Xây Dựng Hôn Nhân Trong Thế Kỷ 21 (Bài 16)
Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho chúng tôi lại được thưa chuyện với quý vị qua Câu Chuyện Gia Ðình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Ngoại trừ những người kết hôn giả với một mục đích nào đó, khi bước vào hôn nhân, ai cũng mong muốn hôn nhân của mình sẽđược hạnh phúc, ngọt ngào và tốt đẹp suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên biết bao nhiêu vợ chồng sau một thời gian sống với nhau không muốn nhìn nhau nữa mà phải đưa nhau ra tòa ly dị. Sở dĩ có chuyện đáng tiếc đó là vì vợ chồng không biết sống thế nào để mang lại hạnh phúc cho nhau.Ðức Chúa Trời là Ðấng thiết lập hôn nhân và qua Kinh Thánh, Ngài cũng ban những nguyên tắc chúng ta cần áp dụng để hôn nhân của chúng ta được hạnh phúc lâu bền. Chúng ta cần biết Lời Chúa dạy về hôn nhân và áp dụng vào đời sống để gia đình chúng ta được hạnh phúc như điều Chúa muốn ban cho chúng ta.
Một trong những nguyên tắc chúng ta cần để ý và áp dụng để tình cảm vợ chồng được đậm đà tốt đẹp, đó là dành thì giờ thường xuyên trò chuyện, chia xẻ buồn vui để vợ chồng hiểu nhau, thông cảm nhau. Trong Câu Chuyện Gia Ðình tuần qua chúng tôi có nói về những mức độ đối thoại chúng ta thường dùng để trao đổi với người chung quanh. Ba mức độ đối thoại chúng tôi đã trình bày là: Ðối thoại xã giao, đối thoại sơ giao, và đối thoại thông giao. Ðây là những mức đối thoại không sâu đậm nhưng chỉ có hình thức bên ngoài. Khi đối thoại trong ba mức độ này chúng ta chỉ nói những chuyện bâng quơ, không quan trọng hoặc nói những chuyện liên quan đến người khác, không liên hệ gì đến mình. Ðây là cách chúng ta trò chuyện với những người mình mới gặp, mới quen, hoặc quen đã lâu nhưng không thân thiết hay thiếu tin cậy. Tuy nhiên có những vợchồng cũng chỉ trò chuyện với nhau cách xã giao, sơ giao hoặc thông giao mà thôi. Ðể giúp cho hôn nhân được ngọt ngào, vững bền, chúng ta cần trao đổi với người phối ngẫu theo hai mức độ đối thoại sau:
Mức độ đối thoại IV: Tâm giao:Chia xẻ cảm xúc và tình cảm
Ðể thật sự hiểu nhau và thông cảm nhau, vợ chồng cần thành thật nói lên cảm nghĩ, cảm xúc hay tình cảm của mình cho người kia biết. Chúng ta cần hỏi người phối ngẫu những câu thân mật gần gũi, ví dụ vợ hỏi chồng: “Hôm nay trong sở có gì lạ không mà thấy anh có vẻ suy tư? Có cần em giúp gì không?” Hoặc chồng hỏi vợ: “Hôm qua em về thăm bố mẹ có chuyện gì mà sao thấy em có vẻ buồn, nói cho anh nghe được không?” Khi hỏi những câu như thế chúng ta tạo cơ hội cho vợ/chồng mình chia xẻ những cảm xúc vui buồn hay lo lắng, ưu tư. Nếu người chồng đang có nanđề trong sở, sẽ có cơ hội chia xẻ nỗi lo lắng với vợ. Nếu người vợ đang quan ngại cho sức khỏe của cha mẹ, sẽ nói lên điều mình lo lắng để được chồng hiểu và thông cảm, hoặc khi có chuyện vui cũng sẵn sàng nói ra để chồng cùng vui với mình. Những chia xẻ sâu đậm này sẽ giúp vợ chồng hiểu nhau và tình cảm giữa hai người sẽ gần gũi, đậm đà hơn. Khi nói chuyện với nhau, vợ chồng quý vị có dám nói lên cảm xúc, tình cảm hay ưu tư của mình không, hay chỉ nói những chuyện vu vơ còn những buồn vui hay tổn thương sâu đậm trong lòng thì không dám nói ra? Mức độ đối thoại thứ IV này chúng ta có thể gọi là đối thoại tâm giao, tức là chia xẻ những buồn vui, ưu tư hay lo lắng trong lòng. Thường thì các bà các cô dễnói lên cảm xúc và tình cảm của mình nhưng các ông thì ngược lại, các ông thích nói chuyện công việc, bàn chuyện chính trị, chuyện thiên hạ chứkhông muốn đụng đến những cảm xúc sâu kín trong lòng, ngoại trừ cảm xúc tức giận thì các ông thường bày tỏ cách dễ dàng và nhanh chóng. Các ông thường che giấu hay đè nén cảm xúc; khi vui buồn, lo lắng và ngay cả cảm xúc yêu thương, các ông cũng khó bày tỏ ra với vợ con. Ðây là yếu đuối và thiếu sót mà các ông cần vượt qua.
Lời Chúa dạy người chồng phải yêu vợ như Chúa đã yêu hội thánh. Khi yêu con người trên trần gian này, Dức Chúa Trời không che giấu nhưng Ngài bày tỏ tình yêu đó cách rõ ràng qua hành động cụ thể. Kinh Thánh dạy:
“Lòng Ðức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Ðức Chúa Trời đã sai Người Con Một của Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống” (Thư I Giăng 4:9).
Chúa muốn người chồng yêu vợ nhưChúa đã yêu, tức là muốn các ông bày tỏ tình thương yêu đối với vợ con cách rõ ràng cụ thể. Tuy nhiên, khi vợ chồng chia xẻ với nhau những tình cảm và cảm xúc, chúng ta sẽ đụng đến chỗ nhạy cảm trong lòng người vì thế có thể nguy hiểm. Nếu nói lên niềm vui thì không sao nhưng nếu nói lên điều chúng ta buồn lo, hay bị tổn thương vì người phối ngẫu đã nói hay đã làm điều gì đó, người đó có thể không hiểu, không đồng ý và có thểnổi giận và phiền trách chúng ta nữa. Tuy nhiên nếu vợ chồng thật sự yêu nhau và gắn bó làm một như lời Chúa dạy, chúng ta cần tập đối thoại với nhau ở mức độ tâm giao. Chúng ta cần nói thật với nhau và nói thật trong tình yêu thương, như lời sứ đồ Phao-lô viết:
“Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, … nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật” (Ê-phê-sô 4:14-15).
Ðó là đối thoại tâm giao.
Mức độ đối thoại V: Chia xẻ nhu cầu, nói lên điều mình cần người phối ngẫu quan tâm, đáp ứng
Ðây là mức độ đối thoại cao nhất, sâu đậm nhất trong hôn nhân. Vợ chồng là một, cùng chia xẻ một đời sống, một mục tiêu, vì thế cần đối thoại với nhau ở mức độ này. Chúng ta đều biết, các em bé khi có nhu cầu, các em tỏ cho cha mẹ biết ngay, những em chưa biết nói thì dùng tiếng khóc cho mẹ biết các em đang đói hay cần được ôm ấp, bồng bế. Các em đã biết nói thì nói lên điều mình cần một cách thành thật thẳng thắn.Chẳng hạn, các em nói: “Mẹ ơi, con muốn ăn kẹo,” “Bố ơi ra chơi banh với con,” v.v…. Khi đã lớn, đã trưởng thành, nhu cầu của con người cũng lớn theo và phức tạp hơn, nhưng người lớn thường ngại nói lên điều mình cần. Tuy nhiên, sống trong hôn nhân chúng ta cần thành thật nói cho người bạn đời biết nhu cầu của mình, nhất là những điều mà chỉ người đó có thể đáp ứng. Các nhà khải đạo hôn nhân khi tư vấn cho các đôi vợchồng luôn luôn khuyến khích hai người thành thật nói cho nhau biết mình cần điều gì, hay trông mong gì nơi người phối ngẫu. Có ông chồng nọnói với vợ: “Em sống với anh đã hai mươi năm, em phải biết ý của anh, anh đâu cần phải nói nữa!” hoặc vợ nói với chồng: “Nếu anh thương em thì anh phải biết em cần điều gì, đâu phải đợi em nói ra! Nếu em phải nói anh mới biết thì anh đâu có thương em!” Chúng ta không nên để người bạn đời phải đoán xem chúng ta cần gì, mong muốn điều gì, vì như thế chúng ta chỉ làm khổ nhau mà thôi. Khi vợ chồng có thể thành thật nói cho nhau biết điều mình trông mong ở nhau, chúng ta sẽ không cần có người tâm vấn cho mình nữa mà vẫn thông cảm hiệp một. Chúng tôi gọi mức độ đối thoại thứ V này là đối thoại thâm giao.
Kinh Thánh dạy:
Tình yêu thương phải cho thành thật, Hãy ghê tởm điều dữ, gắn bó với điều lành (Thư Rô-ma 12:9, BHÐ)
Và:
Mỗi người trong anh em hãy loại bỏ sự giả dối, hãy nói thật với người lân cận (Thư Ê-phê-sô 4:25, BHÐ)
Người lân cận mà chúng ta cần thành thật trong tình yêu và trong lời nói hơn cả là người đang sống bên cạnh chúng ta, sẵn sàng đi chung đường đời với chúng ta.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành