Tiêu Chuẩn Cho Một Hôn Nhân Bền Lâu (Bài 5)
Kính chào quý thính giả. Cảm tạ Chúa cho “Câu Chuyện Gia Đình” của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với Quý vị hôm nay. Trong tiết mục này mấy tuần qua, chúng tôi bắt đầu chia xẻ đề tài: “Tiêu Chuẩn cho Một Hôn Nhân Bền Lâu,” trình bày những nguyên tắc Kinh Thánh dạy với mong ước là nếu áp dụng những nguyên tắc này vào đời sống, chúng ta sẽ được hưởng niềm vui, bình an của Chúa, hôn nhân của chúng ta sẽ được hạnh phúc bền lâu. Mạng lệnh quan trọng và căn bản Thiên Chúa ban truyền cho những ai đang sống trong hôn nhân là: “Vợ vâng phục chồng như vâng phục Chúa,” còn chồng thì “yêu vợ như chính thân mình và yêu vợ như Chúa Cứu Thế yêu Hội Thánh, hy sinh cho Hội Thánh.”
Có một thực tế chúng ta cần biết, đó là dù là nam hay nữ, chúng ta đều là con người yếu đuối bất toàn, có nhiều lỗi lầm, nhiều sai sót trong đời sống. Khi lập gia đình, chúng ta đem những yếu đuối sai sót đó vào đời sống chung, vì vậy giữa vợ chồng dễ có nan đề. Hôn nhân không phải là sáng kiến của con người nhưng là định chế do Thiên Chúa thiết lập để ban phước cho loài người. Vì vậy, để hôn nhân được hạnh phúc, chúng ta cần biết những nguyên tắc Chúa truyền dạy và áp dụng vào đời sống. Khi nhờ ơn Chúa, áp dụng những nguyên tắc Chúa truyền dạy, chúng ta sẽ kinh nghiệm ơn phước quý báu Chúa dành cho gia đình chúng ta.
Nếu lập gia đình đã lâu, có lẽ quý vị cũng đồng ý rằng ích kỷ không những là căn bệnh chung của con người nhưng cũng là nguyên nhân khiến hôn nhân mất hạnh phúc. Khi một đôi bạn trẻ quyết định đi chung đường đời với nhau, hai người sẽ chọn ngày làm đám cưới và chuẩn bị mọi chi tiết cho Lễ Cưới. Trong ngày cưới, cô dâu chú rể bước vào hôn nhân với nhiều mơ ước tốt đẹp. Họ trông mong nhiều điều trong đời sống chung, mong ước rằng hôn nhân của vợ chồng mình sẽ tốt đẹp bền lâu, gia đình mình sẽ hạnh phúc cho đến cuối cuộc đời. Những trông mong hay mơ ước này tốt và cần thiết, nhưng thường vợ chồng chỉ suy nghĩ trong trí và giữ trong lòng chứ ít khi bày tỏ ra trong lời nói. Một vị mục sư nọ nói: “Mỗi khi làm lễ cưới cho một đôi bạn trẻ, tôi luôn luôn nhìn thấy trong ánh mắt cô dâu chú rể những điều hai người trông mong ở nhau. Khi nhìn nhau với ánh mắt vui tươi sáng ngời, hầu như cả cô dâu và chú rể đều nói rằng: “Tôi đã tìm được người đem lại hạnh phúc cho đời tôi.” Tôi tin chắc rằng: “Đây là người sẽ đáp ứng mọi nhu cầu cho đời sống tôi.” Từ đó đôi vợ chồng trẻ trông mong, trông chờ người bạn đời làm thành những điều mình mong ước, thay vì nghĩ mình phải làm gì, sống như thế nào để đem lại hạnh phúc cho người mình yêu”
Khi bước vào hôn nhân ai cũng có những mong ước tốt đẹp cho đời sống chung, cho gia đình mới. Đây là điều tốt, cần có, nhưng vợ chồng cũng cần chia xẻ, cần nói cho nhau biết mình mong ước điều gì trong đời sống chung. Nhiều khi chúng ta nhìn vào hôn nhân của cha mẹ, của bạn bè hay những vợ chồng chúng ta thấy trong ti-vi, phim ảnh hay trong tiểu thuyết và nghĩ rằng hôn nhân của mình cũng phải giống như những đôi vợ chồng đó. Nếu dựa vào những điều mình nghe hoặc thấy để biết mình nên trông mong hay mơ ước gì cho hôn nhân của chính mình, chúng ta sẽ thất vọng và có thể sẽ thất bại nữa. Vì vậy, để vợ chồng hiểu nhau, để biết người bạn đời trông mong điều gì nơi mình, vợ chồng cần dành thì giờ ngồi lại chia xẻ, nói lên điều mình mong ước trong đời sống chung. Chúng ta cũng nên nói cho nhau biết mình có mục tiêu hay mục đích gì cho đời sống, cho gia đình mình. Cả hai người cần nói lên những điều mình trông mong ở nhau trong đời sống và đặt những điều trông mong đó thành mục tiêu để vợ chồng cùng giúp nhau đạt đến. Khi vợ hay chồng chia xẻ những mơ ước hay điều mình trông mong nơi người bạn đời, chúng ta cần chú ý lắng nghe, nghe để biết, hiểu và thông cảm, và để cùng giúp nhau đạt đến điều mà cả hai đều mong ước. Khi vợ chồng thành thật chia xẻ điều mình mong ước trong đời sống chung, chúng ta cũng nên bàn thảo, cân nhắc xem điều nào là quan trọng, cần đặt vào thứ tự ưu tiên và cùng giúp nhau đạt được những mơ ước đó. Khi vợ chồng thành thật chia xẻ những điều mình mơ ước và cả hai người đều muốn xây dựng hôn nhân cho được tốt đẹp, chúng ta sẽ tránh được tính ích kỷ, sẽ không nghĩ rằng điều mình mong ước quan trọng hơn nên người kia phải chấp nhận, phải đồng ý, trái lại chúng ta sẽ nghĩ đến mong ước của người bạn đời và chú tâm đáp ứng hay thực hiện để mang lại hạnh phúc cho nhau
Một cách khác nữa để chữa bệnh ích kỷ trong hôn nhân là hai vợ chồng cùng định ra một lối sống, hay mẫu mực sống chung cho cả hai. Ví dụ, người chồng mong rằng khi cưới nhau rồi, vợ mình sẽ không đi làm trọn thời gian nhưng làm việc ít lại để có thì giờ cho gia đình, nhất là khi có con cái, người vợ sẽ ở nhà, dành thì giờ chăm sóc con, nuôi dạy con. Vợ chồng cũng đồng ý rằng tiền bạc và công việc làm không phải là mục tiêu chính của gia đình nhưng mục tiêu chính là chăm sóc nhau về mặt tình cảm và mặt đức tin, sẽ dành thì giờ cho nhau, với nhau, nhất là giúp nhau chăm sóc đời sống đức tin và đời sống tình cảm. Sau ngày cưới một thời gian, khi vợ chồng trở lại với đời sống bình thường, với trách nhiệm trong công việc làm, việc học, v.v…, tình cảm vợ chồng dễ bị bỏ quên nên sẽ phai nhạt nhanh chóng. Vì vậy, vợ chồng cần dành thì giờ cho nhau, trò chuyện với nhau thường xuyên để giữ cho tình yêu không phai nhạt.
Một điều khác chúng ta cũng thường thấy, đó là, khi đôi bạn trẻ mới kết hôn, thường đem cách sống, cách làm việc và cách cư xử của gia đình cha mẹ vào trong gia đình mới vì thế dễ có bất đồng ý kiến giữa vợ chồng hay có những điều nhỏ nhặt, làm phiền lòng nhau. Để đời sống gia đình mới được hài hòa tốt đẹp lắm khi chúng ta phải loại bỏ đi một vài điều trong nếp sống quen thuộc của gia đình cha mẹ, tuy nhiên, cũng có những truyền thống tốt đẹp của gia đình cha mẹ chúng ta cần bắt chước hay áp dụng cho gia đình mới của mình. Vợ chồng cũng cần chia xẻ với nhau mỗi người được trưởng dưỡng trong gia đình cha mẹ với những thói quen hay lối sống khác nhau như thế nào; những nề nếp hay thói quen nào cần duy trì, điều gì cần thay đổi cho thích hợp với gia đình mới. Ví dụ như người chồng lớn lên trong gia đình cha mẹ nghiêm khắc, ít bày tỏ tình thương với con cái qua lời nói hay hành động, không gần gũi con ít trò chuyện với con. Trong khi đó người vợ trẻ lớn lên trong gia đình mọi người bày tỏ tình thương yêu đối với nhau cách tự nhiên, dễ dàng qua lời nói và hành động. Hoặc là người chồng lớn lên trong gia đình rất cẩn thận và tiết kiệm trong việc chi dùng tiền bạc trong khi đó người vợ sống trong gia đình mà cha mẹ thoải mái trong việc chi dùng tiền bạc.
Những khác nhau này cũng dễ đưa đến căng thẳng hay bất đồng ý kiến giữa vợ chồng mới cưới. Vì lý do đó chúng ta cần chia xẻ về những khác biệt này để hiểu nhau và chọn lối sống thích hợp, thoải mái cho cả hai người trong gia đình mới. Vợ chồng cần thành thật chia xẻ với nhau những khác biệt này để có thể cùng đi đến quyết định chung khi đứng trước những vấn đề quan trọng, liên quan đến tiền bạc, cách sử dụng thì giờ tiền bạc, cách bày tỏ tình cảm cũng như khi trước những quyết định quan trọng hoặc khi gặp chuyện bất đồng ý kiến thì phải giải quyết như thế nào. Khi có con cái, vợ chồng cũng nên chia xẻ những điều mình nhìn thấy hay học hỏi nơi cha mẹ để cùng đi đến quyết định chung là vợ chồng sẽ nuôi nấng chăm sóc con như thế nào, dạy dỗ hướng dẫn và kỷ luật con cái theo phương cách nào, để tránh việc vợ chồng mỗi người áp dụng một phương cách khác nhau, vì chịu ảnh hưởng của gia đình cha mẹ. Tất cả những vấn đề này lắm khi chúng ta không nghĩ đến hoặc không xem là quan trọng nhưng luôn có ảnh hưởng đến sự hiệp một, đến niềm vui và hạnh phúc của gia đình. Vợ chồng cần thành thật trao đổi về những khác biệt trong gia đình cha mẹ cũng thành thật chia xẻ điều mình mong ước cho gia đình mới để vợ chồng hiểu nhau, thông cảm với nhau và cùng giúp nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc vì hai người có cùng một mục tiêu, một hướng đi cho đời sống (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành