Mục Đích Hôn Nhân (Bài 27)
Kính chào quý thính giả, một tuần lễ nữa đã trôi qua, chúng tôi xin chân thành cảm ơn quý vị đón nghe Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành. Hôm nay chúng tôi xin trình bày một đề tài quan trọng khác trong đời sống vợ chồng, đó là “Tiền Bạc trong Hôn Nhân.” Nếu nói về những khía cạnh khác mà không nói đến tiền bạc và cách sử dụng tiền bạc là thiếu sót lớn vì tiền bạc có ảnh hưởng sâu đậm đến hôn nhân và gia đình chúng ta. Đời sống con người có ba nhu cầu chính là: nhu cầu vật chất, tình cảm và tâm linh, nhu cầu nào cũng quan trọng và cần được đáp ứng.
Nói về tiền bạc, tục ngữ ta có câu: “Đồng tiền nối liền khúc ruột,” hàm ý rằng tiền bạc rất quan trọng, đồng tiền gắn liền với sự sống con người như khúc ruột trong thân thể. Nhưng, tiền bạc có thật sự quan trọng như vậy không, quan trọng như thế nào? Hai đề tài mà Kinh Thánh nói đến rất nhiều là tiền bạc và lời nói, đây cũng là hai điều cần yếu trong đời sống. Kinh Thánh dạy về nguy hiểm của lời nói và nguy hiểm của tiền bạc, cũng như dạy về cách sử dụng lời nói và cách sử dụng tiền bạc. Đây là hai điều cần yếu trong đời sống,vì chúng ta phải dùng đến mỗi ngày. Kinh Thánh dạy chúng ta phải cẩn thận khi dùng lời nói cũng như khi sử dụng tiền bạc. Chúng ta phải làm chủ môi miệng và lời nói, và cũng phải làm chủ đồng tiền chứ không thể để đồng tiền làm chủ đời sống mình. Chúng tôi đã chia xẻ về cách đối thoại, trò chuyện giữa vợ chồng nên hôm nay xin nói về vấn đề Tiền bạc trong Hôn Nhân. Trong đời sống ai cũng cần tình yêu và tiền bạc, nhưng chúng ta cần biết điều nào quan trọng hơn, và cần sống thế nào để giữ quân bình giữa tình yêu và tiền bạc.
Chúng ta thường nghe câu “Một túp lều tranh hai quả tim vàng,” hàm ý rằng khi vợ chồng thật lòng yêu nhau thì tiền bạc vật chất không thành vấn đề, không ảnh hưởng đến hạnh phúc; khi đã yêu nhau, dù nghèo, dù sống trong túp lều tranh vợ chồng vẫn hạnh phúc. Câu này vẽ lên một bức tranh đẹp nhưng không thực tế, vì nếu quá nghèo khổ, không có tiền chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu trong đời sống thì hôn nhân cũng khó hạnh phúc. Chúng ta cũng biết rằng, hạnh phúc không dựa trên căn bản giàu nghèo, nhưng tùy ở thái độ của chúng ta đối với đồng tiền và cách chúng ta sử dụng đồng tiền. Không phải vợ chồng nào có của cải dư thừa là sẽ hạnh phúc, còn vợ chồng nào nghèo thiếu hay chỉ đủ sống qua ngày thì không hạnh phúc. Chúng ta từng thấy những vợ chồng sống trong thanh bạch, không nhà cao cửa rộng, không có tiền của nhiều nhưng hạnh phúc bên nhau suốt cả cuộc đời; trong khi đó, có những vợ chồng là tỉ phú/triệu phú, sống trên nhung lụa, kẻ hầu người hạ, nhưng không hạnh phúc và cuối cùng phải đưa nhau ra tòa ly dị và chia tay nhau trong cay đắng vì phải phân chia tài sản. Ví dụ cụ thể là vợ chồng nhà tỷ phú Mỹ, Bill Gates, sống trong giàu có mà sau 27 năm chung sống đã phải chia tay nhau khoảng hai năm trước đây.
Trần gian luôn cám dỗ chúng ta về mặt vật chất, nói rằng phải giàu thì mới hạnh phúc, vì vậy nó luôn mời gọi, thúc đẩy chúng ta phải làm việc nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn để được giàu có, để được mọi người kính nể. Nhưng chúng ta cần biết nguyên tắc Chúa dạy về tiền bạc để không ngã vào cám dỗ của trần gian, không bị tiền bạc làm chủ, điều khiển đời sống, không để tiền bạc quyết định niềm vui và hạnh phúc của gia đình, nghĩa là khi có nhiều tiền thì vui vẻ ngọt ngào với nhau, khi thiếu thốn khó khăn thì phiền giận trách móc nhau. Để tránh điều đó chúng ta cần biết nguyên tắc Chúa dạy về tiền bạc và áp dụng những nguyên tắc đó vào đời sống.
Khi thi hành chức vụ trên trần gian, Chúa Giê-xu dạy về vấn đề nhu cầu vật chất thật đầy đủ như sau. Chúa phán: “Không ai có thể làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hoặc trọng chủ nầy mà khinh chủ kia. Các con không thể vừa phục vụ Đức Chúa Trời lại vừa phục vụ tiền tài nữa. Vì vậy, Ta phán với các con: Đừng vì mạng sống mà lo phải ăn gì, uống gì; đừng vì thân thể mà lo phải mặc gì. Mạng sống không quý trọng hơn thức ăn sao, thân thể không quý trọng hơn quần áo sao? Hãy xem loài chim trời: không gieo, không gặt, không tích trữ vào kho, nhưng Cha các con trên trời vẫn nuôi chúng. Các con lại chẳng quý trọng hơn loài chim sao? Hơn nữa, có ai trong các con nhờ lo lắng mà làm cho cuộc đời mình dài thêm một khoảnh khắc không? Còn về quần áo, sao các con lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem những hoa huệ ngoài đồng mọc lên thể nào; chúng chẳng làm lụng khó nhọc, cũng không kéo chỉ; nhưng Ta bảo các con, dù vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc đẹp như một trong các bông hoa nầy. Vậy, hỡi những kẻ ít đức tin kia, nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn sống, mai bị ném vào lò, mà Đức Chúa Trời còn cho chúng mặc đẹp như thế, huống chi là các con? Vì vậy, đừng lo lắng mà tự hỏi: ‘Chúng ta sẽ ăn gì?’ ‘Uống gì?’ ‘Mặc gì?’ … Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm vương quốc Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài, thì Ngài sẽ ban cho các con mọi điều ấy nữa. Vậy, chớ lo lắng về ngày mai; vì ngày mai sẽ tự lo cho ngày mai. Sự nhọc nhằn ngày nào đủ cho ngày ấy.”
Lời Chúa Giê-xu dạy có nhiều nguyên tắc quan trọng, chúng ta cần ghi nhớ và thực hành:
- Chúng ta không thể vừa yêu Chúa vừa yêu tiền bạc: Đừng để tiền bạc làm chủ đời sống.
Chúa Giê-xu khẳng định rằng không ai có thể vừa thờ Chúa, tôn Chúa làm Chủ đời sống mà vừa chạy theo tiền bạc, để tiền bạc làm chủ đời sống. Chúa nói: không ai có thể làm tôi hai chủ, nghĩa là không ai có thể trung thành phục vụ hai ông chủ cùng một lúc. Có người đã nói: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt nhưng là ông chủ xấu,” hàm ý rằng, nếu chúng ta không để tiền bạc làm chủ đời sống, không chạy theo tiền bạc nhưng làm chủ đồng tiền, sử dụng tiền bạc theo sự toan tính sáng suốt, khôn ngoan, đúng chỗ đúng lúc; để tiền bạc phục vụ chúng ta, hầu đem lại hữu ích và phúc lợi cho đời sống, thì tiền bạc sẽ là tên đầy tớ tốt. Ngược lại, nếu chúng ta xem đồng tiền quá quan trọng, quá thu hút đến nỗi chạy theo nó, để nó sai khiến, quyết định mọi việc trong đời sống, nhất là trong cách sử dụng thì giờ và cách cư xử với vợ chồng, đồng tiền sẽ là người chủ vô cùng nguy hiểm, sẽ đem đến cho chúng ta những thiệt hại đau đớn.
Sứ đồ Phao-lô cũng dạy: “Lòng tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác. Có người vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Ti-mô-thê 6:10). Theo lời dạy này, những người ham mê tiền bạc, sống chết vì đồng tiền, sẽ gặt lấy nhiều thất bại đau đớn trong đời, Chẳng hạn như, vì tham công tiếc việc, không dám nghỉ ngơi nên cuối cùng bị đau ốm. Có người không dám dành thì giờ cho vợ con/chồng con nên tình thân thương trong gia đình bị phai lạt; có người thì hà tiện, không dám chi dùng tiền bạc; dù là cho những việc quan trọng cũng tính toán chi li, vì xem tiền bạc quý hơn tình người. Khi quyết định những việc cần chi tiêu, thì không rộng rãi, không quan tâm đến mơ ước hay nhu cầu của người thân. Quá xem trọng đồng tiền sẽ dễ đưa đến phiền giận và căng thẳng trong gia đình.
Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy có những người thành công trong việc kinh doanh, nhưng khi giàu có rồi, không dừng lại, không bằng lòng với những gì mình đã có mà cứ tiếp tục làm thêm, để được giàu có hơn nữa. Và kết quả là, như lời sứ đồ Phao-lô cảnh cáo, họ đã “ngã vào những tham muốn vô lý thiệt hại.” Cuối cùng là: gia đình tan nát, con cái hư hỏng và phải sống những ngày còn lại trong ân hận hối tiếc. Cầu xin Chúa giúp chúng ta hết lòng kính yêu Chúa, tôn thờ Ngài, đừng bao giờ chạy theo tiền bạc, làm nô lệ cho tiền bạc để rồi cuối cùng mất tất cả (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành