24/7
Tai hại đầu tiên là tai hại về sức khỏe. Xã hội Mỹ giàu mạnh nhưng cũng không thiếu những chứng nan y và xét cho cùng, người ta đều có thể truy tìm nguyên nhân về điều mà ta gọi là căng thẳng tinh thần hay stress. Stress chẳng những là nguyên nhân của nhiều thứ bệnh nhưng cũng làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy thoái, không thể ngăn ngừa bệnh tật. Từ những tai hại về sức khỏe thể xác, đưa đến suy nhược tinh thần và những ảnh hưởng tai hại khác. Con người mất bình tĩnh, dễ cau có, dễ nóng giận, dễ gây ra tội ác. Người ta cũng vô tình đi vào những tật ăn nhiều, ngủ nhiều hay say sưa để bớt đi căng thẳng. Từ đó sinh ra những tệ hại khác.Khi tinh thần căng thẳng, tình cảm con người cũng dễ giao động và vì vậy những bất hòa trong gia đình, trong cộng đồng dễ có cơ hội bộc phát.
Thiên Chúa từ khi tạo dựng vũ trụ cho đến khi ban luật cho con dân của Ngài cũng như trong thời đại Tân Ước và thời đại chúng ta, đã có một mẫu mực và một luật lệ rõ ràng cho con người về một ngày nghỉ nhưng con dân Chúa cũng như chúng ta hôm nay đã vi phạm trầm trọng luật yên nghỉ đó và phải lãnh lấy nhiều hậu quả tai hại, từ bất an trong tâm hồn đến xáo trộn ngoài xã hội và nhiều thứ bệnh tật và đau khổ khác. Thiên Chúa không cần phải nghỉ nhưng sau khi tạo dựng thế giới trong sáu ngày, Thiên Chúa đã nghỉ ngày thứ bảy và ban phước cho ngày nghỉ, đặt đó làm mẫu mực cho con người noi theo. Khi ban luật cho con dân Chúa khi họ vừa được giải phóng khỏi Ai-cập thì giới răn thứ tư là:
Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh!
Con dân của Chúa khi vào Đất Hứa lúc đầu còn tuân giữ luật, nhưng về sau họ đã coi thường, không coi trọng ngày nghỉ và đó là một trong những lý do chính khiến họ bị lưu đày suốt 70 năm mà Thiên Chúa cho biết là để cho đất được nghỉ vì họ đã cày bừa, làm lụng trong những năm mà lẽ ra họ phải để cho đất nghỉ.
Khi Chúa Giê-xu sống trến trần gian nầy, giới lãnh đạo tôn giáo thời đó đã bắt bẻ Chúa về những luật nghi lễ về ngày nghỉ, nhưng Chúa Giê-xu cho họ thấy rằng, Chúa là Chúa của ngày nghỉ và ngày nghỉ đã được đặt ra cho phúc lợi của con người. Một giáo sĩ người Mỹ sau nhiều năm sống ở Do-thái ghi nhận rằng tại đó người ta giữ luật về ngày nghỉ rất nghiêm chỉnh, không cửa hàng nào mở cửa, không có giao thông công cộng và chỉ những dịch vụ nào thật cần thiết mới hoạt động mà thôi. Vị giáo sĩ nầy quen sống như vậy và khi trở lại Hoa-kỳ, so sánh với đời sống ở đây, ông thấy một tuần được nghỉ trọn vẹn một ngày, tinh thần thật sự được thư duỗi và đời sống thấy thoải mái hơn nhiều.
An nghỉ, nghỉ ngơi là một trong những nhu cầu lớn của con người, chính vì vậy mà Thiên Chúa đã đặt luật để con người được ngơi nghỉ. Nhưng con người đã không tôn trọng ngày nghỉ, coi đó như là gánh nặng. Chúa Giê-xu khi đến trần gian nầy đã tuyên bố:
Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ (Phúc Âm Ma-thi-ơ 11:28)
Lời hứa an nghỉ đến từ Chúa Giê-xu và Chúa hứa ban an nghỉ cho những người mệt mỏi và gánh nặng. Không một người nào làm việc bảy ngày một tuần mà lại không mệt mỏi, không ai là người lại không mang những gánh nặng. Có những gánh nặng vì bắt buộc nhưng có những gánh nặng không cần thiết mà ta đã tự buộc lấy cho mình.
Trong hành trình vào Đất Hứa của con dân Chúa ngày xưa, cả một thế hệ đã ngã chết trong sa mạc vì thiếu lòng tin mà về sau Chúa đã phán để cảnh cáo chúng ta như sau: “Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: Chúng sẽ chẳng hề bước vào sự an nghỉ của Ta!” Người xưa đã ngã chết, không được vào Đất Hứa, không được vào sự an nghỉ của Chúa chỉ vì một lý do duy nhất là thiếu lòng tin. Họ không tin là Chúa có thể chinh phục Đất Hứa cho họ và họ đã phản loạn chống lại Chúa. Con người ngày nay cũng vậy, sẽ mãi mãi sống bên ngoài sự an nghỉ của Chúa cho đến khi nào có lòng tin thật nơi Ngài. Chúa Giê-xu đã phán:
Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ!
Nhưng bao nhiêu người trong chúng ta tiếp nhận lời hứa đó, tin lời hứa đó và đến với Chúa?
An nghỉ trong Chúa không có nghĩa là chúng ta sẽ không làm gì nữa cả nhưng chỉ có nghĩa là linh hồn chúng ta được an nghỉ trong Ngài, không còn những lo âu, phiền muộn vì Chúa đã gánh những điều đó thế cho chúng ta khi Ngài chịu chết trên thập giá. An nghỉ trong Chúa cũng có nghĩa là vấn đề tội lỗi của chúng ta được giải quyết vì chính tội lỗi đã tạo nên những bất an, phiền muộn trong tâm hồn và ảnh hưởng cả đời sống chúng ta.
Không ai trong chúng ta có thể làm 24/7, nhưng nhiều người đã sống 24/7, không bao giờ an nghỉ. Thánh Augustine sau nhiều năm lao khổ trong đời sống đã tìm thấy an nghỉ thật sự nơi Thiên Chúa và ông đã cầu nguyện như sau:
Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa nên linh hồn chúng con sẽ không bao giờ được an nghỉ cho đến khi chúng con an nghỉ nơi chính Chúa!
Chúng ta còn khắc khoải là vì chúng ta chưa tìm an nghỉ nơi Đấng đã tạo dựng chúng ta. Chúa Giê-xu đang kêu gọi chúng ta đến với Ngài để được an nghỉ và khi đã an nghỉ nơi Chúa, chúng ta sẽ không thấy là mình phải tuân theo luật ngày nghỉ của Chúa như một điều gì bắt buộc, nhưng sẽ thấy đó là một phần thưởng, một nghỉ ngơi thật sự.
24/7, làm việc luôn, là một phần của đời sống hiện nay nhưng an nghỉ là chương trình của Thiên Chúa cho con người. Hãy tìm an nghỉ nơi Chúa với đức tin nơi Chúa và rồi chúng ta sẽ tận hưởng Chúa mỗi ngày, mỗi tuần trong an nghỉ Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành