Dạy Con (Bài 28)
Trước hết, chúng ta cần có thì giờ ở gần bên con để biết con có sử dụng điện thoại quá nhiều đến nỗi ảnh hưởng đến việc học hay sức khỏe của con hay không. Những dấu hiệu sau đây cho thấy một số thiếu niên hầu như là ‘nghiện’ dùng cell phone, và cần được cha mẹ hướng dẫn:
1. Các em dùng phone để nhắn tin và trò chuyện quá nhiều đến nỗi quên cả giờ giấc, không còn nhớ là mình phải đi đâu làm gì, phải lo việc học hành như thế nào.
2. Khi không được có cái phone bên mình các em thường nổi giận, tinh thần căng thẳng, bực bội với người chung quanh hay buồn chán đến nỗi bị trầm cảm.
3. Lúc nào các em cũng cần phải có cái cell phone hay computer, không thể rời xa một bước, dù chỉ trong khoảnh khắc.
4. Các em không quan tâm đến người chung quanh: dễ bực bội, nổi giận gây gổ với mọi người, nếu vì những người đó mà các em không liên lạc với bạn được
5. Các em không quan tâm đến chính mình: ban đêm không ngủ, ban ngày quên cả việc ăn uống, lúc nào cũng cầm phone nói chuyện hay nhắn tin cho những người các em thấy là quan trọng.
Nếu thấy con em mình có một dấu hiệu nào trong số năm dấu hiệu chúng tôi vừa trình bày, thì có thể lắm là các em đang bị chứng ghiền cell phone, cell phone đã trở thành quá quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày của các em. Vì vậy, là cha mẹ, chúng ta cần áp dụng một vài biện pháp để giúp con đặt giới hạn cho chính mình. Nếu trước đây chúng ta cho con tự do dùng cell phone vì chiều ý con, muốn cho con vui hay để con không làm phiền cha mẹ thì bây giờ việc áp dụng kỷ luật sẽ khó hơn. Dù vậy, chúng ta vẫn có thẩm quyền trên con và vì phúc lợi của con, chúng ta cần áp dụng những biện pháp sau đây để giúp con không chỉ sống với cái cell phone và với bạn bè mà quên việc học hành, quên chuyện ăn uống, ngủ nghỉ và vì thế sẽ có hại cho sức khỏe. Dĩ nhiên chúng ta không quá cứng rắn hay nghiêm khắc với con nhưng đặt những luật lệ hợp lý, để con có thể vâng theo.
Tác giả Brian Housman đề nghị năm quy luật sau đây. Đây là những điều chúng ta nêu ra cách rõ ràng và cho biết là con phải tuân giữ, nếu không tuân giữ, con sẽ không được dùng cell phone nữa. Đây là quy luật áp dụng cho các em thiếu niên dưới 18 tuổi.
1. Giới hạn thì giờ dùng cell phone
Cho con biết khoảng giờ nào trong ngày con không được dùng phone nữa. Chẳng hạn như sau 9 giờ tối và trước 8 giờ sáng. Giờ giấc này có thể thay đổi tùy theo sinh hoạt của mỗi gia đình, có thể sớm hơn hoặc trễ hơn, nhưng điều quan trọng là các em cần biết rõ là từ mấy giờ tối đến mấy giờ sáng các em phải đưa phone cho cha mẹ hoặc tắt phone và để ở phòng ngoài, không được đem vào phòng ngủ.
2. Giờ học là để học
Khi ở trường, trong giờ học, con em chúng ta cần bết là các em không được nhắn tin cho ai hay nhận tin của ai, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp. Sử dụng phone trong giờ học ngày nay trở thành phương tiện dễ dàng cho con em chúng ta gian dối khi làm bài thi. Các em dùng phone để tìm đáp án cho bài thi hoặc để hỏi bạn câu trả lời cho bài thi. Chúng ta có thể hỏi nhà trường để biết quy luật của trường về việc dùng cell phone trong khi làm bài thi. Nếu trường có quy luật là không được dùng cell phone trong giờ làm bài, chúng ta cần nhắc con tuân giữ luật lệ của trường.
3. Giới hạn số tin nhắn các em trao đổi với bạn mỗi ngày
Người ta cho biết, mỗi tháng trung bình các em thiếu niên gởi đi hơn năm ngàn lời nhắn cho bạn bè. Có em nhắn ít hơn nhưng cũng có em nhắn tin cho bạn nhiều hơn con số đó. Để giúp con tiết độ trong việc nhắn tin qua phone, chúng ta nên cho con biết con được gởi và nhận bao nhiêu tin nhắn mỗi tuần hay mỗi tháng, nếu con dùng quá con số đã ấn định, các em phải trả số tiền trội chi. Mục đích của chúng ta ở đây không những để giới hạn số lời nhắn con em chúng ta gởi cho bạn hay để con phải trả tiền nếu dùng quá nhiều, nhưng mục đích là để giúp con tập sống với kỷ luật bản thân, mọi việc các em làm hằng ngày phải có tiết độ, phải biết tiết chế.
4. Khi đi ngủ phải để phone ở phòng khách
Không được đem vào giường hay vào phòng ngủ. Quy luật này không chỉ áp dụng cho con cái nhưng cha mẹ và mọi người lớn khác trong gia đình cũng nên áp dụng quy luật này để làm gương cho các em. Khi đặt quy luật này, chúng ta nói rõ cho con biết không phải là cha mẹ không tin các em nhưng là để giúp các em giữ gìn sức khỏe. Nhiều khi vì được tin nhắn trễ của bạn, các em không vui hay quá vui cũng có thể mất ngủ. Con em chúng ta cần có tâm trí minh mẫn sáng suốt để học hành, không nhắn tin trong giờ ngủ là để giúp các em buổi tối được nghỉ ngơi hoàn toàn, và ngủ nghỉ đầy đủ, cũng để tập cho các em giữ quân bình trong mọi sinh hoạt mỗi ngày: Từ việc học hành, ăn uống, chơi đùa cũng như dùng cell phone, tất cả đều phải có tiết độ, để không bị ảnh hưởng tai hại sau này vì sống thiếu kỷ luật bản thân.
5. Việc học bài, làm bài phải được là ưu tiên hàng đầu
Khi con làm bài, học bài, các em phải để cái cell phone ra xa, để không thấy, không nghe, mục đích là để các em tập trung vào việc học, nếu không, bạn bè hay những tin tức xảy ra chung quanh có thể làm các em bị chia trí, không chú tâm vào việc học nữa. Chúng ta cũng nhắc con tránh dùng phone để làm máy tính hay để coi giờ trong ngày vì các em có thể bị cám dỗ để liên lạc với bạn hay dùng vào những việc khác.
Năm điều kể trên chỉ là những quy luật chúng tôi đề nghị, không phải là bảng liệt kê đầy đủ những quy luật chúng ta cần đặt ra cho con. Tùy từng hoàn cảnh và tùy tâm tính của các con, chúng ta có thể đặt thêm hay giảm bớt những quy luật này. Là cha mẹ, chúng ta biết rõ con mình hơn ai hết, vì thế chúng ta có thể đặt những quy luật hoặc những giới hạn khác nữa để thật sự giúp con phát huy lối sống kỷ luật và trưởng thành. Khi mua phone chúng ta phải ký giấy thì khi cho con cái phone riêng để dùng, có lẽ chúng ta cũng nên ghi xuống những quy luật sử dụng phone mà chúng ta đặt ra, đọc cho con nghe, bảo con ký vào và cho con giữ một bản để các em không quên nhưng ghi nhớ và vâng giữ.
Ước mong những gì chúng tôi chia sẻ trong Câu Chuyện Gia Đình hôm nay có thể giúp quý vị một vài ý để hướng dẫn con em trong gia đình trong việc sử dụng cell phone. Nguyện xin Đức Chúa Trời Toàn Năng dẫn dắt, bảo vệ và ban phước tràn đầy trên gia đình quý vị trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Kính chào tạm biệt quý thính giả.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành