Hôn Nhân Bền Lâu

Kính chào quý thính giả, cảm tạ Chúa cho Câu Chuyện Gia Đình của Phát Thanh Tin Lành lại được đến với quý vị hôm nay. Chúng tôi mong rằng tất cả chúng ta, là người có gia đình và đang sống trong hôn nhân, sẽ dâng hôn nhân và gia đình mình trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, để được Ngài dẫn dắt, gìn giữ, giúp cho hôn nhân của chúng ta luôn bình an hạnh phúc. Xin Chúa cũng thêm sức giúp chúng ta thực hành lời Chúa dạy vào đời sống hằng ngày, trong cách vợ chồng sống và cư xử với nhau. Chúng ta biết nam và nữ khác nhau trong nhiều phương diện: nhất là về tính tình, cách làm việc, cách nói năng, bày tỏ cảm xúc cũng như cách giải quyết nan đề trong đời sống. Vì khác nhau như vậy, khi sống chung dưới một mái nhà, hết ngày này sang ngày khác, vợ chồng khó tránh được có những lời nói hay hành động gây buồn phiền và làm tổn thương nhau.
- Hôm nay chúng tôi xin trình bày tiếp đề tài: “Tiêu Chuẩn cho Một Hôn Nhân Bền Lâu,” và xin nói thêm về cách làm thế nào để những bất đồng ý kiến giữa vợ chồng không khiến chúng ta buồn giận nhau nhiều đến nỗi phải chia tay. Những nguyên tắc Kinh Thánh dạy chúng tôi chia xẻ trong Câu Chuyện Gia Đình này hằng tuần rất quan trọng, đây không phải là ý kiến của con người nhưng là Lời của Thiên Chúa truyền dạy cho chúng ta, là con người Chúa đã tạo dựng và yêu thương. Sau khi tạo dựng loài người, Chúa thiết lập hôn nhân để ban phước cho đời sống con người, vì vậy những nguyên tắc Chúa dạy về cách sống trong hôn nhân là điều quan trọng chúng ta cần vâng theo, để hôn nhân của chúng ta được bình an, hạnh phúc. Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, ban cho người nam người nữ những tính tình, khả năng, sở thích khác nhau. Khi sống chung trong hôn nhân, những khác biệt đó sẽ giúp vợ chồng bổ khuyết cho nhau, để đời sống có nhiều sắc thái và có ý nghĩa. Hôn nhân là định chế tốt đẹp Thiên Chúa thiết lập để con người vui hưởng; không những thế, qua hôn nhân, chúng ta sẽ trưởng thành, hiểu được tình yêu Chúa dành cho mình để rồi sống với người chung quanh, nhất là với người phối ngẫu bằng tình yêu cao đẹp đó.
Theo lời sứ đồ Phao-lô dạy, mối quan hệ vợ chồng phải sâu đậm và đúng theo thứ tự như mối quan hệ giữa Chúa Cứu Thế và người tin Ngài. Phao-lô khuyên những người có gia đình lời sau đây: “Vì kính sợ Chúa Cứu Thế, hãy thuận phục nhau. Hỡi người làm vợ, hãy thuận phục chồng như thuận phục Chúa. Vì chồng là đầu vợ, cũng như Chúa Cứu Thế là Đầu Hội Thánh. … Vậy nên, như Hội Thánh thuận phục Chúa Cứu Thế thể nào thì vợ cũng phải thuận phục chồng trong mọi sự thể ấy.” Và với quý ông, là chồng, sứ đồ Phao-lô khuyên: “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Chúa Cứu Thế đã yêu Hội Thánh, xả thân vì Hội Thánh. … Cũng vậy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ là yêu chính mình. Vì không hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng, chăm sóc như Chúa Cứu Thế đối với Hội Thánh.” Và Phao-lô kết luận:
Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như chính mình, còn vợ thì phải kính trọng chồng” (Thư Ê-phê-sô 5:21-33).
Nói cách vắn tắt, mạng lệnh Chúa truyền cho những người đang sống trong hôn nhân là: “Chồng yêu vợ như yêu chính mình, còn vợ thì vâng phục chồng như vâng phục Chúa.” Lời Chúa dạy thật đơn giản dễ hiểu, cũng không quá khó để vâng theo. Tuy nhiên, vì là con người tội lỗi yếu đuối, vì lòng ích kỷ, kiêu ngạo, chúng ta xem mình quá quan trọng hoặc nghĩ rằng mình là người hoàn toàn, không làm gì sai quấy, nên người làm vợ thấy khó vâng phục chồng, còn chồng thì thấy vợ mình khó yêu thương. Có những vợ chồng phiền giận nhau nhiều mà không muốn nói ra, vì nghĩ có nói ra cũng vô ích, vì nan đề giữa hai người không thể nào giải quyết được. Nếu gặp trường hợp như vậy, tức là vợ chồng không muốn nói chuyện để thông cảm và giải hòa với nhau thì chúng ta phải làm gì? Lời Chúa trong Kinh Thánh cho chúng ta lời dạy sau đây:
“Đừng làm điều gì vì lòng ích kỷ hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, xem người khác đáng tôn trọng hơn mình. Mỗi người trong anh em đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người khác nữa” (Thư Phi-líp 2:3-4).
Chúng ta cần áp dụng nguyên tắc này vào hôn nhân, cả vợ và chồng đều vâng theo lời Chúa dạy. Đó là: chúng ta sẽ không nói hay làm bất cứ điều gì vì lòng ích kỷ hoặc vì hư vinh, cho mình là quan trọng, nói gì làm gì cũng đúng, không bao giờ sai lầm. Ngược lại, chúng ta cần có lòng khiêm nhường, xem người bạn đời đáng tôn đáng trọng hơn mình. Chúa muốn mỗi chúng ta đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng nhưng phải quan tâm đến lợi ích của người phối ngẫu.
Khi thực hành lời Chúa dạy, vợ chồng sẽ quan tâm chăm sóc nhau, người này nghĩ đến phúc lợi và niềm vui của người kia, không ai sống ích kỷ để rồi gieo đau buồn cho người bạn đời. Đến đây có lẽ quý vị đặt câu hỏi: Nếu khi vợ chồng có điều phiền giận nhau, một người (vợ hoặc chồng) muốn nói ra để giải hòa nhưng người kia không muốn thì phải làm sao? Một nhà tâm lý học Tin Lành đề nghị vài điều như sau, nếu áp dụng những điều này có thể giúp vợ chồng chúng ta hiểu nhau và sẽ dễ dàng giải hòa với nhau.
1. Tìm đọc những tài liệu nói về khác biệt giữa nam và nữ trong cách truyền đạt tư tưởng, nói lên những gì mình suy nghĩ trong lòng
Khác biệt giữa nam và nữ trong cách nói năng để diễn đạt những gì suy nghĩ trong trí là điều có lẽ chúng ta không biết hoặc không nghĩ đến. Nhiều người nghĩ rằng: là con người, nên là nam hay nữ chúng ta cũng suy nghĩ giống nhau và diễn đạt điều mình suy nghĩ cũng giống nhau. Thật ra, những người nghiên cứu về cách suy nghĩ, nói năng của nam và nữ cho biết rằng, khác biệt trong cách đối thoại và cách diễn đạt tư tưởng giữa nam và nữ là một điều huyền bí, khó hiểu, ít ai có thể biết được. Có lẽ quý vị cũng thấy điều này hoặc đã kinh nghiệm điều này. Nhiều khi vợ chồng vì hiểu sai ý nhau mà đi đến phiền giận và rồi không muốn chuyện trò hay nói gì với nhau nữa. Các cụ ngày xưa có lẽ cũng thấy nỗi khó khăn khi vợ chồng không hiểu nhau, vì vậy có câu: “Ông nói gà bà nghe vịt,” hàm ý chồng nói một điều nhưng vợ hiểu ra một điều khác, vợ chồng có chuyện trò trao đổi mà không hiểu nhau. Khi điều này xảy ra, vợ chồng sẽ có nan đề trong đối thoại, tức là nói mà không hiểu hoặc hiểu lầm ý nhau và rồi không muốn nói gì với nhau nữa. Vì vậy chúng ta cần đọc những tài liệu nói về khác biệt trong cách đối thoại giữa nam và nữ, sẽ giúp chúng ta hiểu vợ/chồng mình hơn, chẳng hạn như sẽ biết tại sao khi có chuyện cần nói, người đó thường im lặng chứ không nói. Hoặc tại sao người này nói nhiều nhưng không hay giận, còn người kia ít nói nhưng lại dễ giận, hay giận, v.v…
2. Đừng nghĩ rằng chuyện không vui xảy ra là vì lỗi của mình/Người phối ngẫu không muốn nói vì không thương mình
Nhiều người khi có chuyện không vui giữa vợ chồng thì nhận lỗi liền, nói: “Lỗi tại tôi” rồi sau đó ân hận, buồn giận chính mình và vì vậy nan đề cũng không giải quyết được. Trong Câu Chuyện Gia Đình kỳ tới chúng tôi sẽ trình bày thêm những điều chúng ta cần làm khi người phối ngẫu phiền giận, không muốn nói chuyện, để vợ chồng sẽ hiểu nhau và yêu thương nhau hơn (còn tiếp).
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành