Mùa Xuân Trong Mùa Hạ
Có một bài học thuộc lòng tôi học từ nhỏ mà mỗi năm khi mùa hè đến lại vang lên trong tâm trí tôi khi thấy các em học sinh bắt đầu nghỉ hè:
Sung sướng quá giờ cuối cùng đã hết,
Ðoàn trai non hớn hở rủ nhau về.
Chín mươi ngày nhảy nhót ở đồng quê,
Ôi tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ!
Mùa Xuân trong mùa Hạ là điều ai cũng thích. Dĩ nhiên chúng ta cần có đủ bốn mùa, nhưng cái tươi đẹp, mát mẻ của Mùa Xuân là những gì đem lại thích thú cho đời sống và giúp chúng ta chẳng những vui sống nhưng cũng như kinh nghiệm được sức sống của mùa Xuân. Mùa Xuân trong mùa Hạ cho thấy một tình trạng tâm lý của con người. Mùa Hạ vẫn là mùa Hạ, vẫn nóng nực khó chịu, nhưng đối với các em học sinh được thảnh thơi rong chơi suốt ba tháng thì những ngày hè nầy thật là một mùa Xuân tươi đẹp. Vấn đề vì vậy đến từ tâm hồn của chúng ta: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Nóng nực, khó chịu, nhưng được nghỉ ngơi, chơi đùa, trong lòng có điều vui vẻ thích thú thì cuộc đời bao giờ cũng là mùa Xuân. Vấn đề nội tâm hay con người bên trong vì vậy là yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống. Vấn đề nội tâm chi phối và ảnh hưởng mọi khía cạnh khác của đời sống.
Quý vị đang nghe câu chuyện Phúc Âm và trong câu chuyện nầy, chúng tôi muốn nói đến vấn đề nội tâm đó. Ðây là vấn đề niềm tin, hướng đi của đời sống. Khi chọn một niềm tin, một hướng đi cho đời sống, đời sống của chúng ta sẽ được hướng dẫn theo niềm tin đó. Ðiều khiến cho chúng ta vui sống, hăng hái sống không phải là những gì ta có hay ta sở hữu nhưng là mục đích của đời sống? Chúng ta sống ở đời nầy cho ai? Sống để làm gì? Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy để ban cho chúng ta ý nghĩa của đời sống vì Chúa phán: Ta đã đến hầu cho chiên được sống và được sống sung mãn. Cuộc sống có ý nghĩa khi chúng ta có một cái gì trông mong và hướng về như các em học sinh có 90 ngày nhảy nhót ở đồng quê. Và chính trong cái chờ đợi đó mà các em thấy cả một mùa Xuân trong Mùa Hạ.
Quý vị có điều gì để trông mong và hướng về không? Niềm tin của quý vị đặt nơi đâu? Ước vọng của nhiều người chúng ta là muốn kinh nghiệm một mùa Xuân trong Mùa Hạ. Nhưng làm sao có được kinh nghiệm nầy khi tuổi học trò đã qua, khi không còn có đến một ngày nói gì đến 90 ngày nhảy nhót ở đồng quê?
Phúc Âm ghi lại câu chuyện về một thiếu phụ ra giếng múc nước vào một buổi trưa và gặp Chúa Giê-xu tại đó. Hình ảnh giếng nước và buổi trưa thật thích hợp với chúng ta trong những ngày hè nóng nực nầy. Người ra giếng múc nước là để có nước uống, nhưng Chúa Giê-xu đã nói với thiếu phụ nầy những lời như sau:
Ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi, nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 4:13-14)
Thiếu phụ nầy ra giếng múc nước nhưng Chúa Giê-xu cho biết nước đó không làm cho đã khát và Chúa hứa ban một thức uống không bao giờ khát nữa. Thiếu phụ muốn có thức uống đó ngay nhưng bà chỉ nghĩ đến nước uống trong phạm vi vật chất, bà xin Chúa nước để không còn phải ra giếng múc nữa. Nhưng Chúa Giê-xu cho bà ta thấy rằng thứ nước uống bà cần đó là nước hằng sống, nước tâm linh. Nhiều người ngày nay nghĩ rằng nếu mình có đầy đủ của cải vật chất mình sẽ thỏa mãn và vui sống, nhưng thực tế cho thấy một điều trái ngược. Hoa Kỳ là nơi có đầy đủ nhất thế giới nhưng không phải vì vậy mà con người ở đây hạnh phúc hoàn toàn. Ðiều đem lại an vui, thỏa mãn cho con người là sự an vui, thanh thản của tâm hồn do nước hằng sống đem lại. Chúa Giê-xu cho thiếu phụ người Sa-ma-ri biết về nước hằng sống, nước trở thành một mạch nước trong tâm hồn, đem lại sự sống vĩnh hằng, tức là một đời sống có ý nghĩa trên cõi đời nầy và đảm bảo cho một cuộc sống phước hạnh ở đời sau.
Vì đây là thứ nước thiêng liêng nên điều kiện để tiếp nhận nước nầy là con đường đức tin. Ðức tin đó bắt đầu từ chỗ ăn năn tội lỗi. Chính vì vậy mà sau khi thiếu phụ xin nước hằng sống, Chúa Giê-xu bảo bà ta hãy về nhà và gọi chồng trở ra gặp Chúa. Ðây là cách Chúa Giê-xu dùng để cho bà thấy tình trạng tội lỗi của mình vì như lời Chúa nói, người nầy đã có năm đời chồng và người mà bà đang chung sống cũng chẳng phải là chồng của bà. Sau ý thức về tội lỗi và con người thật của mình, Chúa Giê-xu cho bà biết bà cần phải tôn thờ Thiên Chúa bằng tâm linh và trong chân lý. Nói khác đi, điều duy nhất mà người nầy cũng như mỗi người trên thế giới cần làm là ý thức tình trạng tội lỗi của mình và tôn thờ Thiên Chúa là chân thần duy nhất vì chính Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta và cũng chính Thiên Chúa đã cứu rỗi chúng ta qua cái chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Tâm hồn trẻ con, thấy tất cả mùa Xuân trong mùa Hạ trong ba tháng hè có lẽ không còn trong chúng ta. Nhưng chúng ta vẫn có thể kinh nghiệm mùa Xuân trong mùa Hạ khi đặt lòng tin nơi Chúa Giê-xu là Ðấng hứa ban cho chúng ta nước hằng sống khi chúng ta đến với Ngài. Chúa Giê-xu phán: Ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi, nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời. Chúng tôi mời quý vị đến với Chúa Giê-xu hôm nay để kinh nghiệm nước hằng sống của Chúa và một lần nữa kinh nghiệm mùa Xuân trong mùa Hạ. Ðây không phải là một tình trạng tâm lý hay chỉ là ước vọng nhưng là một thực tế mà những người đến với Chúa Giê-xu đều đã kinh nghiệm khi đáp ứng lại tiếng gọi của Ngài. Ðức Chúa Giê-xu phán:
Ai uống nước nầy vẫn còn khát mãi, nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời (Phúc Âm Giăng 4:13-14)
Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành