Ðức Chúa Trời Là Cha
Song song với Ngày Từ Mẫu trong tháng Năm, Chúa Nhật thứ ba của tháng Sáu hằng năm là ngày dành cho những người cha. Ðối với người Việt chúng ta thì chữ hiếu không phải là một điều gì mới lạ, nó là một phần trong bản tính và văn hóa dân tộc. Tuy nhiên thế nào là hiếu kính thật hay thể hiện chữ hiếu như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Chúng ta sẽ thấy rõ điều nầy khi cùng nhau nhìn vào một ý niệm vô cùng quan trọng đó là ý niệm Ðức Chúa Trời là Cha của chúng ta. Kinh Thánh là Lời của Ðức Chúa Trời dạy rất nhiều về ý niệm quan trọng nầy.
Trước hết, Ðức Chúa Trời là Cha của chúng ta vì Ngài tạo dựng chúng ta. Con dân của Chúa ngày xưa đã cầu nguyện với Chúa như sau:
Lạy Chúa Hằng Hữu, Ngài là Cha chúng tôi. Chúng tôi là đất sét, Ngài là thợ gốm, chúng tôi tất cả đều là việc của tay Ngài (Sách tiên tri Ê-sai 64:8)
Cha sinh, mẹ dưỡng, tất cả chúng ta đều biết như vậy, nhưng trên cha mẹ là ông bà và trên ông bà là tổ tiên. Và cứ như vậy tính dần lên phải có Ðấng tạo dựng chúng ta mà chúng ta gọi là Ðấng Tạo Hóa hay Ông Trời. Ðấng Tạo Hóa hay Ông Trời không tạo dựng chúng ta như những sinh vật khác và rồi bỏ mặc đó. Không phải như vậy. Con người chúng ta là một sinh vật vô cùng đặc biệt. Kinh Thánh cho biết con người được tạo dựng theo ảnh tượng của Thiên Chúa. Nói như vậy nghĩa là con người chúng ta có những đặc tính mà không một loài thọ tạo nào khác có. Những đặc tính như khả năng suy luận, quyết định, ý thức đạo đức, những tình cảm cảm vui buồn, v.v… Kinh Thánh dạy:
Ðức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài, Ngài dựng nên loài người giống như hình Ðức Chúa Trời, Ngài dựng nên người nam cùng người nữ (Sáng thế ký 1:27)
Thiên Chúa là Cha của chúng ta trong ý nghĩa đó: chúng ta được tạo dựng giống như Cha của chúng ta.
Ðức Chúa Trời chẳng những tạo dựng chúng ta nhưng Chúa cũng chăm sóc và bảo vệ chúng ta như cha đối với con. Kinh Thánh dạy:
Chúa Hằng Hữu thương xót kẻ kính sợ Ngài khác nào cha thương xót con cái mình vậy (Thánh Vịnh 103:13)
Ðức Chúa Trời yêu thương và chăm sóc chúng ta không phân biệt một ai. Chúa Giê-xu phán:
Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời; bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:44-45)
“Ðức Chúa Trời khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.” Tình yêu của Chúa trải rộng, bao la, không phân biệt một ai. Ðức Chúa Trời chẳng những yêu thương chúng ta cách chung, nhưng Chúa cũng muốn có mối tương giao thân mật gần gũi với mỗi chúng ta. Chúa nói về con dân của Chúa như sau. Chúa phán:
Khi Y-sơ-ra-ên còn thơ ấu, ta yêu dấu nó … Ta đã dùng dây nhân tình, dùng xích yêu thương kéo chúng nó đến (Sách tiên tri Ô-sê 11:1, 4)
Chúa chẳng những tạo dựng chúng ta, yêu thương chúng ta, nhưng Chúa cũng muốn có mối tương giao với chúng ta. Trong lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giê-xu trước khi Chúa chịu chết, Chúa đã cầu nguyện như sau. Chúa nói:
Sự sống đời đời là nhìn biết Cha tức là Ðức Chúa Trời có một và thật (Phúc Âm Giăng 17:3)
Một đời sống có ý nghĩa thật sự là đời sống có mối tương giao với Ðức Chúa Trời và Ðức Chúa Trời được mô tả là Cha, là Ðức Chúa Trời có một và thật. Ðức Chúa Trời là chân thần mà chúng ta phải tôn thờ và chân thần đó đã thể hiện cho chúng ta biết qua Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng đã mang hình hài thể xác con người chúng ta, sinh ra trên trần gian nầy để chẳng những cho chúng ta biết về Ðức Chúa Trời nhưng cũng để thi hành sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà nhân loại vì tội lỗi, vì lìa bỏ nguồn cội của mình là Ðức Chúa Trời có một và thật.
Người tin nhận Chúa luôn luôn được Kinh Thánh mô tả là được làm con của Chúa. Kinh Thánh dạy:
Ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền trở nên con Ðức Chúa Trời là ban cho những kẻ tin Danh Ngài (Phúc Âm Giăng 1:12)
Thánh Phao-lô nói với các tín hữu ở La-mã ngày xưa rằng:
Anh em đã chẳng nhận lấy thần trí của nô lệ để sống trong sợ hãi nhưng đã nhận lấy thần trí của dưỡng tử và nhờ đó chúng ta kêu rằng A-ba! Cha! (Thư Rô-ma 8:15)
(A-ba là tiếng trẻ con gọi cha trong tiếng Do-thái). Làm con của Chúa là được quyền gọi Chúa bằng tiếng gọi thân mật đó.
Có lẽ không có một câu chuyện nào mô tả đầy đủ và rõ ràng hơn cho chúng ta về tình phụ tử giữa Thiên Chúa và con người bằng câu chuyện người con hoang đàng trong Phúc Âm. Chuyện nầy do chính Chúa Giê-xu kể như sau:
Một người kia có hai con trai. Người em nói với cha rằng: Thưa cha, xin chia cho tôi phần của mà tôi sẽ được. Người cha liền chia của mình cho hai con. Cách ít ngày, người em tóm thâu hết, đi phương xa, ở đó, ăn chơi hoang đàng, tiêu sạch gia tài mình. Khi đã xài hết của rồi, trong xứ xảy có cơn đói lớn; nó mới bị nghèo thiếu, bèn đi làm mướn cho một người bản xứ, thì họ sai ra đồng chăn heo. Nó muốn lấy vỏ đậu của heo ăn mà ăn cho no, nhưng chẳng ai cho. Vậy nó mới tỉnh ngộ, mà rằng: Tại nhà cha ta, biết bao người làm mướn được bánh ăn dư dật, mà ta đây phải chết đói! Ta sẽ đứng dậy trở về cùng cha, mà rằng: Thưa cha, tôi đã đặng tội với trời và với cha, không đáng gọi là con của cha nữa; xin cha đãi tôi như đứa làm mướn của cha vậy. Nó bèn đứng dậy mà về cùng cha mình. Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn. Con thưa cùng cha rằng: Cha ơi, tôi đã đặng tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con của cha nữa. nhưng người cha bảo đầy tớ rằng: Hãy mau mau lấy áo tốt nhất mặc cho nó; đeo nhẫn vào ngón tay, mang giày vào chân. Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được. Ðoạn, họ khởi sự vui mừng (Phúc Âm Lu-ca 15:11-23).
Người cha trong câu chuyện là hình ảnh của Ðức Chúa Trời và người con hoang đàng là con người tội lỗi. Con người được Ðức Chúa Trời tạo dựng, chúng ta là con của Chúa nhưng cũng giống như người con trong câu chuyện, chúng ta đã từ bỏ Thiên Chúa, sống một đời sống theo ý riêng, không kể gì đến Ðấng Tạo Hóa. Xa lìa Thiên Chúa là nguồn sống, chúng ta nghĩ rằng mình được tự do và hạnh phúc, nhưng cũng giống như người con trong câu chuyện, chúng ta kinh nghiệm bao nhiêu ê chề với nếp sống tội lỗi. Con đường duy nhất là quay về tạ tội với cha. Người con trong câu chuyện không nghĩ rằng mình sẽ được cha đón tiếp vì đã tội lỗi quá nhiều, tuy nhiên Kinh Thánh cho biết Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn. Ðó cũng là cách Ðức Chúa Trời đối xử với một người biết ăn năn quay trở lại với Chúa. Tin Chúa vì vậy không phải là theo đạo nhưng là trở về nhà cha của mình, trở về với nguồn cội. Chính vì vậy mà Kinh Thánh dạy ai nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền làm con Thiên Chúa. Ðức Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy chỉ để làm một điều là đem con người trở lại với người cha của mình. Trong Ngày Từ Phụ, món quà lớn nhất con người có thể tặng cho người cha của mình là quay trở lại với Thiên Chúa là Cha. Quý vị muốn làm điều đó hôm nay để đánh dấu cho Ngày Từ Phụ năm nay không?
Mời quý vị liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ dưới đây để được hướng dẫn trên con đường trở về Nhà Cha
Phát Thanh Tin Lành
2275 W Lincoln Ave
Anaheim CA 9801
(714) 533-2278
Nhấn Vào Liên Lạc
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành