Hai Cái Chết
Tuần lễ vừa qua, thế giới chứng kiến hai cái chết: cái chết của Hoàng Tế Philip, chồng của Nữ Hoàng Elizabeth II và cái chết của Bernie Madoff, người lường gạt hàng tỉ Mỹ-kim của nhiều người. Hoàng Tế Philip chết trong vinh dự với sự mến tiếc của hàng triệu người còn Bernie Madoff chết trong nhà tù, không một ai thương tiếc. Cái chết của một người, vinh hay nhụcà tùy nơi đời sống của người đó. Hoàng Tế Philip tức là Quận Công Edinburgh đã một đời phục vu tổ quốc và hoàng gia, không có gì để chê trách. Bernie Madoff trong khi đó đã lường gạt không biết bao nhiêu người qua những thủ đoạn của mình. Chắc không ai muốn chết như Bernie Madoff, chết nhục nhã trong tù với bản án 150 năm!
Nguyễn Thái Học, lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng trước khi lên máy chém đã hùng dũng đọc mấy câu thơ:
Chết vì tổ quốc,
Cái chết vinh quang.
Lòng ta sung sướng,
Trí ta nhẹ nhàng!
Tôi tự hỏi, khi chết, cái chết mình sẽ ra sao? Vinh quang hay nhục nhã? Lòng ta có sung sướng và trí ta có nhẹ nhàng hay không? Như đã thấy, cái chết của một người vinh hay nhục, thỏa lòng hay ân hận tùy nơi cách sống của người đó. Một người sống ích kỷ, không làm gì cho ai, chỉ biết có mình, chắc chắn khi chết đi sẽ chẳng ai thương tiếc. Một người biết sống cho người khác, sống cho tha nhân, sống quên mình, chắc chắn được mọi người yêu mến và khi chết đi sẽ được mọi người thương tiếc. Tôi cử hành tang lễ cho nhiều người và đã trông thấy điều đó thật rõ ràng. Có người có địa vị, chức tước, giàu có nhưng trong đám tang người đó, không một giọt nước mắt rơi, không một lời thương tiếc. Cũng có những người không có gì cả ở đời, nhưng lúc chết đi, mọi người đều thương tiếc.
Kinh Thánh ghi lại câu chuyện một vị vua trong Cựu Ước tên là Giô-ram. Kết luận cuộc đời vị vua nầy, Kinh Thánh ghi: “Người qua đời, chẳng ai tiếc người” (II Sử ký 21:20). Lịch sử cũng cho biết Hê-rốt Đại Đế, vị vua tàn ác lúc Chúa Giê-xu giáng sinh, vì quá gian ác, ông sợ rằng sẽ không có ai than khóc lúc mình chết nên ông đã ra lệnh tàn sát một số người tại Giê-ru-sa-lem để lúc ông chết có người khóc. Dù lệnh nầy về sau không được thi hành nhưng cũng đủ cho thấy cái gian ác của con người.
Kinh Thánh cũng ghi lại câu chuyện những người sẵn sàng chết và thỏa lòng khi từ giã cõi đời. Một trong những người đó. Là Cụ Si-mê-ôn, người đã được vinh dự bồng Chúa Hài Đồng trong tay và Cụ đã nói:
Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho đầy tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Ngài vì mắt con đã thấy sự cứu rỗi của Ngài (Phúc Âm Lu-ca 2:29)
Cụ Si-mê-ôn đã có thể nói như vậy vì đã kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Thiên Chúa. Sứ đồ Phao-lô đang khi bị tù và chuẩn bị chờ cái chết đến với mình đã viết thư cho môn đệ thân tín là Ti-mô-thê những lời như sau:
Giờ qua đời của ta gần rồi. Ta đã chiến đấu trong một trận chiến anh dũng, đã hoàn tất cuộc chạy đua, đã giữ được đức tin. Từ nay mão triều thiên công chính đã dành sẵn cho ta (Thư II Ti-mô-thê 4:6-8)
Nhìn lại đời sống của mình, Phao-lô thấy đó là một cuộc chiến và cũng là một cuộc chạy đua. Ông đã sống, đã hành động để đến cuối đời có thể nói rằng mình đã chiến đấu anh dũng và đã chạy về đến mức, nghĩa là đã đạt đến mục đích của đời sống. Và trên hết, đã giữ đức tin của mình. Chúng ta có thể nói được như vậy khi từ giã cõi đời nầy không?
Tôi vừa nói về hai cái chết: cái chết của Hoàng Tế Philip của Anh quốc và cái chết của Bernie Madoff kẻ lường gạt phải bị tù 150 năm và chết trong tù. Nhưng tôi cũng muốn nói đến cái chết thứ ba, tôi gọi đây là cái chết của một vị vua. Vị vua đó không ai khác hơn là Chúa Giê-xu vì khi Chúa chịu chết trên thập tự giá, người ta đã để bản án của Chúa là: “Người nầy là Vua Do-thái.” Bản án đó thật sự người La-mã dùng để chế nhạo, hàm ý vua của Do-thái phải chết như một tử tội. Cũng hàm ý phản loạn vì xưng vua nghĩa là chống lại hoàng đế La-mã. Dầu sao thì Chúa Giê-xu thật sự là vua, là Đấng cầm quyền đời sống của những người tin nhận Ngài mà Chúa gọi là ở trong vương quốc của Ngài, thần dân của Nước Chúa. Điều tôi muốn nói là lời nói cuối cùng của Chúa Giê-xu khi Chúa chịu chết trên thập tự giá cho thấy một cái chết thỏa lòng và trọn vẹn. Một trong những lời cuối cùng của Chúa Giê-xu trên thập tự giá là “Xong” hay “Hoàn tất.” Lời nói nầy chỉ là một chữ trong nguyên văn tiếng Hy-lạp hàm ý đã trả xong nợ. Nợ đây là nợ tội, tội của nhân loại vì Chúa Giê-xu không có tội gì cả, Ngài là Đấng vô tội. Chúa Giê-xu vô tội nhưng đã trả nợ tội thay cho chúng ta.
Khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa Giê-xu nói “Xong” hay “Hoàn tất” hàm ý rằng sứ mạng của Ngài đã xong. Mục đích Chúa Giê-xu giáng sinh là để chịu chết thay cho con người, để cứu rỗi con người. Lúc Chúa chết cũng có nghĩa là nhiệm vụ đã xong, đã hoàn tất, nợ tội đã được trả. Chúa Giê-xu đã chịu chết để chúng ta không còn phải chết. Chúa Giê-xu đã trả nợ tội cho chúng ta, chúng ta không còn phải trả nhưng chúng ta phải công nhận cái chết của Chúa là vì mình, là cho mình. Chúng ta phải tin vào Chúa Giê-xu đã làm điều đó cho mình thì cái chết của Chúa mới có giá trị cho mình.
Có những người chết không ai thương tiếc như Bernie Madoff. Có những người chết được mọi người thương tiếc như Hoàng Tế Philip nhưng cái chết của ông cũng giống như cái chết của bao nhiêu người khác, già rồi thì phải chết. Cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết hoàn toàn khác, đây là cái chết thay thế, cái chết để chuộc tội người khác. Ngày xưa Lê Lai đã liều mình chịu chết để Lê Lợi được sống, đó là cái chết của một người để cứu một người còn cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết để cứu toàn thể nhân loại. Chúa Giê-xu đã chịu chết hơn 2,000 năm trước nhưng cái chết của Chúa hiệu nghiệm cho mọi người, mọi thời đại vì Chúa Giê-xu cũng chính là Thiên Chúa trong thân xác con người. Cái chết vô tội của Ngài có giá trị để cứu chuộc toàn thể nhân loại.
Cụ Si-mê-ôn và sứ đồ Phao-lô là những người ở cuối đời đã có thể qua đời cách bình yên,vui thỏa vì cả hai đã kinh nghiệm ơn cứu rỗi qua cái chết thay thế của Chúa Giê-xu. Quý vị có thể từ giã cõi đời nầy trong vui thỏa như vậy không. Tất cả tùy nơi đức tin của chúng ta hôm nay. Sứ đồ Phao-lô viết:
Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến trần gian chịu chết vì người có tội, đó là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà tiếp nhận (Thư I Ti-mô-thê 1:12)
Đó là Phúc Âm chúng tôi loan báo cho quý vị hôm nay. Quý vị có tiếp nhận Phúc Âm đó cho mình để bất cứ lúc nào từ giã cõi đời nầy chúng ta cũng có thể nói: “Tôi đã đánh trận tốt lành, đã xong cuộc chạy, đã giữ được đức tin” hay không?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành