Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 13)
Như chúng ta đã biết, một trong những nguyên tắc căn bản của Thánh Kinh về đối thoại là: Mau nghe mà chậm nói, chậm giận. Dù biết đây là nguyên tắc rất hay, nhưng chúng ta thấy thật khó áp dụng. Không những thế, chúng ta còn hay làm ngược lại, tức là chúng ta vẫn chậm nghe, mau nói và mau giận. Trong những tuần qua, chúng tôi có trình bày về những lý do khiến chúng ta không thể chú ý lắng nghe khi người khác, nhất là người phối ngẫu, có điều muốn nói. Hôm nay chúng tôi xin gởi đến quý vị một vài đề nghị để giúp chúng ta có thể lắng nghe cách dễ dàng hơn.
Trong một quyển sách nói về vấn đề đối thoại trong hôn nhân, ông Norman Wright, một nhà khải đạo Tin Lành cho biết, để có thể mau nghe như lời Thánh Kinh dạy, tức là thật sự chú ý lắng nghe khi vợ hay chồng có điều muốn nói, chúng ta cần làm những điều sau:
1. Xét lại xem mình nghĩ gì về người phối ngẫu và cảm nghĩ đó có đúng hay không
Như chúng ta đã biết, những thành kiến, định kiến hay những điều chúng ta in trí về người bạn đời ảnh hưởng rất nhiều đến cách ta đối thoại với người đó. Vì những kinh nghiệm, những đụng chạm trong quá khứ, chúng ta thường có một suy nghĩ hay cảm nghĩ nào đó về người vợ hay người chồng của mình. Có người nghĩ rằng chồng mình hay nói thêm nói bớt. Người thì in trí rằng vợ mình hay che giấu, không nói thật. Người khác thì cho vợ hay chồng mình cố chấp không bao giờ chịu nghe ai cả. Tất cả những định kiến đó ảnh hưởng nhiều trên cách chúng ta nghe khi người đó nói.
Có bà vợ kia sau một hai lần khám phá ra rằng chồng mình không nói sự thật nhưng hay nói thêm. Từ đó bà in trí rằng những gì chồng nói không hoàn toàn đúng sự thật vì thế không nên tin hết trăm phần trăm. Một ngày kia chồng than công việc ở sở lúc này nhiều quá nên về nhà không còn sức để lo vườn tược hay sửa sang những chỗ hư hỏng trong nhà. Bà vợ nghĩ rằng chồng mình nói thêm cho tình trạng có vẻ bi đát, để vợ con thương, nên không tin lời chồng nói và cũng không chú ý lắng nghe. Không những thế bà còn nghĩ rằng có lẽ ông không muốn giúp việc nhà nên lấy cớ là ở sở làm quá nhiều.
Một bà vợ khác thì lúc nào cũng giấu chồng về chuyện tiền bạc. Bà có tiệm giặt ủi. Tuy lúc này không khá bằng những năm trước nhưng cũng vẫn sống được. Tuy nhiên, có lẽ vì muốn chồng đừng trông mong nhiều vào số tiền mình kiếm được hằng tháng nên lúc nào bà cũng than ế ẩm, ít khách không đủ tiền trả sở hụi. Ông chồng biết tính vợ nên mỗi khi bà nói đến chuyện tiền bạc hay công việc làm ăn, ông thường không muốn nghe.
Nếu định kiến của chúng ta về người phối ngẫu hơi quá đáng, chúng ta cần xét lại và sửa đổi, để những định kiến đó không ảnh hưởng đến sự đối thoại giữa hai người. Nếu điều chúng ta nghĩ đúng sự thật, chúng ta nên tìm dịp nói cho người đó biết, để người đó sửa đổi hoặc ít ra cũng hiểu vì sao chúng ta không thể chú ý lắng nghe. Tốt hơn hết, vì lòng thương yêu, chúng ta nên bỏ những định kiến đó đi và sẵn sàng lắng nghe khi người ta yêu muốn chia xẻ tâm tình với chúng ta.
Thật ra, vợ chồng không nên có định kiến với nhau nhưng cần hiểu tâm tính hay thói quen của mỗi người trong cách đối thoại, để dễ thông cảm với nhau hơn.
2. Không chỉ nghe bằng đôi tai nhưng nghe bằng đôi mắt và cả con người của mình
Khi vợ hay chồng mở đầu câu chuyện, chúng ta không những yên lặng nghe nhưng cũng nên nhìn thẳng vào mắt người đó, để ý nét mặt, giáng điệu và cách nói, hầu có thể hiểu được những cảm xúc đằng sau lời nói. Nếu có thể được, chúng ta tạm ngưng những công việc đang làm để dành hết sự chú ý cho người đang nói. Sự chú ý trọn vẹn đó sẽ khích lệ người nói, cho thấy rằng người đó có một chỗ quan trọng trong lòng chúng ta. Chúng ta thật sự quan tâm và muốn chia xẻ những suy tư, lo lắng, cùng những vui buồn của người bạn đời.
Chắc quý vị cũng đã kinh nghiệm những lần có chuyện quan trọng muốn nói với vợ hay chồng nhưng cảm thấy nản không nói được vì người đó cứ tiếp tục làm việc, đọc báo, may đồ hay tai nghe mà mắt cứ dán vào cái ti-vi. Khi làm như thế, chúng ta tỏ ra rằng việc ta đang làm quan trọng hơn điều người phối ngẫu muốn nói. Có người vừa xem ti-vi vừa nghe nên tiếng được tiếng mất và cuối cùng kết luận một câu chẳng liên quan gì đến điều chúng ta nói, hoặc buông một lời an ủi, hay một lời kết luận vô nghĩa chẳng ăn nhập đâu vào với đâu. Khi chúng ta có điều muốn tâm sự mà người nghe quá vô tình, quá thờ ơ, ta sẽ không muốn nói nữa.
3. Dành thì giờ để trò chuyện với nhau, dành ưu tiên cho nhau
Vì đời sống quá bận rộn nên đây là những hình ảnh chúng ta thường thấy giữa vợ chồng: Chồng ở phòng khách đọc báo, vợ nấu ăn trong bếp. Vợ hỏi vói một câu, chồng hét lại câu trả lời. Không những thế, tiếng vòi nước chảy, tiếng quạt trong bếp, tiếng con đùa giỡn, tiếng trong ti-vi làm át mất lời nói của hai vợ chồng. Nên chúng ta có nói, có nghe nhưng chẳng nhớ, chẳng hiểu mà cũng chẳng thông cảm gì cả.
Có người thì trước khi đi làm, vợ chồng trao đổi được vài câu. Thường là trách nhau hay nhắc nhau một điều gì đó hoặc đặt ra một vấn đề nào đó rồi chia tay, không kịp hỏi lại hay nói thêm cho rõ ràng. Suốt cả ngày người này suy nghĩ lời người kia nói rồi đâm ra buồn tủi hay hờn giận.
Mỗi ngày vợ chồng cần có thì giờ trò chuyện với nhau để củng cố tình yêu, thêm thông cảm với nhau. Muốn được như thế chúng ta phải tìm thì giờ và dành thì giờ cho nhau. Khi ăn cơm, khi đi chung trên xe, là lúc vợ chồng dễ nói chuyện với nhau. Những khi cùng làm việc nhà cũng là thì giờ tốt. Thay vì chồng xem ti-vi, vợ nấu cơm, hoặc chồng nói điện thoại với bạn, vợ lo chăm sóc con, chúng ta có thể tắt ti-vi, đừng nói điện thoại, chồng vào bếp phụ vợ, giúp vợ lo cho con, hai vợ chồng vừa làm việc vừa hỏi thăm nhau những việc xảy ra trong ngày. Nếu làm như thế chúng ta sẽ thấy gần nhau vì có dịp nói ra điều mình muốn nói, công việc có người phụ giúp cũng mau chóng và nhẹ nhàng hơn. Khi cùng làm vườn cũng là lúc vợ chồng có thể trò chuyện với nhau.
Nếu trong nhà lúc nào cũng đông người, có những chuyện riêng tư không nói với nhau được, chúng ta có thể rủ nhau đi bộ, ra công việc chạy bộ, vừa tập thể dục, vừa tránh xa những ồn ào chung quanh lại có thì giờ tâm tình với nhau. Thật ra, vợ chồng có thì giờ trò chuyện với nhau hay không là tuỳ chúng ta có muốn nói, có thấy cần nói hay không. Nếu cả hai người đều muốn nói, cần nói và yêu thích những giờ trò chuyện với nhau như hồi chưa cưới, chắc chắn chúng ta sẽ có thì giờ cho nhau.
4. Kiên nhẫn nghe và hỏi thêm để biết rõ chi tiết
Không gì sung sướng cho bằng khi ta có điều muốn nói mà người kia không những chú ý lắng nghe, còn đặt nhiều câu hỏi cho ta có dịp phân trần, phân tích và nói thêm vào chi tiết. Trong thực tế, rất ít người có đủ kiên nhẫn để lắng nghe cách đầy đủ như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể không có thì giờ để nghe chuyện của người khác nhưng đối với vợ hay chồng, dù bận đến đâu, chúng ta cũng cố gắng tìm thì giờ và dành thì giờ để có thể hiểu nhau, biết nhau cách đầy đủ.
Có bà vợ kia, sau khi đi chợ về thường hay khoe mua được cái này rẻ, cái kia tươi tốt. Bà sung sướng vì thấy mình không những tiết kiệm tiền cho gia đình mà còn đem về nhà những món ngon, những vật dụng hữu ích. Đối với bà đó là một việc làm đáng được chồng con chú ý và ghi nhận. Nhưng thường thường bà nói bà nghe vì cả chồng lẫn con đều say sưa xem ti-vi. Thật tội nghiệp bà vợ đó, có niềm vui trong lòng mà không biết chia xẻ với ai. Tức quá, bà gọi điện thoại và kể chuyện đi chợ cho cô em gái nghe.
Có một bà vợ khác, một ngày nọ xuống phố Bolsa gặp được người bạn cũ. Bà mừng quá về kể cho chồng nghe. Ông chồng nghe vậy cũng vui lây, ông hỏi vợ liên tiếp về chi tiết sự gặp gỡ đó. Chẳng hạn ông hỏi: Đó là bạn của em hồi nào, hồi đi làm hay hồi còn đi học? Hồi học ở đại học hay hồi ở tiểu học? Ai nhìn ra ai trước? Nó có nhận ra em không? Nếu vậy là bao nhiêu năm nay em không có thay đổi nhiều em thấy không. Hồi xưa em với cô bạn đó có thân không? Hắn có chồng con gì không? Gia đình ở đây hay ở Việt Nam? Em có xin số điện thoại để bữa nào liên lạc lại không? V.v…
Những câu hỏi dồn dập của chồng làm bà vợ sung sướng kể luôn bao nhiêu kỷ niệm với người bạn đó những ngày còn đi học. Hai vợ chồng mải mê nói chuyện đến lúc mấy đứa con chạy vào bếp than đói hai người mới sực nhớ là mình còn phải lo cho con. Tối hôm đó tuy ăn cơm trễ nhưng bà vợ thật vui không những vì được gặp lại người bạn thân nhưng cũng chia xẻ được niềm vui đó với chồng. Ông chồng thấy vợ vui thì cũng vui lây và cũng kể lại một vài kỷ niệm với bạn của mình ngày trước.
Nhiều người không biết hỏi thêm khi vợ hay chồng có chuyện muốn nói mà cũng không kiên nhẫn nghe. Lúc nào cũng sợ vợ chồng nói chuyện nhiều mất thì giờ, không làm xong việc. Khi chúng ta có điều cần nói mà vợ hay chồng cứ nóng ruột, nhấp nhỏm ngồi không yên, xem đồng hồ, lái sang chuyện khác hoặc đánh trống lãng, v.v… Chúng ta sẽ hết hứng thú để mà nói.
Để chú ý lắng nghe, chúng ta cần tập kiên nhẫn nghe. Nhất là nếu vợ hay chồng chúng ta là người nói chậm hoặc phải khuyến khích nhiều mới nói ra được những điều suy nghĩ trong lòng, chúng ta càng cần phải kiên nhẫn nhiều. Có người thường nói quanh hoặc vào đề rất dài rồi mới nói được điều cần nói. Trong trường hợp vợ chồng đang giận nhau hoặc chuyện buồn giận đã để quá lâu, tổn thương đã nhiều, chúng ta phải thật kiên nhẫn mới có thể bắt đầu đối thoại với nhau được. Có người phải dằn lòng, suy nghĩ một hồi lâu hoặc cố gắng vượt lên trên sự nghẹn ngào trong lòng mới nói được. Có người phải mất hai, ba tiếng đồng hồ mới có thể nói lên điều cần nói. Nếu gặp trường hợp như thế chúng ta đừng thúc hối, nóng nảy. Có người chờ đã lâu mà vợ vẫn không chịu nói thì bắt đầu đếm và nói: “Bà muốn nói thì nói mau đi, tôi chờ 10 giây nữa thôi, và ông ta bắt đầu đếm: 1, 2, 3, có nói không, không nói thì thôi.” Càng thúc giục và càng sốt ruột như thế chúng ta chỉ càng làm cho người kia khó mở lời mà thôi.
Trong những trường hợp đó điều chúng ta cần hơn cả là sự kiên nhẫn. Và nguyên tắc chúng ta cần áp dụng vẫn là: “Mau nghe chậm nói và chậm giận!”
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành