Đón Mừng Năm Mới Trong Bình An
Thưa quý thính giả, chúng ta vừa mừng ngày Giáng Sinh, lễ kỷ niệm Chúa Cứu Thế giáng trần và bây giờ lại đón mừng Năm Mới Dương Lịch! Quý vị mong ước điều gì trước thềm Năm Mới? Mỗi chúng ta đều có những mong ước khác nhau, tùy theo tuổi tác và hoàn cảnh sống. Những người trẻ độc thân có lẽ mơ ước Năm Mới này sẽ gặp được người tâm đầu ý hợp, sẽ lập gia đình và không sống trong cô đơn nữa. Người mất việc làm thì mong qua Năm Mới sẽ tìm được việc làm tốt, thích hợp với khả năng, để kinh tế gia đình được ổn định. Những người có gia đình, đang sống với người bạn đời thì có lẽ ước mong trong Năm Mới mọi sự sẽ đổi mới, vợ chồng yêu nhau hơn, hạnh phúc hơn, con cái thì ngoan ngoãn, chăm lo học hành hơn. Quý vị cao niên thì mong ước có sức khỏe tốt, bớt đi những ốm đau trong thân thể hoặc là mong gia đình con cái được bình an hạnh phúc, có cháu để bồng bế, con cái đến thăm thường xuyên, đó là niềm vui của tuổi cao niên.
Chúng ta ai cũng mong ước những điều tốt đẹp khi bước vào Năm Mới, nhất là những điều mình chưa đạt được trong đời sống. Tuy nhiên, điều mà tuổi nào cũng mong ước trong Năm Mới là: mong cho đời sống bình an, yên ổn, đừng có tai nạn rủi ro hay đau ốm bệnh hoạn, đừng có điều gì nguy hiểm bất ngờ xảy đến. Nói đúng hơn, mong ước lớn nhất của mọi người, trong mọi hạng tuổi, ở khắp nơi trên thế giới là mong được sống trong bình an, yên ổn; vì nếu không bình an yên ổn nhưng chiến tranh, hoạn nạn xảy ra thì tất cả những mơ ước cho Năm Mới chỉ là những mơ ước xa vời, không bao giờ có trong tầm tay. Với tình hình căng thẳng trên thế giới hiện nay vì chiến tranh giữa Do Thái và Palestine, giữa Nga và Ukraine, có lẽ điều nhiều người mong ước là, mong cho chiến tranh không lan tràn nhưng sớm chấm dứt, để người dân trong các nước đó cũng như thế giới được sống trong hòa bình và yên ổn, nhưng điều đáng buồn là mơ ước đó thật là xa vời, mong manh,
Dù Năm Mới đã bắt đầu nhưng thế giới cũng như xã hội con người chẳng có gì là mới mẻ tốt đẹp. Tình hình căng thẳng ở nhiều nơi, chiến tranh loạn lạc có thể bùng nổ ở bất cứ nơi nào. Ở các thành phố lớn thì cướp giựt, bắn giết nhau xảy ra thường xuyên, chúng ta thấy mình thật nhỏ bé và bất lực trước những gì xảy ra chung quanh. Có lẽ nhiều khi chúng ta tự hỏi: Tại sao con người không thể sống với nhau trong hòa thuận êm ấm? Tại sao nước này với nước kia không thân thiện tử tế với nhau để mọi người được sống yên ổn hòa bình? Tại sao phải tốn tiền chế tạo vũ khí? Dùng tiền đó giúp những nước nghèo có phải ích lợi hơn không? Năm 1948, sau khi thế giới kinh hoàng trước sức tàn phá khủng khiếp của bom nguyên tử, Albert Einstein tuyên bố:
Nan đề của thế giới ở tại lòng người và trong tâm trí con người. Đây không phải là vấn đề vật chất nhưng là vấn đề đạo đức. Điều đáng sợ không phải là sức tàn hại của bom nguyên tử nhưng là sức mạnh trong tấm lòng xấu xa gian ác của con người, là sức mạnh tàn phá khủng khiếp của tội ác.
Thật vậy, cốt lõi của nan đề trên thế giới không phải là những vũ khí nguy hiểm nhưng chính là tấm lòng con người. Tấm lòng ích kỷ, thù ghét, gian dối là nơi phát xuất nan đề và gieo đau khổ cho mọi người. Từ ngàn xưa, Lời Chúa trong Kinh Thánh đã tuyên bố:
Lòng con người là dối trá hơn mọi vật và rất là xấu xa, ai có thể biết được? (Tiên tri Giê-rê-mi 17:9)
Chúa Giê-xu cũng dạy:
Vì từ trong lòng nẩy sinh những ý tưởng xấu: giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, làm chứng dối và vu khống (Phúc Âm Ma-thi-ơ 15:19, BHĐ).
Đúng như Kinh Thánh dạy, lòng người thật xấu xa, không ai có thể lường được, và từ tấm lòng đó mà nảy sinh bao nhiêu tội ác, gây đau khổ cho chính mình và người chung quanh. Thật ra, chỉ cần nhìn vào gia đình mình hay những gia đình chung quanh, chúng ta sẽ hiểu được tại sao thế giới không có hòa bình. Nếu trong cộng đồng nhỏ của gia đình, vợ chồng không nhường nhịn nhau, cha mẹ và con cái không tôn trọng ý kiến của nhau; mỗi khi có điều gì không vừa ý thì to tiếng, gây tổn thương cho nhau, thì trong cộng đồng lớn, như giữa dân tộc này với dân tộc kia, giữa nước này với nước nọ có chiến tranh là điều tất nhiên. Có thể nói, ngày nào người trong gia đình còn làm khổ nhau, gây tổn thương cho nhau thì ngày đó thế giới vẫn còn chiến tranh.
Dù vậy, chúng ta không sống trong sợ hãi, cũng không tuyệt vọng vì Đức Chúa Trời có thể thay đổi lòng người: khiến những tấm lòng xấu xa trở nên tràn đầy tình thương. Khi tấm lòng được Chúa đổi mới, chúng ta có thể làm phần trách nhiệm của mình để đời sống được bình an, yên vui. Có người đã nói: “Hãy cầu hòa bình cho thế giới, và xin hòa bình đó bắt đầu từ chính tôi.”
Ba điều chúng ta có thể làm để gia đình êm ấm, xã hội trật tự và thế giới được bình an là:
- Thiết lập hòa bình với Đức Chúa Trời, Người Cha Thiên Thượng
Kinh Thánh cho biết, Vì tội lỗi, con người đã trở thành thù nghịch với Đức Chúa Trời, nhưng qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, con người sẽ được hòa thuận với Ngài. Chúa Giê-xu, Con Đức Chúa Trời, đã xuống trần làm người, mang lấy tội của chúng ta và chịu chết thay cho chúng ta trên thập giá. Ngài là Đấng duy nhất tuyên bố:
Ta là Con Đường, là Chân Lý và Sự Sống, chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Đức Chúa Cha (Phúc Âm Giăng 14:6)
Khi chúng ta tin nhận rằng Chúa Giê-xu đã chết vì tội của mình và mời Ngài làm Chủ cuộc đời, chúng ta sẽ được tha thứ tội và sống trong bình an của Ngài. Chúa Giê-xu phán:
“Ta ban bình an của ta cho các con. Bình an ta ban cho các con không giống như thế gian cho. Lòng các con chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).
- Không đổ lỗi cho người khác nhưng nhận lỗi và sẵn sàng sửa đổi
Khi gặp nan đề, chúng ta thường đổ lỗi cho người khác. Chúng ta luôn nói hai chữ “tại vì”.
“Vì chồng tôi thế này, vợ tôi thế kia, vì các con, vì cha mẹ tôi mà tôi gặp khó khăn như ngày nay. Khi gặp nan đề với bạn bè, người cùng làm việc, chúng ta cũng nghĩ rằng sở dĩ có nan đề là vì những người đó chứ không thấy rằng mình cũng có lỗi. Khi có bình an và tình yêu của Chúa trong lòng, chúng ta sẽ thành thật nhìn vào chính mình, sẽ thấy thiếu sót của mình và cũng sẵn sàng sửa đổi. Nhờ đó những căng thẳng, sứt mẻ với người chung quanh sẽ được hàn gắn và chữa lành.
- Sẵn sàng làm hòa trước để đôi bên giải hòa với nhau
Làm hòa trước là điều khó vì chúng ta nghĩ: “Mình đâu gây ra chuyện này mà phải làm hòa! Người kia phải nhận lỗi, phải xin lỗi trước!” Khi chúng ta nghĩ như vậy, nan đề sẽ không được giải quyết, hòa thuận và bình an sẽ không đến. Khi nhận ơn tha thứ của Chúa, chúng ta sẽ dễ dàng giải hòa và tha lỗi cho người khác vì nhận biết rằng Chúa đã ban ơn cho chúng ta quá nhiều: chúng ta không đáng được Chúa yêu thương, tha thứ mà Chúa đã yêu thương và tha thứ cho chúng ta. Kinh Thánh dạy:
Hãy sống với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế Giê-xu (Thư Ê-phê-sô 4:32)
Có người đã nói: “Khi tâm hồn được ánh sáng của Thiên Chúa soi sáng sẽ phát huy những mỹ đức trong tâm tính, đưa đến hòa thuận trong gia đình, trật tự trong xã hội và hòa bình trên thế giới.” Ánh sáng đó chính là Chúa Giê-xu: Ngài là ánh sáng nhân từ, yêu thương, thánh khiết; ánh sáng của sự sống. Chúa Giê-xu tuyên bố:
Ta là ánh sáng của thế gian, người nào theo ta sẽ không đi trong bóng tối, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Phúc Âm Giăng 8:12)
Chúng ta đều mong được sống trong hòa bình và bình an nhưng hòa bình và bình an đó chỉ thật sự có trong tâm hồn và trong đời sống khi chúng ta mời Chúa Cứu Thế bước vào đời sống. Lúc đó ánh sáng yêu thương, công bình, thánh khiết của Chúa sẽ chiếu rọi tâm hồn chúng ta, soi đường dẫn lối cho chúng ta trên trần gian tăm tối này. Chúng tôi ước mong quý vị sẽ đón tiếp Năm Mới 2024 bằng cách mời Chúa Cứu Thế Giê-xu bước vào cuộc đời, để kinh nghiệm bình an của Ngài, lúc đó ánh sáng yêu thương, công bình, thánh khiết của Chúa sẽ soi rọi tâm hồn chúng ta, soi đường dẫn lối chúng ta trên trần gian tăm tối này.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành