Chén Đau Thương
Trong Mùa Chay, suy niệm về những thương khó Chúa Cứu Thế Giê-xu gánh chịu vì chúng ta, chúng ta hãy cùng nhau đi theo bước chân của Chúa để thấu hiểu phần nào nỗi khổ đau Chúa phải gánh chịu.
Trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay, mời quý vị cùng tôi bước đến vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi Chúa đã cầu nguyện trước lúc bị bắt để học bài học khổ đau đầu tiên với Chúa. Ghết-sê-ma-nê là một khu đất trồng cây ô-liu. Người Do-thái trồng cây ô-liu, ép trái để lấy dầu, vì vậy trong những khu đất trồng cây ô-liu thường có những chỗ để ép dầu. Chữ “Ghết-sê-ma-nê” nghĩa là nơi ép dầu và đây là nơi Chúa đã đi chặng đường đầu tiên trong hành trình thống khổ vì tội của nhân loại.
Ghết-sê-ma-nê là một địa điểm Chúa và các môn đệ thường tụ họp để nghỉ ngơi và cầu nguyện. Không phải đợi đến lúc sắp bị bắt Chúa mới đến nơi nầy. Trong đời sống bận rộn mỗi ngày, quý vị và tôi, chúng ta cũng cần có một nơi để nghỉ ngơi và cầu nguyện như vậy. Thánh Kinh cho biết đây là nơi Chúa đến cầu nguyện theo thói quen của Ngài. Chúa Giê-xu là Con Ðức Chúa Trời có thói quen cầu nguyện như vậy thì chúng ta là con người tội lỗi lại còn cần phải dành thì giờ và tìm một nơi yên tịnh mỗi ngày để tâm giao và cầu nguyện với Chúa.
Một số người cho rằng cầu nguyện là hèn yếu, ủy mị. Thật sự không phải như vậy. Cầu nguyện chỉ có nghĩa là chúng ta ý thức có Ðấng Tạo Hóa Chí Cao đầy quyền uy. Chúng ta tiếp nhận sự sống từ nơi Chúa, vì vậy chúng ta cần Chúa và tùy thuộc nơi Chúa để mà sống. Cầu nguyện cũng là tâm giao, trò chuyện với người Cha thân yêu để được Ngài hướng dẫn trên đường đời đầy cạm bẫy. Và cầu nguyện cũng là để cho tâm trí chúng ta tràn đầy tư tưởng của Thiên Chúa, để chúng ta biết nói năng và xử sự đúng. Khi Chúa vào vườn Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện, Chúa bảo các môn đồ hãy cầu nguyện để khỏi sa vào chước cám dỗ. Cầu nguyện cũng là để trang bị cho chúng ta vũ khí phòng thân, giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ. Chúng ta biết rằng cám dỗ trước hết đến trong tư tưởng chúng ta. Cầu nguyện chính là để cho tư tưởng chúng ta hòa hợp với tư tưởng của Chúa và nhờ đó chúng ta có sức mạnh để chiến thắng cám dỗ.
Chúa Giê-xu đã bước vào vườn Ghết-sê-ma-nê cầu nguyện theo thói quen để trình dâng nỗi lòng cho Ðức Chúa Cha và đây là thì giờ Chúa Giê-xu phải vật vã với nỗi khổ lớn nhất trong cuộc đời của Chúa. Ðó là nỗi khổ đau mang tội của toàn thể nhân loại. Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện những lời như sau: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cho con khỏi uống chén nầy. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha.” Ðức Chúa Giê-xu cầu nguyện xin Ðức Chúa Cha khỏi phải uống chén, nhưng không theo ý của Chúa mà theo ý của Ðức Chúa Cha.
“Chén” mà Chúa Giê-xu xin khỏi phải uống là chén gì? Ðây là chén thịnh nộ, chén hình phạt của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Giê-xu không sợ chết nhưng nỗi khổ lớn nhất Chúa Giê-xu phải gánh chịu là nỗi khổ phải mang tội của toàn thể nhân loại. Chúa Giê-xu là con người hoàn toàn vô tội, giờ đây phải mang tội của toàn thể nhân loại, đó là cái chén mà Chúa Giê-xu không muốn uống. Chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh nầy để có thể nhìn thấy vấn đề rõ hơn. Chúng ta là một người hiền lương vô tội, không làm điều gì bất chính. Giả sử con của chúng ta gây nên tội ác phải ngồi tù. Nếu chúng ta không muốn con ngồi tù, chúng ta phải đứng ra nhận tội thế cho con. Chúng ta vô tội hoàn toàn, nhưng bây giờ vì thương con, chúng ta hy sinh tất cả danh dự, tiếng tăm và cả đến hạnh phúc của chúng ta đứng ra nhận tội. Người ta sẽ chê cười, khinh bỉ chúng ta, nói rằng một người tưởng hiền lương mà thật ra là gian ác xấu xa. Và rồi chúng ta phải lãnh bản án thế cho con. Giả sử chúng ta phải vật vã trước một quyết định như vậy, chúng ta sẽ làm gì?
Ðó chính là một phần của nỗi đau thương Chúa Giê-xu phải trải qua trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Vô tội mà phải mang lấy tội của toàn nhân loại. Có phương cách nào khác để cứu rỗi nhân loại không? Câu trả lời là không bởi vì tội lỗi phải bị hình phạt, đó là công lý của Thiên Chúa. Công lý phải được thi hành. Tội lỗi không bị hình phạt thì Thiên Chúa không còn công chính nữa. Nhưng hình phạt toàn thể nhân loại sao? Như vậy Thiên Chúa không còn tình thương. Phải có một giải pháp và giải pháp duy nhất là Chúa Giê-xu phải chịu hình phạt thế cho nhân loại, không còn một con đường nào khác. Nỗi khổ của Chúa Giê-xu trong vườn Ghết-sê-ma-nê là nỗi khổ phải mang tội của toàn thể nhân loại, phải uống chén đau thương mà Ðức Chúa Cha đã dành cho Ngài. Nỗi thống khổ nầy càng lớn, càng giúp chúng ta thấu hiểu được giá trị của sự cứu rỗi và tình thương vĩ đại Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Thưa quý vị, niềm tin nơi Chúa Giê-xu, nhận rằng Chúa đã chết vì tội của chúng ta không phải là một cái gì đơn sơ, tầm thường nhưng là một giá rất đắt Thiên Chúa đã trả vì tội của chúng ta. Nó nói lên tình yêu vô điều kiện Chúa dành cho chúng ta. Tin Chúa và tôn thờ Ngài là đền đáp lại phần nào tình thương vĩ đại Chúa dành cho chúng ta và không phụ sự hy sinh cao cả của Chúa vì chúng ta. Chúa đã uống chén khổ đau để chúng ta không còn phải uống. Hãy cảm tạ Chúa và tiếp nhận món quà cứu rỗi Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Chúa Giê-xu không sợ chết nhưng run sợ vì là một con người vô tội phải mang lấy tội của toàn nhân loại. Dầu vậy, Chúa không tránh né, Chúa chỉ trình bày với Ðức Chúa Cha và xin thuận phục hoàn toàn ý muốn của Ðức Chúa Trời. Chúa cầu nguyện, “Ðừng làm theo ý con mà xin theo ý Cha.” Thánh Kinh đã xác nhận tinh thần vâng phục nầy như sau: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục.” Chúa Giê-xu đã học bài vâng phục trong những nỗi khổ đau Ngài gánh chịu vì nhân loại. Lời Thánh Kinh nói tiếp: “Khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.” Chúa Giê-xu đã vâng phục Ðức Chúa Cha, chịu hình phạt vì tội của nhân loại chẳng những để cứu rỗi nhân loại nhưng cũng để chúng ta noi gương Chúa, vâng phục như Chúa đã vâng phục.
Chúa Giê-xu đã chịu chết để hoàn thành chương trình cứu chuộc nhân loại nhưng nhân loại phải tiếp nhận thì mới kinh nghiệm được ơn cứu chuộc đó và đó chính là tin mừng cứu rỗi chúng tôi loan báo với quý vị. Chúa Giê-xu là nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu nhưng nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu đó chỉ dành cho những ai tùng phục Chúa như chính Chúa đã tùng phục, vâng lời Ðức Chúa Cha. Không vâng lời Chúa là coi thường, coi khinh, coi cái chết của Chúa Giê-xu như không có giá trị gì trong khi cái chết của Chúa Giê-xu mang giá trị tuyệt đối và là phương pháp duy nhất Thiên Chúa có thể dùng để cứu rỗi nhân loại.
Người ta kể chuyện có một cậu bé nọ đẽo gỗ thành một chiếc thuyền xinh xắn. Cậu đem thả chiếc thuyền xuống biển để chơi, thình lình một đợt sóng lớn kéo chiếc thuyền ra khơi và cậu bé mất đi bảo vật của mình. Cậu buồn lắm, lúc nào cũng nghĩ đến chiếc thuyền và công khó mình bỏ ra để làm chiếc thuyền đó. Một ngày nọ, cậu đi ngang một tiệm bán đồ chơi, nhìn vào tủ kính, cậu thấy chiếc thuyền của mình bày bán trong cửa hiệu đó. Cậu chạy vào nói với người bán hàng, “Ông ơi, chiếc thuyền đó của tôi, ông đưa cho tôi đi!” Người bán hàng nghiêm nghị nhìn cậu và nói, “Cậu phải bỏ tiền ra mua chứ làm sao là thuyền của cậu được?” Cậu bé tiu nghỉu ra về và bắt đầu để dành tiền. Sau nhiều ngày có đủ tiền, cậu đem đến tiệm đồ chơi và nói với người chủ tiệm, “Tiền đây, ông đưa chiếc thuyền cho tôi đi.” Người chủ tiệm lấy tiền và trao chiếc thuyền cho cậu bé. Cậu bé sung sướng, ôm chiếc thuyền vào lòng và nói, “Thuyền ơi, ta thương ngươi lắm. Ta đã bỏ công sức làm ra ngươi, bây giờ ta lại bỏ tiền để mua ngươi nữa. Từ nay trở đi ngươi sẽ thuộc về ta hoàn toàn, ngươi sẽ không bao giờ ra khỏi vòng tay của ta nữa!”
Kính thưa quý vị, những lời cậu bé nói với chiếc thuyền cũng là những lời Thiên Chúa nói với chúng ta. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta, đã làm nên chúng ta, nhưng chúng ta đã tự ý từ bỏ Chúa, xa lìa Ngài. Chúng ta cần trở về với Ðấng Tạo Hóa yêu thương, lúc nào cũng giang rộng vòng taychờ đón chúng ta. Thiên Chúa chẳng những đã tạo dựng chúng ta, Ngài cũng đã giáng trần chịu chết để chuộc tội chúng ta. Chúa muốn chúng ta trở về với Ngài và nói với chúng ta rằng, “Ta đã tạo dựng con và cũng đã cứu chuộc con, hãy trở về để kinh nghiệm ơn cứu rỗi Ta dành cho con.” Bạn đáp ứng thế nào trước lời mời gọi của Ngài?
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành
Rất hay cảm ơn Mục sư
Thank God so much