Dạy Con (Bài 16)
Trong Câu Chuyện Gia Đình mấy tuần qua chúng tôi chia sẻ với quý vị Lời Chúa về cách nuôi dạy con cái và chúng tôi cũng trích lời sứ đồ Phao-lô khuyên như sau:
Hỡi những người làm cha, đừng làm cho con cái buồn giận nhưng hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng (Thư Ê-phê-sô 6:4)
Thường chúng ta nghĩ: là cha mẹ ai cũng thương con, có bao giờ cha mẹ muốn làm cho con buồn giận hay nản lòng đâu! Thưa đúng như vậy, không cha mẹ nào cố tình làm cho con cái buồn giận, nhưng theo tác giả Lou Priolo, có đến 25 điều mà cha mẹ, vì vô tình hoặc vì không hiểu con nên đã vấp phải khiến con cái buồn tủi và nản lòng. Trong Câu Chuyện Gia Đình trước đây chúng tôi đã chia xẻ 12 điều trong số 25 điều này, và hôm nay xin trình bày từ điều thứ 13 trở đi.
13. So sánh con với những đứa con khác trong gia đình hay so sánh với bạn của các em
Thường thường khi thấy đứa con nào không siêng năng học hành, không ngoan ngoãn vâng lời, chúng ta hay so sánh em đó với những đứa con khác trong gia đình hay so sánh với mấy đứa bạn của con mà chúng ta nghĩ là ngoan hơn, giỏi hơn. Nhiều người nghĩ rằng khi mình so sánh con với những đứa bé khác, nhất là khen những em đó, thì con sẽ xấu hổ hoặc sẽ ganh tức mà cố gắng sửa đổi cho tốt hơn: học hành siêng năng hơn, ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ hơn để được ngang bằng với những người cha mẹ so sánh. Về mặt tâm lý cũng có những em khi biết mình thua kém bạn sẽ phản ứng bằng cách sửa đổi, cố gắng ngoan ngoãn hơn, siêng năng lo học hành hơn, để cũng được cha mẹ khen. Tuy nhiên cũng có những em khi cha mẹ so sánh như thế thì tự ti mặc cảm vì thấy mình không giỏi bằng người khác, buồn vì không được cha mẹ khen và vì thế nản lòng hay giận và buông xuôi chứ không cố gắng nữa. Các nhà tâm lý học cho biết rằng hầu hết con em chúng ta, nhất là những em trong tuổi thiếu niên không muốn cha mẹ so sánh các em với người nào cả. Khi bị cha mẹ so sánh với người khác như thế các em sẽ phản loạn, càng lười biếng hơn hay vô kỷ luật hơn cho giống như những điều cha mẹ nói. Thật ra chính chúng ta, là người lớn, chúng ta cũng không muốn ai so sánh mình với người khác. Bằng chứng là chúng ta thường buồn giận và thấy khó chịu khi vợ/chồng chúng ta so sánh chúng ta với vợ/chồng người khác. Vì thế chúng ta nên tránh so sánh các con với người khác, dù người đó là ai.
14. Chế giễu, chê cười con
Một điều khác cha mẹ làm cũng sẽ khiến con cái buồn giận đó là chọc ghẹo hay chế giễu, chê cười con trước mặt người khác, nhất là trước mặt bạn của con. Có những cha mẹ dù con đã lớn lúc nào cũng xem con là trẻ con nên không tôn trọng. Khi con lỡ làm điều gì lỗi lầm thì cười chê, nhắc lại lỗi lầm đó trước mặt người trong gia đình hay trước mặt các bạn của con để chế giễu, cười cợt làm cho con phải xấu hổ. Đây cũng là điều chúng ta cần tránh: Khi con vì quên, vì vụng về hay vì không biết mà làm việc gì sai trật, đáng cười chê, chúng ta không nên nhắc lại hoặc đem vấp váp đó ra để chế giễu, cười cợt. Những lời chế giễu chê cười đó khiến các em xấu hổ và mang mặc cảm tự ti vì thấy mình quá dở quá tệ so với những đứa bạn cùng tuổi. Chúng ta cũng không nên lấy những khuyết điểm hay khuyết tật giấu kín của con nói cho mọi người biết. Đây là những điều mà nhiều cha mẹ vô tình nói trước mặt mọi người khiến con xấu hổ và mang mặc cảm. Mặc cảm đó có thể theo các em suốt đời, khiến các em mất tự tin và nghĩ mình xấu, dở, vụng về, thua kém tất cả mọi người, sẽ không thể nào cố gắng cho tốt hơn hay giỏi hơn được. Nhiều người khi còn nhỏ bị cha mẹ chê cười chế giễu mà bây giờ, dù đã trưởng thành, đã nhiều tuổi đời, vẫn không quên và mỗi khi nhớ lại trong lòng vẫn còn bị tổn thương.
15. Không quan tâm dành thì giờ cho con:
Trong văn hóa Á đông trẻ con thường bị xem là không quan trọng bằng người lớn. Có người còn chủ trương: trẻ con phải im lặng lắng nghe, không được phép nói trước mặt người lớn. Đây là chủ trương không phù hợp với lời dạy của Chúa. Các môn đồ của Chúa Giê-xu ngày xưa cũng cho là trẻ con không quan trọng, nên không cho các em đến gần Chúa. Khi thấy điều đó Ngài giận các môn đồ. Phúc Âm Mác ghi như sau:
Người ta đem những con trẻ đến với Đức Chúa Giê-xu, để được Ngài đặt tay trên chúng; nhưng các môn đồ trách họ. Thấy vậy Ngài giận và bảo các môn đồ: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm chúng, vì Vương Quốc Đức Chúa Trời thuộc về những ai giống như các con trẻ ấy (Mác 10:13-14)
Vì nghĩ con cái không quan trọng như người lớn nên nhiều cha mẹ không nói chuyện với con tử tế, nhỏ nhẹ như nói chuyện với khách hay với bạn của mình. Nếu cha mẹ không trò chuyện thân mật với con, không có thì giờ ở gần bên con để hỏi thăm hay nói chuyện với con nhưng lúc nào cũng bận rộn, dành thì giờ lo những việc này nọ hay có chỉ có thì giờ trò chuyện với người khác, chúng ta sẽ khiến con buồn vì thấy mình không quan trọng đối với cha mẹ, các em cũng vì thế nghĩ là cha mẹ không thương các em. Vì vậy, dù bận với nhiều công việc đến đâu, và dù con còn nhỏ, chúng ta cũng đừng quên dành thì giờ trò chuyện với con, nhất là quan tâm lắng nghe khi con có điều muốn nói, dù điều con sắp nói chúng ta đã biết hay không đồng ý. Kinh Thánh cho chúng ta nguyên tắc sử dụng lời nói mà người nào cũng phải áp dụng, nhất là giữa cha mẹ và con cái. Sứ đồ Gia-cơ viết:
Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận (Thư Gia-cơ 1:19)
Chữ “người nào” trong câu này hàm ý là tất cả mọi người, trong mọi hạng tuổi. Đối với người trên cũng như với người dưới, với người lớn hơn hay nhỏ hơn chúng ta, và nhất là đối với những đứa con trong gia đình, sống dưới sự chăm sóc và quản trị của chúng ta, chúng ta cần sẵn sàng lắng nghe, tức là chú ý nghe khi con nói, và nghe rồi thì cũng từ từ mới trả lời và dù không đồng ý cũng không nổi giận với con. Đó là chúng ta mau nghe, chậm nói và chậm giận. Khi được cha mẹ dành thì giờ ở bên cạnh và chú ý lắng nghe con nói, con em chúng ta sẽ không buồn tủi, nản lòng nhưng sung sướng, vì biết mình rất quan trọng đối với bố mẹ và được bố mẹ yêu thương.
16. Không bao giờ khen con
Quý vị có bao giờ khen các con của mình không? Khen con về những chuyện nhỏ nhặt, bình thường hằng ngày. Chẳng hạn buổi sáng các em dậy sớm chuẩn bị đi học mà vui vẻ hăng hái chứ cha mẹ không phải nhắc nhở hay thúc đẩy, chúng ta nên khen con: “Con của ba má giỏi quá, mỗi sáng vui vẻ hăng hái chuẩn bị đi học, Ba Má không phải nhắc nhở thúc đẩy gì hết!” Khi con đem về một giấy khen ở trường, chúng ta cần đọc cho cả nhà nghe, rồi dán lên tường để khích lệ con và cho con thấy cha mẹ rất hãnh diện khi con được thầy cô giáo khen như vậy. Tiếc là có người chủ trương không nên khen con vì khi được khen các em sẽ nghĩ mình giỏi rồi nên sẽ tự mãn hãnh diện và sẽ không cố gắng nữa. Đây cũng là nguyên tắc giáo dục không đúng. Ở đây con em chúng ta đi học luôn được thầy cô giáo có lời khen hoặc cho nhưng bảng ban khen, dù việc các em làm được chỉ là bình thường chứ không có gì là xuất sắc. Lời khen và lời khích lệ làm người được khen vui vẻ, lên tinh thần và sẽ cố gắng hơn để không phụ lòng người khen mình hoặc để được khen thêm nữa. Có những người suốt đời mong được cha mẹ khen một lời nhưng chẳng bao giờ được, dù cố gắng đến đâu cũng không bao giờ được khen mà chỉ có những lời chê ai sửa sai. Nếu chưa bao giờ khen con cái, chúng ta cần tìm điều tốt điều hay nơi con và khen vì chắc chắn là các em đang mong chờ được nghe lời khen của cha mẹ. Dù con chưa giỏi, chưa ngoan như chúng ta mong ước, hãy tìm những điều con làm giỏi hay có cố gắng để khen, chúng ta sẽ thấy con vui và sẽ các em cố gắng hơn để được khen nữa.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành