Ma-ri Bên Thập Giá
Trong Mùa Thương Khó và Phục Sinh, kỷ niệm cái chết của Chúa Giê-xu và sự sống lại của Ngài, chúng tôi xin dựa vào những chi tiết các sách Phúc Âm trong Thánh Kinh Tân Ước ghi lại, trình bày một vài điều về mối quan hệ giữa Chúa Giê-xu và bà Ma-ri, người mẹ về phần xác của Chúa, đặc biệt nhìn vào những niềm đau mà bà Ma-ri phải trải qua trong vai trò Ðức Chúa Trời đã chọn để trao cho bà.
Theo Phúc âm Lu-ca chương 2, khi ông Giô-sép và bà Ma-ri đem Chúa Giê-xu lên đền thờ để dâng cho Ðức Chúa Trời, theo lễ nghi Do thái giáo, cụ Si-mê-ôn có mặt trong đền thờ lúc đó đã bế Chúa Hài Ðồng lên và tôn vinh Ðức Chúa Trời. Với bà Ma-ri, cụ Si-mê-ôn nói:
“Còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi” (Lu-ca 2:35).
Ðây là lời nói trước về những đớn đau bà Ma-ri phải chịu trong vai trò người mẹ về phần xác của Chúa Cứu Thế, và lời tiên tri đó đã thành sự thật nhiều lần trong cuộc đời bà. Ngoài những đau buồn, tai tiếng bà phải chịu vì bằng lòng mang thai Chúa Giê-xu khi chưa thành hôn với ông Giô-sép, khi Chúa lớn lên, và nhất là khi Ngài bắt đầu chức vụ, bà Ma-ri đã nhiều lần chấp nhận những đau đớn về tinh thần, chẳng khác gì mũi gươm đâm vào trái tim bà.
Theo Phúc Âm Lu-ca 2:41-50, năm Chúa Giê-xu mười hai tuổi, Ngài đi với cha mẹ lên đền thờ Giê-ru-sa-lem. Lúc cha mẹ ra về, Chúa ở lại đền thờ mà ông bà không biết. Sau mấy ngày đường, ông bà mới hay là đã lạc mất con nên quay trở lại đền thờ tìm. Khi thấy Chúa Giê-xu ngồi nói chuyện với các nhà lãnh đạo tôn giáo, bà Ma-ri có ý trách Ngài, nói:
“Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”
Nhưng Chúa Giê-xu trả lời:
“Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”
Thánh Kinh cho biết, ông Giô-sép và bà Ma-ri không hiểu lời Chúa nói và có lẽ bà Ma-ri cũng rất đau lòng về câu trả lời đó.
Một lần khác, bà Ma-ri được nhắc rằng bà không có phần trong chức vụ của Chúa Giê-xu. Ðó là tại tiệc cưới ở làng Ca-na, khi người ta bị thiếu rượu, bà nói cho Chúa Giê-xu biết và hàm ý muốn Ngài ra tay giúp, nhưng Chúa Giê-xu trả lời: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Một lần nữa, lời nói của Chúa Giê-xu khiến bà Ma-ri sửng sốt và đau lòng, nó nhắc bà nhớ rằng Chúa Giê-xu không phải là con của bà như những người con khác. Chi tiết này được ghi trong Phúc Âm Giăng 2:1-4.
Một lần khác nữa, Chúa Giê-xu lại nhắc cho bà Ma-ri nhớ rằng, mối quan hệ giữa Ngài với bà không quan trọng bằng mối quan hệ giữa Ngài với những người làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời. Phúc âm Mác chương 3:20-21, 31-35 ghi rằng, một ngày nọ Chúa Giê-xu đang giảng dạy và chữa bệnh thì bà Ma-ri và các em Chúa đi tìm Ngài. Bà Ma-ri đi tìm Chúa vì nghe rằng có quá nhiều người đi theo Chúa để nghe Ngài giảng dạy và chữa bệnh. Chúa lo cho họ suốt ngày đến nỗi không có thì giờ nghỉ ngơi, ăn uống. Những điều đó khiến bà Ma-ri lo lắng nên bà và các em Chúa đi tìm Ngài, có lẽ để đem Chúa về nhà chăm sóc và buộc Chúa phải nghỉ ngơi. Việc bà Ma-ri lo lắng chăm sóc cho Chúa Giê-xu là điều tự nhiên, vì bà là mẹ của Chúa. Bà sợ Chúa làm việc quá nhiều sẽ hại đến sức khoẻ. Có lẽ bà thấy cần đem Chúa ra khỏi sự ngưỡng mộ quá đáng của đám đông ngày hôm đó.
Khi đến chỗ Chúa Giê-xu đang giảng dạy, vì quá đông người, bà Ma-ri và các em Chúa không vào được nên nhờ người nhắn với Chúa rằng có mẹ và các em đi tìm Ngài. Họ nghĩ rằng khi nghe có mẹ và các em đi tìm chắc Chúa sẽ ngưng mọi việc để gặp gia đình. Nhưng trái lại, Chúa đã quở trách người thân của Ngài một cách gián tiếp và nhẹ nhàng. Chúa hỏi đám đông: “Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi?” Rồi Ngài rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi! Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em tôi, là mẹ tôi.” Khi nói như thế Chúa Giê-xu hàm ý rằng, người có quan hệ gần gũi với Chúa không phải là người có quan hệ ruột thịt với Ngài nhưng là người đặt đức tin nơi Chúa, tin vào chức vụ mà Ðức Chúa Cha đã giao thác cho Ngài và vâng theo lời Ngài phán dạy. Làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời là điều kiện để có mối quan hệ thân mật, gần gũi với Chúa Giê-xu.
Từ đó, khoảng cách giữa Chúa Giê-xu và bà Ma-ri càng rộng lớn hơn, mang lại đau đớn cho bà chẳng khác nào một thanh gươm đâm thấu vào lòng bà, như lời cụ Si-mê-ôn đã nói trước. Trải qua bao nhiêu thế hệ, bà Ma-ri được gọi là người có phước, nhưng cùng với ơn phước đó, bà phải uống trọn chén đau thương mà Ðức Chúa Trời dành cho bà.
So với tất cả những đau đớn mà bà Ma-ri phải chịu trong cuộc đời, niềm đau sâu đậm nhất, lớn lao nhất là khi bà đứng bên chân cây thập tự, lúc Chúa Giê-xu chịu đóng đinh. Trong khi các môn đệ thân tín nhất của Chúa đã bỏ Ngài chạy trốn, bà Ma-ri đứng đó chứng kiến Người Con yêu dấu bị xúc phạm, hành hạ và cuối cùng, chết một cách vô cùng đau đớn. Bà đứng bên chân cây thập tự, đau lòng khi nghe những lời phạm thượng của các thầy tế lễ; lời chế nhạo, mắng nhiếc của dân chúng và bọn lính. Thật là những thanh gươm đâm thấu vào trái tim của Ma-ri. Có người đã nói, nếu đồi Gô-gô-tha là vương miện khổ nhục của Chúa Giê-xu thì đó cũng là vương miện đau đớn của bà Ma-ri. Sách Phúc Âm Giăng chương 19 ghi như sau:
“Tại một bên thập tự giá của Ðức Chúa Giê-xu có mẹ Ngài đứng đó, với chị mẹ Ngài là Ma-ri, vợ Cơ-lê-ô-ba và Ma-ri Ma-đơ-len nữa. Ðức Chúa Giê-xu thấy mẹ mình và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: “Thưa bà, đây là con của bà!” Ðoạn Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: “Ðó là mẹ ngươi!” Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước bà về nhà mình” (c. 25-27).
Những người đàn bà khác ngồi bên chân cây thập tự, theo dõi mọi việc xảy ra, có người đấm ngực khóc than. Nhưng bà Ma-ri đứng đó, với trái tim tan nát, yên lặng nhìn lên Chúa Giê-xu, cùng đau niềm đau mà Ngài đang gánh chịu. Trong ý định toàn hảo của Ðức Chúa Trời, bà Ma-ri phải đứng bên chân Chúa Giê-xu, chứng kiến giây phút cuối cùng của Ngài trên trần gian để được Ngài chúc phước, và để tiếp nhận tình thương yêu Ngài bày tỏ với bà một lần cuối. Những lần khác, khi đối diện Chúa Giê-xu, Ma-ri nói lên cảm nghĩ của bà, nhưng lần này trước cái chết đớn đau của Chúa, bà chỉ yên lặng. Những người chung quanh, dù thương bà Ma-ri bao nhiêu, cũng không thể nào hiểu được niềm đau trong tâm hồn bà lúc đó. Trước khổ nạn quá đau đớn và lớn lao của Người Con yêu dấu, bà Ma-ri đã không thốt nên lời. Thật là một hình ảnh đau thương.
Cũng trong lúc đó, Chúa Giê-xu từ cây thập tự nhìn xuống, nhận ra người đã được chọn để đem Ngài vào trần gian, Chúa nghĩ đến mối quan hệ của Ngài với người mẹ phần xác, là quan hệ mà trong thời gian thi hành chức vụ Ngài đã đặt vào hàng thứ yếu. Trong giây phút đau đớn cuối cùng trên trần gian, Chúa Giê-xu đã nghĩ đến bà Ma-ri, nghĩ đến những năm tháng cô đơn của bà trong tuổi già và Ngài đã gởi gắm bà cho ông Giăng, môn đệ thân tín nhất của Ngài. Lời nhắn nhủ cuối cùng của Chúa Giê-xu với bà Ma-ri nói lên tình thương yêu và lòng quan tâm Ngài dành cho bà.
Khi thiên sứ hiện ra với trinh nữ Ma-ri tại làng Na-xa-rét, báo tin nàng là người được ơn Thiên Chúa, được Ngài chọn để đem Con của Chúa vào trần gian, cuộc đời bà Ma-ri đã thay đổi, với nhiều lo buồn hơn là vui sướng. Bao nhiêu lần bà phải chứng kiến và chấp nhận đau đớn xảy đến cho Chúa Giê-xu và cho chính bà. Trong tất cả những đau đớn đó, bà Ma-ri đã âm thầm chịu đựng, không một lời than. Và chính nhờ tinh thần nhẫn nhục chịu đựng đó, bà đã hoàn thành sứ mạng cao quý mà Ðức Chúa Trời giao thác cho bà.
Trong mùa Thương Khó và Phục Sinh năm nay, chúng ta hãy noi gương bà Ma-ri, yên lặng và nhẫn nhục chịu đựng gian khổ trong con đường theo Chúa, để làm trọn công việc Chúa giao. Nhưng quan trọng hơn, kính mời quý vị đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ðấng đã từ trời đến, để mang tội lỗi của chúng ta, gánh chịu hình phạt thay cho chúng ta trên thập tự giá, để chúng ta được tha thứ tội và được sự sống đời đời. Chúa Giê-xu là Ðức Chúa Trời, đã đến trần gian trong thân xác con người, Ngài đã hy sinh, chịu chết trên thập tự giá để làm cái gạch nối, làm chiếc cầu để chúng ta qua đó có thể đến với Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là Con Ðường duy nhất, là Ðấng duy nhất nối liền và giải hòa con người với Ðức Chúa Cha. Sứ đồ Phao-lô viết về chân lý này như sau:
Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Ki-tô Giê-xu, Ðấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người (Thư I Ti-mô-thê 2:5)
Chúng tôi ước mong Phục Sinh năm nay quý vị sẽ tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu để có một mùa Phục Sinh ý nghĩa, vì có Chúa Phục Sinh ngự trị trong cuộc đời.
Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành