Dạy Con (Bài 31)
Kính chào quý thính giả, chúng tôi thật vui hôm nay lại được thưa chuyện cùng quý vị qua Câu Chuyện Gia Đình của Chương Trình Phát Thanh Tin Lành. Thấm thoát mà mùa hè năm nay đã chấm dứt. Vì bệnh dịch Covid 19 vẫn còn ở lan tràn nhiều nơi nên mùa hè năm nay không giống như những mùa hè trước đây, bao nhiêu người trong chúng ta đã phải hủy bỏ những chương trình du lịch, đi nghỉ hè, đi dự đám cưới hay đi thăm người thân ở xa. Cho đến nay chúng ta cũng vẫn chưa biết khi nào đời sống mới trở lại bình thường. Dù hoàn cảnh còn khó khăn, niên học mới năm nay cũng đã bắt đầu nhưng con cháu chúng ta, từ bậc tiểu học đến đại học hầu hết phải học trên mạng. Nói như thế có nghĩa là con cháu chúng ta không được đến trường, không được gặp bạn, không được chơi đùa ngoài sân trường với bạn nhưng phải ở nhà, ngồi học trước computer. Vì lý do đó các em lại có nhiều cơ hội dùng computer, iPad, iPhone, và ngoài giờ học trên mạng, con em chúng ta cũng không biết làm gì khác hơn nên cách giải trí phổ thông nhất của các em bây giờ là chơi video game.
Tác giả Brian Housman, là người nghiên cứu rất nhiều về ảnh hưởng nguy hại của video game đối với các em tuổi thiếu niên, chúng tôi xin chia xẻ với quý vị những điều ông viết sau đây. Ông Housman nói: Nếu bảo rằng các em thiếu niên bây giờ thích chơi video game là câu nói quá nhẹ và chưa đúng sự thật, phải nói rằng các em nhỏ bây giờ rất mê video game, ngày nay có thể nói, đến 99% các em từ 12-17 tuổi đều chơi video game, đây là sinh hoạt, là cách giải trí phổ thông nhất của lứa tuổi thiếu niên, chính vì thế mà lợi nhuận của các công ty sản xuất và phổ biến computer game đã gia tăng từ 12 đến 15 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Tuy nhiên điều chúng ta lo ngại không phải vì các công ty này thu được nhiều tiền nhưng vì tính cách bạo hành trong video game đang ảnh hưởng tai hại đến tâm trí con em chúng ta.
Mỗi ngày ngồi trước máy, chơi những trò chơi bạo hành: bắn nhau, giết nhau trên mạng con em chúng ta sẽ quen với những hình ảnh bạo hành chết chóc, máu me, tấm lòng các em trở nên chai đá, dửng dưng trước những cảnh tượng đau thương của con người, các em không còn thấy những hành động bạo hành, gây đau đớn chết chóc như thế là xấu là ác, mình phải tránh xa. Không những dửng dưng, không chút cảm xúc trước nỗi đau đớn của những người mình nhìn thấy trong video game, vì quen nhìn thấy những sự bạo hành đó, con em chúng ta không những trở thành những con người khô khan, không cảm xúc, mà còn có thể trở nên hung dữ, sẵn sàng dùng bạo hành đối xử với người chung quanh khi có điều gì không vừa ý mình. Người ta cho biết, bạo hành trong video game là lý do khiến ngày nay tại trường học thường xảy ra chuyện các em học trò chọc phá nhau, đánh nhau, và khi giận dữ, các em đem súng vào trường bắn nhau. Bạo hành trong video game để lại ảnh hưởng tai hại trên cách suy nghĩ và cách cư xử của con cháu chúng ta là điều rõ ràng, không thể chối cãi được.
Trong hai mươi năm qua đã có hơn 85 cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của video game trên tâm trí và hành động của các em thiếu nhi và thiếu niên, và kết quả của các nghiên cứu này đều đưa đến một kết luận rõ ràng là, có nhiều bằng chứng cho thấy video game thật sự để lại một ảnh hưởng vô cùng tai hại trên tâm trí của những em trong tuổi đang lớn, trí óc đang phát triển. Một ví dụ cụ thể là vào năm 2004, một bài nghiên cứu đăng trên một tờ báo Thiếu Niên kết luận rằng, những em nhỏ chơi những trò chơi bạo hành trên video thường xuyên không thấy ngại khi các em làm cho bạn buồn nhưng trái lại, sẵn sàng dùng bạo lực để đánh lại người nào đụng đến các em. Một số em ngày nay không đồng ý với câu mà trước kia các em được dạy, đó là câu nói rằng: Khi cư xử không tốt với người nào, sau đó chúng ta sẽ cảm thấy ân hận. Tiến sĩ William Sears, một nhà tâm lý học nổi tiếng cho biết, các em nhỏ càng chơi những trò chơi bạo hành nhiều chừng nào thì các em sẽ không còn cảm xúc gì với những sự việc xấu xa tàn ác trong thế giới chung quanh mình. Nguy hiểm hơn nữa, các em còn nhỏ mà xem những trò chơi bạo hành mỗi ngày, các em thấy và nghĩ rằng những hành động bạo hành đó sẽ đem lại cho các em vui thú hay thích thú. Lúc mới chơi trò chơi bạo hành hay mới thấy những hình ảnh tàn ác chết chóc trên mạng, các em cũng có cảm xúc, thấy sợ hay tội nghiệp cho những nhân vật trên mạng, nhưng càng chơi nhiều những trò chơi giết người đó mỗi ngày, tấm lòng các em trở nên chai đá, các em không còn cảm xúc gì trước những hình ảnh máu đổ và người chết nữa, và nguy hiểm hơn nữa là các em cần chơi những trò chơi tàn ác hơn, bạo hành nhiều hơn nữa các em mới thấy thích thú thay vì nhàm nhán.
Khi con em chúng ta chơi trò chơi bạo hành trên mạng, các em không chỉ nhận biết rằng trên đời này, tức là trong thế giới con người, luôn luôn có những người xấu, người ác, muốn làm hại người khác, nhưng các em cũng học cách mình phải phản ứng như thế nào hay phải làm gì khi đối diện với bạo hành, và những trò chơi trên mạng ngày nay gián tiếp dạy rằng các em phải trả thù, trả đũa, phải triệt hạ kẻ thù hay đối phương của mình bằng bạo hành một cách không thương tiếc. Không những thế trong những trò chơi con em chúng ta ưa thích ngày nay, các em thường đóng vai người xấu ác đó và cầm súng đi ra đường giết hại bất cứ người nào mình muốn. Những trò chơi khác cũng để lại ảnh hưởng rất là nguy hiểm, chẳng hạn như trong một trò chơi nọ, người chơi đóng vai trò người xấu, tìm rượt theo cảnh sát để bắn, hoặc vào phá phách trong những hộp đêm, nơi khiêu vũ bê bối; có trò chơi trong đó các em đóng vai những thiếu niên hư hỏng, chạy xe bất kể luật lệ trong khu xóm để người đi trên đường hoảng sợ, đó là cách các em lấy được nhiều điểm và được thắng trong trò chơi.
Trong khi theo tiêu chuẩn đạo đức căn bản của xã hội, chúng ta biết rằng những người sống luông tuồng, vô kỷ luật, cố tình gây tổn hại hay gieo sợ hãi cho người khác sẽ bị kỷ luật, sẽ bị trừng phạt, nhưng trong những trò chơi bạo hành trên mạng, các em thấy rằng khi đóng vai những người sống không luật lệ, gieo sợ hãi hay đau thương, chết chóc cho người khác các em sẽ được điểm nhiều và được thắng trong trò chơi. Trên một phương diện những trò chơi bạo hành này gián tiếp dạy cho các em thiếu nhi và thiếu niên rằng, sống trong xã hội ngày nay mình phải hung dữ gian ác, mánh mung, phải tàn hại người khác thì mới là người thắng cuộc. Đây là điều thật là nguy hiểm, vì những đứa con dại khờ, thiếu hiểu biết, của chúng ta sẽ nghĩ rằng, để được thắng lợi hay thành công trong đời sống các em phải tranh giành, phải gây tổn hại chết chóc cho người khác. Các trò chơi trên mạng không bao giờ dạy thế hệ trẻ rằng mình phải sống nhân từ, yêu thương, tha thứ và khi cần, phải sẵn sàng ra tay giúp đỡ người khác.
Trò chơi bạo hành trên computer, iPad, iPhone là lý do chính khiến thế hệ trẻ ngày nay sống không có tình thương, không tiêu chuẩn đạo đức, cũng không biết nhường nhịn san sẻ với người khác trái lại, nó khiến các em lúc nào cũng muốn triệt hạ người khác để được điều mình muốn. Trước ảnh hưởng tai hại quá lớn lao đó, chúng tôi thiết nghĩ quý vị phụ huynh cần để ý xem con em mình mỗi ngày chơi trò chơi gì, nhìn thấy những hình ảnh gì trên mạng, để rồi dành thì giờ hướng dẫn, kiểm soát và nhắc nhở, với mục đích là để giúp tâm trí những đứa con yêu quý của chúng ta không bị đầu độc bởi những điều xấu xa tội lỗi bởi những trò chơi nguy hiểm trên mạng.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành