Bất Hòa Trong Hôn Nhân (Bài 5)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi dâng lời cảm tạ Chúa vì lại được thưa chuyện với quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành hôm nay. Trong tiết mục này mấy tuần qua chúng tôi trình bày đề tài “Bất Hòa Trong Hôn Nhân,” nói về những điều chúng ta cần tránh và những điều cần làm khi vợ chồng có chuyện hiểu lầm nhau hay phiền giận nhau.
Như chúng ta đều biết, vì là con người yếu đuối, bất toàn chúng ta không thể tránh được va chạm khi sống chung hay làm việc chung với người khác. Trong hôn nhân, vợ chồng sống chung dưới một mái nhà và chia xẻ tất cả mọi điều trong sinh hoạt hằng ngày: về mặt vật chất, tinh thần và tình cảm nên dễ có những lúc bất hòa, bất đồng ý kiến, làm buồn lòng nhau, lắm khi gây tổn thương cho nhau nữa. Mục sư Ed Young, tác giả quyển “Mười Giới Răn cho Hôn Nhân” cho biết, khi vợ chồng có điều bất hòa với nhau, nếu chúng ta không quan tâm giải quyết ngay và cũng không giải quyết đúng cách, tình trạng căng thẳng giữa hai người sẽ gia tăng, vợ chồng phiền giận nhau nhiều hơn và sự ngăn cách giữa hai người sẽ càng to lớn hơn. Mục sư Young cho biết, khi có điều buồn phiền ai, tấm lòng hay tình cảm của chúng ta thường đi qua bốn giai đoạn khác nhau như sau:
- Tấm lòng hay trái tim bị tổn thương
- Tấm lòng trở nên lạnh lùng, dửng dưng
- Tấm lòng thay đổi trở nên cứng cỏi
- Tấm lòng hầu như chết, không còn cảm xúc nữa
- Tấm lòng hay trái tim bị tổn thương
Có lẽ chúng ta ai cũng có kinh nghiệm buồn đau hay bị tổn thương, khiến trái tim hay tấm lòng chúng ta bị đau đớn. Trong hôn nhân, đó là khi vợ / chồng nói hoặc làm điều gì khiến chúng ta bị chạm tự ái và làm chúng ta buồn; có thể là vô tình, vô ý nhưng cũng có khi là cố ý nói hay làm điều gì đó khiến chúng ta bị chạm tự ái, bị tổn thương sâu đậm. Là vợ chồng, sống với nhau qua nhiều năm tháng, khi có chuyện không vui xảy ra hay khi một người có điều gì phiền giận, chúng ta biết ngay. Không ai lập gia đình đã lâu mà nói rằng, “Tôi chẳng bao giờ biết lúc nào chồng tôi buồn” hay “lúc nào vợ tôi giận tôi.” Khi có chuyện không vui xảy ra giữa vợ chồng chúng ta biết ngay chứ không thể không biết, nhưng điều quan trọng là, chúng ta cần bén nhạy và có tấm lòng mềm mại để xin lỗi và sửa đổi ngay, để những buồn giận hay tổn thương đó được xóa bỏ và chữa lành. Nếu biết người phối ngẫu đang buồn giận mình về điều gì đó mà chúng ta làm ngơ, không xin lỗi cũng không giải hòa sẽ khiến người đó bị tổn thương nhiều hơn, sẽ dẫn đến giai đoạn nguy hiểm hơn, đó là tấm lòng người phối ngẫu sẽ sẽ trở thành lạnh lùng, dửng dưng, không quan tâm để giải hòa nữa.
- Tấm lòng lạnh lùng, dửng dưng
Tấm lòng lạnh lùng dửng dưng là điều xảy ra khi người này biết người kia đang buồn giận nên tìm cách đến gần nói chuyện, nhưng không phải để giải hòa hay xin lỗi mà nói kiểu chúng ta gọi là giả lả, làm như không có chuyện gì, như mọi việc vẫn bình thường. Lúc đó, giữa vợ chồng vẫn có đối thoại, vẫn trò chuyện với nhau. Có thể người này hỏi người kia: “Anh (hay em) có chuyện gì buồn phải không? Thôi bỏ qua đi!” rồi nói lảng sang chuyện khác, không đả động gì đến lý do người kia đang buồn và vì vậy vấn đề không được giải quyết. Người đang buồn giận có thể trả lời: “Không có chuyện gì hết!” rồi vợ chồng nói lảng qua chuyện khác. Đây là trường hợp vợ chồng đang có vấn đề nhưng cả hai đều tránh né, không muốn nói đến, vì vậy người bị tổn thương dù ngoài mặt bình thản nhưng tấm lòng trở nên lạnh lùng, dửng dưng, không còn tình cảm đối với người kia. Cũng có thể vì người đó tự nhủ trong lòng: thôi mình chấp nhận chuyện đã xảy ra, buồn thì cũng ráng chịu vì nói ra cũng vô ích, không giải quyết được gì. Vì lý do đó và vì tình trạng dửng dưng, lạnh lùng giữa hai người, sẽ đưa đến giai đoạn thứ ba, đó là tấm lòng người bị tổn thương sẽ trở nên cứng cỏi.
- Tấm lòng trở nên cứng cỏi
Đây là giai đoạn nguy hiểm vì vợ chồng buồn nhau mà không nói ra, không giải hòa và không tha thứ cho nhau. Nếu là người tin Chúa chúng ta sẽ làm buồn Chúa Thánh Linh, Đấng ngự trị trong lòng chúng ta. Kinh Thánh dạy: “Anh em chớ làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời. … Hãy loại bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, phẫn nộ, tức giận, la lối, lăng mạ cùng mọi điều hiểm độc. Hãy cư xử với nhau cách nhân từ và dịu dàng, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Chúa Cứu Thế vậy.” (Thư Ê-phê-sô 4:30-32). Theo Lời Chúa dạy, khi chúng ta có điều phiền giận, cay đắng với anh chị em mình, chúng ta sẽ làm buồn Chúa Thánh Linh, là Đấng ngự trị trong lòng chúng ta, lúc đó chúng ta sẽ không thể cầu nguyện được. Vì vậy chúng ta cần tha thứ lỗi lầm của nhau, như Chúa đã tha thứ lỗi lầm của chúng ta. Ngoài ra Lời Chúa cũng nhắc nhở quý ông chồng rất rõ ràng về cách đối xử với vợ, vì mối quan hệ vợ chồng sẽ ảnh hưởng đến lời cầu nguyện và đời sống tâm linh của quý ông. Sứ đồ Phi-e-rơ khuyên: “Những người làm chồng cũng vậy, hãy tỏ ra hiểu biết khi chung sống với vợ, quý trọng vợ như phái yếu hơn.” (Thư I Phi-e-rơ 3:7). Khi mối quan hệ vợ chồng không ngọt ngào tốt đẹp, người tin Chúa cũng không thể cầu nguyện. Trong giai đoạn này, tấm lòng người trong cuộc không chỉ lạnh và dửng dưng, không còn cảm xúc nhưng cũng dễ trở thành cứng cỏi. Vợ chồng vẫn sống bên cạnh nhau mỗi ngày, vẫn làm trọn bổn phận của mình nhưng trong tâm trí, chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi: “Không biết hôn nhân của vợ chồng mình có tiếp tục được không hay là sẽ đi đến đổ vỡ?” Từ đó, nhiều nan đề khác giữa vợ chồng sẽ xảy đến nhưng tấm lòng của người trong cuộc đã quá lạnh, quá cứng cỏi nên không ai quan tâm đến nữa, mỗi người, vợ cũng như chồng, chỉ lo phần trách nhiệm của mình cho qua ngày. Tình trạng này sẽ dẫn đến giai đoạn thứ tư, là giai đoạn nguy hiểm nhất.
- Trái tim đã chết, không còn cảm xúc nữa
Tác giả Ed Young cho biết, phản nghĩa với yêu thương không nhất thiết là ghét bỏ, nhưng có khi là không còn cảm xúc gì nữa, không quan tâm đến nhau nữa. Khi vợ chồng giận nhau, hay khi người này nói mình không thích một điều gì nơi người kia, vợ chồng đó vẫn còn yêu nhau, vẫn còn hy vọng cứu vãn tình yêu và hôn nhân của hai người. Nhưng khi vợ chồng gặp nhau, nhìn nhau mà không còn điều gì để nói, không còn tình cảm hay cảm xúc nào cho nhau, người này không chút quan tâm khi người kia đau buồn hay khổ tâm, ta có thể nói, tình yêu giữa hai người đó đã chết, và hôn nhân của họ không còn hy vọng cứu vãn được nữa. Đây là điều đáng buồn vô cùng, nhưng đáng buồn hơn nữa là, lắm khi hôn nhân đi đến giai đoạn vô hy vọng này một cách nhanh chóng, chỉ vì những xung đột hay bất đồng ý kiến nho nhỏ, không quan trọng hoặc vì những chuyện không đáng!
Vậy, chúng ta phải làm sao để những bất đồng ý khiến giữa vợ chồng không giết chết hay hủy phá hôn nhân nhưng trái lại, khiến hôn nhân của chúng ta được bền vững và ngọt ngào hơn? Trước hết, khi vợ chồng có chuyện phiền giận nhau, chúng ta cần ngồi lại chia xẻ xem tại sao mình buồn nhau hay giận nhau, chuyện gì đã đưa đến bất đồng ý kiến giữa hai người? Dĩ nhiên, chúng ta không thể ngồi lại nói chuyện khi cả hai vợ chồng đang nổi giận nhưng phải chờ đến khi lòng phiền giận đã dịu lại, không khí giữa hai người không còn căng thẳng nhưng đã hòa dịu bớt. Hai người đã có thể đồng ý là mình cần ngồi lại nói chuyện, góp ý xem mình cần làm gì, nói năng thế nào để tránh những lúc nổi giận với nhau như vậy. Chúng ta cần kiểm điểm xem thường thường trong trường hợp nào, hay thời điểm nào, vào giờ nào trong ngày hay ngày nào trong tuần vợ chồng mình dễ bất đồng ý kiến hay phiền giận nhau? Chúng ta cũng cần thành thật chia xẻ với nhau rằng vợ chồng mình dễ bất đồng ý kiến về chuyện gì, hay khi nào bàn đến những chuyện đó thì dễ đưa đến căng thẳng hay bất đồng ý kiến với nhau. Khi xác định được những chi tiết đó, chúng ta sẽ có thể tránh những lúc giận nhau hay làm buồn lòng nhau (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành