Good Friday
Ngày Thứ Sáu trong tuần này trong tiếng Anh gọi là Good Friday, nghĩa là ngày Thứ Sáu Tốt Lành. Dù có đạo hay không, chúng tôi tin rằng quý vị đều biết ngày thứ sáu trước ngày lễ Phục Sinh là ngày Chúa Giê-xu bị đóng đinh và bị chết. Quý vị có bao giờ đặt câu hỏi: “Tại sao ngày Chúa chết là lại gọi là ngày tốt lành?”
Tại sao ngày Chúa chết lại gọi là ngày tốt lành? Mục sư Harold Sala, có viết một bài về ngày Thứ Sáu Đặc Biệt này, và chúng tôi xin chia xẻ cùng quý vị hôm nay: Có gì tốt lành trong ngày thứ Sáu Chúa Giê-xu chết mà người ta gọi đó là Good Friday, là ngày thứ sáu tốt lành? Chúng ta đều biết, vào giữa thế kỷ thứ 20, lãnh tụ Đức Quốc Xã là Adolph Hitler đã giết 6 triệu người Do Thái và là mối đe dọa cho nhiều dân tộc khác. Người thời đó căm thù Hitler đến nỗi không những mong cho ông ta chết mà còn nói rằng lửa địa ngục phải được tăng nóng lên gấp mấy lần để đón tiếp ông ta. Khi Hitler chết, bao nhiêu người thỏa nguyện và vui mừng; hằng triệu người khác trút được nỗi lo lắng sợ hãi, nhưng ngày Hitler chết, không ai gọi là ngày tốt lành hay là ngày vui mừng. Trong khi đó Ngày Chúa Giê-xu chết mà gọi là ngày Tốt Lành thì có vẻ như là mâu thuẫn và không đúng. Chúa Giê-xu là người đã bồng bế những em bé để chúc phước. Ngài đã đưa tay ra cứu vớt những người phung hủi, bệnh tật để họ được chữa lành. Ngài gọi người chết sống lại để đem lại niềm vui cho những người thân trong gia đình. Ngài phán dạy những lời yêu thương, an ủi người đau khổ, nâng đỡ và bênh vực người nghèo nàn, cô thế. Chúa không hề làm hại ai hay gây đau khổ cho ai, mà sao ngày Chúa bị quân lính La-mã đóng đinh lại gọi là ngày tốt lành? Làm sao có thể gọi ngày một người đầy lòng nhân từ yêu thương, mới ba mươi ba tuổi, bị giết một cách oan ức, đớn đau là ngày tốt lành? Đúng ra, đây là ngày đen tối nhất trong lịch sử loài người, vì đây là ngày con người tội lỗi đã đóng đinh Con của Đức Chúa Trời Thánh Khiết, là người vô tội duy nhất trên trần gian. Nhưng ngày Chúa Giê-xu chết đã thật là một ngày tốt lành, vì những lý do sau đây:
1. Lý do thứ nhất: Ngày Chúa Giê-xu chết được gọi là ngày tốt lành vì đó là ngày tình yêu mà Đức Chúa Trời dành cho con người, tức là cho mỗi một chúng ta, được bày tỏ cách cụ thể và rõ ràng
Câu Thánh Kinh quan trọng nhất trong cả bộ Kinh Thánh là câu: Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Người Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 3:16). Kinh Thánh cũng dạy: Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con Một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống (I Giăng 4:9). Qua hai câu Thánh Kinh này cũng như nhiều câu khác trong cả Kinh Thánh chúng ta được nhắc nhở rằng, Thiên Chúa yêu con người chúng ta đến nỗi đã ban Chúa Giê-xu, Con Ngài, xuống thế gian chịu chết vì tội của chúng ta. Ngày Chúa Giê-xu chết trên thập giá là ngày đăng quang của tình yêu Thiên Chúa, là ngày tình yêu Đức Chúa Trời dành cho nhân loại được bày tỏ cách trọn vẹn và đầy đủ, vì thế đó là ngày tốt lành. Đặc biệt là tốt lànhvà vui mừng cho những ai tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Đấng Cứu Đời.
2. Lý do thứ hai: Điều thứ hai khiến ngày Chúa Giê-xu chết được gọi là ngày tốt lành là, sự kiện Chúa chịu chết cách đau đớn trong thân xác con người cho thấy rằng Chúa thông cảm với tất cả những đau đớn của chúng ta trên trần gian này
Chúa thông cảm với những đau đớn của chúng ta trong tinh thần, tình cảm cũng như trong thể xác. Chúa thông cảm với những yếu đuối của chúng ta, Ngài thông cảm với những giờ phút đen tối nhất trong cuộc đời chúng ta. Chúa thông cảm vì Ngài đã kinh nghiệm, đã trải qua tất cả những điều đó. Thánh Kinh dạy về sự cảm thông của Chúa Cứu Thế đối với con người yếu đuối như sau: “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách… Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Người phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Đức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân… Chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 2:17-18; 4:15).
Nếu quý vị đang trải qua những khổ đau, nhục nhã, mất mát vì những điều xảy ra trong gia đình, trong cuộc đời quý vị, hãy nhớ rằng, vì chính Chúa đã trải qua tất cả những điều đó nên Ngài hiểu và thông cảm với quý vị. Đây là điều an ủi lớn lao cho chúng ta.
3. Lý do thứ ba: Lý do thứ ba khiến ngày Chúa Giê-xu chết được gọi là ngày tốt lành vì qua cái chết hy sinh của Chúa, chúng ta được chữa lành về mọi phương diện
Qua cái chết vô tội của Chúa Cứu Thế, chúng ta được Thiên Chúa tha thứ tội, ban ơn cứu rỗi và ban cho sự sống đời đời. Một vị tiên tri trong thời Cựu Ước đã viết như sau: Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bệnh (Tiên tri Ê-sai 53:5). Chúa Cứu Thế là Đấng vô tội, nhưng vì tội lỗi của chúng ta, cũng như những điều xấu xa gian ác chúng ta đã làm mà Chúa phải chịu khổ nạn đớn đau. Những vết thương Chúa Cứu Thế mang trên thân thể Ngài giúp tâm linh chúng ta được chữa lành, linh hồn chúng ta được bình an và chúng ta được ban cho sự sống đời đời. Sứ đồ Phi-e-rơ trong một lá thư đã viết: “Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta, là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bệnh” (I Phi-er-ơ 2:24). Một bản Kinh Thánh khác ghi như sau: “Tội lỗi của chúng ta chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành.”
4. Lý do thứ tư: Lý do thứ tư ngày Thứ Sáu Chúa chết được gọi là Ngày Thứ Sáu Tốt Lành là vì nhờ cái chết hy sinh của Chúa, chúng ta được giải hòa với Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.
Sứ đồ Phao-lô viết: Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội thì Chúa Cứu Thế vì chúng ta chịu chết… Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời mà đã được hòa thuận với Ngài, bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã được hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào! Nào những thế thôi, chúng ta lại còn khoe mình trong Đức Chúa Trời, bởi Chúa Cứu Thế chúng ta, nhờ Ngài mà chúng ta hiện nay đã được sự hòa thuận. (Check bản KT Công Giáo) (Rô-ma 5:8, 10-11).Trong những năm thi hành chức vụ trên trần gian, có lần Chúa Giê-xu tuyên bố: “Ta là con đường, chân lý và sự sống. Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Đức Chúa Cha” (Giăng 14:6). Chúa cũng phán: “Khi ta bị treo lên, ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta” (Phúc Âm Giăng 12:32). Và những lời phán này đã thành sự thật khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự. Ngài đã là con đường, là chiếc cầu nối liền con người tội lỗi với Đức Chúa Trời thánh khiết. Qua cái chết của Ngài, con người chúng ta được trở lại trong mối thông công mật thiết với Đấng Tạo Hóa.
5. Lý do thứ năm: Lý do thứ năm khiến ngày Chúa Giê-xu chết là Ngày Thứ Sáu Tốt Lành vì Chúa không chết luôn nhưng đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại cách vinh quang
Ngày Chúa sống lại là ngày Chúa Nhật Phục Sinh mà ngày nay cả thế giới vui mừng kỷ niệm hằng năm. Chúa Cứu Thế đã chết cách đớn đau vì tội của chúng ta nhưng Ngài cũng đã sống lại trong khải hoàn, vinh quang. Vì Chúa sống lại nên Ngài có quyền ban sự sống đời đời cho những ai đặt lòng tin nơi Ngài.
Chúa đã hy sinh chịu chết để thông cảm với những đau đớn trong cuộc đời chúng ta, để tha thứ tội và chữa lành cho chúng ta. Chúa cũng đã chịu chết vì tội chúng ta để phục hồi cho chúng ta địa vị cao quý là con của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, tất cả những điều tốt đẹp này có trở thành thực hữu trong đời sống chúng ta hay không là tùy ở quyết định của mỗi chúng ta. Nếu chúng ta lấy đức tin tiếp nhận Chúa, Ngài sẽ là Đấng Cứu Chuộc chúng ta, chúng ta sẽ được làm con của Đức Chúa Trời và được sống trong mối quan hệ cha con thân thiết với Ngài. Chúng tôi cầu mong rằng Phục Sinh năm nay sẽ là một kỷ niệm đặc biệt đối với quý vị, vì Chúa Phục Sinh sẽ đến ngự trị trong lòng và dẫn dắt cuộc đời quý vị.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành