Tuổi Già
Tuần rồi tôi nói về Tết Trung Thu và trẻ con, hôm nay tôi muốn nói về tuổi già. Tuổi già có lẽ là đề tài được nói đến nhiều nhất hiện nay vì trong cộng đồng cũng như trong xã hội chúng ta đang sống, con số người lớn tuổi ngày càng gia tăng.
Ba vấn đề liên quan đến tuổi già thường nói đến hiện nay là phụng dưỡng, bệnh tật và cái chết. Đây là những điều chúng ta không muốn nói đến, tuy nhiên đây là những thực tế không thể tránh né.
Trước hết là vấn đề phụng dưỡng. Lớn tuổi, về hưu, làm gì để sống ? Sống ở Mỹ, đây không phải là một vấn đề vì ai cũng có tiền hưu. Không tiền hưu thì cũng có tiền già hay từ các nguồn trợ giúp khác của chính phủ. Có lẽ không ai phải lo không biết con cái có lo cho mình hay không. Vấn đề là tuổi già mình nên sống với con cháu hay ở riêng hay vào viện dưỡng lão. Mỗi lựa chọn đều có cái cái tốt hay không tốt và chắc chắn đây là lựa chọn riêng của mỗi người, tùy cảm nghĩ và ý thích của mình.
Kế đến là vấn đề bệnh tật. Người về già giống như một chiếc máy cũ, chắc chắn đều có những chứng bệnh của tuổi già, ít người lớn tuổi nào không có bệnh. Một lần nữa, sống trên đất nước văn minh, tiến bộ nầy, chữa bệnh không phải là một vấn đề với những phương pháp chữa trị tân tiến và ngày càng có nhiều bác sĩ chuyên khoa cho người già.
Vấn đề còn lại vì vậy là cái chết, điều mà ít người muốn nói đến. Trước khi tiếp tục nói về cái chết có lẽ nhiều người cũng đang suy nghĩ về vấn đề hậu sự. Muốn chôn cất như thế nào? Thủy táng hay hỏa táng hay chôn ở nghĩa trang. Nhưng dù chôn cất như thế nào, chết là điều chắc chắn sẽ xảy ra cho mỗi chúng ta. Chúng ta ai cũng một lần chết nhưng đó là cái chết thể xác. Ngoài cái chết thể xác còn có cái chết tâm linh. Chết tâm linh là bị phân cách với Thiên Chúa là nguồn sống. Quý vị vẫn còn sống trong thân xác nhưng nếu không có mối tương giao với Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng chúng ta, chúng ta bị kể như chết trước mặt Ngài.
Khi Thiên Chúa đặt con người đầu tiên trong vườn địa đàng, Thiên Chúa căn dặn:
Con được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn nhưng về trái của cây biết điều thiện và điều ác thì con không được ăn vì ngày nào con ăn trái cây đó chắc chắn con sẽ chết (Sáng thế ký 2:16-17)
Đây là lần đầu tiên chữ “chết” được nhắc đến trong Kinh Thánh trong mạng lệnh của Thiên Chúa cho con người. Con người đã được cảnh báo không được ăn trái cấm nhưng ma quỷ đã đến cám dỗ xui cho con người bất tuân lệnh cấm của Thiên Chúa và từ đó đã đưa toàn thể nhân loại vào con đường chết. Tội tổ tông chẳng những di truyền trong bản chất con người nhưng cũng di hại trong số phận con người. Con người sinh ra là có tội và con người sinh ra là phải chết! Sau khi con người phạm tội, Chúa phán với A-đam như sau:
Vì con đã nghe theo lời vợ ăn trái cây mà Ta đã ra lệnh cấm ăn, nên đất đai sẽ vì con mà bị nguyền rủa. Con phải khổ nhọc suốt đời mới có miếng ăn từ đất sinh ra… Con phải làm đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn cho đến ngày con trở về đất là nơi con từ đó mà ra. Vì con là cát bụi, con sẽ trở về với cát bụi (Sáng thế ký 3:17, 19)
Sau khi phạm tội, A-đam không ngã ra chết ngay nhưng ông phải sống tới ngày phải trở về với cát bụi. Điều nầy cho thấy chết là hậu quả của tội. Nhưng chết không chỉ là cái chết thân xác, trở về với cát bụi, nhưng chết là chết tâm linh, chết về phần hồn. Chết tâm linh nghĩa là thế nào? Thực tế của cái chết nằm ở chỗ phân cách hay ngăn cách. Khi một người chết, giữa chúng ta với người đó là một khoảng cách rộng lớn. Thân xác vẫn còn đó nhưng giữa ta với người chết là một khoảng cách vô cùng rộng lớn, một cách biệt hoàn toàn. Đó cũng chính là điều xảy ra khi chúng ta bị chết về phần tâm linh. Giữa chúng ta với Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng chúng ta là một khoảng cách rùng rợn và to lớn. Đó là chết. Chúng ta không được tương giao với Đức Chúa Trời là nguồn sống. Chúng ta giống như một chiếc lá lìa cành, một nhánh cây lìa gốc. Trong chúng ta không còn nhựa sống hay sức sống nữa. Chúng ta vẫn sống nhưng đó không thật sự là sống. Đó chỉ là sinh hoạt của thân xác vì đời sống không có ý nghĩa. Đời sống chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết chúng ta từ đâu đến. Chúng ta sống trên đời nầy để làm gì và chết rồi ta sẽ đi về đâu. Chúng ta sẽ không thể nào trả lời được những câu hỏi nầy cho đến khi chúng ta công nhận thẩm quyền của Thiên Chúa trong đời sống của mình. Cây có cội, nước có nguồn. Nguồn cội của chúng ta là Thiên Chúa toàn năng đã tạo dựng chúng ta, ban cho chúng ta hơi thở, sự sống, trí khôn, tài năng, sức khỏe, dịp tiện. Thiên Chúa cũng tạo dựng con người với phần tâm linh để tương giao với Ngài. Nhưng tội lỗi đã cắt đứt mối tương giao đó. Chúng ta đang sống thể xác mà chết tâm linh. Ngày nào chúng ta còn xa lìa Thiên Chúa, ngày đó chúng ta còn là người chết trước mặt Ngài. Chỉ khi nào chúng ta ý thức mình là tội nhân, ăn năn tội, quay trở lại với Chúa, lúc đó mối tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa mới được nối kết trở lại, chúng ta mới thật sự sống!
Chính vì vậy, khi Chúa Giê-xu đến trần gian nầy để chịu chết vì tội của nhân loại, Chúa đã phán:
Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn (Phúc Âm Giăng 10:10b)
Sống sung mãn hay sống một đời sống có ý nghĩa là điều Chúa sẽ ban cho chúng ta khi chúng ta ăn năn tội và quay trở lại với Chúa. Kinh Thánh cũng nói đến sự sống đời đời hay sự sống vĩnh hằng là đời sống bên kia cõi chết và cũng là đời sống có ý nghĩa trên trần gian nầy.Lúc nãy tôi đọc cho quý vị nghe câu Kinh Thánh nói về hậu quả của tội lỗi là sự chết. Câu đó như sau:
Tiền công của tội lỗi là sự chết (Thư Rô-ma 6:23a)
Nhưng quý vị biết câu tiếp theo sau câu đó là gì không? Sau khi nói “tiền công của tội lỗi là sự chết,” Kinh Thánh dạy:
Nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đấng Christ Giê-xu, Chúa chúng ta (Thư Rô-ma 6:23b)
Tiền công được đối chiếu với sự ban cho hay quà tặng. Tiền công của tội tức là chúng ta phạm tội, chúng ta làm điều tội lỗi thì tiền công hay hậu quả tất nhiên là sự chết. Đó là sự chết tâm linh, xa lìa Thiên Chúa. Còn sự ban cho hay quà tặng là điều chúng ta không phải làm gì cả, nhưng Đức Chúa Trời vì yêu thương chúng ta ban cho chúng ta sự sống đời đời khi chúng ta tin nhận Ngài.Hai điều ít người muốn nghe là tội và chết. Nhưng thưa quý vị, đó là thực tế của đời sống. Chúng ta phạm tội và chúng ta đi gần hơn với cái chết mỗi ngày.
Theo như đã định cho loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét (Thư Hê-bơ-rơ 9:27)
Quý vị có biết là bên kia cõi chết sẽ có sự phán xét của Đức Chúa Trời không? Chết rồi không phải là hết nhưng số phận đời đời của chúng ta tùy thuộc nới quyết định của chúng ta hôm nay. Quý vị lựa chọn điều nào? Đức Chúa Trời đã từng kêu gọi con dân Chúa ăn năn tội quay trở lại với Chúa nhưng họ không chịu ăn năn và Chúa đã phán với họ:
Hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, sao các ngươi muốn chết? (Ê-xê-chi-ên 18:31b)
Không ai trong chúng ta muốn chết hay xa lìa Thiên Chúa cả nhưng nếu chúng ta không ăn năn tội và quay trở lại với Chúa chúng ta sẽ phải đời đời chết mất trong tội lỗi của mình. Phúc Âm là Tin Mừng cứu rỗi khi chúng ta ăn năn tội và quay trở lại với Chúa để tránh khỏi sự chết đời đời!
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành