Cháy Rừng
Thưa quý thính giả,
Các đám cháy đã lan tràn ở cả hai miền Nam Bắc California trong tuần lễ vừa qua. Tính đến nay đã có hơn 600 đám cháy, thiêu rụi hơn 1 triệu mẫu đất. Những thiệt hại lớn nhất xảy ra trên một diện tích 1 ngàn dặm vuông gần vùng vịnh San Francisco. Các đám cháy nầy đã thiêu rụi 1,000 căn nhà và những công trình xây dựng, hàng ngàn người phải di tản. Có 6 người đã thiệt mạng vì các vụ cháy nầy. Cư dân trong vùng sống trong tro khói và lo sợ không biết khi nào đám cháy lan tràn đến chỗ của mình. Một ông cụ 81 tuổi sống tại Vacaville, một địa điểm giữa Sacramento và San Francisco đã nói như thế nầy: “Tối thứ Ba tôi đi ngủ trong một căn nhà đẹp đẽ trong một nông trại đẹp đẽ. Tối thứ Tư, tất cả chỉ là một đống tro tàn!”
Các nhà khí tượng cho biết, gió đổi hướng bất ngờ, nhiệt độ gia tăng và sấm sét thường xuyên có thể gây thêm nhiều đám cháy khác. Trong vòng một tuần qua, đã có trên 12,000 cú sét đánh trong vùng và đã là nguyên nhân chính xảy ra hỏa hoạn. Điều nầy nhắc chúng ta câu Thánh Kinh sau đây:
Thử xem cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên! (Thư Gia-cơ 3:5b)
“Cái rừng lớn chừng nào mà một chút lửa có thể đốt cháy lên!” Thật đúng như vậy, chỉ cần một đốm lửa nhỏ đủ gây ra hỏa hoạn lớn. Kinh Thánh dùng hình ảnh nhỏ nhưng gây tai hại lớn để chỉ về cái lưỡi hay ảnh hưởng của lời nói. Cả phần Kinh Thánh nói về điều nầy như sau:
Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình. Nếu chúng ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời thì chúng ta điều khiển được toàn thân chúng. Hãy nhìn những chiếc tàu: dù chúng thật lớn và bị trôi giạt bởi gió mạnh, nhưng chỉ một bánh lái rất nhỏ cũng đủ điều khiển chúng theo ý người cầm lái. Cũng vậy, cái lưỡi là một bộ phận nhỏ nhưng khoe khoang những việc lớn. Một tia lửa nhỏ có thể làm bùng cháy cả một cánh rừng rộng lớn biết bao! (Thư Gia-cơ 3:2-5)
Ba hình ảnh được dùng để cho thấy vật nhỏ nhưng có ảnh hưởng lớn là hàm thiếc để điều khiển ngựa, bánh lái để điều khiển tàu và đốm lửa nhỏ gây đám cháy lớn. Cái lưỡi hay lời nói cũng gây thiệt hại lớn như vậy nếu sử dụng sai. Ngược lại, nếu được sử dụng đúng sẽ đem lại nhiều lợi ích. Đây là điều hiển nhiên như câu nói dân gian: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Phải công nhận rằng, chúng ta phạm nhiều lầm lỗi trong việc sử dụng lời nói mỗi ngày như lời Kinh Thánh dạy:
Tất cả chúng ta đều vấp phạm nhiều cách. Ai không vấp phạm trong lời nói, đó là người trọn vẹn, có thể kiềm chế được cả thân thể mình (Thư Gia-cơ 3:2)
Làm thế nào để không vấp phạm trong lời nói? Kinh Thánh có một lời khuyên rất thiết thực như sau:
Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (Thư Ê-phê-sô 4:29)
Đây là một lời khuyên ngắn, nhưng chứa đựng thật đầy đủ về việc sử dụng lời nói mỗi ngày. Trước hết Lời Chúa dạy:
Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em. “Lời dữ” là lời ác độc, lời không tốt, lời nói thiếu xây dựng. Một nhân vật trong phim hoạt họa của Walt Disney đã nói một câu chí lý: “Nếu bạn không thể nói một lời tử tế thì đừng nói gì cả!” Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, chúng ta cần tránh nói những lời không hay, không tốt, thiếu xây dựng. Chúng ta cần tập thói quen, tránh nói những điều tiêu cực.
Tiếp theo, Lời Chúa dạy: Nhưng khi đáng nói. “Khi đáng nói” nghĩa là lúc nào nên nói, lúc nào không nên nói. Cùng một lời nói nhưng nếu nói không đúng lúc sẽ gây tai hại hơn là xây dựng. Chúng ta đều biết câu: “No mất ngon, giận mất khôn.” Chúng ta nên tránh nói những lúc giận dữ. Khi giận, chúng ta thường nói những lời không đáng nói, không nên nói và sẽ phải ân hận rất nhiều! Một lời đã nói ra, không thể lấy lại được như lời của người xưa: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy.” Một lời đã nói ra, bốn con ngựa chạy theo cũng không kịp! Các ngôn Tây phương cũng có câu: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói!” Đó là cách chúng ta cần thực hành để chỉ nói khi đáng nói.
Điểm thứ ba trong Lời Chúa dạy là chúng ta không cần phải nói nhiều: Khi đáng nói hãy nói một vài lời lành. Chỉ cần một vài lời là đủ và đó phải là lời lành. “Lời lành” đối chiếu với “lời dữ.” Đừng nói lời dữ nhưng phải nói lời lành. Lời lành là lời tích cực, xây dựng. Đặc điểm của lời lành là: giúp ơn và có ích lợi.
Khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến. Chữ “ơn” trong câu nầy là ân sủng hay ân huệ mang ý nghĩa ân hậu. Một lời dạy khác trong Kinh Thánh cũng nói như vậy:
Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn (Thư Cô-lô-se 4:6)
Chúng ta đều biết thế nào là một lời nói ân hậu. Đó là lời nói mà người nghe mát lòng, thấy nhẹ nhàng, được an ủi, khích lệ. Lời nói ân hậu là điều vô cùng cần thiết giữa thời thế nhiễu nhương, giữa hoàn cảnh khó khăn.
Cuối cùng, Lời Chúa dạy, lời nói của chúng ta phải là lời có ích lợi. Có ích lợi là xây dựng, là bồi đắp, là an ủi, là hướng dẫn đúng. Có ích lợi mang ý nghĩa đáp ứng nhu cầu. Lời nói của chúng ta phải là lời nói yêu thương, đáp ứng nhu cầu tình cảm của người chung quanh, ngay cả với những người gần gũi nhất. Đối với những người thân, gần gũi, chúng ta nghĩ rằng không cần phải giữ gìn lời ăn tiếng nói và nhiều khi đã có những lời nói cộc cằn, gây thương tổn cho vợ chồng, con cái, cha mẹ hay anh chị em của mình. Dù là với ai, đây là điều chúng ta cần phải thực hành khi sử dụng lời nói:
Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (Thư Ê-phê-sô 4:29)
Một đốm lửa nhỏ đã tạo thành những đám cháy lớn gây thiệt hại về mọi mặt tại miền Bắc California hiện nay. Lời nói của chúng ta mỗi ngày cũng có thể gây những thiệt hại tương tự nếu không biết giữ gìn lời ăn tiếng nói của mình. Xin Chúa giúp chúng ta dùng lời nói của mình để xây dựng, để đem lại tươi mát cho người chung quanh trong đời sống mỗi ngày.
Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (Thư Ê-phê-sô 4:29)
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành