Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 6)
Ðối thoại giữa vợ chồng là điều quan trọng và cần thiết nhưng thường dễ gây ra xích mích, buồn giận và hiểu lầm giữa hai người, vì thế chúng ta cần biết cách đối thoại như thế nào để vợ chồng không phiền giận nhau nhưng hiểu nhau và gần nhau hơn. Thánh Kinh cho chúng ta nhiều nguyên tắc về cách sử dụng lời nói và ảnh hưởng của lời nói. Trong các bài trước, chúng tôi đã trình bày sáu nguyên tắc sau đây từ Lời Chúa dạy: (1) Lời nói có thể làm cho sống hay chết, khiến người nghe buồn nản hay lên tinh thần. (2) Chúng ta cần giữ tâm trí trong sạch vì đó là nơi phát xuất tư tưởng và lời nói. (3) Trong tiến trình đối thoại, nghe quan trọng hơn nói. (4) Lời nói thiếu suy nghĩ gây nhiều tai hại, (5) Lời nói trong lúc nóng giận rất nguy hiểm, (6) Lời nói đúng lúc, đúng chỗ có giá trị lớn. Hôm nay chúng tôi sẽ trình bày hai nguyên tắc 7 và 8 như sau:
- Lời nói nhân từ có tác dụng tốt
Lời nói nhân từ là những lời xây dựng, đem lại an ủi và khích lệ. Chung quanh chúng ta lúc nào cũng có người đang cần được nghe những lời nói nhân từ. Thật ra, chính chúng ta cũng mong được nghe những lời nói nhân từ; nhưng nan đề là, ít có người biết nói hay muốn nói những lời tốt đẹp và cần thiết đó. Kinh Thánh dạy rằng lời lành có ảnh hưởng tốt. Sách Châm Ngôn dạy như sau:
Lưỡi hiền lành giống như một cây sự sống, song lưỡi gian tà làm cho hư nát tâm thần (15:4)
Và:
Sự buồn rầu ở nơi lòng người làm cho nao sờn nhưng một lời lành khiến lòng vui vẻ (12:25)
Lời lành như một cây sự sống và lời lành khiến lòng vui vẻ. Lời lành là những lời khiến người nghe được an ủi, khích lệ. Ai cũng thích người khác nói lời lành với mình nhưng chúng ta lại ít khi nào nói những lành với người khác, nhất là người thân trong gia đình. Ðó là vì bản tính ích kỷ của con người tội lỗi.
Mark Twain, văn sĩ nổi tiếng Hoa Kỳ đã nói: “Một lời khen có thể giúp tôi vui sống trong hai tháng!” Một lời khích lệ có thể giúp một người vui sống trong hai tháng nhưng lắm khi cả năm chúng ta không được ai khích lệ một lời và có người cả đời chỉ chê bai, chỉ trích chứ không bao giờ nói lời khích lệ ai cả. Với tình yêu của Chúa và sức mạnh của Ngài, chúng ta có thể nói những lời nhân từ, mang lại an ủi, khích lệ cho người khác, nhất là người thân yêu trong gia đình.
Khi mới là người yêu của nhau, chúng ta dễ nói với nhau những lời ngọt ngào, nhưng khi đã là vợ chồng, sống bên nhau mỗi ngày và biết rõ khuyết điểm của nhau, chúng ta thường dễ nói những lời làm tổn thương nhau. Xin Chúa giúp chúng ta quản trị lời nói, để chỉ nói những lời nhân từ, ân hậu, mang lại ích lợi cho người nghe, và tránh những lời độc hại, tàn ác, khiến tinh thần người nghe sụp đổ, tan nát. Sứ đồ Phao-lô khuyên:
Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp với mỗi người là thế nào (Thư Cô-lô-se 4:6)
Lời nói ân hậu là lời mà nghe xong, ta cảm thấy ngọt ngào, vì nó mang lại cho ta an ủi hay niềm vui. Lời nói nêm thêm muối là lời nói đậm đà, dễ nghe, khiến người nghe thấy thoải mái, dễ chịu. Chúng ta cần tập nói những lời ân hậu như thế để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với vợ chồng, cha mẹ, con cái cũng như anh chị em trong gia đình. Là vợ chồng, chúng ta không cần nói lời ngọt ngào để chinh phục tình yêu của nhau nhưng cần nói với nhau những lời nhân từ và ân hậu để giữ cho tình yêu của hai người luôn được đậm đà tươi mới. Trong một lá thư khác sứ đồ Phao-lô khuyên:
Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành, giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (Ê-phê-sô 4:29)
Một lần nữa, chúng ta thấy lời lành là lời mang lại lợi ích cho người nghe. Những lời nói xây dựng, mang lại ân phúc thật là quý giá. Nếu vợ chồng lúc nào cũng nói lời ân hậu ngọt ngào với nhau thì gia đình êm ấm và hạnh phúc biết bao. Trái lại, nếu vợ chồng lúc nào cũng tố khổ nhau hay nói những lời khích bác cay đắng để làm đau lòng nhau, không sớm thì muộn, gia đình đó cũng tan nát, vì như Lời Chúa dạy, lời nói có thể làm cho sống nhưng cũng có thể phá hủy và giết chết. Lời nói có thể giết chết hay làm cho sống lại tình yêu, hy vọng và hạnh phúc của gia đình chúng ta.
Có hai vợ chồng kia lấy nhau chưa được mười năm mà tình cảm vợ chồng đã bắt đầu phai nhạt. Mỗi khi nói chuyện là vợ chồng cãi nhau. Không những không nói lời ngọt ngào với nhau nhưng hầu như bàn đến chuyện gì là hai vợ chồng đều bất đồng ý kiến với nhau. Mỗi lần vợ chồng cãi nhau, người vợ buồn, khóc cả đêm và vì thế bị mất ngủ thường xuyên. Một đêm nọ, người vợ không ngủ được vì nghĩ đến những tính khó chịu và lời nói cay nghiệt của chồng. Ðến nửa đêm, tự nhiên chị nghĩ: nếu cứ nghĩ đến những điều mình không thích nơi chồng thì chắc sẽ thức luôn cho đến sáng, vì thế chị bắt đầu nghĩ đến ưu điểm của chồng, và những điều đã khiến chị đến với anh và yêu anh. Sau đó người vợ ra bàn, lấy giấy viết xuống những điều đáng yêu nơi chồng và ở dòng cuối cùng, chị viết: “Em yêu anh vì những đặc điểm trên.” Người vợ bỏ tờ giấy đó trong phong bì và để vào cặp của chồng. Sáng hôm sau, người chồng từ sở gọi về cho vợ, giọng anh rất vui, anh nói rằng anh vẫn yêu chị như ngày nào và anh xin lỗi đã làm vợ anh buồn trong thời gian gần đây. Chiều hôm đó về đến nhà, người chồng hăng hái lấy tờ giấy mà vợ đã ghi ưu điểm của anh, để vào một cái khung hình và treo lên tường. Từ đó hai vợ chồng không còn cãi nhau hay giận nhau nữa. Không những thế, người chồng còn hay viết note cho vợ, bày tỏ tình thương yêu và anh cũng tế nhị hơn trong cách cư xử. Người vợ thật vui mừng, không ngờ mình chỉ làm một việc nhỏ là nói lên ưu điểm của chồng mà nhờ đó tình yêu của hai người đã sống lại và gia đình được hạnh phúc.
Ðây là điều thật đơn giản, dễ làm mà nếu chúng ta bắt chước chúng tôi tin rằng tình cảm giữa chúng ta với người thân yêu sẽ được sống lại hoặc được tươi mới hơn.
- Nói nhiều sẽ vấp váp và lầm lỗi nhiều
Châm Ngôn 10:19 dạy:
Hễ lắm lời vi phạm nào có thiếu, nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan.
Nguyên tắc này thật rõ ràng, dễ hiểu. Chúng ta không những đồng ý với lời dạy này mà có lẽ cũng từng có những kinh nghiệm đau thương vì tính nói nhiều của chính mình hay của người khác. Tác giả sách Châm Ngôn không chỉ cảnh cáo một lần nhưng nhiều lần về nguy hiểm của bệnh nói nhiều. Ông viết:
Kẻ canh giữ miệng mình giữ được mạng sống mình, nhưng kẻ nào hở môi quá bèn bị bại hoại (13:3)
Hoặc:
Trong các thứ công việc đều có ích lợi nhưng miệng nói nhiều chỉ dẫn đến sự thiếu thốn (14:23)
Hai câu này hàm ý rằng, nói nhiều không ích lợi nhưng còn đem lại nghèo khổ, tai hại, lắm khi hại đến bản thân. Song song với lời cảnh cáo đó, Kinh Thánh cũng dạy, nói ít không những đỡ nguy hiểm mà còn được kể là khôn ngoan:
Người nào kiêng lời nói mình có tri thức; còn người có tính ôn hàn là một người thông sáng. Khi nín lặng, dầu người ngu dại cũng được cầm bằng khôn ngoan, còn kẻ nào ngậm môi miệng mình lại được kể là thông sáng (Châm Ngôn 17: 27-28)
Sứ đồ Phao-lô cho chúng ta một nguyên tắc đối thoại thật đầy đủ và quý giá:
Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói, hãy nói một vài lời lành, giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến (Ê-phê-sô 4:29)
Theo lời dạy này, trước hết, chúng ta không nói lời dữ, là lời gây tổn thương hay khiến người nghe nản lòng. Thứ hai, chúng ta chỉ nói khi đáng nói, tức là nói đúng lúc, đúng chỗ. Và thứ ba,khi cần nói và đáng nói chúng ta không nói nhiều nhưng chỉ nói một vài lời lành, hữu ích cho người nghe. Chúng tôi thiết tưởng đây là nguyên tắc gói trọn đầy đủ mọi khía cạnh trong việc đối thoại.
Chúng ta thường thích nói hơn là yên lặng, nhất là nói lên ý mình hay những điều mình làm hoặc nói ra những sai sót của người khác và khuyên bảo người khác, nhưng có nhiều lúc chúng ta cần yên lặng hơn là nói bất cứ một lời nào. Người tế nhị, ít lời cũng như người yên lặng trong những hoàn cảnh không nên nói được xem là khôn ngoan và được người chung quanh kính nể và tin cậy. Nói ít và chỉ nói khi đáng nói là điều rất khó đối với một số người. Chúng ta thường muốn nói nhiều với những người dưới mình và những người quá quen quá gần với mình. Nhưng lời Kinh Thánh dạy không bao giờ sai:
Hễ lắm lời vi phạm nào có thiếu, nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan (Châm Ngôn 10:19)
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành