Mục Đích Hôn Nhân (Bài 9)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui được gặp lại quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong thời gian qua chúng tôi chia xẻ đề tài “Chương Trình của Đức Chúa Trời cho Hôn Nhân.” Chúa muốn đời sống chúng ta được trọn vẹn và hạnh phúc nên Ngài đã thiết lập hôn nhân, và để hôn nhân được hạnh phúc, vợ/chồng chúng ta cần sống với nhau theo những nguyên tắc Chúa dạy. Cảm tạ Chúa, những lời dạy và mạng lệnh Chúa truyền được ghi lại trong Kinh Thánh, nếu hết lòng làm theo, chúng ta sẽ kinh nghiệm bình an và hạnh phúc trong đời sống như điều Chúa hứa ban.
Mạng lệnh chính Chúa truyền về sống yêu thương là, chúng ta phải yêu nhau như Chúa đã yêu chúng ta. Thực hành Lời Chúa, chúng ta hãy hết lòng yêu thương người khác, nhất là người đã bằng lòng kết hợp với chúng ta trong hôn nhân, đi với chúng ta suốt cả cuộc đời. Vâng lời Chúa, chúng ta sẽ yêu người phối ngẫu, dù có lúc người đó không đáng yêu, nói hay làm những điều khiến ta buồn hoặc hầu như không đáp lại tình yêu của chúng ta. Lời Chúa cũng dạy, tình yêu phải được bày tỏ cách cụ thể để người ta yêu có thể nhận biết. Trước hết, tình yêu phải bày tỏ qua lời nói. Lời nói là điều chúng ta sử dụng hằng ngày, với mọi người, nhất là với vợ/chồng, vì vậy chúng ta cần nói năng thế nào để người phối ngẫu cảm nhận được tình yêu của chúng ta.
- Nói lời khen, lời khích lệ
Sứ đồ Phao-lô dạy: “Hiểu biết sinh kiêu căng còn tình yêu thương thì xây dựng,” hàm ý rằng kiến thức hay hiểu biết khiến ta kiêu ngạo, nhưng tình thương thì xây dựng, làm gương tốt, đem lại khích lệ cho người khác. Khi yêu vợ, yêu chồng, chúng ta sẽ nâng đỡ người đó, khiến người đó lên tinh thần, được khích lệ vì thấy mình là người có giá trị. Chúng ta ai cũng thích được khen, một trong những điều đem lại khích lệ cho chúng ta là lời khen. Để bày tỏ tình yêu qua lời nói, chúng ta hãy tìm xem vợ/chồng mình có ưu điểm nào hay có biệt tài gì và nói lời khích lệ, khen về những ưu điểm đó. Nghe điều này có thể có người nói: “Làm sao tôi nói lời khen hay lời ngọt ngào, khích lệ khi mà vợ tôi/chồng tôi đối xử quá tệ với tôi? Câu trả lời là: Chúng ta làm được mọi sự không bởi sức riêng nhưng nhờ Chúa, là Đấng ngự trị, làm Chủ tấm lòng chúng ta. Sứ đồ Phao-lô viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban năng lực cho tôi” (Phi-líp 4:13, BHĐ). Chúa Giê-xu phán: “Các con có nghe lời dạy rằng: Hãy thương yêu người lân cận và hãy ghét kẻ thù nghịch. Nhưng ta bảo các con: Hãy thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con, để các con được trở nên con của Cha các con trên trời” (Ma-thi-ơ 5:43-45). Với ơn và sức của Chúa, chúng ta có thể thực hành lời Chúa dạy, hơn nữa, người phối ngẫu không phải là kẻ thù nhưng là người mà ta đã yêu và chọn để đi chung đường đời. Khi chúng ta nói lời yêu thương, khích lệ, Chúa sẽ khiến người đó thay đổi, nhìn thấy thiếu sót của mình và sửa đổi. Sự thay đổi này có thể không đến một sớm một chiều nhưng chắc chắn sẽ đến. Lời khen và lời khích lệ luôn có tác dụng tốt, vì vậy chúng ta cần sử dụng mỗi ngày. Sứ đồ Phao-lô khuyên:
“Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (Cô-lô-se 4:6).
Lời nói ân hậu là lời khiến người nghe thấy thỏa vui ấm lòng; lời khen và lời khích lệ là những lời nói có ân hậu.
- Nói lời nhân từ, lời lành
Khi vợ chồng thật lòng yêu nhau, chúng ta không chỉ nói lời khen, lời khích lệ nhưng cũng nói lời nhân từ, chỉ về cách nói và giọng nói. Có những vợ chồng không bao giờ nói ngọt ngào với nhau nhưng luôn nạt nộ, to tiếng, dùng những từ không đẹp và nói với giọng khó chịu, khó nghe, nhất là khi giận? Lý do là vì những vợ chồng đó không trân quý nhau, cũng không kềm chế cảm xúc nhưng để cảm xúc điều khiển nên nói năng, hành động theo cảm xúc trong lòng. Nếu thật lòng thương nhau và kính yêu Chúa, tôn Chúa làm Chủ gia đình, khi buồn giận vợ chồng chúng ta vẫn có thể nói lời nhân từ, nói cách nhẹ nhàng với nhau. Kinh Thánh dạy: “Tình yêu thương hay nhân từ.” Nếu thật lòng yêu nhau, chúng ta sẽ đối xử nhân từ với nhau. Kinh Thánh cũng dạy rất nhiều về tác dụng của lời nói, chẳng hạn:
“Lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận, còn lời xẳng xớm trêu thịnh nộ thêm”… Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống; song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần.” “Sự buồn rầu nơi lòng người làm cho nao sờn, nhưng một lời lành khiến lòng vui vẻ.” (Châm Ngôn 15:1&4, 12:25).
Lời nhân từ, nhẹ nhàng luôn có tác dụng tốt, đem lại xây dựng, chữa lành thay vì phá đổ hay làm tan nát lòng người. Nói lời nhân từ, dịu dàng không có nghĩa là chúng ta khách sáo hay giả dối, chỉ nói những gì cho người nghe vui lòng. Không, chúng ta vẫn nói sự thật nhưng nói với tình yêu thương. Chẳng hạn khi vợ hay chồng nói hay làm điều gì khiến ta bị tổn thương, chúng ta không giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, trái lại chúng ta tìm dịp nói lên sự thật nhưng nói cách nhẹ nhàng, nói với tình yêu thương, mục đích là để xây dựng. Sứ đồ Phao-lô viết:
“Ngài muốn chúng ta nói ra sự thật trong tình yêu thương, để chúng ta được tăng trưởng trong mọi phương diện, hướng đến Chúa Cứu Thế” (Ê-phê-sô 4:15, Bản Hiệu Đính).
- Nói thật và nói đúng lúc, đúng chỗ
Khi người phối ngẫu làm hay nói điều gì khiến ta bị tổn thương, ta cần nói cho người đó biết. Thành thật nói là ta buồn và bị tổn thương vì điều người đó làm hay nói. Thành thật bày tỏ cảm xúc không có gì là sai, điều quan trọng là chúng ta nói cách nhẹ nhàng, nhân từ và nói đúng lúc, đúng chỗ. Chẳng hạn như nói khi không có con cái hay người khác nhưng chỉ có mình ta với người phối ngẫu, và nói khi vợ hay chồng không bận việc, nói khi người đó đã làm xong việc, đã được ăn uống, nghỉ ngơi. Lời Chúa dạy rằng lời nói đúng lúc, đúng chỗ có một giá trị lớn. Châm Ngôn 25:11 ghi: “Lời nói đúng lúc khác nào quả táo bằng vàng có cẩn bạc.” Một lời cần nói ra nhưng nói không đúng lúc, không đúng chỗ và không đúng người chẳng những không giá trị, không hữu ích mà lắm khi còn đem lại tai hại, tai hại cho người nghe và người nói. Trái lại lời nói đúng lúc, đúng chỗ và với đúng người thật quý giá vì đem lại hữu ích lớn lao. Kinh Thánh dạy rằng lời nói đó giống như trái táo bằng vàng có cẩn bạc, nghĩa là rất quý và có giá trị rất lớn.
Khi vợ hay chồng nóng giận, nói to tiếng, nặng lời, chúng ta cũng không nên phản ứng ngay nhưng nhờ Chúa giúp mình im lặng, nhịn nhục, chờ khi người đó qua cơn nóng giận mới nói. Cũng vậy, khi vợ/chồng hứa điều gì mà quên làm, chúng ta có thể nhắc nhở, nhưng vì thông cảm với sự bận rộn của vợ/chồng mình, chúng ta nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không buồn phiền hay trách móc. Nếu chính chúng ta là người nóng giận, lỡ nói nặng lời hay to tiếng với người bạn đời, khi người bạn đời nói ra những điều đó hay nhắc nhở điều chúng ta hứa mà không làm, chúng ta không nên tức giận, không phản ứng cách giận dữ nhưng nhờ Chúa phục thiện, sẵn sàng lắng nghe và sửa đổi. Nếu người bị tổn thương và người gây tổn thương đều thực hành Lời Chúa dạy, nan đề giữa vợ chồng sẽ được giải quyết cách tốt đẹp nhờ đó hôn nhân không bị gãy đổ nhưng sẽ ngày càng ngọt ngào và bền vững (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành