Trọng Tâm Của Lễ Giáng Sinh
Vậy thì trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là gì? Lễ Giáng Sinh là lễ gì? Trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là Chúa Giê-xu, Đấng đã giáng trần hơn 2,000 năm trước để cứu rỗi nhân loại. Sự kiện một người tên Giê-xu sinh ra tại Palestine 2,000 năm trước không phải chỉ là chuyện một em bé ra đời như bao nhiêu em bé khác nhưng đây là câu chuyện Thiên Chúa của cõi vô hạn đã tự giới hạn trong cái thế giới hữu hạn của con người để cứu con người. Đây không phải là câu chuyện một em bé tình cờ sinh ra tại Do-thái 2,000 năm trước nhưng đây là điều nằm trong chương trình cứu rỗi vĩ đại của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Ngay từ khi con người đầu tiên phạm tội, Thiên Chúa đã có chương trình cứu rỗi con người. Thiên Chúa đã phán với ma quỷ trong vườn địa đàng rằng:
Ta sẽ làm cho mầy và người nữ, dòng dõi mầy và dòng dõi người nữ nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người (Sáng thế ký 3:15)
“Dòng dõi người nữ” là nói đến Chúa Giê-xu vì Chúa Giê-xu đã sinh ra làm người trên trần gian nầy như bao nhiều người khác đã sinh ra từ người nữ là bà Ê-va, tổ mẫu của loài người. Chỉ có một điều khác biệt giữa Chúa Giê-xu và toàn thể nhân loại là Chúa Giê-xu do trinh nữ Ma-ri sinh hạ. Chúa Giê-xu sinh ra là người trên trần gian như bao nhiêu người khác ngoại trừ một điều là Chúa Giê-xu không mang bản tính tội lỗi. Chúa Giê-xu sinh ra là con người vô tội và sống suốt đời vô tội, nhờ đó Chúa mới có thể chết thay cho chúng ta là con người tội lỗi. Lời tiên tri báo trước cho thấy Chúa Giê-xu sẽ giày đạp đầu của ma quỷ, nghĩa là Chúa Giê-xu tận diệt tội lỗi, còn ma quỷ chỉ có thể “cắn gót chân” Chúa nghĩa là chỉ có thể làm cho Chúa bị thương sơ sài. Đây nói đến cái chết của Chúa, cái chết mà chỉ ba ngày sau Chúa đã chiến thắng. Chúa Giê-xu đã phục sinh từ cõi chết để có thể cứu chuộc toàn thể nhân loại trong tội lỗi.
Như vậy, Giáng Sinh không phải là việc tình cờ nhưng nằm trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời để cứu rỗi nhân loại. Việc Chúa Giê-xu do một trinh nữ sinh hạ đã được tiên tri Ê-sai nói đến hơn 700 năm trước khi Chúa giáng sinh như sau:
Một trinh nữ sẽ mang thai và sinh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai ấy là Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta (Phúc Âm Ma-thi-ơ 1:23)
Kinh Thánh chẳng những nói trước về việc ra đời của Ngài nhưng cũng nói trước về nơi Chúa Giê-xu sẽ giáng sinh. Quê hương của trinh nữ Ma-ri là Na-xa-rét ở về phía Bắc Do-thái. Thiên thần đã báo tin cho trinh nữ Ma-ri tại đó về việc bà sẽ mang thai Chúa. Lẽ ra Chúa Giê-xu phải sinh ra tại Na-xa-rét. Tuy nhiên vì sắc lệnh của hoàng đế La-mã lúc bấy giờ, bắt mọi người phải trở về nguyên quán để đăng ký kiểm tra dân số. Chính vì cuộc kiểm tra dân số nầy, trinh nữ Ma-ri đã phải trở về Bết-lê-hem, cách Na-xa-rét 80 dặm về phía Nam. Và vì vậy, Chúa Giê-xu đã hạ sinh tại Bết-lê-hem, đúng như lời Kinh Thánh đã nói trước. Tiên tri Mi-ca, 700 năm trước Chúa giáng sinh đã viết về nơi Chúa Giê-xu sinh hạ như sau:
Hỡi Bết-lê-hem thuộc Giu-đê, người đâu kém gì những thành phố hàng đầu của Giu-đê, vì từ ngươi sẽ xuất hiện một lãnh tụ, người sẽ chăn dắt dân Y-sơ-ra-ên của Ta (Phúc Âm Ma-thi-ơ 2: 6)
Khi các nhà thông thái từ Đông phương đến thủ đô Giê-ru-sa-lem lúc bấy giờ để tôn thờ Chúa Hài Đồng, họ đã được các học giả Kinh Thánh tra cứu và chỉ cho họ đến Bết-lê-hem để tôn thờ Chúa. Lúc Chúa Giê-xu giáng sinh, một vì sao lạ cũng đã xuất hiện bên phương trời Đông để báo tin cho những người không phải là người Do-thái, trong số đó có cả người Việt chúng ta, biết về việc Con Trời đã giáng thế. Không có việc ra đời của một người nào mà lại được báo trước từng chi tiết nhỏ nhặt và sự việc cũng đã xảy ra đúng như lời loan báo trước. Điều nầy một lần nữa xác nhận việc Chúa Giê-xu giáng sinh nằm trong kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời để cứu rỗi nhân loại. Quý vị và tôi là một phần trong nhân loại đó.
Giáng Sinh nằm trong chương trình đời đời của Đức Chúa Trời và Giáng Sinh cũng là thể hiện của tình yêu Thiên Chúa. Kinh Thánh dạy:
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta đã được bày tỏ trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến trần gian để chúng ta nhờ Con ấy mà được sống (Thư I Giăng 4:9)
Thiên Chúa là Đấng thánh khiết và công chính, công lý của Ngài buộc phải hình phạt tội lỗi. Trong công lý đó, toàn thể nhân loại phải bị hình phạt. Thiên Chúa cũng là Đấng yêu thương, Ngài muốn cứu mọi người. Để có thể cứu mọi người mà không vi phạm đến đức công chính của Ngài, Chúa Giê-xu phải đến trần gian để chịu hình phạt thay thế cho con người. Chúng ta mừng Giáng Sinh, kỷ niệm Giáng Sinh, nhưng điều chúng ta đáng mừng và đáng kỷ niệm hơn là kỷ niệm việc Chúa Giê-xu chịu chết vì chúng ta mà chúng ta sẽ kỷ niệm vào dịp Phục Sinh. Mục đích Chúa Giê-xu giáng sinh là để chịu hình phạt thay cho chúng ta. Câu Kinh Thánh tôi đọc lúc nãy nói về tình yêu Thiên Chúa được tiếp nối như sau:
Tình yêu thương ở trong điều nầy: Không phải chúng ta đã yêu thương Đức Chúa Trời nhưng Ngài đã yêu thương chúng ta và sai Con Ngài làm tế lễ chuộc tội chúng ta (Thư I Giăng 4:10)
Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy chỉ với một mục đích là “làm tế lễ chuộc tội chúng ta.” Giáng Sinh là bước đầu tiên trong chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nhân loại. Đức Chúa Trời phải trở thành người, mang thân xác con người mới có thể chịu chết thay cho con người.
Trọng tâm của Lễ Giáng Sinh là Chúa Giê-xu. Ngài là Con Trời đã trở thành con người để chúng ta là con người có thể trở thành Con Trời. Có một câu thường được in trên các tấm thiệp Giáng Sinh đáng cho chúng ta để tâm suy nghĩ trong Mùa Giáng Sinh nầy. Câu đó trong tiếng Anh như sau: “Jesus is the reason for the season,” tạm dịch là: “Chúa Giê-xu chính là lý do của Mùa Lễ.” Mùa lễ Giáng Sinh đã đến, chúng ta mua quà, tặng quà, gởi thiệp Giáng Sinh, trang hoàng nhà cửa nhưng có nhớ trọng tâm của ngày lễ là Chúa Giê-xu hay không? Chúa đã đến để chịu chết thay cho chúng ta và đem chúng ta trở về với Đức Chúa Trời là người Cha thương yêu vẫn ngày đêm chờ đợi chúng ta trở về. Đừng để một Mùa Giáng Sinh nữa đến rồi đi mà chúng ta vẫn ở bên ngoài vòng tay yêu thương và cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng đã đến trần gian nầy hơn 2,000 năm trước vì chúng ta.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành