Chuyến Taxi Cuối Cùng
Kính thưa quý thính giả, cách đây mấy năm, chúng tôi được đọc một câu chuyện rất hay, không rõ tác giả là ai nhưng câu chuyện có nhiều ý nghĩa, đặc biệt là cho những ngày cuối năm như hôm nay, nên chúng tôi xin chia xẻ với quý vị trong Câu Chuyện Gia Đình hôm nay. Tác giả viết:
Hai mươi năm trước đây, tôi sống về nghề lái tắc xi. Một đêm nọ, khoảng 2 giờ khuya, có người gọi điện thoại, xin tôi đem xe đến một khu chung cư trong thành phố. Đến nơi, tôi thấy các dãy nhà nằm im trong bóng đêm, ngoại trừ ánh sáng mờ mờ từ một khung cửa sổ kéo kín màn. Trong những trường hợp như vậy, tài xế tắc-xi thường ngồi trong xe, nhấn còi hai ba lần và chờ vài ba phút, nếu không thấy ai ra là lái xe đi ngay. Riêng tôi, tôi biết có rất nhiều người nghèo không có xe riêng nên tắc-xi là phương tiện di chuyển duy nhất mà họ trông cậy, nhất là trong hoàn cảnh đặc biệt hay vào giờ giấc bất thường như vầy. Trừ những khi linh cảm có gì nguy hiểm, còn không thì tôi thường ra khỏi xe, đến tận cửa nhà, vì tự nhủ: Biết đâu có người đang cần mình giúp.
Nghĩ như thế nên tôi bước tới gõ cửa. Trong nhà có người trả lời: “Xin chờ một chút.” Giọng nói của một phụ nữ cao tuổi nhưng vẫn còn trong trẻo. Tôi cũng nghe tiếng kéo va-li trên sàn nhà. Vài phút sau cửa mở, một bà cụ khoảng tám mươi đứng trước mặt tôi: Bà cụ mặc chiếc áo đầm dài nhiều màu, đầu đội chiếc mũ trắng xinh xắn, kèm theo chiếc khăn quàng cổ, với cái va-li ở bên cạnh. Sau lưng bà cụ, căn phòng chung cư trống trải hình như không có ai ở, tất cả bàn ghế đều có vải phủ kín. Bà cụ nói: Phiền chú mang giúp tôi cái va-li này ra xe. Tôi đem chiếc va-li bỏ vào thùng xe rồi quay lại giúp bà cụ. Bà cụ nắm tay tôi và từng bước một, tôi dìu bà bước xuống đường, đi về hướng chiếc xe. Bà cụ luôn miệng nói “cám ơn.” Tôi đáp: “Dạ không có chi, thưa cụ, cháu xem những bà cụ lớn tuổi như mẹ cháu vậy.” Bà trả lời: “Chú tử tế quá.”
Sau khi giúp bà cụ ngồi vào băng ghế sau, tôi vào chỗ tay lái mở máy. Bà cụ đưa cho tôi mảnh giấy ghi địa chỉ nơi cụ muốn đi đến, rồi hỏi tôi, với giọng nhỏ nhẹ: “Chú có thể chạy ngang qua phố cho tôi nhìn một chút không?” Liếc mắt nhìn địa chỉ bà cụ mới đưa, tôi nói: “Dạ, nếu đi qua phố thì đường xa hơn và đi lâu hơn nhiều.” Bà cụ nói: “Chú cứ thong thả, tôi không có gì vội cả. Hôm nay tôi phải đi tới hospice, nơi ở cuối cùng, dành cho những người sắp từ giã cuộc đời.” Tôi nhìn bà cụ qua kính chiếu hậu, thấy đôi mắt cụ tràn đầy nước mắt. Bà cụ nói tiếp: “Tôi không còn ai là bà con thân thích trên đời này, bác sĩ cũng nói tôi chẳng còn sống bao lâu nữa, chỉ vài ba tháng là nhiều.”
Tôi liền vói tay tắt cái máy ghi quãng đường đi và số tiền hành khách phải trả, rồi tôi nhẹ nhàng hỏi bà cụ: “Thưa, cụ muốn đi qua đường nào trước?” Và sau đó, trong suốt hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đi loanh quanh qua từng con đường trong các khu phố. Bà cụ chỉ cho tôi một tòa nhà cao tầng và cho biết, bà từng là người điều khiển thang máy trong tòa nhà đó. Tôi lái xe qua một khu phố có những căn nhà nhỏ, cũ nhưng xinh xắn; bà cụ nói ngày trước, khi mới lập gia đình bà sống trong khu này, rồi chỉ cho tôi một căn nhà nhỏ loang loáng dưới ánh đèn đêm. Nhìn đôi mắt lưu luyến của cụ tôi như thấy được một thời quá khứ đầy thương yêu của đôi vợ chồng trẻ sống trong căn nhà đó. Sau đó chúng tôi đi tiếp, bà cụ ra hiệu cho tôi ngừng xe trước một cửa hàng bán giường tủ, bàn ghế và nói: “Chỗ này trước kia là một vũ trường sang trọng, nổi tiếng, cụ hãnh diện đến đây dự tiệc lần đầu tiên khi vừa được mười sáu tuổi. Trong giọng nói của bà cụ, tôi hình dung hình ảnh một thiến nữ trẻ trong bộ dạ phục xinh đẹp, nụ cười tươi, hân hoan đi với bạn.
Sau đó bà cụ xin tôi đậu xe trước một căn nhà trong một góc phố khuất nẻo không tên, rồi cụ ngồi im lặng trong bóng tối, như để tâm hồn chìm đắm vào một dĩ vãng xa xưa, bao la và sâu thẳm. Khi trời bắt đầu sáng, bà cụ nói với tôi giọng nhẹ như hơi thở: “Thôi mình đi nhen cháu.” Tôi im lặng lái xe đi tiếp, đưa bà cụ đến khu hospice, nơi ở cuối cùng của những người cao tuổi. Đây là một dãy nhà thấp, yên tĩnh, ngăn nắp và sạch sẽ. Tôi vừa ngừng xe lại thì có hai người đàn ông xuất hiện với chiếc xe lăn tay, như đã chờ đợi chúng tôi từ lâu. Tôi bước xuống xe, kéo chiếc va-li nhỏ của bà cụ đặt trước cửa nhà, khi quay lại, tôi thấy bà cụ đã ngồi trên xe lăn tay. “Bao nhiêu tiền vậy cháu?” Bà cụ vừa hỏi vừa mở cái bóp nhỏ trên tay. Tôi đáp: “Cháu không lấy tiền bà cụ đâu?” Bà cụ nói: “Nhưng cháu cũng phải kiếm sống chứ?” “Dạ, không sao, cháu còn có những người khách khác.” Nói xong, tôi cúi xuống ôm vai bà, bà cũng ôm tôi thật chặt và nói: “Cảm ơn cháu đã cho bà cụ này những giây phút thật quý giá và đầy ý nghĩa. Tôi xiết chặt tay cụ một lần nữa và quay bước đi trong ánh sáng mờ nhạt của một ngày mới. Sau lưng tôi có tiếng cửa đóng lại, tôi cảm thấy như một cuộc đời vừa được khép lại mãi mãi.
Vì không có thêm người khách nào nữa sáng hôm đó nên tôi chạy xe loanh quanh, không mục đích và dường như tôi cũng chẳng biết mình đi đâu nữa. Suốt ngày hôm đó tôi không nói với ai một lời nào. Tôi suy nghĩ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không nhận đưa bà cụ đi, hoặc tôi chỉ nhấn còi xe một vài lần trước cửa rồi lái xe đi mất chứ không bước vào nhà? Tự dưng tôi cảm thấy trong quãng đời trẻ trung của mình, hình như tôi chưa làm được việc gì có ý nghĩa như việc tôi đưa đón bà cụ đến hospice hôm nay. Đời người ngắn ngủi và đầy lao khổ. Nhiều người nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ có những khúc quanh quan trọng, đánh dấu bằng những việc to lớn, dễ ghi nhớ, nhưng thật ra đẹp nhất là những giây phút nhỏ bé bất ngờ, cho ta cảm xúc sâu đậm khiến ta phải bàng hoàng.
Thưa quý vị, một năm nữa lại sắp chấm dứt, chúng ta sẽ được thêm một tuổi nhưng cuộc đời chúng ta cũng thu ngắn lại một chút. Không ai biết mình sống được bao nhiêu năm tháng trên đời, cũng không biết ngày nào mình sẽ vĩnh viễn ra đi. Kinh Thánh ghi lời lãnh tụ Môi-se nói: “Tuổi tác chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi, nhưng sự kiêu căng của nó chỉ rước lấy lao khổ và buồn thảm” (Thi Thiên 90:10). Đời sống con người quá ngắn ngủi và đầy thương đau, xin Chúa giúp chúng ta nắm lấy cơ hội quan tâm đến những người cô đơn, sống trong đau khổ, để rồi làm một điều gì có ý nghĩa, với tình yêu thương, để đem lại an ủi cho những người bị xã hội loại bỏ, bị người chung quanh quên lãng. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Chớ mệt mỏi khi làm việc thiện … Vậy, đang lúc có cơ hội, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em trong gia đình đức tin” (Thư Ga-la-ti 6:9-10). Thực hành lời dạy này, chúng ta hãy quan tâm đến những người kém may mắn chung quanh mình và vì thương yêu, làm một điều gì thực tế, cụ thể, để xoa dịu nỗi khổ, nỗi cô đơn của những người bất hạnh đó. Nếu chỉ quan tâm đến nhu cầu và phúc lợi của riêng mình, chúng ta sẽ không nhìn thấy nhu cầu hay nỗi khổ của người khác để tìm cách chia xẻ, giúp đỡ. Vì vậy, cầu xin Chúa ban cho chúng ta có tấm lòng của Chúa để nhìn thấy nhu cầu của người khác và cũng có lòng yêu thương quảng đại như Chúa để làm một điều gì thiết thực hầu xoa dịu nỗi đau đó.
Tuy nhiên, quan trọng hơn hết, chúng ta cần tiếp nhận Tin Mừng Cứu Rỗi của Chúa Giê-xu. Chúa đã từ bỏ thiên đàng, sinh ra làm người trên trần gian, sống một đời bần hàn, khiêm nhường. Ngài đi khắp các làng mạc, giảng dạy, chữa bệnh, chúc phước cho mọi người và cuối cùng Chúa đã nhận chịu bản án tử hình, chấp nhận cái chết đau đớn hổ nhục trên thập giá, chỉ với một mục đích là để ban ơn cứu rỗi và sự sống đời đời cho những ai tiếp nhận Ngài. Chúng tôi ước mong bước vào Năm Mới này quý vị sẽ suy nghĩ về cái ngắn ngủi mong manh của đời mình và rồi dâng đời sống cho Chúa Cứu Thế làm Chủ, Ngài sẽ nhận chúng ta làm con của Ngài và khi chúng ta lìa cõi đời tạm này, Chúa sẽ đón chúng ta về sống với Ngài trong phước hạnh đời đời, vĩnh cửu.
Minh Nguyên
Phát Thanh Tin Lành