Kênh Đào Suez
Tin tức hàng đầu trong cuối Tháng Ba vừa qua là việc chiếc tàu chở hàng khổng lồ bị kẹt trên kênh đào Suez khiến lưu thông bị tắc nghẽn gần một tuần lễ, gây thiệt hại hàng tỉ Mỹ-kim! Nguyên nhân chính gây ra tai nạn cũng như yếu tố chính giúp chiếc tàu thoát khỏi mắc cạn đều là những yếu tố thiên nhiên. Chiếc tàu đang chạy dọc trên kênh đào đã bị trận bão cát, gió thổi mạnh khiến cho con tàu nằm ngang, chận đứng giao thông. Và dù người ta dùng nhiều tàu đẩy đặc biệt cùng với việc đào cát hai bên bờ vẫn không thể làm cho chiếc tàu nhúc nhích cho đến khi có cơn thủy triều mạnh, nâng chiếc tàu lên.
Kênh đào Suez là một công trình lớn của con người và những chiếc tàu khổng lổ chở hàng cũng vậy nhưng có những trở ngại mà con người không vượt qua được, vẫn có những giới hạn của mình. Tuy nhiên điều đáng nói trong việc kênh đào Suez bị tắc nghẽn là là vấn đề giao thông hay lưu thông bị tắc nghẽn. Chỉ một con tàu mắc cạn, nằm ngang, khiến cho lưu thông cả hai chiều trên kênh đào ngưng lại hoàn toàn! Tắc nghẽn giao thông chẳng những xảy ra trong vận chuyển như vụ chiếc tàu mắc cạn trên kênh đào Suez nhưng đây là điều cũng xảy ra trong mọi mối quan hệ. Thật ra, đời sống không gì khác hơn là những mối quan hệ và khi có trở ngại, trục trặc trong những mối quan hệ là chúng ta có vấn đề.
Đời sống là những mối quan hệ: quan hệ trong gia đình cũng như ngoài xã hội, quan hệ với tha nhân, với bản thân. Khi những mối quan hệ suông sẻ, thông suốt, mọi sự sẽ tốt đẹp. Khi có một cái gì trục trặc xảy ra, dù nhỏ cũng sẽ khiến cho những mối tương giao bị nghẽn tắt, có khi không còn tương giao nữa. Mối tương giao quan trọng nhất trong đời sống là mối tương giao giữa con người và Thiên Chúa, Đấng tạo dựng chúng ta. Không có mối tương giao nầy, đời sống vô cùng bất hạnh và không có ý nghĩa. Có thể trong hiện tại, người không có tương giao với Thiên Chúa chưa nhận ra như vậy, nhưng đến cuối cùng, số phận người đó sẽ là hư vong đời đời.
Ngay trong giây phút hiện tại, chúng ta phải ý thức rằng mình có mối tương quan với Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta sự sống, hơi thở và mọi điều khác trong đời. Thiên Chúa lấy lại sự sống, chúng ta sẽ không còn gì cả. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, đặt chúng ta trên trần gian nầy với một mục đích. Không một vật gì được sáng tạo hay làm nên mà không có mục đích: cái ghế được làm nên để ngồi, cái đèn được làm nên để thắp sáng, cái radio hay cái máy vi tính hay cái điện thoại quý vị đang nghe đài đã được làm nên cho mục đích đó và những mục đích đa dụng khác. Không vậy gì được tạo dựng mà không có mục đích. Con người chúng ta cũng vậy, chúng ta được tạo dựng cho mục đích của Thiên Chúa. Kinh Thánh ghi Lời Thiên Chúa phán dạy:
Ta đã dựng nên họ vì vinh quang Ta (Tiên tri Ê-sai 43:7)
Và:
Ta đã tạo nên dân nầy cho Ta, họ sẽ hát ca ngợi Ta (Tiên tri Ê-sai 43:21)
Nếu Thiên Chúa tạo dựng chúng ta vì vinh quang của Ngài và bổn phận của chúng ta là hát ca ngợi Chúa thì thử hỏi, chúng ta đã làm điều đó chưa? Đã sống cho mục đích đó chưa? Chưa sống cho mục đích đó là chúng ta chưa làm trọn bổn phận làm người của chúng ta vì chúng ta là con người do Thiên Chúa tạo dựng, chúng ta phải tôn thờ Ngài. Làm con mà không hiếu kính cha mẹ bị kể là người con bất hiếu. Làm người do Thiên Chúa tạo dựng mà không tôn thờ Ngài thì lỗi đạo với Chúa vô cùng. Kinh Thánh gọi đó là tội. Tội không phải vì làm điều gian ác nhưng tội vì không làm điều đáng phải làm. Làm người do Thiên Chúa tạo dựng mà không tôn thờ Đấng tạo dựng là chúng ta mắc tội với Chúa. Người xưa dạy rằng: “Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo giả” nghĩa là “Mắc tội với Trời, không thể cầu khẩn vào đâu được cả!” Toàn thể nhân loại đều mắc tội với Trời nên toàn thể nhân loại đều bó tay tuyệt vọng.
Con người được Thiên Chúa tạo dựng, lẽ ra chúng ta phải tôn thờ Ngài nhưng chúng ta đã không tôn thờ Ngài nên đã mắc tội với Ngài. Và vì tội lỗi, chúng ta không thể tránh khỏi án phạt của Thiên Chúa vì Thiên Chúa công minh, không thể làm ngơ trước tội lỗi của con người. Thiên Chúa công minh nhưng Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa yêu thương, không muốn hình phạt nên Ngài có một giải pháp để giải quyết vấn đề tội lỗi mà không đi ngược lại với công lý của Ngài. Giải pháp đó là có một người mang hình phạt thay cho con người để thỏa mãn công lý của Thiên Chúa. Một khi Thiên Chúa đã hình phạt tội lỗi qua cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu và nếu con người tiếp nhận cái chết thay thế đó cho mình, Thiên Chúa dựa vào đó để tha tội cho chúng ta. Được tha tội không phải vì không có tội nhưng được tha tội vì có người chịu tội thế cho mình.
Thưa quý vị, đó là Phúc Âm, đó là Tin Mừng cứu rỗi. Tin Mừng đó là có Chúa Giê-xu chịu chết thay cho con người, nếu con người tin nơi Chúa Giê-xu, tin rằng Chúa đã chịu chết vì tội của mình, chúng ta sẽ được tha tội và mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa được nối kết trở lại, như một người con hoang đàng, khước từ cha mẹ, nay quay bước để được làm con trở lại. Kinh Thánh dạy:
Bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời (Phúc Âm Giăng 1:12)
Tất cả chúng ta đều là con của Đức Chúa Trời vì được Đức Chúa Trời tạo dựng, nhưng vì tội lỗi, quyền làm con đó đã mất. Khi chúng ta nhận tội của mình, ăn năn, quay bước, công nhận cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá là vì mình, Thiên Chúa sẽ dựa trên hai căn bản đó để tha tội cho chúng ta. Hai căn bản đó là cái chết thay thế của Chúa Giê-xu và đức tin của chúng ta. Khi tin nhận Chúa Giê-xu, chẳng những chúng ta được nhận lại quyền làm con Thiên Chúa nhưng mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng được tái lập. Sự sống và sức sống của Chúa sẽ tràn đầy đời sống chúng ta, chúng ta sẽ vui sống và sống một đời sống có ý nghĩa vì sống như vậy là sống làm rạng Danh Chúa, đúng theo mục đích của Ngài.
Người ta nói nhiều đến thiệt hại to lớn vì vụ chiếc tàu chở hàng làm kênh đào Suez tắc nghẽn trong năm ngày. Thiệt hại tắc nghẽn trong mối quan hệ Trời người, giữa chúng ta với Thiên Chúa còn to lớn hơn nhiều. Đó là một đời sống không có ý nghĩa và cả cuộc đời hư vong ở chốn trầm luân. Thủy triều đã giúp cho chiếc tàu thoát ra, không còn làm nghẽn kênh đào Suez thể nào thì sức mạnh tái tạo của Thiên Chúa cũng sẽ giúp chúng ta thay đổi và giúp cho mối tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa được tái lập như vậy. Quý vị có sẵn sàng mở rộng tâm hồn, tiếp nhận tình yêu và ơn tha thứ mà Chúa đã làm tất cả cho chúng ta trên thập giá không?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành