Kinh Lạy Cha (Bài 2)
Một trong những từ gần đây người ta dùng rất nhiều để tri ân hay ca tụng là hai chữ “vinh danh”: vinh danh thi sĩ nầy, vinh danh nhà văn nọ, vinh danh các bà mẹ, vinh danh các anh hùng liệt sĩ, v.v… Hai chữ “vinh danh” thật hay và thật đúng, tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc đời của chính mình, nhìn vào thế giới chung quanh và nhìn vào Lời Chúa, tôi thấy rằng hai chữ “vinh danh” chỉ nên dùng hay chỉ đáng dùng cho một người, nói đúng hơn cho một Đấng mà thôi, đó là Đấng Thượng Đế Chí Cao, chủ tể của trời đất, Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời hay Thiên Chúa. Khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, tức là khi Đức Chúa Trời mang thân xác con người để vào đời, thiên thần đã hát những lời mà ta vẫn nghe vào mỗi dịp Giáng Sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời!” Chỉ một mình Thiên Chúa mới đáng nhận hai chữ “vinh danh” mà thôi!
Khi dạy các môn đệ cầu nguyện, trước hết Chúa Giê-xu cho thấy cầu nguyện không phải là tụng niệm hay cầu kinh nhưng cầu nguyện là thưa chuyện với Người Cha Thiêng Liêng ở trên trời. Chúa phán: “Các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng con ở trên trời!” Kinh Lạy Cha là một bài cầu nguyện mẫu để chúng ta theo đó thưa chuyện với Chúa. Sau khi cho thấy cầu nguyện là tâm tình với một người cha, Chúa Giê-xu cho thấy điều đầu tiên con người cần làm khi đến với Chúa là phải tôn thờ Ngài.
Bạn nghĩ đến điều gì khi nghe hai chữ cầu nguyện? Nói đến cầu nguyện là chúng ta nghĩ đến việc XIN một điều gì. Nhưng theo lời dạy của Chúa Giê-xu, cầu nguyện trước hết là mối tâm giao đậm đà thắm thiết với một người cha vì Chúa bảo chúng ta cầu nguyện, “Lạy Cha chúng con ở trên trời!” Sau khi móc nối đường dây hay thiết lập mối tương giao giữa chúng ta với Thiên Chúa rồi, Chúa Giê-xu bảo chúng ta cầu nguyện ba điều sau: “Danh Cha được Thánh, Nước Cha được đến, Ý Cha được nên ở đất như ở trời.” Ba lời cầu nguyện nầy là ba lời tâm niệm hay ba lời suy tôn dành cho Chúa của chúng ta. Như vậy chúng ta thấy rằng cầu nguyện không phải là xin xỏ hay tụng niệm nhưng cầu nguyện là tâm giao với người Cha thiêng liêng và cầu nguyện là suy tôn hay tôn thờ Đấng Chí Cao.
Cầu nguyện là tâm giao, cầu nguyện là tôn thờ, đây là hay ý niệm rất quan trọng. Cầu nguyện là tâm giao vì chúng ta thưa chuyện với người Cha của chúng ta ở trên trời. Tuy nhiên cầu nguyện cũng là tôn thờ vì Người Cha đó là ai? Người Cha đó chính là Đấng Tạo Hóa Chí Cao. Đây là một quân bình cần thiết mà chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ. Chúa là Đấng yêu thương, nhân từ, bác ái, nhưng Chúa cũng là Đức Chúa Trời vĩ đại, quyền uy, công bình, thánh khiết. Quên đi một trong hai điều, hay chỉ nhấn mạnh một trong hai điều sẽ làm cho đời sống thiếu quân bình và khiến chúng ta có cái nhìn lệch lạc về Chúa.
Chính vì vậy mà sau khi bảo chúng ta cầu nguyện, “Lạy Cha chúng con ở trên trời,” Chúa bảo chúng ta hãy cầu nguyện tiếp, “Danh Cha được Thánh, Nước Cha được đến, Ý Cha được nên ở đất như trời.” Đây là những lời suy tôn, ca ngợi và cũng là những lời tâm niệm cho chính mình vì Chúa là Đấng quyền uy cao cả, chúng ta đến tâm sự với Chúa, nhưng chúng ta cũng đến để tôn thờ và thần phục Chúa, hai điều nầy phải đi song song với nhau.
Tôn thờ và thần phục như thế nào? Chúa nói đến ba phương diện, đó là Danh Chúa, Nước Chúa và Ý Chúa. “Danh Cha được Thánh, Nước Cha được đến, Ý Cha được nên.” Danh Chúa nói đến bản chất của Chúa. Bản chất của Chúa là thánh khiết, công bình như vầng dương, như mặt trời. Mỗi khi có hiện tượng nhật thực dù chỉ một phần mặt trời bị mặt trăng che khuất, người ta căn dặn chúng ta không được nhìn thẳng vào mặt trời vì mắt có thể bị hỏng hoàn toàn nếu nhìn thẳng vào mặt trời như vậy. Mặt trời bị che khuất mà ta không thể nhìn thẳng vào nói gì đến mặt trời lúc chiếu rọi hoàn toàn. Nhưng mặt trời là gì? Mặt trời chỉ là một tạo vật nhỏ bé của Đức Chúa Trời! Có một người kia không tin có Đức Chúa Trời, người đó bảo bạn mình hãy chỉ Đức Chúa Trời cho anh ta thấy thì anh mới tin. Người bạn bảo: “Anh cứ ra ngoài trời nhìn thẳng vào mặt trời là anh thấy Đức Chúa Trời ngay!” Anh ta nói: “Sao anh xúi dại tôi vậy, mù mắt làm sao?” Người bạn trả lời: “Mặt trời chỉ là một tạo vật của Đức Chúa Trời mà anh còn không thể nhìn, làm sao anh nhìn thấy Đức Chúa Trời được?”
Chúng ta phải suy nghĩ đến Đức Chúa Trời là Đấng cao cả, vĩ đại, quyền uy, thánh khiết như vậy thì mới hiểu được tại sao Chua dạy chúng ta cầu nguyện: “Danh Cha được Thánh.” “Danh Cha” là nói đến bản tính của Ngài, bản tính công chính, thánh khiết, không thể ung dung dưỡng những gì bất khiết tội lỗi. Không cần phải nói đến mặt trời, cứ nhìn vào ngọn lửa trong bếp. Ngọn lửa xanh hiền hòa giúp chúng ta nấu nướng, sưởi ấm chúng ta, nhưng chúng ta không thể chơi với lửa, đưa tay vào lửa, chính ngọn lửa đó sẽ làm cho ta bị phỏng. Bản tính thánh khiết của Đức Chua Trời cũng giống như vậy. Thánh Kinh dạy: “Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt!”
Khi cầu nguyện, “Danh Cha được thánh” là chúng ta ý thức bản tính thánh khiết của Chúa và sống theo ý thức đó. Nếu chúng ta muốn Danh Chúa được thánh thì đời sống của chúng ta phải thánh. Thánh không có nghĩa là tu trì, xuất thế, nhưng thánh là nhập thế, là sống giữa dòng đời tội lỗi mà không để cho tội lỗi đó làm cho mình bị ô nhiễm. Làm sao sống như vậy được? Ai trong chúng ta cũng biết hình ảnh của hoa sen giữa bùn lầy: “Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!” Đó là hình ảnh của một người con của Chúa giữa trần gian tội lỗi. Nếu chúng ta gọi Chúa là Cha của chúng ta thì chúng ta cũng phải giống như Cha của mình. Cha của chúng ta là Đấng thánh khiết, chúng ta cũng phải sống đời thánh khiết. Chúa Giê-xu phán: “Ta là ánh sáng của trần gian” và rồi Chúa cũng gọi những người theo Chúa: “Các người là ánh sáng của trần gian.” Là con của Chúa chúng ta phải chiếu rọi ánh sáng vào nơi tối tăm. Xã hội nầy càng có nhiều người sống như vậy sẽ càng đỡ đi tam tối. Với những bạo động, cướp bóc giết chóc xảy ra chung quanh mỗi ngày, chúng ta thấy thật đau lòng. Chúng ta làm gì giữa tình thế nầy? Chúng ta phải thật sự cầu nguyện, “Danh Cha được Thánh” và sống theo lời cầu nguyện đó.
Như đã nói trong chương trình lần trước, cầu nguyện không phải là hèn yếu, ủy mị, nhưng cầu nguyện là thực tế và tích cực vì chúng ta cầu nguyện và sống với lời cầu nguyện của mình. Chúng ta cầu nguyện cho Danh của Chúa tức là bản tính của Chúa được tôn thánh thì chúng ta phải sống thế nào để Danh của Chúa thật được tôn thánh. Chúa Giê-xu chẳng những gọi chúng ta là ánh sáng của trần gian Chúa cũng gọi chúng ta là muối của đất. Muối có công dụng gia tăng hương vị cho thức ăn và giữ cho thức ăn khỏi hư hỏng. Là con của Chúa, chúng ta chẳng những chiếu rọi ánh sáng của Chúa vào trần gian tăm tối, chúng ta cũng phải tạo một ảnh hưởng tốt, một ảnh hưởng tích cực cho xã hội chúng ta đang sống. Cũng giống như muối, chúng ta phải sống thế nào để đời sống thêm hương vị và là tác nhân để cho đời bớt đi băng hoại.
Người đời coi một số điều như bình thường, chúng ta phải sống khác, đó là thánh, đó là làm cho danh Chúa được thánh. Trong giới răn thứ ba, Chúa dạy, “Ngươi không được lấy Danh Chúa làm chơi!” Ngược lại với việc làm vinh danh Chúa là lấy danh Chúa làm chơi, hay coi thường danh Chúa. Chúng ta coi thường danh Chúa khi chúng ta xưng mình là người của Chúa mà đời sống đi ngược lại lời dạy của Chúa, không phản ánh chút gì là người của Chúa. Chúng ta coi thường Danh Chúa khi chúng ta chỉ có lớp vỏ đạo đức bên ngoài trong khi con người thật của chúng ta thì khác. Cầu nguyện: “Danh Cha được thánh,” vì vậy là một lời tâm niệm hằng ngày chẳng những để vinh danh Chúa nhưng cũng rắp tâm sống thế nào để người khác thấy Chúa qua cuộc sống của chúng ta.
Đã một lần tôi nói với quý vị câu nầy nhưng hôm nay tôi muốn nhắc lại, đó là câu: “Thượng Đế duy nhất mà người khác thấy là chính bạn.” Vâng, đúng như vậy, người khác có thể không nhìn thẳng vào mặt trời để thấy Chúa được nhưng họ có thể nhìn vào đời sống của Bạn và tôi xem thử chúng ta có phản ánh Đấng mà chúng ta tôn thờ, Đấng mà chúng ta gọi bằng Cha hay không. Hãy cầu nguyện Danh Cha được Thánh và sống đúng theo lời cầu nguyện đó!
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành