Dạy Con (Bài 24)
Tác giả Brian Housman cho biết, sở dĩ ngày nay con cái không gần với cha mẹ, các cháu không gần gũi trò chuyện với ông bà vì các em bị thu hút vào những thiết bị điện toán, mỗi ngày, mỗi giờ, có em khi đi ngủ cũng không muốn rời xa cái phone hay cái iPad. Tác giả này cho biết, các em thiếu niên ngày nay không những sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại nhiều hơn cha mẹ nhưng các em dành phần lớn thì giờ trong ngày để sử dụng những thiết bị truyền thông này và đến 81% các em có thể sử dụng hai ba loại thiết bị khác nhau cùng một lúc. Chỉ với hai bàn tay nhưng các em có thể điều khiển ba, bốn cái máy cùng một lúc. Các em có thể vừa nói điện thoại vừa chơi game vừa làm bài trên computer. Những thiết bị kỹ thuật này không những chiếm hết thì giờ của các em những cũng ảnh hưởng đến tư tưởng của các em, cái nhìn của các em về đời sống, về mọi người trong cộng đồng. Những cuộc biểu tình bạo động xảy ra gần đây sở dĩ có rất nhiều người trẻ tham dự cũng là kết quả ảnh hưởng của truyền thông đại chúng, qua các loại thiết bị người trẻ sử dụng.
Quý vị phụ huynh cần quan tâm và cũng nên lo ngại về ảnh hưởng của những thiết bị truyền thông con em chúng ta đang sử dụng hằng ngày. Ngày trước, khi trong tuổi thiếu nhi, thiếu niên, chúng ta chỉ muốn chạy chơi với bạn ở ngoài sân, ngoài đường, khi nào cha mẹ gọi chúng ta mới vào nhà để ăn cơm với gia đình, để học bài hay chuẩn bị đi ngủ. Ngày nay các em nhỏ không chạy chơi ngoài sân nữa, chúng ta cũng không thể bảo con ra sân chơi vì hầu như tất cả trẻ em trong xóm đều ngồi trong nhà, sử dụng các thiết bị điện tử, dù cũng chơi banh nhưng không vận động thân thể mà chỉ vận dụng trí óc. Có lẽ quý vị cũng biết là những nơi chuyên bán đồ chơi cho trẻ con, cụ thể là tiệm Toys R Us đã phải đóng cửa trên toàn quốc và khai phá sản vì trẻ con ngày nay không chơi đồ chơi nữa. Tuổi thơ vô tư của con em chúng ta ngày nay đã bị hệ thống truyền thông đại chúng uốn nắn, điều khiển và làm chủ. Thật ra, chúng ta không chống lại, cũng không lên án hay đổ lỗi cho kỹ thuật hiện đại của truyền thông đại chúng về những ảnh hưởng trên đời sống con cái, nhưng chúng ta cần kiểm soát và làm chủ, để đầu óc con em chúng ta không bị thông tin trên mạng xã hội làm cho hư hỏng và từ đó làm hỏng luôn đời sống của các em, là cơ nghiệp quý báu Chúa ban cho gia đình chúng ta. Thực tế mà nói, kỹ thuật truyền thông hiện đại đang chen vào đời sống gia đình chúng ta, khiến cha mẹ với con cái, ông bà và các cháu nội ngoại không còn thì giờ trò chuyện với nhau, không còn ra công viên đi bộ với nhau hay chơi đùa với nhau nữa. Tuy nhiên trước khi kiểm soát con cái, trước khi đặt giới hạn cho con, chúng ta cũng cần nhìn lại chính mình. Một số em thiếu niên từng than: “Con ước gì ba má đừng dùng phone nhiều quá nhưng để ý tới con, nói chuyện với con.” Để làm gương cho con cái, chính chúng ta, là cha mẹ phải đặt kỷ luật trước và giới hạn thì giờ chúng ta vào mạng xã hội.
Trước hết, chúng ta nói đến việc sử dụng cell phone. Rất nhiều phụ huynh than phiền về việc con cái dùng phone để gởi tin nhắn cho bạn bè quá nhiều. Dùng phone để gởi lời nhắn cho bạn bè, người thân là điều rất tiện và ích lợi, nó giúp chúng ta trao đổi tin tức và nhắn tin cho nhau cách nhanh chóng và chính xác, nhưng tiện ích này đã gây nhiều nan đề trong gia đình, nhất là giữa cha mẹ và con cái. Dù biết con em chúng ta có khuynh hướng xem bạn bè quan trọng hơn cha mẹ, chúng ta buồn khi thấy con xem trọng bạn, quý bạn, chỉ thích liên lạc trò chuyện với bạn, nhất là bây giờ các em không nói điện thoại nhưng lúc nào cũng nhìn vào phone, nhắn tin cho bạn, trao đổi hình ảnh với bạn, v.v… nhưng phải thành thật mà nói, chúng ta không nên đổ lỗi hết cho con. Chúng ta cũng cần nhớ lại khi trong tuổi thiếu niên chúng ta cũng đối xử với cha mẹ mình tương tự như vậy. Những điều cha mẹ cấm không được làm thì chúng ta muốn làm. Khi cha mẹ cho phép đi chơi với bạn hai tiếng đồng hồ thì chúng ta đi đến bốn tiếng mới về, v.v… Điều chúng ta cần nghĩ lại đó là, nhớ rằng tuổi thiếu niên là tuổi không thích kỷ luật và thường vi phạm kỷ luật, tức là thường đi quá giới hạn cha mẹ đã đặt ra. Nhớ điều đó chúng ta sẽ thông cảm và kiên nhẫn hướng dẫn con thay vì bực bội la mắng hay cấm đoán con. Cha mẹ cần đặt giới hạn rõ ràng cho con biết và giúp con phát huy tinh thần kỷ luật, tức là biết tôn trọng giới hạn cha mẹ đã đặt ra, để rồi cả gia đình đều cùng sử dụng các thiết bị thông tin này cách vui vẻ, thoải mái, đem lại hữu ích cho mọi thế hệ trong gia đình.
Chúng tôi xin nêu vài ví dụ về những giới hạn cha mẹ cần đặt cho con và nói rõ cho con biết, khi con dùng cell phone:
1. Khi nói chuyện với cha mẹ các em phải nhìn cha mẹ mà nói, không cầm điện thoại, không trả lời điện thoại. Chúng ta dạy cho con biết rằng, người mà các em đang nói chuyện mặt đối mặt quan trọng hơn người ở đầu dây bên kia, nhất là khi các em đang nói với người lớn trong gia đình, với ông bà hay cha mẹ. Chúng ta nhắc cho con nhớ rằng, khi con đang nói chuyện trực tiếp với người nào mà điện thoại reng, các em không nên trả lời, hoặc nếu cần, nếu các em đang chờ một cú điện thoại quan trọng, chỉ xem qua để biết người gọi là ai. Các em nên chờ nói chuyện xong với người đang đối diện rồi hãy trả lời điện thoại. Quy luật này cũng áp dụng cho cha mẹ. Khi các con đang nói chuyện với chúng ta, dù đứa con đó còn nhỏ và dù điều con nói mình đã biết rồi, chúng ta cũng nên chờ cho con nói xong, rồi mới trả lời điện thoại hay gọi lại cho người kia. Điều này càng quan trọng hơn nếu con của chúng ta trong tuổi thiếu niên và các em đang muốn nói với cha mẹ một điều gì quan trọng, khó nói hay lúc đó các em mới có cơ hội chia sẻ với cha mẹ. Chúng ta đều biết, khi còn nhỏ con cái thường hay đến kể chuyện này chuyện kia với cha mẹ nhưng khi đến 13, 14 tuổi tức là tuổi bắt đầu nhận diện chính mình, hay mang mặc cảm tự ti, có nhiều thắc mắc, nhiều câu hỏi về đời sống thì các em rất ngại nói chuyện với người lớn, nhất là với cha mẹ. Vì lý do đó, những thì giờ con ở gần bên chúng ta rất quý, chúng ta cần ngưng công việc, để tất cả bận rộn qua một bên để có thì giờ cho con, thật sự quan tâm lắng nghe con nói. Vì có thể lắm là con chúng ta đang cần sự khuyên dạy, hướng dẫn, cần biết rõ tình thương yêu cha mẹ dành cho các em để các em có thể vượt qua một khó khăn hay cám dỗ nào đó trong đời sống. Biết bao nhiêu cha mẹ đã phải ân hận suốt đời vì khi con cần tâm sự, cần chia xẻ nỗi lo lắng hay cần tình thương của cha mẹ, cha mẹ vì bận rộn những công việc khác đã không quan tâm lắng nghe, hoặc nghe nhưng không thông cảm, không bày tỏ tình thương với con.
2. Giờ ngủ ban đêm là để ngủ, không được đem điện thoại vào giường để nhắn tin hay gọi cho ai. Chỗ mà các em trong tuổi thiếu niên thích gởi tin nhắn qua điện thoại là trong phòng riêng và trong giờ ngủ. Những người nghiên cứu cách thiếu niên sử dụng cell phone cho biết, những em hay gởi tin nhắn cho bạn vào ban đêm thường thiếu ngủ khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ mỗi đêm, nhiều em không dám rời xa cái điện thoại, không dám tắt điện thoại vì sợ bạn liên lạc mà mình không biết. Để giúp con không bị thiếu ngủ, rồi ảnh hưởng đến trí nhớ, đến việc học hành, cha mẹ nên đặt luật là buổi tối con phải tắt phone, và không được đem phone vào phòng ngủ. Đối với các em trong tuổi đi học, sức khỏe và việc học là quan trọng hơn hết, nếu bạn hay ai gọi, người đó có thể chờ đến sáng hôm sau. Các em không nên vì quan tâm đến bạn, nói chuyện với bạn mà thiếu ngủ và ảnh hưởng đến việc học. Khi chúng ta cho con thấy vì yêu thương con, quan tâm đến sức khỏe và việc học của con mà cha mẹ nhắc nhở con những điều này, các em sẽ dễ dàng vâng theo lời khuyên dạy của cha mẹ.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành