Quà Tặng Từ Tấm Lòng
Thành phố Nữu Ước lúc nào cũng tưng bừng nhộn nhịp, nhưng trong mùa Giáng Sinh lại càng tưng bừng nhộn nhịp hơn. Các cửa hàng buôn bán sáng rực với ánh đèn muôn màu, chưng bày đầy dẫy áo quần và nữ trang. Dọc theo đại lộ Thứ Năm (Fifth Avenue) người ta gắn hình các thiên sứ màu vàng trên cao, thật lớn, nhìn xuống đoàn người đông đúc qua lại ở bên dưới. Sự phô trương của sang trọng, giàu có, quyền thế, dư dật trong thành phố này không nơi nào trên thế giới có thể sánh được. Trên đường phố chật hẹp, người ta hối hả chen nhau để tìm mua những món quà Giáng Sinh trong giờ chót. Tiền bạc hầu như chẳng phải là nan đề. Nếu có nan đề trong việc mua quà là vì người nhận quà đã có đầy đủ những gì mình cần hay muốn, vì vậy rất khó cho người tặng quà tìm được quà thích hợp để bày tỏ tấm lòng của mình đối với người nhận quà.
Tháng mười hai năm ngoái, khi gần đến ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh, một thiếu nữ nọ gặp nan đề chúng tôi vừa nói, tức là không biết mua quà gì để tặng cho người mình mang ơn. Thiếu nữ này từ Thụy sĩ, đến Hoa kỳ sống với một gia đình Mỹ để tập nói tiếng Anh cho thông thạo. Để đền đáp công ơn, cô gái bằng lòng làm thư ký cho gia đình và thỉnh thoảng trông chừng mấy đứa cháu nội ngoại của người chủ nhà, cô sẵn sàng làm bất cứ việc gì chủ nhà cần đến. Cô bé khoảng 18 tuổi, tên là Ursula. Mấy hôm nay, một trong những việc Ursula phải làm là ghi vào sổ tất cả những món quà Giáng Sinh gia đình chủ nhà nhận được, vì gia đình này được rất nhiều quà nên phải ghi lại để biết ai tặng quà gì mà cảm ơn sau này. Cô Ursula ghi xuống cẩn thận từng món quà người ta đem đến, nhưng nhìn đống quà, cô bắt đầu lo. Lý do là vì cô rất biết ơn gia đình đã tiếp đón cô, cô muốn tặng họ một món quà nhân dịp Giáng Sinh để bày tỏ lòng biết ơn đó. Nhưng với số tiền cha mẹ cho hằng tháng cô không thể mua được quà nào giống như những món quà cô ghi vào sổ mỗi ngày. Không những thế, nếu không có những quà người ta tặng đây thì gia đình này cũng đã có đầy đủ tất cả mọi sự.
Buổi tối, từ khung cửa sổ phòng nhìn xuống, Ursula có thể thấy cả công viên rộng lớn của thành phố, với tuyết phủ trắng xóa. Ngay bên dưới là đường phố nhộn nhịp, đầy dẫy xe tắc xi bận rộn qua lại. Đèn giao thông xanh đỏ thay đổi liên tục, và những dòng xe cứ theo đèn tuần tự qua lại. Quang cảnh nhộn nhịp này khác hẳn quang cảnh hùng vĩ nhưng yên tịnh của rặng núi Alps ở quê nhà. Sự khác biệt lớn lao này khiến lắm lúc Ursula phải thật cố gắng mới giữ cho nước mắt khỏi dâng tràn. Cô nhớ nhà lắm nhưng cô luôn luôn cẩn thận, không để cho ai nhìn thấy. Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh. Ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, bỗng một ý tưởng mới lạ đến trong tâm trí Ursula. Cô nghe như có tiếng nói nhỏ nhẹ trong đầu mình nói rằng: “Đúng là trong thành phố này nhiều người đầy đủ, giàu có hơn con, nhưng chắc chắn cũng có người nghèo hơn con. Nếu suy nghĩ thêm con sẽ tìm được lời giải đáp cho điều con đang nghĩ.” Ursula suy nghĩ thật lâu, thật cẩn thận về ý tưởng này. Cuối cùng, hôm đó cô được nghỉ làm, và đó cũng là đêm Giáng Sinh, Ursula liền đi đến khu buôn bán lớn trong thành phố Nữu Ước. Cô đi chậm chậm giữa đám đông, nhìn ngắm, chọn lựa. Cuối cùng, cô mua được một món quà và nhờ người bán hàng gói lại thật đẹp. Cầm gói quà trên tay, Ursula ra khỏi khu buôn bán, cô đi lang thang ngơ ngác dưới ánh đèn màu sáng chói. Một lát sau, cô bước lại gần một người trong bộ đồng phục thật đẹp, đang đứng gác cửa. Cô nói tiếng Anh cách e ngại: “Thưa, xin lỗi ông, ông có thể giúp cháu tìm một khu nghèo trong thành phố này không?” Người gác cửa ngạc nhiên hỏi lại: “Cô muốn tìm một khu xóm nghèo hả?” Ursula trả lời: “Dạ vâng, một khu phố nghèo, nghèo nhất trong thành phố này.” Người đàn ông suy nghĩ, có vẻ không chắc lắm nhưng cũng trả lời: “Cô thử đến Harlem, hay là xuống khu xóm ở phía dưới, hay là về hướng đông thì phải.” Những địa danh vừa nghe thật là xa lạ với Ursula, cô cảm ơn người gác cửa rồi lại tiếp tục đi, chen chân theo dòng người đi mua sắm trong đêm Giáng Sinh. Gặp một viên cảnh sát, cô bèn đến gần hỏi: “Thưa, ông làm ơn chỉ giùm cháu đường đi đến khu phố nghèo nhất ở Harlem. Viên cảnh sát nhìn chăm Ursula rồi lắc đầu nói: “Cô ơi, Harlem không phải là chỗ cho cô đâu.” Nói xong, ông ta quay ra, cầm còi lên thổi để điều khiển xe cộ qua lại trên đường phố. Ôm gói quà thật chặt vào người, Ursula tiếp tục đi, vừa đi vừa cúi mặt xuống để tránh luồng gió lạnh thổi đến. Khi thấy con đường nào có vẻ nghèo hơn con đường mình đang đi thì cô rẽ vào. Nhưng hình như không có khu phố nào thật là nghèo như điều cô từng nghe nói. Cô chận một phụ nữ đi trên đường lại và hỏi: “Bà ơi, những người thật là nghèo sống ở đâu hả bà?” Người đàn bà không trả lời nhưng nhìn cô với đôi mắt khó chịu rồi vội vàng bước đi.
Bây giờ trời đã tối hẳn, Ursula cảm thấy lạnh và nản lòng, cô cũng lo là mình bị lạc rồi không biết đường về nhà. Đến một ngả tư, cô đứng lại một mình trơ trọi bên góc đường. Điều mà cô định làm và đang cố gắng làm bỗng nhiên thấy như là điều dại dột, thiếu suy nghĩ, thiếu khôn ngoan. Nhưng trong tiếng ồn ào của xe cộ qua lại, Ursula bỗng nghe có tiếng chuông vang lên thật vui. Cô nhìn qua thì thấy tại góc đường đối diện, một nhân viên của Hội Cứu Thế Quân đang kêu gọi người qua đường theo truyền thống Giáng Sinh, đóng góp để giúp người nghèo khổ. Tự nhiên Ursula thấy vui, không nản lòng, cũng không sợ nữa; bên Thụy sĩ, quê hương cô, cũng có hội Cứu Thế Quân. Chắc hẳn là người này có thể giúp cô điều cô đang cần. Ursula đứng chờ cho đèn đổi màu rồi băng qua đường, đến chỗ người đàn ông đó và nói: “Thưa ông, ông có thể giúp cháu không? Cháu muốn tìm một em bé để tặng quà. Cháu có món quà nhỏ này, để tặng cho em bé nào nghèo nhất.” Vừa nói, Ursula vừa đưa gói quà lên cho người đàn ông thấy. Người đàn ông mang găng tay, mặc cái áo khoác rộng thùng thình, ông là một người bình thường, không có gì đặc biệt, ông đeo cặp kính trắng dày nhưng đôi mắt biểu lộ vẻ nhân từ. Nhìn Ursula, ông ngưng rung cái chuông nhỏ trên tay và hỏi: “Cô có quà gì vậy?” “Dạ thưa, cháu có một cái áo đầm nhỏ, cho một em bé nghèo, ông có biết em bé nghèo nào không?” “Ồ, biết chớ, nhưng mà tôi e là có nhiều em bé nghèo chớ không phải chỉ có một em thôi!” “Em bé đó ở xa không thưa ông? Chắc là cháu đi tắc-xi tới được phải không?” Người đàn ông cau mày suy nghĩ. Cuối cùng ông nói: “Ồ, gần sáu giờ rồi. Có người sẽ đến đây thay thế tôi. Nếu cô có thể chờ và nếu cô có thể trả một đô-la tiền tắc-xi, tôi sẽ đưa cô tới một gia đình trong khu xóm tôi ở. Gia đình này cần tất cả mọi điều vì họ không có gì cả. Họ có một em bé, em bé còn nhỏ lắm.” Nghe vậy Ursula vui mừng nói: “Vâng, cháu sẽ chờ để đi tới đó.” Thế rồi, người đổi phiên cho nhân viên Cứu Thế Quân đến, rồi một chiếc tắc-xi cũng đến. Trong chiếc xe nhỏ ấm cúng, Ursula nói cho người mới quen biết về mình, tại sao cô có mặt tại thành phố Nữu Ước, và cô đang định làm gì đêm nay. Người đàn ông yên lặng nghe, bác tài xế cũng yên lặng theo dõi câu chuyện. Khi đến nơi, bác tài xế nói: “Cô cứ từ từ đi, tôi sẽ đợi ở đây.” Người đàn ông kia thì đi với Ursula, con đường hẹp, tối, tường loang lổ, khu xóm này thật là tối tăm. Một cơn gió lạnh tràn đến, thổi bay những rác rến trên đường. Nhân viên Cứu Thế Quân nói: “Gia đình này ở tầng thứ ba, mình đi lên nhé?” Nhưng Ursula lắc đầu: “Dạ thôi, cháu không muốn họ cảm ơn cháu, vì quà này không phải của cháu” vừa nói cô vừa ấn gói quà vào tay người đàn ông: “Xin ông đem lên giùm, và nói là quà này của một người … của một người có đầy đủ tất cả mọi sự.”
Chiếc tắc-xi đưa Ursula trở về, đi từ những con đường tối đến con đường sáng hơn, từ cảnh nghèo nàn đến chỗ dư dật. Ngồi trên xe, cô cố gắng hình dung cảnh nhân viên Cứu Thế Quân đi lên từng bậc thang, gõ cửa căn nhà, giải thích tại sao ông tặng quà, người nhận mở quà ra, lấy chiếc áo ướm thử cho đứa bé… Khi xe đến căn phố cô đang ở, trên đại lộ thứ Năm, Ursula mở ví lấy tiền, nhưng người tài xế bật lại cái đồng hồ trên xe và nói: “Cô không phải trả tiền.” Ursula ngạc nhiên hỏi lại: “Bác tài không tính tiền sao?” Người tài xế trả lời: “Cô đừng lo, có người trả cho tôi rồi!” Nói xong, ông cười và lái xe đi. Ngày hôm sau, Ursula dậy sớm, cô dọn bàn ăn cho chủ nhà thật cẩn thận và thật đẹp. Khi cô dọn bàn xong thì mọi người cũng đã thức dậy. Cả nhà đầy vui mừng, xôn xao, đầy tiếng cười vui của ngày Giáng Sinh. Không bao lâu sau, phòng khách trở thành như một cái biển với đầy giấy gói quà bỏ rải rác trên sàn nhà. Ursula cảm ơn mọi người về những món quà người trong gia đình tặng cho cô. Cuối cùng, khi tiếng ồn ào đã lắng xuống, Ursula ngập ngừng giải thích tại sao cô không có quà cho người nào trong gia đình. Cô kể lại việc cô đi xuống phố mua quà, gặp người Hội Cứu Thế Quân, gặp người tài xế tắc-xi, v.v.. Khi Ursula kể xong, cả nhà yên lặng, không ai dám nói gì cả. Ursula nói thêm: “Thật ra là cháu chỉ muốn nhân danh gia đình bác để làm một việc thiện, và đó là quà Giáng Sinh cháu tặng cho gia đình bác.”
Câu chuyện này nhắc chúng ta rằng, trong xã hội giàu có dư thừa đến đâu vẫn có những người nghèo thiếu cần được giúp đỡ, và khi chúng ta giúp đỡ hay tặng quà với lòng yêu thương chân thành, món quà đó sẽ có ý nghĩa và để lại một ảnh hưởng sâu đậm trong lòng người. Giáng Sinh là lễ kỷ niệm ngày Chúa Cứu Thế Giê-xu xuống trần. Chúa Cứu Thế là Món Quà yêu thương Đức Chúa Trời ban tặng cho nhân loại. Kinh Thánh ghi:
Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Người Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 3:16)
Chúng tôi ước mong mùa Giáng Sinh năm nay quý vị sẽ tiếp nhận món quà yêu thương của Thiên Chúa, để đời sống có ý nghĩa và được hưởng sự sống đời đời.
A Gift from the Heart by Norman Vincent Peale
Minh Nguyên chuyển ngữ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
MERRCY CHRISTMAS AND HAPPY NEW YEAR.
CHƯƠNG TRÌNH TIN LANH, WWW. TINHLANH.ORG, RADIO 1480 AM. MỌI THỨ NĂM, TỪ 2:30 PM – 3:00 PM, Tu 7: to 7: 30 am, MOI THU BAY, RẤT HAY, XIN VUI LÒNG NGHE VÀ CHIA SẺ, CẢM ƠN.