúc Ngài tạo dựng con người. Hôn nhân và gia đình là nền tảng của xã hội và là căn bản cho đời sống mỗi người. Mục đích của Chúa khi thiết lập hôn nhân là để ban phước cho con người, để con người lưu truyền giòng giống, làm cho đầy dẫy mặt đất và quản trị muôn loài trên đất. Chân lý này được ghi trong Kinh Thánh, như sau:
Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời, Ngài dựng nên người nam cùng người nữ (Sáng thế ký 1:26-27)
Kinh Thánh cũng ghi tiếp như sau:
Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sinh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất (Sáng 1:28)
Những ơn phước Chúa ban cho loài người gồm có: sinh sản thêm nhiều làm đầy dẫy đất, làm cho đất phục tùng, quản trị mọi vật trên đất, dưới biển và mọi vật trên không trung. Lời dạy này cho thấy lập gia đình, sinh con cái là ơn phước của Chúa nhưng cũng là mạng lệnh Chúa ban truyền cho con người. Trong phần ghi về sự sáng tạo muôn vật, câu được nhắc đi nhắc lại là: “Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành,” Chúa thấy mọi việc Ngài đã tạo dựng nên đều tốt lành.
Khi thiết lập hôn nhân đầu tiên, cho A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời tuyên bố:
Bởi vậy cho nên, người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt (Sáng thế ký 2:24)
Hôn nhân Chúa thiết lập cho con người là điều tốt lành, là ơn phước Chúa ban cho con người. Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: “Nếu Chúa thiết lập hôn nhân để ban phước cho con người tại sao có nhiều hôn nhân không hạnh phúc”? Câu trả lời là, đúng là Đức Chúa Trời thiết lập hôn nhân để con người được hạnh phúc, tuy nhiên với một điều kiện, điều kiện đó là vợ chồng phải sống với nhau theo nguyên tắc của Lời Chúa trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời không tạo dựng con người rồi bỏ mặc, để con người bơ vơ, vô định, muốn sống như thế nào thì sống. Trái lại, sau khi dựng nên con người và thiết lập hôn nhân, với lòng yêu thương, Chúa ban cho con người những lời dạy ân cần, những nguyên tắc sống thực tế, để nếu con người vâng theo, đời sống sẽ hạnh phúc.
Những nguyên tắc Chúa ban gọi chung là luật lệ, là giới răn của Chúa. Chúng ta đều biết bản Mười Điều Răn, hay “Mười Điều Luật mà Chúa ban cho con dân Chúa ngày xưa, đây là những luật lệ áp dụng cho mọi dân tộc trên thế giới. Nước nào, người nào tuân giữ Mười Giới Răn này trong cách sống và cư xử với nhau, nước đó, dân tộc đó sẽ được bình an, hạnh phúc và hùng mạnh. Song song với Mười Giới Răn, Chúa cũng ban cho chúng ta những nguyên tắc sống áp dụng trong gia đình. Nếu người nào, gia đình nào sống và cư xử với nhau theo những nguyên tắc Chúa dạy trong Kinh Thánh, đời sống và hôn nhân của người đó sẽ bình an, hạnh phúc. Sở dĩ ngày nay chúng ta thấy nhiều hôn nhân gãy đổ, nhiều gia đình tan nát là vì con người đã chối bỏ Đấng Tạo Hóa, chống nghịch Chúa, sống theo ý riêng thay vì vâng lời Chúa, sống theo Lời Chúa dạy.
Vì vậy, phương thuốc để chữa lành những hôn nhân bất hạnh, để giúp cho đời sống được bình an, hạnh phúc là quay trở lại với Chúa và áp dụng Lời Chúa dạy. Chúng ta cần đến với Lời Chúa, học Lời Chúa để biết Chúa dạy gì, chúng ta cần sống với vợ/chồng mình như thế nào để được hưởng niềm vui và bình an mà Chúa dành cho chúng ta. Câu Chuyện Gia Đình trong những tuần đến sẽ hướng quý vị đến với Lời Chúa trong Kinh Thánh, để chúng ta biết Lời Chúa dạy, và quan trọng hơn cả, chúng ta sẽ nhờ ơn lành và sức mạnh của Chúa, áp dụng những lời dạy này vào hôn nhân và gia đình mình. Đó là phương cách duy nhất để có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu suốt cả cuộc đời.
Một vị Mục sư nọ, là Mục sư quản nhiệm một Hội Thánh tại Texas, nói rằng, có nhiều lý do khiến hôn nhân không hạnh phúc, và ông nêu ra mười lý do hay mười điều mà vợ chồng thường vấp phải như sau:
(1) Ích kỷ, chỉ nghĩ đến phúc lợi của mình chứ không nghĩ đến phúc lợi của người phối ngẫu
(2) Không lìa cha mẹ, không dứt khoát với những người hay sự việc trong đời sống độc thân để thật sự kết hợp làm một với nhau trong hôn nhân
(3) Không trò chuyện chia xẻ với nhau, không giữ đường dây đối thoại cởi mở và tốt đẹp
(4) Để những bất đồng ý kiến, bất hòa chia rẽ vợ chồng, ảnh hưởng đến tình yêu vợ chồng, thay vì giúp vợ chồng hiểu nhau và yêu nhau hơn
(5) Không biết quản lý tiền bạc, khiến vợ chồng sa vào nợ nần và không thoát ra được
(6) Không chung thủy, không cẩn thận trước cám dỗ tình dục
(7) Không tha thứ nhưng ghim lỗi, nhắc lại lỗi lầm của nhau và làm khổ nhau
(8) Không chăm sóc nhau, không nuôi dưỡng cho tình yêu luôn được tươi mới
(9) Không cố gắng vượt thắng khó khăn nhưng sẵn sàng bỏ cuộc khi gặp nan đề
(10) Không đặt mục tiêu cam kết đi chung đường đời với nhau cho đến cuối cùng
Nhìn vào Lời Chúa dạy về bổn phận vợ chồng, về đặc tính của tình yêu thật, chúng ta thấy đều có nói đến những điều vừa nêu, vì thế chúng ta sẽ cùng nhìn vào Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh để thấy rõ những nan đề mình đang đối diện và dựa vào mạng lệnh của Chúa để vượt thắng những nan đề đó hầu thật sự có một hôn nhân hạnh phúc bền lâu. Trong lễ hôn phối của người tin Chúa, cô dâu và chú rể hứa trước mặt Chúa và hội thánh rằng cả hai sẽ vâng lời Chúa dạy, sẽ yêu thương, vâng phục, an ủi, chăm sóc nhau, sẽ cương quyết gạt bỏ mọi cám dỗ để một lòng chung thủy với nhau suốt đời. Khi trao nhẫn cho nhau, cô dâu chú rể cũng hứa nguyện lời tương tự như sau:
Trước mặt Chúa và hội thánh, tôi xin hứa sẽ suốt đời yêu thương và chung thủy với người vợ/người chồng này. Tôi hứa sẽ là đem lại hạnh phúc cho người phối ngẫu, khi khỏe mạnh cũng như lúc yếu đau, khi giàu có cũng như lúc nghèo thiếu, khi đời sống dễ dàng cũng như khi gặp khó khăn, lúc vui cũng như lúc buồn, và chỉ có cái chết mới chấm dứt hôn nhân này mà thôi.
Có lẽ quý vị đã nhiều lần dự đám cưới và chứng kiến cô dâu chú rể trao cho nhau những lời hứa tương tự như vậy. Nếu vợ chồng giữ đúng lời đã hứa trước mặt Chúa và sống với nhau đúng như lời mình hứa thì hôn nhân tốt đẹp biết bao, nhưng vì là con người tội lỗi, yếu đuối và vì mau quên, chúng ta đã không sống với nhau như điều mình hứa.
Nguyên tắc hay giới răn thứ nhất, giúp chúng ta xây dựng hôn nhân Chúa ban cho mình cho được hạnh phúc và bền lâu, là:
Vợ chồng không ích kỷ, chỉ nghĩ đến nhu cầu và quyền lợi của mình nhưng trái lại luôn luôn quan tâm đến nhu cầu và phúc lợi của nhau
Vì giới hạn của thì giờ, chúng tôi sẽ trình bày nguyên tắc này trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ tới. Kính mời quý vị đón nghe!
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành