Bữa Tiệc Cuối Cùng
Chúng ta đang sống trong Tuần Thánh, tuần lễ chúng ta tưởng niệm những thương khó Chúa Giê-xu gánh chịu vì tội của nhân loại. Trước giờ bị bắt và bị giao nộp cho chính quyền La-mã, Chúa Giê-xu đã cùng với các môn đệ ăn bữa ăn cuối cùng với nhau. Bữa ăn nầy thật ra là một bữa ăn mang tính cách tưởng niệm. Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài ăn bữa ăn là để kỷ niệm ngày người Do-thái được giải phóng khỏi ách nô lệ tại Ai-cập được gọi là Lễ Vượt Qua. Lễ nầy được gọi là lễ Vượt Qua vì trong thời điểm đó, thiên sứ của Chúa đã nhìn vào những nhà có đánh dấu máu chiên trên cửa và đã vượt qua, không hành hạ đứa con đầu lòng của gia đình đó. Chúa Giê-xu phán:
Ta rất muốn ăn lễ Vượt Qua nay với các ngươi trước khi Ta chịu đau đớn. Vì Ta bảo các ngươi, Ta sẽ không ăn lễ nầy nữa cho đến khi lễ ấy được hoàn tất trong vương quốc Đức Chúa Trời (Phúc Âm Lu-ca 22:15-16)
Đây là bữa ăn mang tính cách từ biệt nhưng đồng thời cũng mang tính cách tiên tri. Chúa cho biết: “Ta nói cùng các ngươi, từ nay, ta sẽ không uống nước nho nầy nữa cho tới khi vương quốc Đức Chúa Trời đến.” Vương quốc Đức Chúa Trời đến là khi Chúa Giê-xu trở lại đón tiếp những người tin nhận Chúa vào trong nước của Ngài. Người tin Chúa trông chờ vào ngày cứu rỗi toàn diện đó.
Bữa ăn cuối cùng giữa Chúa Giê-xu và các môn đệ chẳng những mang tính cách kỷ niệm về giải phóng trong quá khứ cũng như tiên tri về vương quốc trong tương lai nhưng đồng thời cũng là một bài học thính thị cho các môn đệ của Chúa và chúng ta hôm nay. Bài học thính thị đó thể hiện trong mẩu bánh và ly nước nho Chúa Giê-xu trao cho môn đồ. Kinh Thánh ghi:
Ngài lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra, phân phát cho các môn đồ và phán: Nầy là thân thể Ta vì các ngươi mà phó cho. Hãy làm điều nầy để nhớ đến Ta (Phúc Âm Lu-ca 22:19)
Hai mươi thế kỷ đã trôi qua và mỗi lần con dân Chúa dự tiệc thánh là để nhớ đến việc Chúa hy sinh thân báu của Ngài cho chúng ta.
Thân thể của Chúa đã tan nát vì tội của nhân loại. Vấn đề chính ở đây là thân thể. Chúa Giê-xu đã mang lấy thân xác con người như chúng ta, tất cả những đau đớn Chúa Giê-xu gánh chịu là Chúa gánh chịu trong thân xác của con người. Trong thân xác của con người đó Chúa Giê-xu đã gánh chịu tất cả những đớn đau. Và Chúa cũng nói, Chúa đã phó cho nghĩa là những đau đớn Chúa gánh chịu là để ban cho chúng ta, dành cho chúng ta, vì chúng ta. Cái chết của Chúa Giê-xu chỉ có ý nghĩa khi chúng ta ý thức rằng tất cả những điều Chúa đã gánh chịu là vì chúng ta. Chúa Giê-xu vô tội, tất cả những khổ hình Chúa chịu là vì tội của nhân loại. Thánh Kinh Cựu Ước đã nói trước điều đó như sau:
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, người đã chịu hình phạt để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành… Tội lỗi của tất cả chúng ta đều chất trên người (Tiên tri Ê-sai 53:5-6)
“Nầy là thân thể Ta, vì các ngươi mà phó cho” mang tất cả những ý nghĩa đó: ý nghĩa đau đớn cực độ trong thân xác của của một con người bằng xương bằng thịt và ý nghĩa ban cho hay thay thế, tức là những đau đớn Chúa gánh chịu đó là cho chúng ta, vì chúng ta.
Sau bữa ăn, Chúa Giê-xu cũng đã dùng ly nước nho để dạy các môn đệ và chúng ta một bài học khác. Chúa phán:
Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta, vì các ngươi mà đổ ra (Phúc Âm Lu-ca 22:20)
Cái chết của Chúa Giê-xu khác với cái chết của hai tên cướp cùng bị đóng đinh với Chúa là chỉ một mình Chúa bị người lính La-mã lấy giáo đâm vào sườn khiến cho máu và nước chảy ra.
Máu của Chúa Giê-xu đã chảy ra qua những ngọn roi, qua vết thương của mão gai trên trán, qua những đinh đóng trên tay và chân Chúa nhưng Chúa máu của Chúa đã đổ ra hoàn toàn khi người lính La-ma đâm vào sườn Chúa. Chúa Giê-xu nói rằng máu đó đã đổ ra để thiết lập một giao ước mới. Giao ước là sự đồng ý thỏa thuận giữa hai bên. Để có thế tha thứ tội cho nhân loại, máu của Chúa Giê-xu đã đổ ra để giao ước tha thứ được thiết lập. Đức Chúa Trời chỉ có thể tha thứ tội cho chúng ta khi tội lỗi được đền bù. Thiên Chúa công minh thánh khiết không thể tha thứ con người tội lỗi nếu bản án không được thi hành. Chúa Giê-xu đã lãnh án phạt thế cho chúng ta, nhờ đó chúng ta được tha thứ.
Trước giờ khổ nạn và chết, Chúa Giê-xu đã dùng bữa tiệc kỷ niệm để dạy các môn đệ của Ngài và chúng ta hôm nay một bài học mà chúng ta không thể quên. Con dân Chúa trải mọi thời đại đã làm điều nầy để nhớ đến Chúa. Nhưng chúng ta nhớ đến Chúa như thế nào? Nhớ không phải chỉ là tưởng nhớ hay chợt nhớ nhưng nhớ có nghĩa là hãy để cho cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-xu trở thành một thực tế trong đời sống chúng ta. Nói như vậy nghĩa là chúng ta phải ý thức rằng cái chết của Chúa Giê-xu là vì chúng ta, Nầy là thân thể Ta vì các ngươi mà phó cho. Và chúng ta phải tiếp nhận ơn tha thứ của Chúa bằng cách ăn năn tội và tin nhận Chúa Giê-xu để có phần trong giao ước của Chúa, giao ước đã được viết bằng chính máu của Chúa.
Mùa Thương Khó đến rồi sẽ qua, nhưng cái chết của Chúa Giê-xu có giá trị đời đời cho những người tin nhận Chúa. Mùa Thương Khó năm nay, hãy suy nghĩ đến những đau thương Chúa đã gánh chịu vì Bạn để rồi đặt lòng tin nơi Chúa, tôn thờ Ngài, Bạn sẽ kinh nghiệm ơn tha thứ và sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc vì có mối tương giao với Đấng Tạo Hóa, được làm con của Ngài và sống đúng với mục đích của Chúa khi Ngài đặt chúng ta trên cõi đời nầy.
Chúa Giê-xu phán:
Nầy là thân thể Ta vì các ngươi mà phó cho.
Chén nầy là giao ước mới trong huyết Ta, vì các ngươi mà đổ ra!
Thân xác Chúa phó cho chúng ta, máu Chúa đổ ra vì chúng ta, chúng ta làm gì để đáp lại tình yêu đó?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành