Dạy Con (Bài 35)
Yêu Thương Con Vô Điều Kiện
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Như chúng tôi chia xẻ trong các Câu Chuyện Gia Đình trước đây, để đạt kết quả trong trách nhiệm hướng dẫn con nên người trưởng thành, cha mẹ cần làm gương cho con và yêu thương con với tình yêu hy sinh, vô điều kiện, như tình yêu Chúa dành cho chúng ta. Mỗi đứa con của chúng ta là một con người đặc biệt, được Chúa tạo dựng với khả năng, tài năng, tính tình khác nhau, với ưu điểm, khuyết điểm, sức mạnh cũng như yếu đuối. Theo Lời Kinh Thánh dạy, mỗi em được Chúa tạo dựng “cách đáng sợ lạ lùng.” Tác giả Thi Thiên 139 viết:
Con cảm tạ Chúa vì con được dựng nên cách đáng sợ và lạ lùng, công việc Chúa thật quá diệu kỳ, lòng con biết rõ lắm (Thi Thiên 139:14, BHĐ).
Cha mẹ dễ dàng thương con khi con là đứa bé xinh xắn, ngoan ngoãn, mới tập đi tập nói hay bắt đầu đi học mẫu giáo. Chúng ta cũng dễ thương con khi con học giỏi, ngoan ngoãn, làm cho cha mẹ hãnh diện; khi con vâng lời, làm theo điều cha mẹ dạy bảo. Nhưng khi con bướng bỉnh, không vâng lời, cha mẹ dễ bực bội và thấy khó có thể thương con. Đặc biệt là khi con bước vào tuổi thiếu niên, phản loạn cố tình làm ngược lại những gì cha mẹ khuyên dạy, nói năng thiếu lễ độ, có việc làm hay hành vi cử chỉ khiến cha mẹ đau buồn xấu hổ, v.v… đây là lúc chúng ta thấy khó thương con bằng tình yêu vị tha, hy sinh, như Chúa đối với chúng ta. Những lúc đó chúng ta cần nhớ lại tình thương Chúa dành cho mình. Chúa muốn chúng ta yêu thương người khác như Chúa đã yêu chúng ta, nhất là thương những đứa con Chúa ban cho gia đình chúng ta. Chúa Giê-xu dạy:
Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy (Phúc Âm Giăng 13:34, BHĐ)
Điều quan trọng trong tình thương đối với con cái, đó là chúng ta cần cam kết thương con với tình thương không thay đổi, không suy tàn, dù khi con không ngoan ngoãn, khó thương hay khi con làm cha mẹ xấu hổ, lo buồn, cha mẹ cẫn yêu thương.
Cam kết trong tình thương đối với con gồm những điều sau:
- Cố gắng kềm giữ môi miệng khi trong lòng muốn la mắng nặng lời cho đáng với lỗi của con.
- Mỗi ngày nói cho con biết cha mẹ thương con nhiều như thế nào, dù khi trong lòng ta không muốn nói, vì con không dễ thương chút nào.
- Dù không đồng ý với sự chọn lựa hay ý kiến của con, chúng ta vẫn thương con, miễn là ý kiến hay điều con chọn không trái với lời Chúa dạy.
- Bày tỏ tình thương với con cách cụ thể: nắm tay, ôm vào lòng, hôn con, dù con không thích hay không đáp lại tình thương của cha mẹ.
- Dù hoàn cảnh thế nào, luôn cảm tạ Chúa về những đứa con Chúa ban cho mình. Hãy nhớ, Chúa không bao giờ sai lầm khi Ngài ban cho chúng ta đứa con đó.
Khi cha mẹ không biểu lộ tình thương với con vì cách cư xử thiếu yêu thương của con là chúng ta để cho con điều khiển hay ảnh hưởng cách cư xử của cha mẹ. Điều quan trọng là, là cha mẹ chúng ta phải cư xử trưởng thành hơn con, tùy thuộc vào Chúa hơn, cầu nguyện nhiều hơn và cam kết yêu thương con nhiều hơn tình thương con dành cho mình. Đặc biệt, chúng ta cần cẩn thận trong cách hướng dẫn những đứa con tuổi thiếu niên, là tuổi phản loạn, không vâng lời cha mẹ và làm nhiều điều khiến cha mẹ lo buồn. Đây là lúc chúng ta cần hết sức tế nhị trong cách dạy con: nhỏ nhẹ, kiên nhẫn hơn, yêu thương con nhiều hơn, vì con đường có thể đưa cha mẹ đến gần tấm lòng con cái, để cảm hóa con là tình yêu thương và chỉ tình yêu thương mà thôi.
Khi con dưới 12 tuổi, cha mẹ cần dành thì giờ cho con, bày tỏ tình thương với con thường xuyên để xây dựng mối quan hệ bền chặt, ngọt ngào với con. Đây là giai đoạn vàng son vì các em còn ngoan ngoãn, dễ dạy, dễ gần gũi. Nếu giữa cha mẹ và con cái có mối quan hệ yêu thương, gắn bó, khi các em bước vào tuổi thiếu niên, thay đổi, trở nên khó dạy, khó thương, cha mẹ sẽ dễ đến gần, dễ dạy bảo con hơn. Những vấn đề của tuổi thiếu niên, khiến cha mẹ bực bội, và khó có mối quan hệ tốt đẹp với con gồm những điều như sau:
- Các em hay bướng bỉnh, cãi lại cha mẹ, không vâng lời và có em muốn bỏ nhà ra đi.
- Hay nói dối và điều khiển cha mẹ, để cha mẹ phải chiều theo ý mình.
- Chơi trò chơi trên máy điện toán hay trong phone quá nhiều.
- Không gần gũi với cha mẹ và người trong gia đình.
- Bắt chước bạn, dùng rượu bia và cần sa ma túy.
- Có bạn trai bạn gái, và không cẩn thận trong quan hệ tình dục.
- Mặc những kiểu quần áo không đứng đắn hay để kiểu tóc kỳ quặc.
- Xem hình ảnh bê bối trên mạng, trong sách báo.
- Bị ảnh hưởng của bạn bè không tốt.
- Vẫn ở trong nhà cha mẹ nhưng xử sự như người xa lạ, không quan tâm đến gia đình.
- Bỏ nhà đi, có khi nói cho cha mẹ biết là các em không muốn sống trong gia đình nữa.
- Công khai loại bỏ đức tin, loại bỏ Lời Chúa mà cha mẹ đã dạy từ khi còn nhỏ.
- Có những quyết định sai lầm, gây tổn hại đến chính đời sống các em.
Những cám dỗ và nguy hiểm trong xã hội sẽ gia tăng theo tuổi của các con chúng ta. Khi các em càng lớn, những cám dỗ này càng nhiều hơn và nguy hiểm hơn. Vì thế, khi con bước vào tuổi thiếu niên, là khoảng từ 13 -18 tuổi, cha mẹ cần gần với con, cần nhờ Chúa giúp để chúng ta giữ mối dây yêu thương mật thiết với con. Đây là điều khó nhưng nếu chúng ta dành thì giờ với con khi con còn nhỏ, bày tỏ tình thương cách cụ thể và thường xuyên, khi đến tuổi thiếu niên, là tuổi thay đổi và phản loạn, các em vẫn biết cha mẹ yêu thương mình. Các nhà tâm lý học cho biết, khi con em chúng ta bắt đầu lớn và thay đổi, các em thường tự hỏi: “Bây giờ mình thay đổi và khó thương, không biết ba má có còn thương mình không?” Các em thiếu niên biết mình khó thương và cũng không thương chính mình. Các em hay suy nghĩ và có nhiều nghi ngờ, nghi ngờ ngay cả chính mình. Các em thiếu tự tin nên hoang mang, không biết cha mẹ có tin tưởng các em và có còn yêu thương các em không.
Vì thế, đây là lúc cha mẹ cần yêu thương con hơn hết, yêu con với tình yêu của Chúa, tình yêu hy sinh, chấp nhận và khi có cơ hội, bày tỏ cho con biết. Với tình yêu đó chúng ta sẽ thật sự trân quý con, ở gần bên con, nâng đỡ con, nhờ đó giúp con tránh được cám dỗ, tội lỗi. Đây là lúc chúng ta tiếp nhận con như món quà Chúa ban, dù con có những việc làm hay lời nói gây đau buồn, tổn thương cho chúng ta. Khi cần, chúng ta cũng nên nói cho con biết là, không có điều gì con nói hay làm có thể khiến cha mẹ không thương con nữa. Đó là tình yêu vô điều kiện, tình yêu mặc dầu. Khi yêu thương con như vậy là chúng ta vâng theo mạng lệnh của Chúa: yêu như Chúa đã yêu chúng ta.
Khi con đi qua tuổi thiếu niên, đối diện với nhiều thách thức, các em không muốn nói chuyện hay chia xẻ với cha mẹ, nên cha mẹ khó trò chuyện với con, lúc đó thay vì trách hay giận con, chúng ta có thể viết cho con, dùng giấy mực nói cho con biết là chúng ta thông cảm với con, vẫn yêu thương như trước. Chúng ta viết cho con những lời như: “Ba má biết con đang trải qua nhiều thay đổi, gặp nhiều khó khăn trong việc học hành, nhì6u thách thức với bạn bè. Lắm lúc con cũng không hiểu chính mình, không chấp nhận chính mình. Có lẽ con nghĩ ba má cũng không hiểu, không thông cảm với con. Dù có thể không thông cảm hết những gì con đang trải qua, ba má lúc nào cũng thương con và sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể làm được để giúp con nên con đừng ngại cho ba má biết. Ba má cầu nguyện cho con mỗi ngày vì biết Chúa yêu thương con, Ba má cũng thương con nhiều lắm.” Khi đọc những lời đó, có thể các em không bày tỏ lòng vui mừng hay biết ơn, nhưng chắc chắn những lời thăm hỏi an ủi của cha mẹ cho các em niềm vui, an ủi và khích lệ rất lớn.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành