Đối Thoại Trong Hôn Nhân (Bài 2)
Có lẽ quý vị đã nhiều lần chứng kiến người thân trong gia đình giận nhau hoặc cãi nhau? Hoặc chính quý vị và người phối ngẫu cũng đã có lần giận nhau và nói những lời làm tổn thương nhau? Có thể nói, hầu hết những nan đề và phiền giận giữa vợ chồng đều phát xuất từ lời nói. Vì những lời nói không thành thật, không ngọt ngào, tử tế; hoặc những lời nói không đúng lúc, đúng chỗ. Cũng có khi chúng ta buồn nhau vì có những lời đáng nói, cần nói mà ta không nói, hoặc những lời không nên nói mà ta đã lỡ nói. Lời nói rất quan trọng trong mối quan hệ giữa chúng ta với người chung quanh, nhất là trong quan hệ vợ chồng, vì thế hôm nay chúng tôi xin chia xẻ cùng quý vị một số nguyên tắc Kinh Thánh dạy về đối thoại.
Ðối thoại là dùng lời nói chia xẻ hay bày tỏ điều ta suy nghĩ, cảm xúc để người nghe hiểu và thông cảm. Một tiến trình đối thoại đầy đủ gồm có ba bước: nói, nghe và hiểu hay thông cảm. Nếu thiếu một trong ba điều đó kể như không có đối thoại hay đối thoại không trọn vẹn. Ví dụ, nếu người vợ có điều muốn nói với chồng nhưng khi nói, chồng không muốn nghe hoặc nghe một cách lơ là, không chú ý nên không thật sự hiểu những gì vợ nói; trong trường hợp đó, đối thoại giữa vợ chồng kể như không có. Hoặc ví dụ người chồng có điều muốn chia xẻ với vợ, khi chồng nói, người vợ yên lặng nghe, nhưng nghe xong đáp lại một câu khiến chồng bị tổn thương, vì người vợ nghe nhưng không hiểu nên không thông cảm với chồng. Trong trường hợp này, đối thoại giữa vợ chồng cũng không tốt đẹp. Lời đối thoại giữa người này với người kia thường gồm ba yếu tố: câu nói, giọng nói và cách nói. Ba yếu tố này phải đi chung với nhau và bổ túc cho nhau thì người nghe mới hiểu đúng điều ta muốn nói.
Chúng tôi xin đề nghị quý vị khi nào có thì giờ, dành vài phút suy nghĩ về cách quý vị đối thoại với người phối ngẫu, xem mình thường nói như thế nào, rõ ràng, vắn tắt, đi thẳng vào vấn đề hay nói cách lờ mờ, loanh quanh, không nói thẳng điều mình muốn nói? Chúng ta cũng cần nhìn xem mình có giọng nói như thế nào, nhỏ nhẹ, từ tốn hay gắt gỏng, lúc nào cũng như là ra lệnh? Cách nói của chúng ta như thế nào, khiêm nhường, trầm tĩnh hay nóng nảy, hống hách? Các bà các cô thường nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào nhưng đằng sau cái nhỏ nhẹ đó có một sức mạnh rất lớn mà các ông phải mềm lòng. Phái nam thì ngược lại, thường nói cách khô khan, cộc cằn, vì thế dễ làm các bà các cô phiền lòng.
Mỗi chúng ta có một cách nói khác nhau, chúng ta cần ghi nhận ưu khuyết điểm trong cách nói của mình, sau đó trao đổi với người bạn đời để cùng học hỏi và giúp nhau sửa đổi hầu có thể đối thoại với nhau cách tốt đẹp hơn. Khi còn là người yêu, chúng ta dễ nói lời ngọt ngào tử tế với nhau, nhưng khi đã nên vợ chồng và sống với nhau một thời gian, có những đụng chạm làm sứt mẻ tình cảm hay vì quen quá hóa nhờn, chúng ta ít nói những lời ngọt ngào tử tế với nhau. Ðây là điều thật đáng tiếc và cần được sửa đổi. Dù đã sống với nhau bao nhiêu năm, dù có điều bất đồng ý kiến và ngay cả khi buồn giận nhau, chúng ta cũng cần cẩn thận khi sử dụng lời nói, vì khi lỡ nói một lời tổn thương nhau, tổn thương đó rất khó bôi xóa đi.
Lời Chúa trong Kinh Thánh cho chúng ta nguyên tắc đối thoại như sau, sứ đồ Gia-cơ viết:
Hỡi anh em yêu dấu, anh em biết điều đó: người nào cũng phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận (Gia-cơ 1:19)
Ðây là nguyên tắc muôn đời về cách đối thoại giữa chúng ta với người chung quanh, đặc biệt là với những người ta thương yêu hơn hết. Nguyên tắc đó là, mau nghe, chậm nói, chậm giận. Trong cách đối thoại hằng ngày hầu hết chúng ta thường làm ngược lại lời Chúa dạy. Chúng ta thường chậm nghe nhưng lại mau nói và mau giận, đó là lý do tại sao đối thoại của chúng ta với người chung quanh gặp nhiều nan đề hoặc là bị bế tắc. Ðể có thể áp dụng nguyên tắc Chúa dạy về đối thoại, chúng ta cần trước hết hiểu rõ nguyên tắc đó là gì.
Nguyên tắc 1: Mau nghe
Trước hết, chúng ta phải mau nghe, nhưng mau nghe nghĩa là gì? Mau nghe là sẵn sàng lắng nghe. Khi vợ hay chồng có điều muốn nói, dù đang bận công việc, chúng ta ngưng công việc và chú ý nghe, đó là mau nghe. Thái độ sẵn sàng chú ý nghe sẽ khiến người nói cảm thấy sung sướng và muốn nói lên tất cả những gì cần nói. Tuy nhiên, mau nghe không phải là yên lặng chờ người kia dứt lời để mình nói, cũng không phải là yên lặng để suy nghĩ những gì mình sẽ nói. Người mau nghe là người thật sự chú ý nghe, không những nghe câu nói, giọng nói mà cũng để ý đến vẻ mặt, giáng điệu, cử chỉ của người đang nói để có thể tiếp thu đầy đủ những gì người đó muốn truyền đạt, nhất là để có thể ghi nhận cảm xúc của người đó. Người mau nghe cũng sẽ nghe với thái độ cởi mở, không thành kiến, không võ đoán những gì mình nghe. Người mau nghe hay chú ý lắng nghe cũng biết đặt câu hỏi để người kia nói thêm, hầu có thể hiểu rõ ràng, chi tiết hơn điều người đó muốn nói. Vì chú ý lắng nghe và nghe cẩn thận, đầy đủ, nên kết quả là người nghe sẽ hiểu và thông cảm với người nói. Mau nghe hay sẵn sàng nghe là bước rất quan trọng trong tiến trình đối thoại.
Nguyên tắc 2: Chậm nói
Kinh Thánh dạy chúng ta không những phải mau nghe mà cũng phải chậm nói. Chậm nói nghĩa là khi cẩn thận khi nói, từ từ suy nghĩ cẩn thận rồi mới nói. Người chậm nói khi nghe điều gì không đáp lại cách vội vàng, cũng không phản ứng ngay về những gì mình nghe. Người chậm nói thường kiên nhẫn nghe đến nơi đến chốn, nghe đầy đủ rồi mới nói. Người mau nghe, chậm nói là người khôn ngoan, ít lầm lỡ trong lời nói và được lòng tin cậy của người chung quanh. Sách Châm Ngôn trong Cựu Ước dạy rằng, người nào hấp tấp, trả lời trước khi nghe là người dại và đáng bị hổ thẹn. Tác giả viết như sau
Trả lời trước khi nghe, ấy là sự điên dại và hổ thẹn cho ai làm vậy (18:13)
Một câu Châm Ngôn khác thì nói:
Con có thấy kẻ hấp tấp trong lời nói mình chăng? Một kẻ ngu muội còn có sự trông cậy hơn hắn (29:20)
Lời dạy này hàm ý rằng người dại khờ còn có hy vọng hơn là người hấp tấp trong lời nói. Hấp tấp trong lời nói là đặc điểm của những người nói mà không suy nghĩ hoặc nghĩ gì nói nấy. Khi chúng ta quá mau, quá vội vàng trong lời nói sẽ không tránh được lời nói thiếu khôn ngoan, thiếu tế nhị, đem lại hiểu lầm và phiền giận cho người nghe. Xin Chúa giúp chúng ta tập tính chậm nói, và không bao giờ nói rằng, tính tôi nói thẳng, nói thật, không thay đổi được. Nếu nói như thế là chúng ta cho mạng lệnh của Chúa không thực tế và chính mình không muốn vâng theo.
Nguyên tắc 3: Chậm giận
Chậm giận có nghĩa là không nổi giận cách nhanh chóng và dễ dàng. Có những người ai nói gì cũng giận, đụng chuyện gì cũng giận; nghe chưa hết hay chưa rõ chuyện đã nổi giận. Ðó là người mau giận và nhạy giận. Tính mau giận rất nguy hiểm, có người đã hay giận lại còn giận lâu và khi giận thường tỏ sự giận dữ qua những hành động thiếu khôn ngoan. Chúa bảo chúng ta phải chậm giận trong lời khuyên phải mau nghe, chậm nói, chậm giận, hàm ý rằng khi trò chuyện với người khác chúng ta cần áp dụng cả ba điều: sẵn sàng lắng nghe, nghe dến nơi đến chốn rồi mới nói, và khi nghe, nếu có điều gì không vừa ý hay không đồng ý cũng đừng bất bình hay tỏ vẻ giận dữ ngay nhưng phải bình tĩnh xét lại vấn đề.
Nếu trong cách ứng xử hằng ngày chúng ta áp dụng được lời dạy ngắn ngủi nhưng rất quan trọng này, tình cảm giữa chúng ta với người chung quanh, mối quan hệ giữa chúng ta với người phối ngẫu sẽ tốt đẹp biết bao. Chúng ta cần nhìn lại chính mình trong cách đối thoại hằng ngày, xem chúng ta có là người mau nghe, chậm nói và chậm giận không. Có lẽ đa số chúng ta đều chưa đạt đến tiêu chuẩn tốt đẹp này, vì vậy, cầu xin Chúa ban tình yêu và sự sống mới của Chúa cho chúng ta, giúp chúng ta bỏ đi con người cũ hầu có thể yêu người khác như chính mình, xem người khác tôn trọng hơn chính mình để có thể thật sự thực hành lời Chúa dạy: mau nghe, chậm nói và chậm giận.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành