Hy Vọng Phục Sinh
Ai trong chúng ta cũng đều có những giờ phút đau thương khi có một người thân từ giã cõi đời. Chắc Bạn đã có lần đến thăm một gia đình tang chế hay có thể chính Bạn là người ở trong gia đình tang chế đó. Đó là những lúc thật buồn. Có khi chúng ta muốn nói một vài lời an ủi nhưng không nói được hay không biết phải nói gì. Cổ chúng ta nghẹn lại và niềm đau xót của chúng ta có lẽ là cách tốt nhất giúp cho gia đình tang chế thấy rằng ta thật sự thông cảm.
Ngày xưa, khi sống trên trần gian nầy, Chúa Giê-xu cũng đã một lần đến thăm một gia đình tang chế. Gia đình nầy chỉ vỏn vẹn có ba người: La-xa-rơ là anh cả với hai người em gái là Ma-thê và Ma-ri. Một ngày kia La-xa-rơ bị đau và chẳng bao lâu đã từ trần, để lại cho hai người em nhiều nhớ nhung, thương tiếc. Trong gia đình có tang, buồn nhất là lúc việc chôn cất đã xong, chúng ta trở về với căn nhà hiu quạnh. Chính trong khung cảnh đó, Chúa Giê-xu đã đến với gia đình nầy.
Chúa đã làm gì trước cảnh tang chế đó? Chúa đã khóc! Tại sao Chúa lại khóc khi chẳng bao lâu sau đó Chúa đã kêu người chết sống lại? Chúa biết La-xa-rơ sẽ sống lại, tại sao Chúa còn khóc? Chúa Giê-xu không khóc vì thất vọng nhưng Chúa đã khóc vì thông cảm, vì muốn hòa mình với niềm đau của gia đình nầy. Nếu giờ đây Bạn đang buồn, đang khóc vì một sự phân ly, chia cách nào đó thì hãy biết rằng Chúa Giê-xu thông cảm với Bạn, Ngài cùng khóc với Bạn. Nhưng Chúa Giê-xu không những chỉ khóc để thông cảm, Chúa đã gọi La-xa-rơ sống lại để giải quyết vấn đề đau thương tận gốc rễ! Trước đó Chúa đã nói với người em của La-xa-rơ rằng:
“Ta là sự sống lại và sự sống… ngươi tin điều đó chăng?”
Ngày thứ Sáu chúng ta cùng nhau kỷ niệm sự thương khó và sự chết của Chúa Giê-xu, nhưng câu chuyện không dừng lại tại đó: thứ Sáu Chúa chết nhưng đến Chúa Nhật, Ngài đã sống lại. Trong Chúa Nhật Phục Sinh, hàng tỉ người trên thế giới cùng nhau vui mừng kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-xu. Nhưng không phải chỉ kỷ niệm, Mùa Phục Sinh cũng nhắc chúng ta nhớ rằng sự phục sinh của Chúa Giê-xu có liên quan mật thiết đến đời sống mỗi chúng ta.
Trước hết nó cho ta thấy rằng phục sinh là một tiến trình quan trọng và cần thiết trong đời sống. Chúa Giê-xu không sống lại nếu trước đó Ngài không chịu chết. Chúa Giê-xu đã nói trước cho môn đệ của Ngài rằng Ngài phải chịu đau đớn, chịu chết và rồi sẽ sống lại. Chúa đã từng so sánh sự chết của Chúa với việc hạt giống gieo xuống đất, chịu rữa nát trước khi nẩy sinh mầm sống. Chúa phán:
“Nếu hột giống lúa mì kia chẳng chết sau khi gieo xuống đất thì cứ ở một mình, nhưng nếu chết đi thì kết quả được nhiều.”
Nói như vậy nghĩa là nếu chúng ta để nguyên hột lúa mì thì hột lúa mì vẫn chỉ là một hột lúa mì, nhưng nếu ta gieo hột lúa mì xuống đất, mầm sống mới từ đó nẩy nở.
Người ta tìm thấy những hột lúa mì trong các kim tự tháp ở Ai-cập đã nằm ở đó hàng ngàn năm và khi gieo xuống những hạt lúa mì đó vẫn nẩy mầm. Sự sống sẽ không đến, nếu trước đó không có sự chết. Chúa Giê-xu phải chịu thương khó, phải chịu chết trước khi Ngài sống lại. Đời sống của chúng ta cũng vậy, trước khi có thể kết quả, sống một đời lợi ích cho tha nhân, ta phải chết. Chúa Giê-xu phán:
“Ai muốn theo Ta, người đó phải từ khước chính mình, vác thập tự giá mà theo Ta.”
“Vác thập tự giá” là kể mình như đã chết, như tử tội vác thập giá ra pháp trường. Có chết như vậy ta mới sống.
Phục Sinh năm nào cũng đến vào mùa Xuân với một ý nghĩa đặc biệt. Nhìn chung quanh, Bạn có thấy nắng ấm hơn, ngày dài hơn và hoa lá đâm chồi nẩy lộc khắp nơi không? Ai đã từng sống ở miền tuyết giá sẽ thấy điều nầy rõ hơn nhiều. Sau những tháng mùa Đông dài lạnh lẽo, cây cỏ trơ trọi, mùa Xuân đến là ta thấy cả một thế giới mới, hoàn toàn khác với cảnh vật một vài tháng trước đó. Cuộc đời của Bạn có thể đang trải qua những tháng mùa Đông rét mướt, khô tàn, héo úa, nhưng Mùa Xuân đã đến. Mùa Xuân đã đến trong sức mạnh phục sinh. Nếu Chúa Giê-xu đã phải chịu thương khó, chịu chết rồi mới sống lại thì Bạn và tôi cũng vậy. Phục sinh là một tiến trình, có chết rồi mới có sống, có đau thương rồi mới hoan hỉ. Hãy nhớ rằng đời sống là một tiến trình để rồi vui sống. Hãy cùng chết với Chúa, hãy chôn con người tội lỗi, xấu xa cũ và sống đời sống mới với Chúa trong mùa Phục Sinh nầy.
Phục sinh không những chỉ là cùng chết và cùng sống lại với Chúa Giê-xu trong tiến trình phục sinh nhưng cũng có nghĩa là chúng ta sống một đời sống có ý nghĩa. Chúa Giê-xu phán:
“Vì Ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống.”
Bạn và tôi, chúng ta đều đang sống, nhưng sống nghĩa là gì? Có những người nằm trong bệnh viện trong tình trạng hôn mê nhưng tim vẫn còn đập hay óc vẫn còn phát ra những tín hiệu nên bác sĩ không thể công bố là người đó chết. Nhưng sống như vậy thì ai muốn sống? Sống, vì vậy không phải chỉ là thở, ăn uống, nói năng, hoạt động… nhưng sống là đi trên đường đời với một mục đích rõ ràng, biết mình sống để làm gì và rồi sẽ đi về đâu. Sống thật là sống với ý nghĩa, sống với sức mạnh vươn lên như cỏ cây hoa lá tràn đầy nhựa sống. Sống thật là sống với sự sống của Đấng Chí Cao, không phải chỉ là sự sống thân xác nhưng là sự sống tâm linh, được tương giao, được nối tiếp với nguồn sống.
Khi đặt niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, đối tượng của niềm tin chúng ta là một đối tượng sống. Chúa Giê-xu đã sống lại và đang sống để bảo đảm cho chúng ta sự sống viên mãn trong Ngài. Bạn có để ý lời tuyên bố của Chúa Giê-xu không? Lời phán của Chúa gồm hai phần:
(1) Ta là sự sống lại
(2) Ta là sự sống
Chúa sống lại đem lại cho chúng ta hy vọng và đảm bảo cho sự cứu rỗi của chúng ta. Ngài là người duy nhất chết cho loài người và cũng là người duy nhất sống lại. Chúa là sự sống nghĩa là Chúa ban cho chúng ta ý nghĩa đích thực của đời sống.
Bạn đang sống, nhưng sống như thế nào? Sống với những đau buồn triền miên hay sống với niềm vui bất tận? Mùa Phục Sinh năm nay sẽ có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta nếu chúng ta chịu trả lời câu hỏi của Chúa. Ngài phán:
“Ta là sự sống lại và sự sống… ngươi tin điều đó chăng?”
Tin chẳng những là chấp nhận nhưng cũng có nghĩa là ký thác, giao trọn cuộc đời cho Chúa hướng dẫn và dìu dắt.
Thứ Sáu Thương Khó đã đưa đến Chúa Nhật Phục Sinh, cái chết đau thương đã đưa đến sự sống lại vinh hiển, hột lúa mì chôn xuống lòng đất đã nẩy sinh mầm sống. Còn Bạn thì sao? Bạn đã chết với Chúa để được sống lại với Ngài chưa? Bạn có tin rằng Chúa Giê-xu là sự sống lại và sự sống để được cùng sống với Chúa và sống một đời có ý nghĩa không? Mời Bạn đến với Chúa và đáp ứng tiếng gọi của Chúa hôm nay:
“Ta là sự sống lại và sự sống… ngươi tin điều đó chăng?”
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành