Dạy Con (Bài 3)
Trong hai tuần qua, chúng tôi đã bước sang đề tài nuôi dạy con cái. Như chúng ta đều biết, để việc dạy con có kết quả, cha mẹ cần quân bình giữa tình thương và kỷ luật. Chúng tôi đã nói về tình thương đối với con nên hôm nay xin nói về vấn đề áp dụng kỷ luật trong việc nuôi dạy con. Trong quyển sách nổi tiếng tựa đề The Strong-Willed Child tạm dịch là Ðứa Bé Cứng Ðầu Tiến sĩ James Dobson mô tả sự giằng co giữa ý muốn của con cái và ý muốn của cha mẹ như sau:
Con cái trong gia đình luôn cảm nhận có một sự giằng co giữa ý muốn của hai thế hệ, tức là giữa ý của cha mẹ và ý của con cái, vì thế cách cha mẹ ứng xử trước ý muốn của con là điều rất quan trọng. Khi một đứa bé có hành động vô lễ hay làm điều gây tai hại cho chính mình hoặc cho người chung quanh, mục đích của nó là xem thử ranh giới mà cha mẹ đặt ra có vững chắc không và nó có thể vượt qua hay không. Ðiều này cũng giống như việc các viên cảnh sát đến xem xét những hàng quán đã đóng cửa, họ mở thử các cửa đã đóng nhưng mong là các cửa đó đã khóa chặt an toàn. Tương tự như thế, khi đứa bé thách thức thẩm quyền của cha mẹ, mà cha mẹ giữ vững lập trường, đứa bé sẽ cảm thấy an toàn dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Các em thấy an toàn trong một môi trường mà quyền của các em cũng như quyền của người khác được bảo đảm bằng những giới hạn rõ ràng. (The Strong-Willed Child, p. 30).
Trong một bài nói về cách làm thế nào để uốn nắn hướng dẫn con cái trở nên khôn ngoan, Mục sư Chuck Swindoll cho biết, mục đích của việc dạy con không phải là dùng áp lực, với bất cứ giá nào, để cha mẹ được thắng trong sự giằng co giữa ý con và ý cha mẹ, (đây là điều các bậc cha mẹ của chúng ta thường làm). Khi chúng ta thắng ý con bằng quyền hay sức mạnh, chúng ta chỉ làm con buồn khổ, đau đớn và khiến cho mối quan hệ giữa con với chúng ta trở thành căng thẳng, ngăn cách chứ không tốt đẹp. Trái lại, khi dùng kỷ luật, mục tiêu của chúng ta là uốn nắn ý con vào khuôn phép một cách nhẹ nhàng nhưng rõ ràng và cương quyết, giống như người thợ gốm nắn cái bình bằng đất sét. Ðể đạt được điều đó, là cha mẹ, chúng ta cần có sự khôn ngoan, và khôn ngoan đó chỉ Ðức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta. Ngày trước cha mẹ áp dụng kỷ luật với con rất là nghiêm khắc, lắm khi đến độ tàn ác. Ngày nay thì ngược lại, khi nghe đến hai chữ kỷ luật nhiều người nghĩ rằng áp dụng kỷ luật là hành hạ con hay ngược đãi con. Vì thế một số người tránh, không áp dụng một kỷ luật nào đối với con cả, để cho con tự do, muốn làm gì cũng được, đòi gì cũng có. Ðây là điều vô cùng nguy hiểm, vì chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ vô kỷ luật và thiếu đạo đức.
Lời Kinh Thánh trong sách Châm Ngôn dạy rằng nếu thật sự thương con, cha mẹ phải hết lòng chỉ bảo và sửa dạy con, người nào không sửa dạy, không áp dụng kỷ luật với con là ghét con. Câu Kinh Thánh đó như sau: “Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình, song ai thương con ắt cần sửa trị nó” (Châm Ngôn 13:24). Tục ngữ Việt nam chúng ta cũng nói, “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Mục sư Swindoll nói rằng nếu cha mẹ không áp dụng kỷ luật trong việc nuôi dạy con là không ban cho con sự hướng dẫn, chỉ dạy cần thiết để giúp con nên người trưởng thành. Khi cha mẹ không dạy con điều phải và không cảnh cáo con những điều sai quấy là bỏ bê con và đó cũng là một hình thức ngược đãi con. Áp dụng kỷ luật quá nghiêm khắc khiến con bị tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần là ngược đãi con, nhưng không áp dụng kỷ luật để cho con tự do phóng túng để rồi trở thành người hư hỏng cũng là ngược đãi con. Nếu thật sự thương con, chúng ta sẽ không chỉ lo cho con ăn ngon mặc đẹp, tức là chỉ chăm sóc con người bề ngoài mà bỏ quên con người bên trong. Chăm sóc con người bên trong là chăm sóc mặt tình cảm, tinh thần và tâm linh của con; là uốn nắn con vào kỷ luật, vào khuôn phép để con nên người.
Nói đến kỷ luật, có hai điều chúng ta cần phân biệt rõ ràng: (1) Áp dụng kỷ luật chứ không phải là ngược đãi. (2) Chúng ta uốn nắn con chứ không bẻ gãy con khiến tinh thần con tan nát và tổn thương.
1. Phân biệt giữa kỷ luật và ngược đãi
Cha mẹ ngược đãi con khi áp dụng kỷ luật một cách vô lý, quá đáng, làm hạ phẩm giá của con. Chẳng hạn như áp dụng kỷ luật cách tàn ác, kéo dài quá lâu, khiến con đau đớn, xấu hổ, hay dùng những kỷ luật không xứng hợp với lỗi lầm của con. Khi cha mẹ ngược đãi con sẽ làm cho tinh thần con sụp đổ; khiến con khiếp sợ cha mẹ và mất tự tin ở chính mình. Khi chúng ta dùng những lời nặng nề, thô tục mắng con là nhận giá trị của con xuống vũng bùn hoặc khi chúng ta áp dụng những biện pháp kỷ luật quá đáng khiến con bị đau đớn về thể xác lẫn tinh thần đó là chúng ta ngược đãi con. Sự ngược đãi đó sẽ tiêu diệt cái nhìn của con về chính mình, sẽ để lại trong tinh thần và cuộc đời con những vết hằn vết sẹo không bao giờ xóa đi được. Những cha mẹ áp dụng kỷ luật như thế không phải là sửa dạy mà là hành hạ, ngược đãi con. Sự ngược đãi đó phát xuất từ lòng ghét bỏ, căm thù, giận dữ chớ không phát xuất từ lòng yêu thương.
Kỷ luật hay sửa dạy khác với ngược đãi. Sửa dạy luôn luôn đúng, hữu lý, xứng hợp, vừa phải và nâng cao giá trị của con chứ không hạ giá trị của con xuống. Sự sửa dạy và kỷ luật đặt căn bản trên công lý và công bình. Khi sửa dạy con, cha mẹ không sửa dạy cách đột ngột, bất ngờ, tùy hứng hay tùy ý cha mẹ muốn; nhờ đó con cái không ngạc nhiên hoảng sợ nhưng biết trước là khi nào các em cố ý và cố tình vượt qua giới hạn cha mẹ đã đặt ra thì cha mẹ sẽ sửa dạy. Sự sửa dạy chừng mực của cha mẹ không làm tinh thần và ý chí con sụp đổ nhưng giúp con trở nên người mạnh mẽ, có kỷ luật. Kỷ luật con cái bắt nguồn từ một động cơ tốt đẹp, đó là lòng thương yêu và quan tâm đến con, chứ không bắt nguồn từ sự giận dữ hay một mưu ý thâm độc nào.
2. Phân biệt giữa uốn nắn tâm tính và bẻ gãy tâm tính của con
Châm ngôn 15:13 cho chúng ta thấy sự khác biệt của một tấm lòng được uốn nắn và một tấm lòng bị bẻ gãy hay tan nát. Tác giả viết: “Lòng khoái lạc làm cho mặt mày vui vẻ; nhưng tại lòng buồn bã trí bèn bị nao sờn.” Châm Ngôn 17:22 cũng mô tả một hình ảnh tương tự: “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay; còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo.” Mục đích của việc sửa dạy hay áp dụng kỷ luật với con cái là để hướng dẫn, chỉ dạy, giúp cho con biết điều hay lẽ phải, có hướng đi đúng cho cuộc đời; là giúp cho con tự tin ở chính mình và có tiêu chuẩn vững vàng khi đối diện với những khó khăn trong đời sống. Khi chúng ta uốn nắn con, sẽ giúp con nhìn thấy những giá trị tốt đẹp của đời sống, giúp con thấy đời sống quý báu và có ý nghĩa, tức là giúp con yêu đời và yêu chính mình. Trái lại, khi cha mẹ dùng những kỷ luật quá nghiêm khắc để bẻ gãy ý chí của con hay làm cho tinh thần con tan nát là chúng ta giết chết lòng vui vẻ, yêu đời và lòng tự tin của con.
Chẳng hạn con của chúng ta học dở vì ham chơi, không chú ý vào việc học. Nếu chúng ta tức giận, mắng chửi hay đánh đòn thật nhiều để con sợ mà lo học là chúng ta bẻ gãy ý chí và tinh thần của con. Ngược lại, nếu chúng ta dành thì giờ xem xét bài vở của con, hỏi thăm con để biết tại sao con không lo học hành. Khi biết rõ nguyên nhân chúng ta có thể giúp con cách hữu hiệu hơn. Sau đó chúng ta kiên nhẫn hướng dẫn, giải thích cho con thấy tầm quan trọng của việc học và giúp con học bài làm bài. Ðó là chúng ta uốn nắn con chứ không bẻ gãy tinh thần và ý chí của con. Sự uốn nắn đó sẽ đem lại kết quả tốt đẹp, sẽ giúp con học khá hơn; và với sự khích lệ của cha mẹ, con em chúng ta sẽ ham thích việc học hơn và vì học khá, được điểm cao, các em sẽ nhìn thấy giá trị của mình và có lòng tự tin ở chính mình.
Tiến sĩ Tin Lành Nhật Bản, Toyotome, kể lại câu chuyện sau đây:
Có một ông cha kia có đứa con trai ở tuổi trung học. Mùa thi năm đó đứa con thi rớt. Khi biết mình thi rớt, em buồn quá nên đi giải sầu ở một chỗ có tiếng là không tốt. Khi em về nhà thì đã trễ, cha em biết em thi rớt nhưng không hỏi thăm mà chỉ hỏi đi đâu giờ này mới về. Ðứa con đáp, thưa con đi chơi ở chỗ cha thường đi cho đỡ buồn. Ông cha nghe vậy nổi giận la mắng con nặng lời. Ðứa con thành thật nói: Vì con nhớ cha nói mỗi khi buồn cha thường hay đi tới đó để giải khuây. Ông cha nghe vậy càng tức giận hơn. Ông đánh con một trận đích đáng rồi đi ngủ. Ðứa con buồn vì thi hỏng mà không ai thông cảm, lại còn bị cha mắng chửi và đánh đập. Quá buồn nản và tuyệt vọng, trong lúc cả nhà ngủ say, cậu bé lấy ống dẫn sưởi bằng gas cho vào miệng tự tử. Sáng hôm sau ông cha thức dậy thấy con đã chết.
Nhiều khi vì quá bận rộn với công việc hoặc vì những lo lắng trong đời sống, cha mẹ không có thì giờ và không đủ kiên nhẫn để dần gũi con, trò chuyện hầu thông cảm với con. Chúng ta thường chỉ lấy quyền làm cha mẹ nạt nộ, la mắng hoặc dùng roi đánh phạt để con sợ mà vâng lời. Ðây là cách áp dụng kỷ luật không có kết quả mà còn có thể để lại những tai hại không lường được trong đời sống con.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
very nice, and helpful. We listen and post weekly.